Chủ Nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024

Hội thảo KH “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hoá, xã hội, con người Việt Nam qua 50 năm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ 1975 đến nay)

Ngày phát hành: 24/06/2023 Lượt xem 3685

 

Ngày 21/6/2023, tại Học viện Chính trị khu vực II, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hoá, xã hội, con người Việt Nam qua 50 năm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ 1975 đến nay)". Đây là cuộc Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình KX.04/21-25 và Đề tài KX.04.03/21-25,

 

 

GS, TS. Tạ Ngọc Tấn - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 

 Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.04/21-25

phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Các đồng chí GS, TS. Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ nhiệm Chương trình KX.04/21-25; PGS, TS. Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng- Bí thư đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II chủ trì Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo có PGS, TS. Bùi Nhật Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng; GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn - Chánh Văn phòng Chương trình KX.04/21-25, đồng chí Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện nhiều cơ quan khoa học, ban Thư ký khoa học Hội đồng; Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vưc II và các giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện, cùng đại diện nhiều cơ quan báo chí.

 

Quang cảnh Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh vấn đề văn hoá, xã hội và con người là vấn đề quan trọng trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, là vấn đề sống còn của đất nước. Hội thảo nhằm tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn từ đó đưa ra các bài học kinh nghiệm về xây dựng và phát triển văn hoá, xã hội, phát triển con người Việt Nam qua 50 năm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tiếp tục hoàn chỉnh lý luận về chủ nghĩa xã hội cũng như con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. GS, TS. Tạ Ngọc Tấn mong muốn các đại biểu, nhà khoa học sẽ có những ý kiến, tham luận tập trung làm rõ các nội dung chính của Đề tài.

 

PGS, TS. Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Phạm Văn Linh nhấn mạnh qua 50 năm thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và con người vẫn còn những hạn chế, bất cập, cả về lý luận và thực tiễn. Trước công cuộc đổi mới, vấn đề đặt ra là cần tổng kết về lý luận và thực tiễn, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho xây dựng và phát triển văn hoá, xã hội, phát triển con người Việt Nam. Hội thảo sẽ tập trung các vấn đề sau: (i) Những thành tựu, hạn chế trên phương diện lý luận, thực tiễn và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng văn hóa, xã hội và con người qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; (ii) Đánh giá tác động quá trình đổi mới, phát triển văn hóa, xã hội và con người trong 50 năm qua đến việc đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; (iii) Làm rõ những vấn đề đặt ra hiện nay (thuận lợi và khó khăn, thách thức) đối với xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, con người Việt Nam trong thời gian tới; (iv) Định hướng tiếp tục xây dựng, phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đáp ứng yêu cầu thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

 

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu chào mừng Hội thảo

PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng  chúc mừng và tặng hoa tới GS, TS. Tạ Ngọc Tấn nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Hội thảo diễn ra trong bổi cảnh cả nước đang tiến hành triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, chuẩn bị tiền đề tổng kết việc thực hiện Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tổng kết thực hiện 40 năm đổi mới, đây là những sự kiện quan trọng của đất nước. Đồng chí khẳng định, Hội thảo diễn ra trong một ngày đặc biệt, ngày 21/6 - ngày mà cách đây 98 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và cho ra đời tờ Báo Thanh niên - tờ Báo cách mạnh đầu tiên của Việt Nam. PGS, TS. Nguyễn Quốc Dũng gửi lời chúc mừng đến GS, TS. Tạ Ngọc Tấn - nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo đã có nhiều đóng góp cho báo chí cách mạng Việt Nam, các viên chức Tạp chí Khoa học chính trị Học viện Chính trị khu vực II nói riêng và đội ngũ nhà báo của Việt Nam nói chung.

 

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Khái quát chung về đặc điểm văn hoá, xã hội, con người Nam Bộ trước 1975 và sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; Xây dựng môi trường văn hoá và giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; Vấn đề bảo đảm dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; Tác động của quá trình hội nhập quốc tế tới ổn định và phát triển đất nước; Sự phát triển quan điểm của Đảng về chính sách xã hội; Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc trong xây dựng, phát triển văn hoá, xã hội và phát triển con người Việt Nam; Xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực kế cận thực hiện xây dựng, phát triển văn hoá, xã hội và phát triển con người Việt Nam; Vấn đề xã hội, quản lý phát triển xã hội ở Miền Nam trước và sau khi đất nước thống nhất.

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS. Phạm Văn Linh khẳng định các đại biểu, nhà khoa học đã có những đóng góp, ý kiến tâm huyết, bổ ích gắn giữa lý luận và thực tiễn; có sự đa dạng, phong phú về nội dung, tập trung vào các vấn đề văn hoá, xã hội, con người… trong các giai đoạn: 1975 - 1986, 1986 đến 1991 (khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ), 1991 - 2011; từ 2011 đến nay. Đây là những nội dung quan trọng, có đóng góp tích cực cho đề tài. Ban chủ trì Hội thảo sẽ chắc lọc các ý kiến đóng góp để đưa vào kiến nghị của Đề tài nói riêng và Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng nói chung./.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết