Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Nỗ lực vì mục tiêu vaccine cho toàn dân : Vaccine, thuốc điều trị và ý thức người dân

Ngày phát hành: 04/10/2021 Lượt xem 965

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương, quan điểm phòng, chống dịch đã được thống nhất chuyển từ mục tiêu "không COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Để đạt được điều này, mục tiêu vaccine cho toàn dân được toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân Việt Nam chung sức đồng lòng thực hiện.

 

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

 

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine,  về những nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác ngoại giao vaccine nhằm thực hiện mục tiêu vaccine cho toàn dân, góp phần quan trọng ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sự lây lan nhanh của các chủng virus mới, nhu cầu vaccine ngày càng cấp bách, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine đã được thành lập nhằm tăng cường huy động nguồn vaccine. Vậy sau khi Tổ công tác được thành lập, công tác ngoại giao vaccine đã có những chuyển biến nổi bật gì, thưa Thứ trưởng?

Việc thành lập Tổ Công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine là quyết định rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng của Thủ tướng nhằm đẩy mạnh Chiến lược vaccine của Chính phủ đã hình thành từ trước đó và xuất phát từ chủ trương rất sớm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc bảo đảm tiếp cận nhanh nguồn vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân.

Kể từ khi được thành lập, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, Tổ công tác đã khẩn trương làm việc không ngừng nghỉ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tất cả các khâu, từ đánh giá, tham mưu, đề xuất các hình thức, biện pháp vận động, trao đổi với các đối tác để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vaccine.

Với sự đóng góp của Tổ Công tác, tôi cho rằng có hai chuyển biến quan trọng nhất. Đó là có sự phối hợp nhịp nhàng, bài bản trong triển khai công tác ngoại giao vaccine ở các kênh, các cấp đặc biệt ở cấp cao trong tiếp cận các đối tác song phương và đa phương. Cùng với đó là các hình thức tiếp cận khác nhau từ thúc đẩy việc mua thương mại, tiếp cận các cơ chế vaccine đa phương cho đến việc vận động tài trợ vaccine.

Chuyển biến quan trọng hơn cả từ khi Tổ Công tác hoạt động là lượng vaccine về Việt Nam cũng ngày càng nhiều hơn. Nếu như tháng 8 Việt Nam có khoảng 16 triệu liều vaccine, đến cuối tháng 9, con số này là trên 54 triệu liều. Đến hết tháng 10, dự kiến chúng ta có thể tiếp cận được nguồn vaccine đủ để có thể bao phủ phần lớn dân số Việt Nam.

Thứ trưởng có thể chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi khi triển khai ngoại giao vaccine?

Bài toán bảo đảm nguồn vaccine nhanh nhất cho gần 100 triệu dân Việt Nam của Đảng và Nhà nước ta không hề đơn giản. Khó khăn lớn nhất là cầu nhiều, cung ít. Hầu hết các nước đang phát triển đều thiếu hụt vaccine chứ không riêng gì Việt Nam.

Đặc biệt, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh khiến áp lực tiếp cận vaccine cấp bách cùng lúc với nhiều nước. Hệ quả là cung không đủ đáp ứng cầu, vaccine đã hiếm càng hiếm hơn. Bên cạnh đó là câu chuyện nhiều quốc gia phát triển tăng mua và tích trữ vaccine; vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine vẫn chưa được cải thiện...

Tuy vậy, chúng ta cũng có những thuận lợi rất lớn trong triển khai công tác ngoại giao vaccine. Đó là uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; mạng lưới sâu rộng bạn bè, đối tác mà Việt Nam đã tạo dựng, vun đắp trong nhiều năm qua bao gồm  các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống.

Đó là vị trí quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Do đó, nhiều nước hết sức nỗ lực giúp đỡ về vaccine để bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Một điểm nữa, trước đó, Việt Nam đã phát huy tốt những giá trị cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong giai đoạn đầu dịch, sẵn sàng chia sẻ, của ít lòng nhiều giúp đỡ bạn bè khẩu trang, vật tư y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch trong khả năng và nguồn lực của chúng ta. Nghĩa cử đó được bạn bè quốc tế đánh giá cao, trân trọng và cảm kích. Việc bạn bè quốc tế sẵn lòng hỗ trợ chúng ta hiện nay một phần cũng là tri ân những nghĩa cử Việt Nam đã dành cho các bạn.

Là cơ quan của Chính phủ quản lý các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và cũng là Cơ quan thường trực của Tổ Công tác Chính phủ về ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao đã triển khai công tác ngoại giao vaccine như thế nào để tận dụng được tối đa lợi thế này, thưa Thứ trưởng?

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngay từ đầu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác Chính phủ về ngoại giao vaccine đã xác định, ngoại giao vaccine là “trọng tâm của trọng tâm” trong công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Trong nước, Bộ Ngoại giao đã phân công một đơn vị làm đầu mối điều phối chung với các bộ, ngành thành viên của Tổ công tác và huy động tổng lực của các đơn vị trong Bộ tham gia công tác ngoại giao vaccine. Ở bên ngoài, các cơ quan đại diện có vai trò hết sức quan trọng trong triển ngoại giao vaccine. Đó là tuyến đầu, có vai trò trực tiếp tiếp cận, kết nối nguồn vaccine từ bên ngoài.

Với tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, các đại sứ, tổng lãnh sự và các cán bộ của cơ quan đại diện ta ở nước ngoài đã làm việc ngày đêm, tìm hiểu, vận động Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng Việt kiều của sở tại. Các cơ quan đại diện đã chắp nối, thu xếp hàng trăm cuộc điện đàm, làm việc của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao với các đối tác và tổ chức quốc tế. Mục tiêu cao nhất là đưa được càng nhiều vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế về nước càng nhanh càng tốt để phục vụ nhân dân.

Cùng với đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cùng các đơn vị tổ chức rất nhiều các chuyến bay, chuyến hàng mang vaccine Việt Nam mua được  hoặc tiếp nhận được từ nguồn tài trợ ở nước ngoài về Việt Nam. Với vai trò là vệ tinh, các Trưởng cơ quan đại diện ta ở nước ngoài đã tìm tòi kinh nghiệm quốc tế, các bài học hay về phòng, chống dịch bệnh, thích ứng an toàn và hiệu quả, linh hoạt với tình trạng dịch bệnh để phục vụ trong quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế của đất nước.

Bộ Ngoại giao có những giải pháp gì để vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại của ngành vừa đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19 thông qua công tác ngoại giao vaccine, thưa Thứ trưởng?

Ngoại giao vaccine là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất của công tác đối ngoại hiện nay. Giữa ngoại giao vaccine và các hoạt động đối ngoại khác đều có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong tổng thể công tác đối ngoại.

Với tinh thần phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển và nâng cao vị thế đất nước, đồng thời góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19, Bộ Ngoại giao đã tập trung triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp. Theo đó, ngành nhanh chóng chủ động, sáng tạo, nhạy bén thích ứng với tình hình mới như đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại trực tuyến; tăng cường tận dụng công nghệ, nền tảng số trong các hoạt động đối ngoại. Đồng thời, các hoạt động trực tiếp cũng từng bước được nối lại. Nhờ đó, số lượng và tần suất các hoạt động đối ngoại từ khi đại dịch bùng phát đến nay thậm chí còn cao hơn nhiều so với giai đoạn bình thường trước đại dịch.

Cùng với đó, ngành tập trung đẩy mạnh vận động các đối tác có tiềm lực, khả năng hỗ trợ Việt Nam phòng, chống COVID-19, nhất là về vaccine, thiết bị y tế, thuốc điều trị… Hiện, ngành Ngoại giao đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ vận dụng kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch COVID-19, mở cửa đi lại và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Đây cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu mà toàn ngành đã quán triệt rõ từ sau Đại hội XIII của Đảng. Đó là, ngoại giao phải phục vụ cho các mục tiêu, khát vọng phát triển của đất nước.

Nhờ đó, công tác đối ngoại đã triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế đất nước, đồng thời giúp Việt Nam từng bước đẩy lùi đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi bền vững.

Vậy, từ nay đến cuối năm, triển vọng tiếp nhận vaccine của Việt Nam sẽ như thế nào; phương hướng và trọng tâm sắp tới của công tác ngoại giao vaccine sẽ ra sao, thưa Thứ trưởng?

Tôi rất tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Phạm Minh Chính và sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các bộ, ngành khi triển khai ngoại giao vaccine, triển vọng tiếp cận vaccine của Việt Nam trong thời gian tới là tích cực. Nếu các đối tác thực hiện đúng cam kết, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là đến tháng 10, lượng vaccine về Việt Nam là khá khả quan. Trọng tâm công tác về ngoại giao vaccine trong thời gian tới tập trung vào 3 điểm chính, trong đó, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy việc triển khai các hiệp định mua vaccine mà Chính phủ và Bộ Y tế đã ký kết với các đối tác, các hãng sản xuất vaccine trên thế giới. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy hợp tác với đối tác tiềm năng trong tiếp cận các nguồn vaccine mới để phục vụ việc tiêm chủng cho năm 2022 và những năm tiếp; trong đó chú trọng đến việc tìm các đối tác có thể cung cấp vaccine cho khoảng 20 triệu trẻ em Việt Nam, đặc biệt là chuẩn bị cho việc tiêm mũi vaccine thứ ba. Hiện nhiều quốc gia đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba để bổ sung cho hiệu lực của vaccine.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy và hiện thực hóa các khả năng về hợp tác chuyển giao công nghệ để có thể sản xuất vaccine ở trong nước để phục vụ cho việc tự chủ về vaccine.  

Thưa Thứ trưởng, dịch COVID-19 không thể nhanh chóng biến mất mà đúng như Chính phủ đã xác định rõ, chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 phải chuyển từ không COVID sang chung sống an toàn với COVID. Vậy, chúng ta phải làm gì để có được nguồn cung vaccine ổn định, lâu dài, đảm bảo một cuộc sống bình thường mới với COVID-19?

Đúng như vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định COVID-19 sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài và coi đây như một loại cúm mùa để hướng tới tiêm nhắc lại hàng năm. Do đó, việc Chính phủ xác định chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ không COVID sang chung sống an toàn với COVID là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình hình và xu hướng chung của thế giới.

Đã sống chung với COVID có nghĩa là ta xác định đi vào vùng nước sâu, nguy hiểm, nên cần được trang bị thật tốt. Kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế cho thấy, trong những điều kiện tiên quyết để sống chung với COVID thì vaccine và thuốc điều trị hiện vẫn là “chìa khóa”, là yếu tố tiên quyết trong kiểm soát, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp cận vaccine theo hướng ổn định, lâu dài và ở mức độ cao hơn là bảo đảm tự chủ vaccine nhằm bảo đảm thích ứng với đại dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới.

Tôi cho rằng, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, biến chuyển rất nhanh với nhiều biến thể khác nhau, do đó cần thường xuyên cập nhật, điều chỉnh phương pháp, biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị sao cho hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm tự chủ về vaccine; đẩy mạnh vận động, thúc đẩy hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, tích cực hỗ trợ quá trình sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về việc điều chỉnh, thích ứng lâu dài với dịch COVID-19 để người dân thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn cho chính mình và xã hội.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 

Thu Phương/TTXVN (thực hiện)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết