Thứ Sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024

Biến đổi khí hậu: Vai trò của động vật ăn cỏ trong ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học

Ngày phát hành: 25/06/2023 Lượt xem 1649

 


Tình trạng nhiệt độ ấm lên nhanh chóng ở Bắc Cực cùng với việc các tảng băng dần biến mất do biến đổi khí hậu đang khiến đa dạng sinh học ở khu vực này suy giảm mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu công bố ngày 22/6 trên tạp chí Science cho thấy vai trò “chưa được công nhận” của các loài động vật ăn cỏ lớn như tuần lộc và bò xạ hương trong việc bảo vệ hệ sinh thái, giúp giảm 50% tổn thất do biến đổi khí hậu.


Nghiên cứu trên là kết quả của thử nghiệm kéo dài trong 15 năm, được tiến hành ở khu vực gần Kangerlussuaq, một cộng đồng với khoảng 500 người sinh sống, tại miền Tây Greenland. Nhà khoa học Christian John thuộc Đại học California (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy trong một số trường hợp, việc tái hoang dã (ám chỉ hoạt động khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên thông qua việc đưa các loài bản địa trở lại môi trường tự nhiên) có thể là cách tiếp cận hiệu quả nhằm chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sự đa dạng của vùng lãnh nguyên.


Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng hàng rào thép để thiết lập các ô đất có diện tích 800m2. Trong một vài ô đất này, các nhà khoa học đã thả các loài động vật ăn cỏ và đánh giá tác động của hoạt động này đối với môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn sử dụng các buồng sưởi ấm thụ động, vốn hoạt động như nhà kính thu nhỏ, qua đó có thể quan sát sự biến đổi của đa dạng sinh học trong điều kiện môi trường có nhiệt độ ấm lên. Các nhà khoa học chỉ thả động vật ăn cỏ vào những ô được sưởi ấm. Mỗi ngày, nhóm nghiên cứu phải kiểm tra và đánh giá tình hình của tất cả các ô đất.

 


Qua quan sát, các nhà khoa học nhận thấy sự đa dạng sinh học của vùng lãnh nguyên đã suy giảm trong suốt quá trình nghiên cứu, một phần do sự tác động trực tiếp của nhiệt độ ấm lên, một phần khác là do sự thay đổi lượng mưa liên quan đến tình trạng băng tan, và độ che phủ của cây bụi gia tăng ở vùng lãnh nguyên làm lấn át các loài khác.


Tuy nhiên, nhà khoa học John cho biết có sự khác biệt về sự đa dạng sinh học tại những mảnh đất có thả và không thả động vật ăn cỏ. Theo đó, sự đa dạng sinh học ở những ô không có động vật ăn cỏ đã giảm gần 2 lần so với những ô có sự hiện diện của loài này. Trong các ô đất được làm ấm, sự khác biệt còn ấn tượng hơn. Tính đa dạng giảm khoảng 0,85 loài mỗi thập niên khi các loài ăn cỏ không xuất hiện, trong khi mức này chỉ khoảng 0,33 loài mỗi thập niên khi động vật ăn cỏ được thả vào.


Các nhà khoa học cho rằng điều này là do động vật ăn cỏ đã kìm hãm sự phát triển mạnh mẽ của các loài như cây bụi, bạch dương lùn và liễu xám để các loài thực vật khác có thể phát triển tốt hơn. Nhóm nghiên cứu nhận định trong một số điều kiện nhất định, những nỗ lực duy trì hoặc tăng cường sự đa dạng của động vật ăn cỏ lớn có thể giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ít nhất đối với sự đa dạng của lãnh nguyên - một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và chức năng của hệ sinh thái"./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết