Toàn cảnh khai mạc Hội nghị.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, sáng 2/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Trước khi tiến hành phiên họp, Trung ương đã dành một phút mặc niệm, tưởng niệm Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần.
Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước năm 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xem xét một số vấn đề về công tác cán bộ và một số vấn đề quan trọng khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII. Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và là năm khởi đầu cho việc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.
Nội dung của Hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh do Đại hội XII đã đề ra và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư lưu ý, gợi mở thêm một số khía cạnh liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị; đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2018 và đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục và các giải pháp đột phá, khả thi trong thời gian tới, nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Báo cáo chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Tăng trưởng xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa cao, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc.
Nguồn lực để thực hiện chính sách văn hóa-xã hội còn hạn chế; một số chính sách chậm được ban hành hoặc chưa được tổ chức thực hiện tốt; chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, miền và các tầng lớp nhân dân còn lớn và có xu hướng gia tăng; còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng con người, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương căn cứ vào thực tế tình hình đất nước và nơi công tác, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế-xã hội; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục; đồng thời phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo, cũng như cả nhiệm kỳ khóa XII.
Định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới
Tiếp đó, Trung ương nghe Tờ trình của Bộ Chính trị về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. Các vùng biển Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội nghị lần này, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.
Việc ban hành Nghị quyết sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương và các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc huy động nguồn lực trong Kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và ven biển, phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030.
Gợi mở những vấn đề cần tập trung thảo luận, Tổng Bí thư đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế biển và ven biển khó đạt được vào năm 2020; một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển được xác định ưu tiên đầu tư nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, nhất là hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông kết nối còn dàn trải, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; quy hoạch các khu vực ven biển và một số ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập; nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, đảo vẫn lớn; biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực ngày càng rõ nét; quản lý nhà nước về biển, đảo còn lúng túng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao…
Kiến nghị 9 nội dung phải gương mẫu thực hiện, 9 nội dung cần kiên quyết chống
Về công tác xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng: Ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.
Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn.
Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành một Quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Dự thảo Quy định nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến thành lập 5 Tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế-Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung (năm 2011) và Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Báo cáo kinh tế-xã hội 5 năm; Báo cáo về công tác xây dựng Đảng 5 năm và Báo cáo tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và Báo cáo công tác nhân sự./.
Theo (TTXVN)