Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Tăng cường luận cứ khoa học trong phát triển bền vững kinh tế biển

Ngày phát hành: 11/11/2021 Lượt xem 930

Với những lợi thế về cách tiếp cận tổng hợp, tư duy hệ thống và liên ngành, các nghiên cứu của khoa học địa lí nhân văn đóng góp nhiều luận cứ cho việc giải quyết hầu hết các vấn đề trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

 

Theo đó, để thực hiện thành công Chiến lược này, khoa học và công nghệ đóng một vai trò quan trọng, phải đi trước một bước, phát hiện các vấn đề, tìm kiếm giải pháp đổi mới, xây dựng mô hình thí điểm và áp dụng vào thực tiễn.

Định hướng khai thác bền vững kinh tế biển

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra triển vọng về giai đoạn phát triển mới cho nền kinh tế biển nước ta hướng ra biển và làm giàu từ biển. Để thực hiện thành công Chiến lược này, khoa học công nghệ đóng một vai trò quan trọng, phải đi trước một bước, phát hiện các vấn đề, tìm kiếm giải pháp đổi mới, xây dựng mô hình thí điểm và áp dụng vào thực tiễn. Các kết quả nghiên cứu của khoa học địa lý nhân văn mở ra các cơ hội quan trọng cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững của các quốc gia và thế giới. Các nghiên cứu địa lý nhân văn trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển góp phần nhận diện các vấn đề, thách thức trong phát triển kinh tế biển và các biện pháp giải quyết các thách thức dưới cách tiếp cận khoa học địa lý. 

Nghề cá biển được xác định là một trong 6 ngành kinh tế biển chủ đạo cùng với du lịch biển, dầu khí, hàng hải, công nghiệp, năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, trong Chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiến sỹ Cao Lệ Quyên, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nghề cá biển nước ta gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường có các đặc trưng cơ bản như: Đa nghề, đa ngư cụ, số lượng ngư dân đông, có truyền thống cần cù, chịu khó, kinh nghiệm khai thác thủy sản lâu năm trên ngư trường biển rộng lớn với nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú. Nghề cá biển có tỷ trọng đóng góp trong tổng GDP ngành nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 7,8 - 9,7% và GDP chung toàn quốc 1,3 - 1,4% theo giá hiện hành (năm 2019). Mặc dù vậy, nghề cá nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi từ thủ công, tự phát, tiếp cận tự do sang có trách nhiệm và bền vững.

Để nâng cao vai trò của nghề cá biển trong giai đoạn tới, Tiến sỹ Cao Lệ Quyên cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp như: Xây dựng một ngành khai thác hải sản phát triển toàn diện theo hướng hiện đại và bền vững, có trách nhiệm, tập trung vào việc kiểm soát khai thác như cắt giảm số lượng tàu, thuyền. Ngoài ra, Việt Nam cần thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo vệ và gìn giữ ngư trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản bền vững; đảm bảo an ninh, an toàn trên ngư trường biển trong quá trình khai thác hải sản; đổi mới cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển khai thác hải sản hiện đại, đồng thời cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội các vùng nông thôn ven biển, hải đảo.

Bên cạnh đó, tài nguyên vị thế là những lợi ích to lớn hiện vẫn là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với nhiều nước trên thế giới. Lấy ví dụ thực tế đối với trường hợp khu vực cửa Đáy, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Tiến sỹ Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam cho rằng, với những lợi thế về địa tự nhiên và địa kinh tế, khu vực này cần kết hợp khai thác theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của nước ta là “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển”.

Để thực hiện hiệu quả việc khai thác bền vững tài nguyên vị thế khu vực cửa sông, điển hình là khu vực cửa Đáy, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Tiến sỹ Phạm Thị Trầm cho rằng, trước hết nhà nước cần hoàn thiện về thể chế, quy hoạch. Cụ thể, tỉnh Ninh Bình cần sớm công bố quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết vùng bãi bồi; huyện Kim Sơn nghiên cứu, đề xuất với tỉnh Ninh Bình, với Trung ương thực hiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp những nét đặc thù, khó khăn của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình cần tăng cường huy động nguồn vốn tài chính như: Thu hút nguồn lực đầu tư theo hình thức xã hội hóa phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển; thu hút đầu tư nuôi trồng thủy hải sản.

Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình cần có cơ chế giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp chuyển nhượng đầm bãi trái quy định của pháp luật; khai thác tài nguyên trái phép; quan tâm tới bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; khuyến khích và hỗ trợ các dự án nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện trên địa bàn.

Phát huy ưu thế biển, đảo Việt Nam trong bối cảnh mới

Nhằm hỗ trợ đắc lực cho Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và “Mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Việt Nam cần tiếp tục kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách về phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đặc biệt là thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phục vụ phát triển kinh tế biển nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh nói chung.

Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh việc khai thác khoáng sản ở biển sâu nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu khoáng sản kim loại và năng lượng ngày một gia tăng của nền kinh tế đang phát triển; tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát và các hoạt động của nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản, đặc biệt là các khoáng sản biển sâu, các bể trầm tích mới; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu. 

Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh và từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng phát triển du lịch và dịch vụ biển, khuyến khích cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch các đảo, vùng biển xa bờ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Sỹ, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (DSRP) thuộc UBND tỉnh Quảng Bình, Việt Nam cần bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; mở rộng quy hoạch không gian biển quốc gia, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái… Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường quốc phòng, an ninh và đảm bảo đời sống an toàn cho dân cư vùng ven biển, trên đảo và những người lao động trên biển. nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển; phát huy tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển, ven biển; bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng.

Đồng thời, nước ta cần tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống, các nước có tiềm lực về biển, các nước có chung lợi ích trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là các hoạt động hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN.

 

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết