Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Tuần lễ cấp cao APEC 2023: Dấu ấn gắn kết vì một tương lai bền vững và tự cường cho mọi người dân

Ngày phát hành: 18/11/2023 Lượt xem 508

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC.


Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 đã kết thúc thành công tốt đẹp với việc các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC nhất trí thông qua Tuyên bố Cổng vàng “Tạo dựng một tương lai bền vững và tự cường cho mọi người dân”. Xuyên suốt Tuần lễ cấp cao, các đại biểu tham dự đều nhất trí sẽ thúc đẩy để APEC trở thành động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu…

Gắn kết vì sự thịnh vượng

 

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 diễn ra từ ngày 11 đến 17/11/2023 tại San Francisco, California (Mỹ) với sự tham gia của các lãnh đạo, bộ trưởng cấp cao Hoa Kỳ cùng hàng nghìn đại biểu, lãnh đạo doanh nghiệp đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 


Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có rất nhiều sự bất ổn, thách thức, diễn đàn kinh tế APEC lần này là dịp để các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế bàn thảo về các vấn đề thách thức này và các biện pháp để khắc phục, cũng như phối hợp về chính sách giữa các nền kinh tế để mang lại sự phục hồi kinh tế nhanh nhất, đồng thời bảo đảm nền kinh tế phát triển lành mạnh và vững mạnh trong thời gian tới. 


Trong Tuần lễ cấp cao, các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên đã tham gia các cuộc họp cấp cao và các sự kiện bên lề với các bên liên quan về nhiều chủ đề, bao gồm: khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; khoa học, nghiên cứu và đổi mới; công nghệ quan trọng và mới nổi; năng lượng sạch; cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao; trao quyền kinh tế cho phụ nữ và tính bao trùm. Các cuộc họp này nhằm đặt nền tảng cho việc thúc đẩy hợp tác trong APEC năm sau và đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố chủ đề APEC năm nay là “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người” trong nhiều năm tới.


Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC lần này có các hội nghị như: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (ngày 12 và 13/11); Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Thương mại APEC (ngày 14 và 15/11); Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì (ngày 16 và 17/11); Phiên họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) do Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chủ trì…


Trong đó, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 30 diễn ra vào ngày 16 và 17/11/2023 là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại San Francisco (Hoa Kỳ). Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo cấp cao và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC gồm: Brunei, Canada, Chile, Đài Bắc Trung Hoa, Hoa Kỳ, Indonesia, Hàn Quốc, Hong Kông-Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Nga, New Zealand, Nhật Bản, Australia, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Thailand, Trung Quốc, Singapore và Việt Nam. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tham dự với tư cách khách mời. 


Với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người”, Hội nghị đã đánh giá chặng đường hợp tác 30 năm qua của APEC kể từ Tuần lễ cấp cao đầu tiên tại đảo Blake, Hoa Kỳ (1993-2023); đồng thời thảo luận những định hướng hợp tác trong giai đoạn mới. Các nhà Lãnh đạo cũng chia sẻ đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, những thách thức và cơ hội đang đặt ra với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Hội nghị đánh giá cao những đóng góp quan trọng của APEC trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu những thập kỷ qua; khẳng định APEC cần tiếp tục là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế trong một thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro. APEC cần phát huy những thành tựu và bài học của ba thập kỷ qua, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hoà bình, vì thịnh vượng của người dân và thế hệ tương lai.


Về hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối, các Nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch, bao trùm, duy trì các thị trường mở và giải quyết các đứt gãy của chuỗi cung ứng. APEC tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).


Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái số không phân biệt đối xử cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; thống nhất đẩy nhanh triển khai Lộ trình kinh tế internet/kinh tế số APEC, nhất là trong các lĩnh vực bảo mật dữ liệu, điện toán đám mây, mạng viễn thông, thương mại điện tử và thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo.


Với quyết tâm đẩy mạnh chương trình nghị sự về phát triển bền vững và bao trùm, Hội nghị nhất trí cắt giảm và tiến tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu hoá thạch, đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng sạch nhằm thực hiện mục tiêu toàn cầu về cắt giảm khí thải nhà kính về 0. Hội nghị đã thông qua các nguyên tắc lớn về chuyển đổi năng lượng công bằng và an ninh lương thực trong hợp tác APEC, Khuôn khổ và Kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai; nhất trí đẩy nhanh thực hiện Mô hình kinh tế sinh học-xanh tuần hoàn; lồng ghép các nội dung bền vững và bao trùm vào hoạt động của APEC.
Các Nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, người thiểu số, các cộng đồng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.


Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tựu chung lại Tuần lễ cấp cao APEC 30 tại Hoa Kỳ lần này đã đạt được kết quả quan trọng trên 3 phương diện:


Một là, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tái khẳng định thúc đẩy thương mại-đầu tư tự do và mở là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của diễn đàn. Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; duy trì thị trường mở, giải quyết các đứt gãy và xây dựng chuỗi cung ứng mở tự cường. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng cần có cách tiếp cận mới toàn diện, cân bằng và hài hoà hơn.


Hai là, hội nghị là một bước tiến quan trọng, được xây dựng trên cơ sở kết quả hợp tác những năm qua, nhất là từ năm APEC 2017 tại Việt Nam, trong việc khẳng định tăng trưởng bền vững, bao trùm đã trở thành một trụ cột hợp tác của APEC. 


Hội nghị khẳng định vai trò đi đầu của APEC trong thúc đẩy chương trình nghị sự bao trùm, bền vững trong khu vực. Các nhà lãnh đạo đã dành riêng một phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực và từng nền kinh tế; cũng như thông qua các Nguyên tắc định hướng chuyển đổi năng lượng công bằng. Hội nghị nhất trí định hướng chung hỗ trợ các nền kinh tế trong chuyển đổi số, bảo đảm an ninh lương thực, tích hợp bao trùm và bền vững vào các chính sách thương mại, đầu tư. 


Thứ ba, nhân dịp hội nghị, đã diễn ra chuỗi các hoạt động với sự tham dự của hàng nghìn doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chủ đề “Kiến tạo các cơ hội kinh tế. Bao trùm. Tự cường. Sáng tạo”. Các hoạt động này giúp củng cố sự ủng hộ và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu và tầm nhìn của APEC vì cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, hoà bình và tự cường. 


Hội nghị cũng là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo gặp gỡ, trao đổi để cùng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề song phương cũng như đa phương. 


Ngoài ra, nhân Tuần lễ cấp cao APEC 30, đã diễn ra Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Hoạt động này đánh dấu bước tiến quan trọng của sáng kiến sau một năm rưỡi thảo luận và đàm phán giữa 14 quốc gia, thành viên APEC. Các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố khẳng định mục tiêu xây dựng IPEF trở thành diễn đàn mở, bao trùm, linh hoạt, dài hạn và năng động nhằm thúc đẩy các lợi ích chung, góp phần bảo đảm tương lai hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho mọi người dân. 


Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 30 đã kết thúc thành công tốt đẹp với việc các Nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Tuyên bố Cổng vàng “Tạo dựng một tương lai bền vững và tự cường cho mọi người dân”, khẳng định vai trò lãnh đạo của APEC cũng như vị thế là một diễn đàn hàng đầu của hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Các Nhà lãnh đạo nhất trí sẽ gặp nhau tại Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2024 tại Peru và năm 2025 tại Hàn Quốc.

Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp nhiều đề xuất cho sự tăng trưởng của APEC

 
Tham dự Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 30 tại Hoa Kỳ, đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu, tham gia thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực; góp phần đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các hoạt động quan trọng như: phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit); tham dự các buổi đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với đối tác, khách mời; dự Hội nghị cấp cao Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… Chủ tịch nước cũng có các hoạt động tiếp xúc song phương với các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC, Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023.


Đặc biệt, tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 30, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu nhấn mạnh APEC là diễn đàn hợp tác và liên kết hàng đầu khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Chủ tịch nước nhấn mạnh sau đúng 25 năm gia nhập APEC, với mong muốn tiếp tục đóng góp cho tiến trình APEC, Việt Nam đề xuất đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027. Các nhà Lãnh đạo APEC đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Việt Nam và nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị.


Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đóng góp nổi bật của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC 2023 là:

 

Thứ nhất, những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn. Chủ tịch nước cũng đã có những đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới nhằm thích ứng và tiếp tục thành công. Đó là duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu. Đó là hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức. Đó là tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng. 


Những ý tưởng, quan điểm này được các nhà Lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và đưa vào văn kiện của Hội nghị, qua đó mở ra những hướng đi mới cho hợp tác của APEC. 


Thứ hai, tại Hội nghị cấp cao APEC lần này, các thành viên nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam đăng cai năm APEC 2027. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đề xuất này đã khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng. Điều này cũng thể hiện quyết tâm triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tất cả thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.  


Thứ ba, đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia tích cực, phối hợp cùng chủ nhà Hoa Kỳ và các thành viên trong quá trình chuẩn bị và thảo luận tại Hội nghị, đem lại kết quả tốt nhất cho tất cả các thành viên. 


Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đã có nhiều hoạt động tiếp xúc với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các khách mời. Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nền kinh tế, các khách mời đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, đẩy mạnh hợp tác chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kết nối giữa các địa phương của Việt Nam và các nước, giao lưu nhân dân cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.


Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng có các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ như: gặp gỡ, trao đổi với Tổng thống Joe Biden, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry; Thống đốc bang California, Phó Thị trưởng thành phố Los Angeles; tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ: Boeing, Apple; phát biểu tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR), dự và phát biểu chỉ đạo tại Bàn tròn về kết nối địa phương Việt Nam và doanh nghiệp Hoa Kỳ về công nghệ cao; thăm Bệnh viện Y, Đại học Stanford…

 

Có thể khẳng định, chuyến công tác tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và các hoạt động tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, cả trong các hoạt động đa phương và song phương, góp phần tiếp tục duy trì và củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.  Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự diễn đàn APEC năm nay cho thấy sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, cũng như đối với tiến trình APEC nói riêng./.

 


         Phước An TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết