Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Việc hoạch định và thực hiện chính sách giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2012-2020c

Ngày phát hành: 18/10/2022 Lượt xem 1775


 

I. Bối cảnh

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại: Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm tốc kể từ Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và đặc biệt tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Cụ thể, mức tăng trung bình giai đoạn 1995-2007 là 3,57%, cao hơn đáng kể so với 3,17% của giai đoạn 2010-2019. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã và đang giảm dần. Tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo các hệ lụy đối với công tác giảm nghèo và an sinh xã hội (UNDP, 2022).

 

Tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số: Trí tuệ nhân tạo, kinh tế chia sẻ, điện toán đám mây, thương mại dựa trên các nền tảng số, in 3D, năng lượng mặt trời, vv, mang lại nhiều tiện ích cho con người. Tuy nhiên, nó cũng phá vỡ các phương thức kinh doanh truyền thống và làm thay đổi cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Cụ thể, tự động hóa làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Giảm nghèo bền vững nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong giai đoạn tới không chỉ dựa vào phương thức công nghiệp hóa theo cách truyền thống mà phải liên kết nhiều hơn với những ngành kinh tế mới đang phát triển nhanh nhóng trong kỷ nguyên số.

 

Biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức và hệ lụy lâu dài: Liên hợp quốc đã cảnh báo về “điểm không thể đảo ngược” đối với biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai. Nếu không giải quyết được thách thức này, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục chậm lại. Do đó, sinh kế cũng như điều kiện sinh sống của nhóm yếu thế bị ảnh hưởng mạnh nhất. Ngoài ra, một loạt các cuộc khủng hoảng mới xuất hiện, như hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang ở châu Âu, giá năng lượng và lương thực tăng vọt, chủ nghĩa bảo hộ và bất ổn chính trị, vv, đang làm giảm tốc độ phát triển kinh tế, tác động tiêu cực đến nhóm yếu thế, ảnh hưởng lớn đến tốc độ giảm nghèo.

 

Đại dịch COVID-19 kéo dài có tác động mạnh trên phạm vi toàn cầu: Tác động của đại dịch COVID-19 rất lớn cả về y tế và kinh tế. 73,3% số hộ gia đình Việt Nam đã bị giảm thu nhập đầu người (PCI) và hàng chục triệu người rơi vào tình trạng nghèo thu nhập tạm thời (UNDP-GSO, 2021). Nếu không có giải pháp hiệu quả kịp thời, số người này sẽ rơi vào nghèo kinh niên. Bất bình đẳng cũng gia tăng đáng kể, đặc biệt đối với nhóm lao động ít kỹ năng và phi chính thức. Theo Báo cáo Phát triển Con người 2022 của Liên hợp quốc, hơn 90% các quốc gia đã ghi nhận mức giảm điểm của Chỉ số Phát triển Con người (HDI) vào năm 2020 hoặc 2021 và hơn 40% đã giảm trong cả hai năm, báo hiệu cuộc khủng hoảng vẫn tác động sâu sắc đối với nhiều người.

 

UNDP đánh giá cao các nội dung của Nghị quyết 15-NQ/TƯ về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết 15-NQ/TƯ). Đặc biệt trong đó đã chỉ rõ các hạn chế, yếu kém kéo dài và chậm khắc phục trong lĩnh vực giảm nghèo. Cụ thể, “tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Mức trợ cấp trợ giúp xã hội thấp. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết quả phổ cập giáo dục ở nhiều huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm; vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tỉ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiếm y tế còn thấp. Đời sống của một bộ phận người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản. Chênh lệch các chỉ số về an sinh xã hội giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước còn lớn”.

 

II. Lý luận

Trên nền tảng tư tưởng phát triển xã hội Việt Nam theo cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Điều 34, Hiến pháp quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Nghị quyết 15-NQ/TƯ đưa ra quan điểm, “hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng; Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh”. Như vậy, cả hiến pháp và quan điểm của Đảng đều nhất quán về bảo đảm quyền an sinh cho mọi người dân và Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm an sinh cho mọi người dân (social security for all) – ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’.

 

Khung lý thuyết của Nghị quyết 15-NQ/TƯ được thiết kế đa tầng. Ngoài chính sách người có công, hệ thống ASXH có bốn trụ cột, gồm: (1) Thị trường lao động, việc làm và giảm nghèo - Tạo thu nhập chủ động; (2) Bảo hiểm xã hội- Phòng ngừa; (3) Trợ giúp xã hội - Cung cấp/bảo trợ xã hội, và (4) Dịch vụ xã hội cơ bản - Mạng lưới dịch vụ xuyên suốt. Như vậy, hệ thống ASXH của Việt Nam có ba tầng. Tầng một - khuyến khích mọi người dân tham gia lao động, tạo ra thu nhập, của cải để nuỗi dưỡng bản thân và gia đình, góp phần phát triển xã hội chung. Tầng hai - là tầng phòng ngừa trong trường hợp người dân rời khỏi tầng một (hết thời gian lao động hoặc bị tai nạn, khuyết tật không thể tiếp tục lao động) sẽ được tầng này bảo vệ. Tầng ba là tầng lưới cuối cùng bảo vệ người dân khi rơi khỏi tầng một và hai. Nhìn vào khung lý thuyết này ta thấy, mỗi người dân được bảo vệ bởi nhiều tấm lưới an sinh và chính sách giảm nghèo của Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với việc làm, tạo thu nhập.

 

Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011-2020 (Nghị quyết 80/NQ) đưa ra quan điểm “thực hiện mục tiêu giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; đồng thời thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết”. Đặc biệt trong Nghị quyết 80/NQ đã chuyển toàn bộ các chính sách giảm nghèo chung như Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; Hỗ trợ về y tế và dinh dưỡng; Hỗ trợ giáo dục; Hỗ trợ nhà ở; Hỗ trợ tín dụng; Hỗ trợ tư pháp, vv, trở thành chính sách và nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương. Thay vì hệ thống chính sách này nằm trong một chương trình mục tiêu quốc gia như giai đoạn trước (chính sách nằm trong chương trình).

 

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ từ những năm 1990. Một trong những chuyển đổi quan trọng nhất là hiện nay một nửa số người lao động trở thành người làm công ăn lương (nông dân thành công nhân). Vào đầu những năm 1990, hầu hết mọi người đều tự làm cho mình hoặc cho gia đình mình (dữ liệu của ILO từ đầu năm 1996). Đến nay, một nửa số người lao động là người làm thuê cho người khác, cho dù làm thuê cho chính phủ hay công ty tư nhân. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xóa đói giảm nghèo và bảo trợ xã hội. Trong những năm 1980, giảm nghèo chủ yếu dựa vào tăng năng suất canh tác nông nghiệp, khi hầu hết người lao động là nông dân. Tuy nhiên, hiện nay giảm nghèo phụ thuộc vào việc làm tốt với mức lương cao. Ngoài ra, cung cấp trợ giúp xã hội cho những người bị mất việc hoặc vì lý do nào đó (sức khỏe hoặc trách nhiệm gia đình hoặc tuổi già hoặc chăm sóc con cái) mà không thể làm việc, tạm thời hoặc vĩnh viễn đóng góp quan trọng cho công cuộc giảm nghèo.

Và cuối cùng đó là về mức thu nhập thực tế mà người làm công ăn lương được hưởng. Xin lưu ý rằng tiền lương thực tế được dùng cho các chi phí sinh hoạt. Vì vậy, giữ chỉ số giá ổn định giúp bảo đảm giá trị tiền lương thực tế không giảm. Nhưng tiền lương cũng cần phải tăng. Các quy định về tiền lương tối thiểu và các điều kiện làm việc có ý nghĩa quan trọng đối với một quốc gia mà một nửa lực lượng lao động là người làm công ăn lương.

 

 

III. Thực tiễn

Từ quan điểm lý luận trên, dưới đây là những thành tựu và hạn chế trong quá trình triển khai chính sách giảm nghèo trong giai đoạn 2012-2020.

 

1. Thành tựu

Chính sách giảm nghèo của Việt nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, vượt Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tình trạng nghèo cùng cực (dưới 1,9 đô la Mỹ một người một ngày, sức mua tương đương 2011) giảm mạnh từ 49.2% năm 1992 xuống còn 5.2% năm 2020, và 9.35% năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều mới.

 

Đặc biệt, Việt Nam là nước tiên phong trong áp dụng chuẩn nghèo đa chiều trong khu vực từ năm 2015. Chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam được áp dụng cho cả ba mục đích, gồm (i) xác định đối tượng, (ii) theo dõi nghèo và (iii) xây dựng thực hiện chính sách. Hơn nữa, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đã được điều chỉnh tiệm cận mức sống tối thiểu, giúp thêm 10 triệu người đủ điều kiện thụ hưởng các chính sách và chương trình hỗ trợ nghèo đa chiều của Chính phủ. Đây là các giải pháp quan trọng và kịp thời trong bối cảnh dịch Covid 19 đã đẩy hàng triệu hộ gia đình dễ bị tổn thương trở lại tình trạng nghèo đói. Chuẩn nghèo đa chiều mới giúp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam để trở thành một nước có thu nhập trung bình cao.

 

Báo cáo đầu tiên về Nghèo đa chiều ở Việt Nam (2018) do UNDP và Bộ LĐTXH xây dựng cho thấy tỷ lệ nghèo, bất kể sử dụng phương pháp đo lường nào, đều giảm trong giai đoạn 2012-2016. Tương tự, báo cáo Nghèo đa chiều ở Việt Nam (2021) cũng cho thấy tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 giảm dần đều với chiều về thu nhập và các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản (Chi tiết xem Hình 1 dưới đây).

 

 

 

Nguồn: UNDP-GSO-MOLISA, 2021.

 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong giai đoạn 2010-2020: “Đây là thập kỷ chứng kiến mức tăng trưởng cao, thành tựu lớn về giảm nghèo, các hộ gia đình có xu hướng chuyển dịch sang trình độ học vấn cao hơn và người dân chuyển sang công việc phi nông nghiệp nhiều hơn. Mức lương cao hơn và việc tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp hơn đã cơ bản góp phần nâng cao mức sống, đem lại cơ hội kinh tế tốt hơn cho đông đảo dân số trẻ tham gia vào lực lượng lao động. Mặc dù vậy, tỷ lệ nghèo ở các hộ nông thôn, hộ dân tộc thiểu số và hộ thuần nông vẫn cao hơn đáng kể” (WB, Từ chặng đường cuối đến chặng đường tiếp theo, 2022).

Để có được kết quả trên là do:

 

Thứ nhất, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo chung được giao thành nhiệm vụ thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành và địa phương, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua hai giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 (Bộ LĐTXH, 2021).

 

Thứ 2, nền kinh tế của Việt Nam đã tạo được nhiều việc làm cho nhiều người, trong đó có người nghèo. Chính yếu tố có việc làm - mặc dù phần lớn việc làm trong khu vực phi chính thức - bán hàng rong, xe ôm, phu hồ, vv, nhưng đã tạo thu nhập cho phần lớn người dân, giúp họ vượt qua chuẩn nghèo (UNDP, 2021).

 

Thứ 3, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và sự phát triển của điện thoại di động và mạng viễn thông đã giúp cho nhiều người nghèo được chăm sóc y tế và tạo sinh kế có mức thu nhập tốt hơn (UNDP, 2022).

 

Thứ 4, Việt Nam có hệ thống trợ cấp hàng tháng cho các nhóm yếu thế - mặc dù mức hỗ trợ và diện bao phủ còn rất thấp, nhưng đã giảm phần nào gánh nặng cho 3,13 triệu người (khoảng 3% dân số), giải phóng sức lao động và tạo thu nhập cho hàng chục triệu người (Bộ LĐTBXH, 2022).

 

2. Hạn chế

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng tình trạng tái nghèo và tình trạng dễ tổn thương vẫn còn cao. Số liệu cho thấy, trong giai đoạn 2012-2016, có 6,7% dân số ở mức “nghèo”, 2,6% rơi vào cảnh nghèo năm 2016 (UNDP, 2018). Khi được hỏi tại sao vấn đề nghèo là mối quan tâm chính, nhiều người tỏ ra lo ngại về khả năng tái nghèo, nhưng còn có nhiều người hơn cho rằng tình trạng nghèo là lực cản chung đối với nền kinh tế và làm giảm uy tín quốc gia (dựa trên số liệu của UNDP PAPI 2018).

 

Tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhưng năng suất lao động và thu nhập rất thấp. Nhiều người lao động có năng suất lao động và thu nhập thấp, khoảng 47% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Phần lớn lao động có thu nhập trung bình tiếp tục làm nông nghiệp và xây dựng thường là lao động thủ công phản ánh tình trạng họ không phải là “tầng lớp trung lưu” và không được đảm bảo an sinh. Thực tế, trong năm 2013 có khoảng 62% dân số là lao động dễ bị tổn thương, bao gồm nhiều người di cư nội địa tạm thời, đặc biệt là khi họ được xếp loại là người dân tạm trú. Nhóm dân số này chiếm tỷ lệ lớn, nhưng đang chưa được chính sách của Chính phủ bao phủ (missing in the middle) (Stephen Kid, 2016). Đồng thời, “những nhóm này đang phải đối mặt với thách thức dài hạn do vốn nhân lực thấp hơn, chất lượng dịch vụ công ở địa phương thấp hơn, khoảng cách tiếp cận tới các cơ hội kinh tế xa hơn, và cơ hội tiếp cận với tài chính và đào tạo cũng ít hơn” (WB, 2022).

 

Diện bao phủ và mức độ trợ cấp xã hội thấp: Đến này, có khoảng 3,13 triệu người (khoảng 3% dân số) được hưởng trợ cấp xã hội được cho là khá hẹp (Bộ LĐTBXH, 2021). Kể từ tháng 1/2015, mức chuẩn hưởng trợ cấp cho các nhóm đối tượng trợ cấp xã hội là 270.000 VNĐ/tháng và từ 6/2021, mức chuẩn là 360.000VNĐ/tháng, mặc dù có một số nhóm đối tượng được hưởng mức cao hơn, tính theo hệ số phụ thuộc vào mức độ khó khăn (tương đương 34% so với chuẩn nghèo cũ; 18% chuẩn nghèo mới ở nông thôn; 14% chuẩn nghèo mới ở thành thị). Nếu cộng thêm mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thì giá trị thực của trợ cấp xã hội thậm chí còn giảm. Với diện bao phủ và mức độ trợ cấp xã hội như vậy, phần lớn nhóm người yếu thế thuộc hộ nghèo hoặc dễ rơi vào nghèo đói trước các cụ sốc, như Covid-19. Theo WB, “nhiều hộ gia đình nghèo được hưởng lợi qua hỗ trợ bằng tiền mặt, qua đó giảm tỷ lệ nghèo thêm 1,05 điểm phần trăm, còn trợ giá điện giúp giảm nghèo thêm 0,15 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tiền thuế, đóng góp bằng tiền lương, cụ thể là thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, đóng góp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, cho thấy mức phúc lợi mà người nghèo nhận được thấp hơn số họ nộp cho hệ thống tài khóa” (WB, 2022).

 

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo còn nhiều bất cập. Nếu hiểu CTMT chỉ là một cơ chế cung cấp thêm nguồn lực cho các địa phương nghèo (thiếu nguồn lực) để đạt các mục tiêu ưu tiên PTKTXH thì không đủ. Vì việc bù thêm nguồn lực hoàn toàn có thể được thực hiện thông qua công thức phân bổ ngân sách hàng năm cho các tỉnh mà không cần có các CTMT. Thực tế tại nhiều địa phương khi các xã được CTMTQG hỗ trợ, thì các nguồn lực khác các địa phương sẽ được phân bổ cho các xã không thuộc CTMTQG hỗ trợ. Như vậy, các xã nghèo không thể đủ nguồn lực tăng tốc giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách. Để thực hiện được nguyên tắc giá trị gia tăng của CTMT, đến nay cần phải có những chương trình vùng, kết nối vùng kém phát triển với vùng phát triển để tạo công ăn việc làm ở mọi nơi cho người nghèo.

 

Hệ thống giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập, đặc biệt đối với người nghèo. Khi nói đến phổ thông nghĩa là cho mọi người. Nên chúng ta phải có cơ chế để bảo đảm mọi người được tiếp cận (affordable to all). Tuy nhiên, hệ thống trường công trong hệ phổ thông đang thiếu trầm trọng, đặc biệt ở các thành phố lớn (chỉ đáp ứng được khoảng 50% học sinh phổ thông, đặc biệt cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học). Trong khi chi phí học ở hệ thống trường tư là ngoài khả năng của học sinh nghèo. Thực tế cho thấy, miễn giảm học phí chỉ là một phần nhỏ trong khoản chi phí cho giáo dục. Các khoản chi phí khác như tiền ăn, sách giáo khoa, học thêm chiếm tỷ trọng khá lớn.

 

IV. Đề xuất

Để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình”; bảo đảm quyền an sinh xã hội cho mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau, chúng tôi đề xuất các giải pháp sau:

 

Thúc đẩy việc làm năng suất cao, chuyển dịch từ lao động phi chính thức sang chính thức. Tạo việc làm năng suất cao đã được chứng minh là hướng giảm nghèo bền vững, giảm mức độ dễ bị tổn thương và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng công nghệ mới, bền vững hơn để đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này cần Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách thị trường lao động tích cực là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Chính sách này phải thúc đẩy chuyển dịch người lao động từ phi chính thức sang chính thức để họ được bảo vệ bởi hệ thống bảo hiểm, nâng cao năng lực, năng suất lao động thích ứng tốt hơn với bối cảnh trong nước và toàn cầu thay đổi nhanh chóng.  

 

Mở rộng diện bao phủ theo hướng phổ quát và nâng mức bảo trợ xã hội tiệm cận mức sống tối thiểu. Thực hiện triệt để Đề án Đổi mới và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam, trong đó tập trung tiếp tục mở rộng diện bao phủ theo hướng phổ quát cho các nhóm yếu thế (trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi (hạ độ tuổi được hưởng), người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, vv); tăng mức hỗ trợ tiệm cần dần với mức sống tối thiểu/chuẩn nghèo. Ví dụ, định mức chi cho chính sách bảo trợ xã hội của các nước láng giềng với mức độ phát triển kinh tế tương tự như Việt Nam là 4% GDP/năm (thay vì 0,17% GDP như báo cáo của Bộ LĐTBXH và 0,31% GDP/năm theo Bộ Tài chính như ở Việt Nam).

 

Triển khai cơ chế tự động kích hoạt hỗ trợ khẩn cấp thành hỗ trợ thường xuyên cho mọi người trong ứng phó với các cú sốc lớn. Chuyển đổi các chương trình chuyển tiền khẩn cấp hiện đang dựa trên các rủi ro đặc trưng cá nhân/đơn lẻ thành các chương trình đáp ứng các rủi ro ảnh hưởng đến quy mô dân số lớn, ví dụ như thiên tai, đại dịch và khủng hoảng kinh tế. Điều này có thể được thực hiện bằng cách xây dựng và áp dụng các cơ chế tự động kích hoạt (i) dựa trên các tiêu chí rõ ràng về tình trạng thiệt hại khẩn cấp quy mô lớn (dựa trên mức độ tác động của thiên tai, đại dịch và khủng hoảng kinh tế quy mô lớn đối với số lượng lớn người dân) và (ii) cho phép áp dụng tự động tăng mức độ bao phủ và mức trợ đối với các nhóm dễ bị tổn thương của các chương trình hỗ trợ tiền mặt thường xuyên khi tình hình đạt các tiêu chí nói trên, cũng như bất kỳ đối tượng khác mà chính quyền cấp xã/phường xác định là rơi vào tình trạng tình trạng nghèo. Đây là những điều kiện cần. Các điều kiện đủ là phải có ngân sách sẵn sàng để tự động kích hoạt các điều kiện cần trên.

 

Ngân sách nhà nước bảo đảm phổ cập giáo dục phổ thông. Nhà nước cần đổi mới chính sách giáo dục để bảo đảm phổ cập giúp dục phổ thông cho tất cả học sinh có nhu cầu, đặc biệt cho các nhóm yếu thế (học sinh hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức). Tránh tình trạng thiếu trường công hoặc học sinh nghèo gặp rào cản tiếp cận giáo dục phổ thông ở các cấp. Người trong độ tuổi lao động cần có kiến thức và kỹ năng để thích ứng với những đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0 và bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng.

 

Ứng dụng kỹ thuật số trong xác định đối tượng phổ quát hoặc tự khai báo để được hỗ trợ từ chính sách, chương trình về giảm nghèo, giáo dục, y tế, việc làm và bảo trợ xã hội. Qua đó, mọi người dân có nhu cầu có thể nhận được các dịch vụ công chất lượng và kịp thời, đồng thời có thể tham gia quá trình học hỏi và truy cập thông tin, từ bất cứ nơi nào. Điều này sẽ giúp các chương trình giảm nghèo, trợ giúp xã hội minh bạch và hiệu quả hơn và việc giám sát cũng dễ dàng hơn.

 

Thiết kế và thực hiện chương trình liên kết vùng và thúc đẩy nhân rộng các giải pháp sáng tạo đã thí điểm thành công. Thiết kế chương trình liên kết vùng để kết nối những địa phương chậm phát triển với các vùng phát triển, tận dụng thế mạnh của từng địa phương, tạo lên số lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sáng kiến, giải pháp đã được cộng đồng cũng như UNDP, các đối tác phát triển hỗ trợ thí điểm thành công cho thấy sức mạnh và tiềm năng của sự sáng tạo địa phương. Để mở rộng quy mô này, cần hỗ trợ một hệ sinh thái bền vững, bao gồm cả tài chính, cơ chế khuyến khích và sư linh hoạt trong quy định của Chính phủ để chính quyền địa phương, các đối tác và người dân sáng tạo, chia sẻ học hỏi giữa các bên để nhân rộng các giải pháp sáng tạo cho nhiều người được hưởng lợi.

 

Tóm lại, mặc dù thành tích về giảm nghèo đa chiều của Việt Nam là rất ấn tượng trong giai đoạn 2012-2020, nhưng việc duy trì thành tích này trong trung và dài hạn sẽ đòi hỏi các giải pháp toàn diện và đổi mới để thích ứng tốt hơn với bối cảnh thay đổi nhanh chóng trong nước và toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng trong một thế giới đầy bất ổn: tác động đa chiều của các đại dịch trong tương lai, xung đột chính trị, khủng hoảng tài chính và lương thực, đòi hỏi Việt Nam phải tiên lượng và chuẩn bị cho thời điểm các cú sốc có thể xảy ra. Việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp này, kết hợp với động lực và sự năng động của người dân Việt Nam, sẽ đưa đất nước đi đúng hướng để đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình”, an sinh xã hội cho mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

(Nguồn: Tham luận của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tại Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Bộ LĐTBXH, 2020, Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Hà Nội.

2) Ngân hàng Thế giới, 2022, Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp, Hà Nội.

3) UNDP-VASS, 2021, Đánh giá Đánh giá nhanh tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam, Hà Nội.

4) UNDP-MOLISA, 2016, Tổng quan và đề xuất đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam, Hà Nội.

5) UNDP-GSO, 2021, Tích hợp đo nghèo tạm thời vào Điều tra Mức sống Dân cư Việt Nam, Hà Nội.

6) UNDP-MOLISA-GSO, 2018, 2021, Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam, Hà Nội.

7) UNDP-GSO, 2021, Đo nghèo đa chiều Việt Nam, 2016-2020,

https://www.gso.gov.vn/en/data-and-statistics/2021/03/multi-dimention-poverty-2016-2020/

8) Jonathan Pincus, UNDP, 2021, Việt Nam có khả năng và nên triển khai gói trợ cấp tiền mặt - kích thích kinh tế - lớn hơn mà không cần lo ngại về rủi ro lạm phát, Hà Nội.

9) Hiến pháp, Nghị quyết 15-NQ/TƯ và các báo cáo tổng kết về giảm nghèo và ASXH của Bộ LĐTBXH.


 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết