Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Tình trạng chia rẽ toàn cầu đang diễn ra như thế nào?

Ngày phát hành: 26/03/2024 Lượt xem 132

Ảnh minh họa

TTXVN (Kuala Lumpur 25/3): Theo chuyên gia kinh tế và tài chính Malaysia Andrew Sheng, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ Joseph Biden là một nỗ lực tích cực để tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, cũng như chứng tỏ sức mạnh của nước Mỹ.

Trong số những người Mỹ được khảo sát sau bài phát biểu, 62% cảm thấy tích cực hơn là tiêu cực. Nửa tháng sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được nhắc đến 6 lần trong bài phát biểu của ông Biden đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 với 88% phiếu bầu.

Trật tự toàn cầu ít đoàn kết hơn nhưng lại có nhiều chia rẽ hoặc phân cực hơn. Dấu hiệu là giá vàng tăng trên ngưỡng 2.222 USD/ounce - mức cao nhất mọi thời đại. Giá vàng cao hơn có nghĩa là đồng đô la Mỹ yếu hơn trên thực tế.

Đồng thời, các chỉ số thị trường chứng khoán Dow Jones, S&P500 và Nasdaq cũng chạm mức cao kỷ lục, sau gợi ý từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng lãi suất của Fed có thể đạt đỉnh, và có thể được cắt giảm vào cuối năm 2024.

Về điều này, Mỹ chắc chắn cảm thấy tích cực. Tổng vốn hóa thị trường của chứng khoán Mỹ đã tăng thêm 10.200 tỷ USD vào năm 2023. Xuất phát từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), riêng Nvidia đã bổ sung thêm 1.000 tỷ USD vào tài sản của các nhà đầu tư kể từ năm 2023. Trong quý IV cùng năm, kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ trên xu hướng 3,2% mỗi năm.

Ngược lại, dự báo tháng 1/2024 của Ngân hàng Thế giới cho thấy tốc độ tăng trưởng toàn cầu là chậm nhất trong 30 năm qua, dự kiến sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp xuống còn 2,4%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,1% của những năm 2010.

Nói cách khác, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, điều đó đang được duy trì nhờ thâm hụt tài chính và thương mại ngày càng tăng, với khoản nợ ròng với thế giới ở mức 18.000 tỷ USD.

Trong khi nước Mỹ đang có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ có thêm nhiều khoản nợ “thuốc phiện” theo khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” thì phần còn lại của thế giới lại đang suy yếu.
 
Với việc cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ có thể sẽ tiếp tục chi tiêu và nợ nần trong 4 năm tới, liệu phần còn lại của thế giới có tiếp tục tài trợ cho “con nợ” lớn nhất của mình không? Trong ngắn hạn, không có lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư vào đồng đô la Mỹ.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không thể sớm dịu lại. Trung Quốc sẽ mất ít nhất 2-3 năm để giải quyết tình trạng suy thoái bất động sản về mặt cấu trúc. Nhật Bản sẽ cố gắng bình thường hóa lãi suất để thu nhập thực tế của người lao động lớn tuổi có thể phục hồi sau nhiều năm tiền lương danh nghĩa trì trệ và đồng yen mất giá.

Nếu giá dầu tiếp tục ổn định ở mức hiện tại, các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông sẽ không có thêm thu nhập từ xuất khẩu hoặc tiết kiệm, vì họ cần đầu tư để thay đổi cơ cấu việc làm khỏi ngành dầu khí.

Trong trung hạn, kỳ vọng Mỹ vẫn là động lực duy nhất cho sự phục hồi toàn cầu là không thực tế. Vấn đề then chốt trong cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành vị trí lãnh đạo không chỉ là sức mạnh quân sự hay tài chính, mà còn là lợi thế công nghệ và khả năng tiếp tục tạo ra của cải.

Nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho thấy: “Sự dẫn đầu toàn cầu của Trung Quốc diện hiện trong 37/44 công nghệ mà ASPI hiện đang theo dõi, với một loạt các lĩnh vực công nghệ quan trọng bao gồm quốc phòng, không gian, robot, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, AI, vật liệu tiên tiến và các lĩnh vực công nghệ lượng tử quan trọng”.

Tuy nhiên, giới quan sát của Diễn đàn Đông Á nhấn mạnh: “Trong khi Trung Quốc đóng góp 27,5% vào tổng chi tiêu nghiên cứu và phát triển toàn cầu trong năm 2022 so với 35,6% của Mỹ, những ‘gã khổng lồ’ công nghệ của Mỹ vẫn thống trị hoạt động nghiên cứu và đổi mới trong các công nghệ quan trọng như AI”.

Công nghệ Trung Quốc đến nay vẫn chưa hưởng lợi từ sự giàu có trên thị trường chứng khoán như những gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Nhiều doanh nhân Trung Quốc thừa nhận rằng Mỹ dẫn đầu về công nghệ cao, trong khi họ lại giỏi hơn nhiều về công nghệ tầm trung, cụ thể là khả năng chuyển đổi công nghệ thành năng lực sản xuất.

Mỹ có công nghệ tiên tiến vượt trội trong nhiều lĩnh vực có ứng dụng quân sự nhưng cuộc xung đột tại Ukraine đã cho thấy việc sản xuất đạn pháo cơ bản vẫn là vấn đề quan trọng.

Do đó, cạnh tranh toàn cầu đang xoay quanh việc ai có thể chuyển đổi công nghệ AI thành năng suất tổng thể trên mặt trận kinh tế rộng lớn. Mỹ được cho là đang dẫn đầu, với Trung Quốc tụt lại ở vị trí thứ hai, và phần còn lại vẫn đang loay hoay tìm cách áp dụng AI vào các chức năng tiêu dùng, sản xuất và phân phối hàng ngày.

Các nước đang phát triển và nghèo không nâng cao năng suất thông qua AI và đổi mới dựa trên tri thức sẽ vẫn nằm trong nhóm công nghệ thấp.

Nói cách khác, thế giới đang bị chia rẽ không chỉ vì chênh lệch giàu nghèo và thu nhập, mà còn do khoảng cách ngày càng lớn về ứng dụng kiến thức và kỹ thuật số. Điều này bao gồm khả năng áp dụng kiến thức tốt nhất để giải quyết các mối đe dọa về hiện tượng nóng lên của khí hậu.

Cuộc chạy đua công nghệ Mỹ-Trung là một phần chặng đường dài. Tuy nhiên, vì lịch sử được định hình bởi nhiều lực lượng mang tính cấu trúc và các sự kiện ngẫu nhiên, người chiến thắng cuối cùng trong Thế kỷ XXI có thể không phải là người dẫn đầu.

Trong vô số khả năng này, đổi mới bằng công nghệ mới là điều kiện tiên quyết./.

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết