Chủ Nhật, ngày 06 tháng 04 năm 2025

WHO đối mặt khó khăn do thiếu hụt ngân sách

Ngày phát hành: 05/04/2025 Lượt xem 107

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng kể từ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi tổ chức này hồi tháng 1/2025. Việc Mỹ rút khỏi WHO không chỉ làm tổ chức này thiếu hụt ngân sách nghiêm trọng mà còn tạo ra tác động lớn đối với các chương trình y tế toàn cầu. Tuy WHO đang tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế, nhưng việc lấp đầy khoảng trống ngân sách gần 600 triệu USD cho năm 2025 đang được xem là thách thức lớn đối với WHO.

 


 

Từ việc Mỹ rút khỏi WHO

 
Ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhấn mạnh các khoản đóng góp từ Mỹ là “quá lớn và không công bằng”. 


Trong sắc lệnh hành pháp được tổng thống Trump ban hành ngay ngày đầu nhậm chức đã yêu cầu các cơ quan tạm dừng chuyển giao bất kỳ khoản tiền, hỗ trợ hoặc nguồn lực nào cho WHO, đồng thời rút nhân viên khỏi các dự án hợp tác với tổ chức này. Động thái nêu trên đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rời khỏi WHO trong vòng 12 tháng, tức là vào tháng 1/2026.
Khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng WHO đã xử lý sai đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng y tế quốc tế khác. WHO đã không hành động độc lập trước "ảnh hưởng chính trị không phù hợp của các quốc gia thành viên" và đòi Mỹ "thanh toán một cách bất công" mà không cân xứng với số tiền do các quốc gia lớn hơn khác đóng góp, chẳng hạn như Trung Quốc.


Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi WHO có nghĩa là Mỹ sẽ rời khỏi cơ quan y tế của Liên hợp quốc - WHO - trong vòng 12 tháng (vào tháng 1/2026) và ngừng mọi đóng góp tài chính cho cơ quan này. Từ nhiều năm nay, Mỹ luôn là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 14% tổng kinh phí. Ngân sách 2 năm gần đây nhất của WHO, cho giai đoạn 2024-2025, là 6,8 tỷ USD.


Thực tế, trong giai đoạn 2022-2023, Mỹ đã đóng góp 1,3 tỷ USD cho tổ chức này, chủ yếu qua các khoản tài trợ tự nguyện cho các chương trình cụ thể, thay vì nộp phí thành viên cố định. Nhưng trong năm 2024, Mỹ đã không đóng phí thành viên WHO và cũng không có kế hoạch đóng cho năm 2025. Vì thế, số tiền  phí thành viên mà Mỹ đang nợ WHO là 260 triệu USD.


Không chỉ tuyên bố rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng thống Mỹ Donald Trump từ sau khi nhậm chức ngày 20/1/2025 đến nay còn đưa Mỹ ngừng tham gia một loạt cơ quan của Liên hợp quốc như: Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; đình chỉ tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA);  rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…

WHO đối mặt khó khăn

 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một cơ quan thuộc Liên hợp quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến dịch bệnh và thiên tai trên toàn thế giới. Ngoài ra, tổ chức này cũng điều hành các chương trình y tế công cộng quan trọng, đặc biệt ở các nước kém phát triển, chẳng hạn như các chương trình sức khỏe bà mẹ và tiêm chủng cho trẻ em.


Trước việc Mỹ tuyên bố rút khỏi WHO, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi tháng 2/2025 đã kêu gọi Mỹ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính cho tới khi cơ quan này tìm được các giải pháp thay thế. WHO cảnh báo việc mất đi khoản tài trợ của Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng ứng phó của tổ chức này trước các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu như các đợt bùng phát dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác.


Theo các chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi WHO có thể khiến công tác ứng phó đại dịch trong tương lai của WHO trở nên khó khăn hơn, nhất là vấn đề tài chính. Lâu nay, vấn đề tài chính luôn là bài toán nan giải của WHO trong nhiều thập niên. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh, nguồn ngân sách không ổn định là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động của WHO chưa thật sự hiệu quả và thiếu linh hoạt trong ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế bất thường.


Trong báo cáo mới nhất của Health Policy Watch công bố ngày 2/4/2025, WHO dự kiến sẽ bị thiếu hụt tới 2,5 tỷ USD từ nay đến năm 2027. Để chuẩn bị cho việc Mỹ sẽ chính thức rời đi vào tháng 1/2026, tổ chức này đã điều chỉnh ngân sách hai năm 2026-2027 từ 5,3 tỷ USD xuống còn 4,2 tỷ USD. Sau cắt giảm, WHO sẽ bị thiếu tới 1,9 tỷ USD cho việc duy trì hoạt động. Trước đó, tổ chức này cũng đã cảnh báo thiếu 600 triệu USD cho ngân sách năm 2025. Như vậy, tổng số tiền thiếu trong 3 năm sẽ lên tới 2,5 tỷ USD.


Do nguồn tài chính suy giảm, WHO buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động. Trong một email nội bộ gửi cuối tháng 3/2025, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo với các nhân viên rằng WHO không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm nhân sự và các chương trình y tế. Làn sóng cắt giảm sẽ được bắt đầu từ trụ sở chính với các vị trí lãnh đạo cấp cao, rồi sau đó mở rộng ra tất cả các bộ phận, làm gián đoạn nhiều chương trình y tế thiết yếu.


Trong một nỗ lực của WHO, vào tháng 3/2025, Tổng Giám đốc WHO  Tedros đã kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định cắt giảm tài trợ, đồng thời cảnh báo hàng triệu sinh mạng sẽ gặp nguy hiểm do nguồn vốn hỗ trợ bị cắt giảm đột ngột. Đơn cử, chỉ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, WHO ước tính sẽ có hơn 10 triệu ca nhiễm HIV mới và 3 triệu người có thể tử vong vì không nhận được đủ thuốc cũng như các dịch vụ điều trị cần thiết. Ngoài ra, các chương trình tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cũng như phòng chống lao, sốt rét, dịch bệnh mới nổi.... đều có nguy cơ bị đình trệ. Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đã cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng sinh tồn ở trẻ em" khi sẽ có hàng triệu em bị đe dọa đến tinh mạng do giảm mạnh viện trợ toàn cầu.


Trong bối cảnh đó, vào tháng 2/2025, 6 quốc gia châu Âu đã kêu gọi tăng cường sự tham gia tích cực của khu vực vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cụ thể, những người đứng đầu Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan (THL) cùng với đại diện từ 5 tổ chức y tế quốc gia của Na Uy, Đan Mạch, Pháp, Áo và Bồ Đào Nha đã gửi bức thư ngỏ, nêu rõ những thách thức do khả năng Mỹ rút khỏi WHO. Bức thư nhấn mạnh rằng, các quốc gia châu Âu cần nhanh chóng đảm nhận vai trò lớn hơn trong WHO, không chỉ thông qua việc tăng cường đóng góp tài chính mà còn bằng cách cử thêm chuyên gia đến hỗ trợ tổ chức. Cam kết mạnh mẽ này của châu Âu góp phần ổn định WHO và bảo đảm rằng các giá trị của tổ chức này tiếp tục định hướng chính sách y tế toàn cầu. Bên cạnh đó, bức thư cảnh báo rằng sự phụ thuộc nặng nề của WHO vào Mỹ gây ra rủi ro đáng kể, đặc biệt là với khả năng Mỹ rút lui ngày càng tăng.


Có thể thấy, việc lấp đầy khoảng trống ngân sách gần 600 triệu USD cho năm 2025 đang là thách thức lớn đối với WHO. Trong lúc này, một số quốc gia và tổ chức quốc tế đang kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định rút khỏi WHO./.

 

Theo TTXVN
    

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết