Chủ Nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024

Tìm lời giải cho bài toán hóc búa chống đòi nghèo

Ngày phát hành: 18/02/2024 Lượt xem 67


Cuộc sống khó khăn của người dân Nam Phi


Theo trang mạng The Interpreter (Australia), thế giới cần phải quay lại tập trung vào cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, trong khi quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đó đã khiến các quốc gia nghèo hơn bị bỏ lại phía sau. 

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo Mục tiêu Phát triển Bền vững đầu tiên nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030 sẽ không đạt được, dự kiến 574 triệu người - gần 7% dân số thế giới - vẫn phải sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày, con số được coi là ngưỡng nghèo cùng cực.

Mức thu nhập 2,15 USD/ngày là rất thấp. Những người kiếm được số tiền thậm chí gấp đôi vẫn thường là những người rơi vào cảnh nghèo khó. Ngay cả những người kiếm được gấp 3 lần vẫn bị coi là rất nghèo ở các nước giàu.

Tuy nhiên, không phải là thế giới không đạt được tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo. Ba thập kỷ trước, khoảng 2 tỷ người - tương đương gần 40% dân số thế giới – phải sống với mức thu nhập tương đương dưới 2,15 USD/ngày. Năm 2019, con số này là khoảng 700 triệu người, tương đương 9% dân số thế giới.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 ập đến. WB ước tính rằng năm 2022, có thêm khoảng 70 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực do ảnh hưởng của đại dịch và xung đột Nga-Ukraine sau đó. Tuy nhiên, ngay cả khi tính đến những tiến bộ đạt được trước đại dịch, tình trạng nghèo đói vẫn còn phổ biến.

Điều đầu tiên cho thấy những tiến bộ đáng kinh ngạc trong những thập kỷ trước trong việc giảm nghèo cùng cực phần lớn có được là nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở châu Á. Năm 1990, hơn 70% dân số Trung Quốc sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Đến năm 2019, con số này gần như bằng 0 theo số liệu của WB. Tỷ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh cũng diễn ra ở những nơi như Indonesia và Việt Nam, nơi tỷ lệ mới nhất lần lượt là 2,5% và 0,7%. Nam Á cũng có những tiến bộ đáng kể, mặc dù 11% dân số vẫn sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Không phải tất cả các khu vực đều có được thành công như châu Á. Ngày nay, phần lớn tình trạng nghèo cùng cực tập trung ở châu Phi cận Sahara, nơi có gần 400 triệu người sống dưới mức nghèo cùng cực - hay khoảng 35% dân số. Liên quan đến vấn đề này, việc xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực ngày càng khó khăn hơn khi tình trạng này ngày càng tập trung ở các quốc gia có nền quản lý đặc biệt yếu kém, ở các khu vực xung đột, giữa các hộ gia đình nông thôn và các nhóm bị thiệt thòi khác.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhìn xa hơn những con số nghèo đói cùng cực. WB khuyến nghị mức 3,65 USD/ngày đối với các nước có thu nhập trung bình thấp và 6,85 USD/ngày đối với các nước có thu nhập trung bình cao. Để so sánh, chỉ có 2% người nghèo nhất ở các quốc gia có thu nhập cao sống với mức thu nhập dưới 6,85 USD/ngày, theo số liệu của WB.             

Việc sử dụng 6,85 USD một ngày làm chuẩn mực hợp lý để suy nghĩ về tình trạng nghèo đói toàn cầu đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm hơn nhiều. Theo thước đo này, khoảng 3,6 tỷ người vẫn sống trong cảnh nghèo đói năm 2019, gần bằng mức của 3 thập kỷ trước. Chắc chắn, tỷ lệ người dân trên thế giới sống dưới mức nghèo cao hơn này cũng đã giảm đáng kể, từ 70% năm 2000 xuống dưới 50% hiện nay. Do đó, việc thiếu tiến bộ trong việc giảm tổng số người sống trong cảnh nghèo đói phản ánh dân số toàn cầu ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, xét về mức độ phúc lợi tuyệt đối của con người (ngược lại là sự thiếu thốn) trên thế giới, đây là một bức tranh rất đáng lo ngại.             

Tập trung vào mức cao hơn cũng cho thấy nghèo đói không chỉ là vấn đề ở châu Phi cận Sahara, ngay cả khi ở đó nó chắc chắn còn cực đoan hơn nhiều. 1/3 dân số ở Đông Á – gần 700 triệu người – vẫn sống trong nghèo đói. Khoảng 1/4 dân số Trung Quốc vẫn nghèo - mặc dù đây là quốc gia có thu nhập trung bình cao và gần đạt mức thu nhập cao. Indonesia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, nhưng khoảng 60% dân số vẫn sống trong cảnh nghèo đói.             

Tuy nhiên, phần lớn những người nghèo theo thước đo này lại tập trung ở Nam Á, với khoảng 1,6 tỷ người hoặc hơn 80% dân số. Nam Á vẫn là khu vực của các nước có thu nhập trung bình thấp. Khoảng 840 triệu người, hay gần 45% dân số, vẫn còn nghèo.             

Dù nhìn theo cách nào thì cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu vẫn chưa kết thúc, ngay cả ở những quốc gia dường như đang hoạt động tốt. Tương lai cũng trở nên không chắc chắn hơn so với trước đây. Khi nền kinh tế thế giới đang phục hồi đầy hy vọng sau những cú sốc lớn trong những năm gần đây, trọng tâm cần làm là đổi mới tiến bộ toàn cầu về thước đo cơ bản này cho phúc lợi con người./.     

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết