Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Kiến nghị của đề tài "Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, vấn đề dặt ra và giải pháp"

Ngày phát hành: 31/07/2020 Lượt xem 7296

Kiến nghị của đề tài "Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, vấn đề dặt ra và giải pháp", mã số: KX.04.18/16-20, do PGS.TS Phạm Duy Đức làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là một số kiến nghị của đề tài

 

 

I. Kiến nghị chung

1. Về văn hóa trong chính trị

Thứ nhất, đẩy mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước

Văn hóa trong chính trị là các giá trị văn hóa làm nền tảng cho chế độ chính trị, thẩm thấu, lan tỏa trong hoạt động chính trị, trong hệ thống chính trị, thể chế chính trị, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Văn hóa chính trị không chỉ là các giá trị văn hóa làm điểm tựa cho hệ thống chính trị mà còn là nền tảng tư tưởng chi phối, thu hút sự tham gia của quần chúng nhân dân vào đời sống chính trị. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, nhà nước và nhân dân. Cần nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn vai trò của nhân dân trong qua trình thực hành văn hóa chính trị, đưa các giá trị văn hóa vào hoạt động chính trị thường nhật của xã hội. Đồng thời cần chú ý văn hóa ứng xử của hệ thống công quyền đối với nhân dân. Thái độ đối với nhân dân được xem là thước đo của văn hóa trong chính trị. Đây là vấn đề cần được bổ sung vào nhận thức lý luận văn hóa trong chính trị hiện nay. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự quản lý của nhà nước trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là biểu hiện của sức mạnh, của nội lực văn hóa để thực hiện các mục tiêu chính trị.

Thứ hai, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Một trong những nội dung cốt lõi của văn hóa trong chính trị là văn hóa gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước nhân dân để Đảng ta thực sự là “đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu. Điều này rất phù hợp với truyền thống chính trị phương Đông nói chung, truyền thống, văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng là coi trọng tấm gương của người đứng đầu. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 Khóa XII đã ban hành Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Khóa XII đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, vừa đảm bảo tính khoa học, vừa đảm bảo tính thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. Như vậy, xây dựng văn hóa trong chính trị trước hết phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, trước hết là những người đứng đầu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị... Việc thực hiện các quy định này gắn liền với việc đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị và Kế hoạch 03 của Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực từ các chủ thể chính trị trong cuộc đấu tranh chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng các nhân tố mới, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, bảo vệ và phát huy và phát triển nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng

Lý tưởng chính trị là cơ sở, là động lực thôi thúc và tập hợp đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và được bổ sung phát triển năm 2011 và các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc thời kỳ đổi mới đều khẳng định: Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đồng thời Đảng yêu cầu toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”[1]

Nghị quyết Trung ương bốn Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó có biểu hiện thuộc về suy thoái trong nhận thức, thái độ, hành vi đối với nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, thậm chí là phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây chính là sự suy thoái về lý tưởng chính trị, dao động, mất phương hướng chính trị, từ đó tác động và làm suy thoái về đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Vì vậy, trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, Đảng và nhà nước cần đặc biệt quan tâm bồi dưỡng và giáo dục lý tưởng chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, truyền cảm hứng về khát vọng, lý tưởng, hoài bão chính trị, tạo động lực cho thúc đẩy hành động chính trị trong thực tiễn. Cần chú ý rằng, không có khát vọng và lý tưởng chính trị - xã hội tốt đẹp thì không thể xây dựng và phát triển văn hóa trong chính trị.

 

 

Thứ tư, phát huy vai trò của loại hình văn hóa, nghệ thuật trong việc tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay

Bước vào thời kỳ đổi mới hiện nay, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật nói chung đã được Đảng và nhà nước ta quan tâm chỉ đạo tập trung và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các chương trình, mục tiêu quốc gia về văn hóa được đầu tư. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng con người còn bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Điểm thiếu hụt lớn nhất là đầu tư để xây dựng bồi dưỡng lý tưởng chính trị và đạo đức xã hội chưa đủ tầm mức, chưa lường trước được sự tác động của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa sau khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Các loại hình văn hóa, văn chương, nghệ thuật chưa tạo lập được mô hình con người lý tưởng, con người trung tâm của thời kỳ đổi mới. Tính lý tưởng, truyền cảm hứng, truyền khát vọng cho các thế hệ tiếp nối trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bị mờ nhạt, thậm chí bị lấn lướt bởi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chương trình giải trí và phim ảnh, nghệ thuật nước ngoài. Đã đến lúc chúng ta cần phải khắc phục sự thiếu hụt này và có những chính sách, giải pháp thiết thực để tăng cường công tác giáo dục lý tưởng chính trị xã hội và đạo đức xã hội ở hệ thống giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường, phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong công tác tuyên truyền và giáo dục. Đồng thời, cần phải cụ thể hóa việc thực hiện lý tưởng chính trị xã hội thông qua công tác học tập và nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa các thực hành nhằm nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là phải phát huy mạnh mẽ vai trò của các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng chính trị xã hội tốt đẹp cho thanh thiếu niên. Sự thống nhất về tư tưởng là cơ sở để đảm bảo sự thống nhất về tổ chức, tăng cường tính kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm công dân trong việc thực hiện mục tiêu của sự nghiệp đổi mới.

2. Về văn hóa trong kinh tế

Một là, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết

 Bài học kinh nghiệm mà Đại hội XII của Đảng rút ra: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc trên hết …” là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Mặt khác, để đoàn kết dân tộc, phải xây dựng lòng tin xã hội vững chắc. Đó là sự tin tưởng lẫn nhau giữa cá nhân và cá nhân, giữa con người và cộng đồng, giữa công dân và nhà nước, giữa các chủ thể kinh tế và các đối tác sản xuất kinh doanh. Lòng tin không chỉ là chỉ báo về phương diện đạo đức xã hội mà còn là chỉ báo quan trọng về kinh tế và chính trị, là biểu hiện trình độ văn hóa của dân tộc, là cơ sở để đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế.

Hai là, nâng cao chất lượng, vị thế chủ đạo của kinh tế nhà nước

 Để đảm bảo giữ vững định hướng xã hội của nền kinh tế, Đảng và Nhà nước cần tập trung xây dựng quản lý tốt kinh tế nhà nước, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, lấy lại niềm tin của xã hội đối với các doanh nghiệp này. Mặc dù doanh nghiệp Nhà nước chỉ là một bộ phận của nền kinh tế nhưng đây là bộ phận đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt và đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững. Nếu như doanh nghiệp nhà nước bị suy thoái thì không chỉ làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế mà còn đe dọa đến an ninh quốc gia.

Ba là, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN

 Phát triển kinh tế thị trường phải gắn liền với xây dựng nhà nước pháp quyền, đề cao trách nhiệm công dân và đạo đức xã hội. Xây dựng văn hóa trong chính trị ở Việt Nam hiện nay phải chăng là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng văn hóa trong kinh tế là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng văn hóa trong kinh tế và văn hóa trong chính trị phải đặt trên cơ sở đề cao truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc, phát huy nội lực của toàn dân để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bốn là, tập trung nghiên cứu những giải pháp có ý nghĩa đột phá để xây dựng văn hóa trong kinh tế.

II. Một số kiến nghị đưa vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Thứ nhất: Đại hội XIII của Đảng cần khẳng định rõ hơn vai trò của việc xây dựng văn hóa trong chính trị và xây dựng văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam hiện nay như sau: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và xây dựng văn hóa trong kinh tế là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đảm bảo cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực cơ bản để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Thứ hai: Cần bổ sung nhiệm vụ cụ thể của việc xây dựng văn hóa trong chính trị và xây dựng văn hóa trong kinh tế như sau:

“Xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế là làm cho các giá trị pháp lý và đao lý dân tộc thấm sâu vào trong đời sống chính trị và kinh tế, trở thành chuẩn mực và khuôn mẫu chi phối hoạt động của hệ thống chính trị và kinh tế, xây dựng môi trường tinh thần lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Thứ ba: Cần nêu rõ phương thức xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế theo nội dung sau:

Xây dựng văn hóa trong chính trị trước hết là tập trung nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cấp chiến lược, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp, xây dựng môi trường văn hóa dân chủ, công khai, minh bạch và nhân văn trong tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, đấu tranh chống các biểu hiện tha hóa quyền lực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh xây dựng và lan tỏa các tấm gương điển hình tiên tiến. Đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng môi trường văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể. Thực hiện nghiêm túc cuộc vận động xây dựng văn hóa công sở, văn hóa công vụ. Nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước, đẩy mạnh xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả.

Xây dựng văn hóa trong kinh tế là nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo và phẩm chất đạo đức, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đảm bảo môi trường pháp lý và đạo lý công bằng, dân chủ, minh bạch để các chủ thể tự do phát triển kinh tế. Xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, hợp tác, an toàn, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa nhà nước - thị trường - doanh nghiệp và người dân. Chú ý thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về khát vọng, bản lĩnh, tinh thần đổi mới. Sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội. Đấu tranh loại bỏ các tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là tình trạng tham nhũng và “kinh tế ngầm”, gây nhiễu loạn môi trường sản xuất, kinh doanh. Nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho người lao động. Chú trọng đáp ứng nhu cầu giáo dục, bảo vệ sức khỏe, vui chơi giải trí cho người lao động, đặc biệt ở khu vực đô thị và khu công nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thứ tư: Cần bổ sung nội dung: Đảm bảo gắn kết hài hòa và đồng bộ giữa xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo định hướng chính trị đúng đắn cho kinh tế phát triển, đồng thời, tiếp tục đổi mới chính trị để phù hợp với đổi mới kinh tế, tạo động lực cho kinh tế phát triển.

Về giải pháp lớn để thực hiện các nội dung này trong thời gian tới

Giải pháp thứ nhất: Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của việc xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế. Giải pháp này nhằm phát huy vai trò của các chủ thể chính trị và kinh tế trong việc nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững đất nước nói chung, xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế nói riêng.

Giải pháp thứ hai: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân trong việc tham gia xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế.

Giải pháp này hướng tới xác định trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội và của người dân để xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế, tạo nên sự thống nhất trong hành động để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu và lan tỏa vào trong chính trị và kinh tế, thực sự làm nền tảng tinh thần, vừa là động lực, vừa là mục tiêu để phát triển bền vững đất nước.

Giải pháp thứ ba: Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng văn hóa trong chính trị và xây dựng văn hóa trong kinh tế, xác định đây là khâu đột phá để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội.

Trong quá trình thực hiện cần gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm cốt lõi là xây dựng con người Việt Nam, khát vọng Việt Nam, sáng tạo Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước cường thịnh vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.18/16-20 )

 

 



[1] Đảng Cộng Sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. NXB CTQG HN, 2016, tr. 199.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết