Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Biến đổi khí hậu: Bảo vệ rừng hiệu quả hơn trồng mới trong giảm khí carbon

Ngày phát hành: 14/11/2023 Lượt xem 417



 Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature ngày 13/11 đã chỉ ra rằng việc phục hồi các khu rừng toàn cầu có thể giúp cô lập lượng carbon nhiều gấp 22 lần lượng khí carbon phát thải trong một năm trên toàn thế giới. Đây là minh chứng cho thấy cây xanh là công cụ quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh cam kết cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.


Cụ thể, nhà sinh thái học Thomas Crowther thuộc Viện Công nghệ Liên bang Zurich của Thụy Sĩ cùng hơn 200 nhà khoa học khác đã cập nhật bản nghiên được công bố hồi năm 2019, trong đó đề xuất khôi phục những khu rừng tự nhiên bằng cách tái sinh rừng suy thoái hoặc trồng lại rừng ở các khu đất bị bỏ hoang, trừ những khu vực quan trọng đối với canh tác nông nghiệp hoặc đã xây dựng thành phố. Rừng được phục hồi ở mức tối đa sẽ giúp hấp thụ khoảng 226 gigaton carbon dư thừa trong khí quyển, tương đương 33% lượng khí thải ra kể từ thời điểm Cách mạng Công nghiệp.


So với nghiên cứu năm 2019, báo cáo mới cập nhất một nội dung quan trọng từng gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Cụ thể, nghiên cứu mới chỉ ra rằng dù rừng có thể giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng sẽ là phản tác dụng nếu dùng rừng để bù đắp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong tương lai. Nguyên nhân do bất kỳ khí thải bổ sung nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, làm tổn thương rừng và ảnh hưởng đến khả năng rừng hấp thụ khí carbon. Do đó rõ ràng không thể nói rằng chỉ cần trồng rừng là sẽ cân đối được lượng khí thải. Ông Crowther dự kiến sẽ truyền đi thông điệp kể trên với các nhà hoạch định chính sách tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra cuối tháng này tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE).


Cả nghiên cứu năm 2019 và bản cập nhật đều chỉ rõ khu vực có thể trồng rừng, song ông Crowther khẳng định không bắt buộc phải trồng cây ở các nơi kể trên. Theo ông, cần có phương án phục hồi cụ thể nếu muốn đạt được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của địa phương thông qua đa dạng hóa các loại cây trồng thay vì chỉ trồng một giống duy nhất.


Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc bảo vệ các khu rừng hiện có sẽ có lợi hơn là trồng lại rừng do hoạt động này chỉ chiếm 39% tổng tiềm năng cô lập carbon, trong khi 61% còn lại đến từ nỗ lực bảo vệ rừng và phục hồi các khu rừng suy thoái.


Trước đó, nghiên cứu công bố năm 2019 - do ông Crowther là đồng tác giả - đã kết luận rằng việc phục hồi rừng có thể cô lập tới 205 gigaton carbon, qua đó truyền cảm hứng để Giám đốc điều hành (CEO) công ty Salesforce Marc Benioff phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới  (WEF) phát triển sáng kiến trồng một nghìn tỷ cây xanh. Tuy nhiên quyết định này đã dấy lên tranh cãi giữa giới khoa học và các nhà hoạt động môi trường. Có ý  kiến cho rằng trồng cây xanh là biện pháp quá đơn giản nếu muốn giải quyết khủng hoảng khí hậu, làm phân tâm những nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch - tác nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hơn 40 nhà khoa học cũng đã gửi thư tới tạp chí Science bày tỏ quan điểm rằng nghiên cứu năm 2019 đã “thổi phồng” tiềm năng hấp thụ carbon của hoạt động phục hồi rừng lên gấp 4-5 lần. Thậm chí, nhà sinh thái học Joseph Veldman thuộc trường Đại học Texas A&M đánh giá nghiên cứu mới vẫn tiếp tục “phóng đại” tới 50% tiềm năng thực tế. Theo ông, con số 226 gigaton đã bao gồm lượng carbon cô lập ở những nơi “không phù hợp” để trồng cây như vùng có độ cao lớn, quá phụ thuộc vào rừng trên thảo nguyên cùng nhiều quan ngại khác./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết