Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ và tạo điều kiện cho nữ giới. Với những nỗ lực không ngừng và những thành tích đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực công tác, phụ nữ Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên chặng đường hội nhập quốc tế.
* Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội được quy định tại Luật Bình đẳng giới (2006) đã được rút ngắn đáng kể. Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế, lao động và việc làm đã đạt được chỉ tiêu của kế hoạch đề ra.
Thực tế cho thấy, phụ nữ ngày càng tham gia và phát huy vai trò trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Đảng có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 đã có 132 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 26,%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước.
Trong lĩnh vực kinh doanh, kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp mới, số doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng tăng lên. Theo số liệu nghiên cứu của Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME), hiện nay, có khoảng 24,8% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý (riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý).
Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết; tỷ lệ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ là 33,95% và tiến sĩ là 25,69%. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đều tăng. Điểm nổi bật của phụ nữ là, dù ở cương vị công tác nào, chị em cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn về bản thân, gia đình, không ngừng phấn đấu, vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, trong quân đội, gần đây Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xuđăng. Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trong các lĩnh vực khác như y tế, khoa học-kỹ thuật, văn hoá, thể thao và du lịch… phụ nữ cũng có những đóng góp to lớn.
Hiện nay có một số Giải thưởng quốc gia có uy tín dành cho phụ nữ như Giải thưởng Kovalevskaia dành cho các nhà nữ khoa học tự nhiên, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam dành cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra còn một số giải thưởng khác, ví dụ như cúp Bông hồng vàng dành cho Doanh nhân nữ, giải thưởng L’Oréal, UNESCO dành cho các nhà nghiên cứu khoa học là nữ trẻ. Tất cả các giải thưởng này nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ phụ nữ ở trên các lĩnh vực, đồng thời qua các giải thưởng làm cho bạn bè quốc tế có cái nhìn hiện đại hơn về phụ nữ Việt Nam.
Có thể nói rằng, phụ nữ Việt Nam đã rất hội nhập, rất chủ động, sáng tạo, tự tin, trí tuệ. Tất cả những hình ảnh đó có trong công việc, trong cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam cũng tiếp thu những cái văn minh, tiến bộ của nhân loại để đưa vào trong lối sống, trong tư duy, trong ứng xử gia đình và ứng xử trong xã hội. Tất cả những điều đó cũng góp phần để khẳng định sự hiện đại, sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày nay.
* Tăng quyền và tạo điều kiện cho phụ nữ
Tuy nhiên, trong những thời khắc được xã hội vinh danh, nhiều phụ nữ đã bật khóc vì vui sướng và cũng vì những cay đắng đã phải trải qua. Nhiều người, do đặc thù công việc đã không giữ được cho mình một gia đình trọn vẹn, trong khi điều này ít xảy ra với nam giới. Chính vì vậy, làm thế nào để dung hòa được gia đình và công việc luôn là câu hỏi được các chị em đặt ra, đặc biệt là những người phụ nữ thành đạt.
Các chính sách về giới của nước ta đã được ban hành nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện nay vẫn còn tồn tại sự kỳ thị trong đánh giá khả năng, đào tạo và đề bạt phụ nữ trong nhiều cơ quan, tổ chức. Các chính sách được ban hành chưa thực sự phù hợp với sự khác biệt về giới giữa nam và nữ, bởi vậy trong nhiều trường hợp chưa đem lại sự công bằng thực sự cho phụ nữ.
Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, theo các chuyên gia cần những giải pháp tuyên truyền định hướng của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của giới truyền thông và cả ngay trong trường học. Thúc đẩy hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, xã hội, gia đình và phụ nữ về quyền của phụ nữ, trong đó chú trọng thường xuyên mở các lớp đào tạo về giới, bình đẳng giới và quyền cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo nữ của các ban ngành, đoàn thể, cán bộ Hội phụ nữ các cấp và nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ: luật hóa đầy đủ, kịp thời các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ trong các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị về bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo sự vận hành đồng bộ của các thiết chế từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam hiện nay. Chú trọng tăng cường hoạt động nghiên cứu pháp luật, thông qua việc thường xuyên tổ chức các hội thảo khu vực và quốc tế nhằm tìm hiểu nội dung các Công ước của Liên hợp quốc liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Bên cạnh đó, bản thân người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội và cũng gặp nhiều thách thức để có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình. Do đó, bản thân phụ nữ trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình mới có thể nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội, hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới./.
Diệp Linh (TTXVN)