Chiều 1-10-2018 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm đã công bố tên đồng chủ nhân của giải Nobel Y học (tên chính thức là Nobel Y sinh) năm 2018 cho hai nhà khoa học James P Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật Bản). Đây là giải Nobel đầu tiên được công bố trong "mùa" Nobel 2018.
1. Vinh danh hai nhà khoa học người Mỹ và Nhật Bản
Ủy ban giải Nobel Y học của Viện Karolinska (Thụy Điển) đã công bố giải thưởng nói trên lúc 16 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Hai nhà khoa học này được vinh danh vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng việc ức chế miễn dịch âm tính, một cách tiếp cận mang tính cách mạng trong chữa trị bệnh ung thư.
Ủy ban Nobel cho biết trong lúc ung thư đang cướp đi hàng triệu mạng sống mỗi năm và là một trong những thách thức sức khỏe nghiêm trọng nhất của nhân loại, công trình của hai nhà khoa học tìm ra cách để kích thích hệ thống miễn dịch để chống lại và tự đào thải tế bào ung thư, và mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh này.
Nhà miễn dịch học James P. Allison, 70 tuổi, người Mỹ, là Giám đốc Hội đồng cố vấn khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư (CRI), hiện làm việc tại trường Đại học Texas (Mỹ). Trước khi nhận giải Nobel cho công trình khám phá cách điều trị ung thư bằng ức chế miễn dịch âm tính, ông đã dành nhiều năm nghiên cứu về cơ chế phát triển và kích hoạt thụ thể tế bào T. Ông cũng là nhà khoa học đầu tiên tìm ra cách tách chuỗi protein phức tạp của kháng nguyên thụ thể tế bào T.
Nhà khoa học Tasuku Honjo, 56 tuổi, là một nhà miễn dịch đang làm việc tại Đại học Kyoto, Nhật Bản. Ông nổi tiếng với việc xác định protein chết được lập trình, và được biết đến với nhận dạng phân tử của cytokine: KL-4 và IL-5 cũng như phát hiện ra Cytidine Deaminase.
Cùng nhận giải Nobel Y học năm nay, hai nhà khoa học trên sẽ cùng chia sẻ giải thưởng trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (hơn 1 triệu USD).
Từ năm 1901 đến 2017, đã có 108 giải Nobel Y Sinh được trao, trong số những người thắng giải có 12 phụ nữ. Chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y học là ông Frederick Banting, nhà sinh lý học người Canada khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Ông nhận giải năm 1923, khi mới 32 tuổi. Chủ nhân lớn tuổi nhất của Giải Nobel Y học là bác sĩ Francis Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu khám phá vai trò của các virus trong việc truyền một số loại bệnh ung thư.
2. Giải Nobel Y học trong 10 năm gần đây
- Năm 2007: Ba nhà khoa học gồm Tiến sĩ Mairo R.Capecchi (người Mỹ gốc Italy), Tiến sĩ Oliver Smithies (người Mỹ) và Tiến sĩ Martin J.Evans (người Anh) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2007 cho những khám phá mang tính đột phá về gien đã trở thành nền tảng của ngành y sinh học thế giới thế kỷ XXI.
- Năm 2008: Ba nhà khoa học, trong đó, có hai nhà khoa học người Pháp là: bà Francoise Barre-Sinoussi và Luc Montagnier cùng vinh dự nhận giải thưởng Nobel Y học 2008 vì đã khám phá ra virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, tức virus HIV, dẫn đến bệnh AIDS; và một nhà khoa học người Đức Harald zur Hausen (Haran du Hauxen), với nghiên cứu phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ là do virus.
- Năm 2009: Ba nhà khoa học người Mỹ gồm Elizabeth Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak cùng trở thành các đồng chủ nhân giải thưởng Nobel Y học năm 2009, vì đã tìm ra cách thức các nhiễm sắc thể được sao chép một cách hoàn chỉnh trong quá trình phân chia của tế bào và được bảo vệ để không bị thoái hóa.
- Năm 2010: Nhà y sinh học người Anh Robert Edward đoạt giải thưởng Nobel Y học năm 2010 vì có công lớn trong việc tìm ra kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mang lại niềm vui làm cha-mẹ cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn con.
- Năm 2011: Bộ ba các nhà khoa học, gồm Bruce Beutler (người Mỹ), Jules Hoffmann (người Lucxembourg) và Ralph Steinman (người Canada) đã đoạt giải Nobel Y học 2011 cho những công trình nghiên cứu đột phá về hệ thống miễn dịch.
- Năm 2012: Hai nhà khoa học người Anh John Gurdon và nhà khoa học người Nhật Bản Shinya Yamanaka đã đoạt giải Nobel Y học 2012 với công trình nghiên cứu mang tính đột phá về tế bào gốc.
- Năm 2013: Hai nhà khoa học người Mỹ là James Rothman và Randy Schekman, cùng nhà khoa học người Đức Thomas Suedhof đã đoạt giải Nobel Y học 2013, vì phát hiện ra "cơ chế chuyển động của túi tiết - bộ máy vận chuyển chính trong các tế bào của cơ thể con người". Phát hiện này rất hữu ích cho việc điều trị các bệnh thần kinh, tiểu đường và các rối loạn trong hệ miễn dịch.
- Năm 2014: Ba nhà khoa học, gồm: nhà khoa học người Mỹ gốc Anh John O'Keefe và 2 vợ chồng nhà khoa học người Na Uy là May-Britt Moser và Evard Moser, đã đoạt giải Nobel Y học 2011 vì có công phát hiện ra các tế bào hình thành hệ thống định vị (GPS) bên trong bộ não. Với phát hiện này, các nhà khoa học đã hiểu được cơ chế dẫn đến chứng bệnh mất trí nhớ về không gian ở một số người.
- Năm 2015: Ba nhà khoa học gồm William Campbell (người gốc Ireland), Satoshi Omura (người Nhật Bản) và Youyou Tu (người Trung Quốc) đã đoạt giải Nobel Y học 2015 với công trình nghiên cứu trong điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra. Những nghiên cứu này đã mang lại cho loài người các công cụ quan trọng, nhằm đối phó với những dịch bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm".
- Năm 2016: Nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi đã đoạt giải Nobel Y học 2016 với công trình nghiên cứu các cơ chế phân tách và tái tạo các thành phần tế bào. Đây là thành tựu khám phá ra cơ chế tự thực, một quá trình cơ bản trong tế bào.
- Năm 2017: Ba nhà khoa học người Mỹ là Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young đoạt giải Nobel Y học 2017 vì những khám phá về cơ chế phân tử điều khiển nhịp sinh học ngày đêm. Khám phá về nhịp sinh học ngày đêm, đồng hồ sinh học này giúp chúng ta hiểu được bí ẩn tại sao con người cần ngủ và tại sao giấc ngủ lại diễn ra.
3. Những thông tin cơ bản về Giải thưởng Nobel
* Giải thưởng cao quý Nobel
Giải Nobel,là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel. Một giải Nobel được trao cho tối đa 3 người. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ.
Lễ trao giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế được tiến hành tại Stockholm, Thụy Điển và lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra tại Oslo, Na Uy.
* Quy trình bầu chọn Giải Nobel
Vào tháng 9 của năm trước khi trao giải, Ủy ban Nobel bí mật gửi mẫu đề cử cho 3.000 chuyên gia là những người từng được nhận giải Nobel, thành viên của đơn vị trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Y học, các giáo sư đầu ngành của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới.
Tháng 2 của năm trao giải là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ. Ủy ban Nobel sẽ sàng lọc và lựa ra các ứng cử viên. Sau đó, hội đồng chọn ra khoảng từ 250-350 người lọt vào vòng tiếp.
Từ tháng 3 đến tháng 5, các chuyên gia đánh giá công trình của các ứng cử viên, sau đó Ủy ban Nobel tiến cử người đạt giải để Viện Hàn lâm chọn trên đa số phiếu bầu.
Tháng 6 đến tháng 8, Ủy ban Nobel tập hợp các báo cáo có kèm theo danh sách tiến cử gửi cho Viện Hàn lâm. Bản báo cáo này được các thành viên hội đồng cùng ký tên.
Vào đầu tháng 10, Viện Hàn lâm chọn ra người đoạt giải dựa trên đa số phiếu bầu. Đây là lựa chọn cuối cùng, sau đó chính thức công bố tên người đoạt giải.
Việc bỏ phiếu để chọn ra người đoạt giải Nobel được giữ bí mật đến giờ chót. Tuy nhiên, các thành viên của hội đồng bình chọn - bao gồm quan chức chính phủ, giáo sư đại học, nhà lập pháp và cả những người từng đoạt giải Nobel trước đây - có quyền tiết lộ cái tên hoặc tổ chức mà họ đã đề cử. Hàng năm, trước ngày 15-11, Ban tổ chức sẽ phải công bố danh sách những người được nhận phần thưởng cao quý này.
- Giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế: Do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định.
- Giải Nobel Y học: Do Ủy ban Nobel của Viện Carolin (được thành lập năm 1810) quyết định.
- Giải Nobel Hòa bình: Do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.
* Giá trị giải thưởng Nobel
Chủ nhân của giải Nobel sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt. Số tiền phụ thuộc vào thu nhập của Hiệp hội Nobel. Ban đầu, hơn ba người có thể cùng nhận một giải Nobel. Tuy nhiên đến năm 1968, điều lệ của Tổ chức Nobel được sửa đổi hạn chế chỉ có 3 người đồng nhận một giải thưởng. Trong trường hợp đó, mỗi người có thể nhận 1/3 khoản tiền hoặc 2 người có thể chia nhau 50% số tiền thưởng trong khi người thứ ba nhận 50% còn lại. Nếu chưa được trao, số tiền thưởng sẽ được trả lại quỹ.
Năm 2017, Quỹ Nobel quyết định tăng tiền thưởng cho các hạng mục giải Nobel thêm 1 triệu krona (khoảng 120.000 USD) so với mùa giải đó trước, lên 9 triệu krona (khoảng 1,1 triệu USD). Đây là lần điều chỉnh giá trị tiền thưởng đầu tiên kể từ năm 2012 khi Quỹ Nobel quyết định giảm giá trị tiền thưởng 20% mỗi hạng mục, trong bối cảnh phải cân đối ngân sách trong dài hạn.
* Từ chối giải thưởng Nobel
Lý do dẫn tới hành động từ chối nhận giải Nobel có thể khác nhau, song chủ yếu là do áp lực từ bên ngoài. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận thì số tiền thưởng sẽ được trả lại vào quỹ. Trong quá khứ, đã có trường hợp người giành giải từ chối nhận phần thưởng, vì vậy bên cạnh tên của người nhận giải trong danh sách những người giành giải Nobel sẽ có dòng chữ "từ chối nhận giải". Ví dụ, vào năm 1935, nhà văn người Đức Carl von Ossietzky đã được trao giải Hoà bình khi ông đang bị phát xít cầm tù vì công bố các thông tin về việc Đức bí mật tái vũ trang. Adolf Hitler giận dữ và cấm Carl von Ossietzky nhận giải thưởng. Không chỉ vậy, Hitler còn cấm tất cả người Đức nhận giải Nobel nếu được trao trong thời gian cầm quyền của Hitler.
Cũng có một số trường hợp, người được trao giải chỉ nhận huy chương vàng cùng với bằng khen. Do bản chất, giải Nobel văn học và hoà bình thường gây nhiều tranh cãi so với các Giải Nobel khác. Cho tới nay, giải Nobel không được trao vào các năm 1940, 1941 và 1942. Giải Nobel văn học không được trao vào năm 1914, 1918 và 1943.
* Alfred Bernhard Nobel - người cống hiến trọn đời cho khoa học
Alfred Nobel sinh ngày 21-10-1833 tại Stockholm, Thụy Điển. Cha của ông là một kỹ sư kiêm nhà sáng chế và mẹ là con một gia đình giàu có. Tuy nhiên, đúng thời điểm ông được sinh ra thì công việc của cha ông gặp khó khăn và gia đình rơi vào tình trạng phá sản. Khi lên 9 tuổi, ông theo gia đình tới nước Nga lập nghiệp. Tại đây, ông và anh em trai được các gia sư dạy những bài học đầu tiên về lòng nhân đạo và khoa học tự nhiên.
17 tuổi, Nobel đã thông thạo các ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Phần Lan và Đức. Sở thích chính của ông lúc bấy giờ là thơ và văn học Anh, cũng như vật lý và hóa học. Vào thời gian rỗi, ông viết một số tiểu thuyết, thơ và kịch. Vào năm 1860, Nobel bắt đầu tiến hành các thí nghiệm với nitroglycerin, một chất lỏng dễ nổ. Ông đã nghĩ tới giải quyết vấn đề an toàn và tìm cách kiểm soát hiệu quả quá trình nổ của nó trong khi ứng dụng vào các công trình xây dựng. Năm 1867, Nobel tìm ra quặng kixegur, trộn với nitroglycerine thành hỗn hợp “Dinamít” (Dynamite) có thể quản lý được mức độ nổ và an toàn trong bảo quản và vận chuyển.
Ngoài việc nghiên cứu ra thuốc nổ, Alfred Nobel còn nghiên cứu ra lụa nhân tạo, cao su và da nhân tạo… Đến cuối đời, Nobel nhận được tất cả 350 bằng sáng chế. Lợi nhuận từ kinh doanh của ông lên đến mức khổng lồ. Toàn bộ tài sản của ông năm 1895 khoảng 9 triệu USD. Đó là một con số mà không một nhà tư bản nào trên thế giới có thể sánh được ở thời điểm đó.
Vào ngày 27-11-1895, Nobel ký di chúc cuối cùng tại Câu lạc bộ Thuỵ Điển-Na Uy ở Paris, Pháp. Ngày 10-12-1896, ông qua đời do mắc bệnh xuất huyết não tại nhà riêng ở San Remo, Italy. Trong di chúc, Nobel đã ghi rằng tài sản của ông sẽ được sử dụng làm phần thưởng cho những người mà nghiên cứu của họ có lợi nhất cho nhân loại. Năm 1900, Hiệp hội Nobel được thành lập theo di chúc của ông. Đó là một tổ chức tư nhân quản lý các tài sản mà Nobel di chúc lại làm phần thưởng cho những cá nhân đoạt giải Nobel.
Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về cách xét giải, nhưng phần lớn những người được nhận giải thưởng Nobel đều là những người có cống hiến vĩ đại cho nhân loại. Cùng với giải, tấm lòng cao thượng và nhân đạo của người lập ra nó, Alfred Nobel sẽ mãi mãi được nhân loại ghi nhận./.
(P.V Tổng hợp)
Nguồn: TTXVN]