Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Khảo sát kết quả 40 năm phát triển văn hóa-xã hội và con người tại Thừa Thiên Huế

Ngày phát hành: 19/10/2023 Lượt xem 628

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc


Ngày 18/10, Đoàn Khảo sát thực tế nhóm 3 (lĩnh vực văn hóa-xã hội và con người) Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và xây dựng con người. 

 

Làm việc cùng đoàn có: UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Phạm Văn Linh; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những thành quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt được, yêu cầu tỉnh khai thác tốt hơn thế mạnh địa phương về văn hóa, con người và hệ thống di sản vật thể, phi vật thể, hệ sinh thái đầm phá đa dạng, phong phú…

 

Trưởng đoàn công tác đề nghị, Thừa Thiên - Huế phải có chiến lược thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để duy trì, phát triển văn hóa; xây dựng giải pháp cụ thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số; cơ chế thu hút nhân tài...

 

Báo cáo tại buổi làm việc, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng khẳng định, xây dựng văn hóa, phát triển văn hóa, con người Huế luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài.

Văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế, con người Huế nói riêng là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng; tạo điều kiện và môi trường, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh luôn chú trọng đến xây dựng con người Huế phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được các cấp, các ngành chú trọng, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo thực hiện trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, xây dựng thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả.

Tỉnh cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực thực hiện và cơ bản hoàn thành dự án văn hóa; các giá trị văn hóa phi vật thể; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng, sản phẩm văn hoá hướng đến phát triển công nghiệp văn hoá, phát huy những tiềm năng và giá trị văn hoá Việt Nam, văn hóa Huế...

Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, cụ thể hóa các vấn đề văn hóa. Từ đó, rút ra 7 bài học kinh nghiệm để xây dựng văn hóa, phát triển văn hóa, con người Huế đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Đó là, lấy con người là trung tâm của sự phát triển; phát huy vai trò của văn hóa, con người và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển; vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách sát với tình hình thực tiễn để huy động và sử dụng có hiểu quả các nguồn lực cho đầu tư...

Nhiều kiến nghị, đề xuất cũng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh gửi đến Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương liên quan đến việc, sớm phát triển Đại học Huế thành Đại học quốc gia; nguồn lực để Thừa Thiên Huế phát triển kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội; phân bổ các dự án, chương trình nhằm góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.


Ý kiến của các thành viên Đoàn công tác nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa và nhiều tiềm năng phát triển. Thời gian qua, các cấp ủy rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa vấn đề về văn hóa, xã hội và xây dựng con người. Tỉnh thực hiện tốt chính sách về an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nội dung trên địa phương còn gặp một số khó khăn, hạn chế như trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, giữ gìn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế.

 

Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ điểm nghẽn, vấn đề đặt ra và xác định đâu là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện mục tiêu đến năm 2030, phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm lớn và đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao...

 

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, địa phương luôn chú trọng bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người Thừa Thiên - Huế phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách làm trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa.

Tỉnh huy động các nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình và cộng đồng, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết dân tộc. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, đổi mới giáo dục và đào tạo, bảo đảm công tác an sinh xã hội./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết