Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 30/11 - 12/12/2023 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với sự tham gia của khoảng 140 nhà lãnh đạo trên thế giới. Trong bối cảnh nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh, cháy rừng gia tăng và các thảm họa thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng, COP28 được cho là một trong những diễn đàn quan trọng nhất về ứng phó biến đổi khí hậu.
Những năm qua, các hội nghị COP đã nỗ lực khắc phục tình trạng Trái Đất nóng lên quá mức nghiêm trọng và không thể ngăn chặn. Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo kế hoạch, COP28 sẽ đưa ra đánh giá chính thức đầu tiên về nỗ lực của nhân loại trong việc tôn trọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tham vọng giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Việc đánh giá này không chỉ đơn giản là xem xét tiến độ, mà còn giúp xác định các hành động cụ thể. Công tác đánh giá sẽ ảnh hưởng đến các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), trong đó bao gồm cả các kế hoạch cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu của mỗi quốc gia.
Khí hậu toàn cầu trong vài năm qua đã ấm lên khoảng 1,2 độ C, kéo theo hàng loạt thảm họa thiên nhiên. Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber kêu gọi các nước duy trì nỗ lực tìm ra “điểm chung” bởi thực tế “không có thời gian để trì hoãn” và cần tận dụng từng ngày từ nay cho đến khi COP28 diễn ra để có thể đạt được tiến triển trên tất cả các mặt. Trong khi đó, Ủy viên phụ trách hành động khí hậu của Liên minh châu (EU) Wopke Hoekstra đánh giá COP28 sẽ là cơ hội để đặt mục tiêu cao hơn so với các kỳ COP trước đây.
Vấn đề về nước cũng là một trong những chủ đề chính của COP28. Các cuộc đàm phán về nước trong COP28 tập trung vào rủi ro và cơ hội liên quan đến nước, trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến phòng chống thiên tai. Hội nghị sẽ chú trọng thảo luận ba vấn đề, gồm bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái nước ngọt; đảm bảo người dân sinh sống tại các thành phố có quyền tiếp cận nguồn nước chất lượng tốt và được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm về nước; nâng cao khả năng chống chịu của hoạt động sản xuất lương thực trước tình trạng nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán. Theo nhận định của giới chuyên môn, việc COP28 tăng cường thảo luận các vấn đề về nước là minh chứng cho thấy các bên liên quan đang tìm cách giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy con người không thể thích ứng với việc Trái Đất ngày càng nóng lên nếu không thay đổi cách quản lý nguồn tài nguyên nước. Các số liệu chỉ ra rằng Trái Đất đã mất khoảng 85% diện tích đất ngập nước trong vòng 300 năm qua. Ước tính có tới 4 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ít nhất một tháng mỗi năm.
Tương lai nhiên liệu hóa thạch dự báo cũng là vấn đề gây tranh cãi tại Hội nghị COP28. Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber kêu gọi các nước cần nhanh chóng tìm kiếm “điểm chung” để giải quyết những bất đồng về tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Hiện các nước đang thể hiện sự chia rẽ mạnh mẽ xung quanh vấn đề nhiên liệu hóa thạch. Một số quốc gia yêu cầu COP28 cần đưa ra một thỏa thuận nhằm loại bỏ dần việc đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên - những hợp chất tạo ra khí nhà kính và là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Trong khi, một số nước khác mong muốn duy trì vai trò của nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, châu Âu và các nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu muốn các cuộc đàm phán COP28 sẽ đưa ra một gói biện pháp, nhằm cắt giảm lượng khí thải làm tăng nhiệt độ Trái Đất nhanh hơn. Các biện pháp này bao gồm cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch phát thải khí CO2. Theo Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber, việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch là quá trình không thể tránh khỏi, nhưng không có nghĩa là ngay lập tức loại bỏ hoàn toàn.
Ông Johan Rockstrom - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam - cho rằng COP28 là cơ hội cuối cùng đưa ra “những cam kết đáng tin cậy để bắt đầu cắt giảm lượng khí CO2 sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. Nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí một phần do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hằng năm và chính phủ các nước có thể giảm bớt gánh nặng từ các bệnh như ung thư, bệnh tim và thần kinh, cùng nhiều bệnh khác bằng cách cải thiện chất lượng không khí.
Cũng tại COP28, các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà đàm phán về khí hậu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về quỹ tổn thất và thiệt hại. Quỹ này sẽ bồi thường cho các quốc gia nghèo để ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu./.
Theo TTXVN