Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Một số kiến nghị của đề tài “Những biến động của thế giới, khu vực, tác động đến Việt Nam hiện nay và định hướng chính sách”

Ngày phát hành: 10/09/2020 Lượt xem 5729

 

Đề tài “Những biến động của thế giới, khu vực, tác động đến Việt Nam hiện nay và định hướng chính sách”. Mã số: KX.04.22/16-20, do PGS.TS Chu Đức Dũng đã hoàn thành nghiệm thu cấp nhà nước. Dưới đây là một số kiến nghị của đề tài

 

 

Kiến nghị 1. Cần có sự đổi mới tư duy trong hội nhập quốc tế

Đứng trước các biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực trong thập kỷ tới, một trong những đối sách cơ bản của chúng ta là nâng cao trình độ tư duy về đối ngoại. Có tư duy tốt mới nhận thức được xu hướng và các tình huống trong quan hệ quốc tế khu vực và thế giới để không bị động và chuẩn bị từ trước. Tư duy tốt còn giúp đoán định được cơ hội và thách thức để từ đó ứng phó kịp thời. Tư duy tốt mới có thể chọn lựa được công cụ và biện pháp ứng phó thích hợp.

(i) Trong thập kỷ tới, biến động của kinh tế thế giới và khu vực sẽ rất phức tạp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm tận dụng các xu thế phát triển mới để phát triển kinh tế, những đồng thời cũng phải coi đây như là một giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh cho đất nước.

(ii) Trên cơ sở phát huy tối đa vị trí địa chiến lược quan trọng cũng như thế và lực mới của đất nước, Việt Nam cần nâng tầm tham gia vào các cơ chế liên kết khu vực như chủ động tích cực đóng góp ý tưởng, đề xuất sáng kiến, phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, phù hợp với thế mạnh và khả năng của ta.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần phải đưa ra các sáng kiến để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ giữa ASEAN và Mỹ, đồng thời giảm bớt sự can thiệp của Trung Quốc vào một số chính sách của ASEAN .

Với cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng cần và có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài cho một giải pháp toàn diện về tranh chấp biển Đông, giảm thiểu sự xung đột trên vùng biển này.

 (iii) Chúng ta cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên nhiều mặt như hội nhập kinh tế, chính trị, an ninh-quốc phòng, văn hóa, nhưng trọng tâm là hội nhập kinh tế. Hội nhập kinh tế cần phải là nền tảng của các quá trình hội nhập khác.

(iv) Tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời giữ vững độc lập tự chủ của đất nước. Để có thể thực hiện định hướng này, chúng ta cần chú ý một số điểm sau:

Thứ nhất, cần quan tâm đặc biệt đến các biến động của thế giới và khu vực để tận dụng được tối đa các cơ hội và hóa giải thành công các thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm tăng cường độc lập, tự chủ về mặt kinh tế.

Thứ ba, giữ vững ổn định chính trị - xã hội nhằm tạo môi trường trong nước thuận lợi cho phát triển.

Thứ tư, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia phải được coi như là mục tiêu quan trọng trong giữ vững độc lập tự chủ của đất nước.

(v) Cần chủ động, tích cực có biện pháp tăng tính linh hoạt và sức đề kháng của đất nước trước các biến động quốc tế.

Trong một bối cảnh quốc tế nhiều biến động, khó lường, diễn ra sự thay đổi tương quan lực lượng toàn cầu, tác động lớn, nhiều mặt đến mọi quốc gia, thì sức đề kháng, hay sự dẻo dai của quốc gia trước những biến động là yêu cầu đặc biệt quan trọng. Thậm chí, trong một tình huống xấu đi chung của toàn cầu, quốc gia nào suy sụp sau sẽ là quốc gia chiến thắng trong đua tranh quốc tế.

Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nên các biến động thế giới có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Để tăng tính linh hoạt và sức đề kháng trước các biện động quốc tế, trước hết Việt Nam cần nỗ lực giảm thiểu các mất cân bằng nội tại cũng như cân bằng đối ngoại, nhất là khắc phục các điểm yếu như: nợ công khá cao, sự phụ thuộc quá cao vào thị trường Trung Quốc (thị trường xuất khẩu và đầu vào cho sản xuất),... Cần tập trung tháo gỡ các “nút thắt” trong phát triển kinh tế là cơ sở hạ tầng lạc hậu, nguồn nhân lực chất lượng thấp và hệ thống thể chế kinh tế còn nhiều bất cập. Lập lại sự cân bằng cho nền kinh tế là tiền đề cần thiết cho phát triển và phát triển bền vững.

Để tăng cường nội lực, Việt nam cần tích cực chủ động xây dựng nền kinh tế  bền vững, hiệu quả, thông qua cải cách sâu rộng trên nhiều mặt, đặc biệt là về cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.

Đẻ đối phó linh hoạt và hiệu quả trước các biến động quốc tế, khu vực, công tác nghiên cứu, dự báo cần được đề cao. Tiếp tục và tăng cường theo dõi sát sao các biến động thế giới, tác động và các vấn đề đặt ra cho Việt Nam để có đối sách quan hệ thích hợp. Nhất là các vấn đề: Các xu thế lớn toàn cầu: Tiến bộ công nghệ và tác động của các công nghệ mới; Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Thay đổi tương quan sức mạnh giữa các nước lớn; Chiến lược của các chủ thể lớn; Các sự kiện bất ngờ, khó lường, và tác động của chúng; Các công cụ mới trong quan hệ quốc tế và cách ứng phó (cấn vận và trừng phạt; chiến tranh thông tin; can thiệp chính trị nội bộ; chiến tranh lai,...). Cần tổ chức tốt hơn công tác nghiên cứu, dự báo tình hình thế giới, khu vực; liên kết và kết hợp tốt hơn, tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin,… giữa các tổ chức nghiên cứu.

(vi) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên cơ cở phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam

Trong bối tự do hoá thương mại đa phương đang chững lại như hiện nay, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh hợp tác khu vực và song phương. Nếu chậm chân trong xu thế này, đất nước sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh kinh tế, cũng như vị thế quốc tế.

Giải pháp chính sách về hội nhập không chỉ nhằm thích ứng với biến động của thế giới, khu vực, mà còn phải phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam.

(vii) Trong các giải pháp hội nhập, bên cạnh việc đảm bảo tính đồng bộ, cần chú ý đề ra những giải pháp then chốt, lấy đó làm nền tảng để thực hiện những giải pháp cải cách khác. Trong một loạt các rào cản đối với hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới, thì phải coi vấn đề đội ngũ cán bộ là vấn đề then chốt. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đường lối đa dạng hoá và đa phương hoá các quan hệ là đúng đắn. Nhưng trong hợp tác đa phương, cần phải chú trọng quan hệ với các nước lớn và đối tác chính, coi đó là nền tảng của quan hệ đối ngoại...

(viii) Các giải pháp chính sách hội nhạp ở Việt Nam trong thời gian tới, cần chú ý tới lộ trình, tức là cần phải vạch ra những bước đi, giai đoạn cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ đặt ra, chứ không thể tiến hành vội vàng, bỏ qua giai đoạn được.

Kiến nghị 2. Xử lý tốt quan hệ của Việt Nam với các nước lớn và đối tác chính

Trong thời gian tới, so sánh lực lượng giữa các nước lớn tiếp tục thay đổi nhưng, Trung Quốc chưa thể thay Mỹ để trở thành cường quốc toàn diện và chi phối trật tự thế giới, khu vực. Cạnh tranh Mỹ-Trung có nhiều khả năng sẽ là một cuộc chiến toàn diện, kéo dài vài thập kỷ, sẽ diễn ra gay gắt hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nước lớn, nếu không xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, Việt Nam đối mặt một số nguy cơ lớn như để rơi vào thế mắc kẹt giữa các lực lượng đó, hoặc bị phụ thuộc sâu hơn vào một bên... Trong bối cảnh trên, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, Việt Nam cần chủ động lựa chọn chiến lược đối tác - đối thủ đúng đắn trong xử lý quan hệ với các nước lớn.

Việt Nam cần tiếp tục đường lối đa phương hóa, cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thực hiện chính sách “Phòng bị nước đôi”, tức là mở rộng quan hệ với các nước lớn khác, nhằm đề phòng những biến động trong quan hệ Mỹ-Trung.

Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực bản thân và hành động phù hợp với các lựa chọn chính sách trên. Để thực hiện đường lối trên, có thể có 2 nhóm giải pháp chủ yếu sau:

2.1. Để có thể thực hiện chính sách “cân bằng nước lớn” và “phòng bị nước đôi” như trên, Việt Nam cần có thế và lực mạnh để trở thành một nhân tố quan trọng mà các bên cần phải tính đến.

2.2. Việt Nam cần có đối sách dúng đắn đối với các nước lớn và đối tác chính

 Kiến nghị 3. Về an ninh- quốc phòng

Trong thập kỷ tới, vấn đề Biển Đông sẽ là thách thức lớn đối với an ninh và quốc phòng của Việt Nam. Do đó, ở đây, chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp xử lý tranh chấp ở Biển Đông của Việt Nam.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn ở trong mối quan hệ không cân xứng và là bên yếu hơn. Do vậy, trong giải quyết vấn đề Biển Đông, phương châm của Việt Nam luôn là: xử lý khôn khéo nhưng cương quyết các tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông theo hướng đảm bảo môi trường bên ngoài hòa bình, thuận lợi cho quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. Việt Nam cần kết hợp nhiều chính sách và giải pháp, kết hợp giữa cân bằng cứng và mềm trong giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trong thời gian tới. Đường lối của ta là: Cùng với các nước, kiên quyết bảo vệ lập trường: giải quyết xung đột Biển Đông phải dựa trên các khuôn khổ pháp lý quốc tế và khu vực, không thể dựa vào những quy định pháp lý riêng của bất cứ nước nào. Việc xử lý các tranh chấp ở Biển Đông là giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc, hướng tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC). (iii) Kiên trì lập trường quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

 Để tạo hậu thuẫn cho lập trường này, Việt Nam cần củng cố vững chắc hồ sơ biển đảo quốc gia ở Biển Đông sớm đưa ra Liên hợp quốc và tòa án quốc tế việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nghiên cứu sâu vấn đề pháp lý về chủ quyền biển đảo, ủng hộ và tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu quốc tế về Biển Đông. (iv) Để thực hiện được các định hướng trên, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền tại các diễn đàn chính thức để cho các nước hiểu rõ ý đồ tạo dựng hình ảnh hợp tác mới của Trung Quốc nhằm làm lu mờ những hành động đơn phương, phi lý độc chiếm Biển Đông trong dư luận quốc tế. Việt Nam phải đẩy mạnh hoạt động ngoại giao và truyền thông, nhằm tranh thủ sử dụng sự ủng hộ của dư luận quốc tế về vấn đề Biển Đông... (v) Đồng thời Việt Nam phải vận động các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Châu Âu… can dự nhiều hơn vào các vấn đề của Biển Đông từ an ninh hàng hải đến các vấn đề khai thác dầu khí v.v… (vi) Việt Nam cần dựa vào ASEAN và sự đoàn kết, ủng hộ của các nước ASEAN, để có sức mạnh thương lượng đáng kể với Trung Quốc về Biển Đông. Cần tạo sự đồng thuận trong ASEAN trong nghiên cứu, xây dựng một cơ chế an ninh khu vực mang tính ràng buộc hơn ARF và DOC, nỗ lực tiến đến COC. (vii) Trong thời gian tới, cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt tại Biển Đông sẽ khiến cho Việt Nam khó có thể duy trì vị thế trung lập, độc lập. Trong bối cảnh đó, chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam cần được vận dụng hết sức linh hoạt, thực tế. Chẳng hạn như trong một số vấn đề (ví dụ như FONOPs, chiến lược IPS)), chúng ta buộc phải nêu rõ lập trường, công khai quan điểm. (viii) Cải thiện năng lực quân sự, đặc biệt là hiện đại hóa hải quân, củng cố Lực lượng cảnh sát biển và Lực lượng kiểm ngư, tăng cường sức mạnh cứng nhằm mục đích răn đe đối với hành động quân sự quá khích của Trung Quốc tại Biển Đông. Trên thực địa, trong những năm tới, Trung Quốc có thể tiếp tục có những hành động bành trướng mạnh mẽ hơn nữa ở Biển Đông, như cản trở nước ta trong đánh bắt cá, thăm dò và khai thác dầu khí, tăng cường quân sự hóa và lấn chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí có thể có tình huống “răn đe quân sự thích ađáng” của kẻ mạnh… Đứng trước tình hình đó, chúng ta phải tăng cường các lực lượng hiện diện trên biển, cần hiện đại hóa và năng cao năng lực của những lực lượng này, và cần có những hành động tự vệ chính đáng trong các trường hợp cần thiết.

Kiến nghị 4. Về an ninh phi truyền thống

 Về biến đổi khí hậu. Để có thể thích ứng và giảm thiểu BĐKH ở Việt Nam trong thời gian tới, một số giải pháp chủ yếu cần được thực hiện như:

Thứ nhất, Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH đã được ký kết. Cụ thể, chúng ta cần chủ động nội luật hóa các cam kết của Thỏa thuận Pa-ri, tức là cần rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật của Việt Nam về BĐKH cho phù hợp với các quy định quốc tế, tiến tới xây dựng Luật BĐKH quốc gia. Cần đảm bảo tính thực thi của các quy định quốc tế và luật pháp Việt Nam về BĐKH. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng đối với nước ta, vì trên thực tế, tính thực thi của luật pháp ở Việt Nam còn thấp.

Thứ hai, trên cơ sở Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH, cần chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống và thích ứng với BĐKH đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó, việc xây dựng mô hình tăng trưởng xanh, các-bon thấp, chống chịu cao là một trong những giải pháp quan trọng nhất.

Đồng thời, cần xây dựng hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng tới hình thành theo hướng tiêu dùng xanh, từ đó, tạo cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, chống và thích ứng với BĐKH, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của BĐKH đối với người dân và xã hội.

Thứ ba, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cần phải được tiến hành đồng bộ, tập trung cả vào việc chủ động phòng ngừa và vào việc ứng phó và khắc phục hậu quả.

Về an ninh mạng

Để thúc đẩy an ninh mạng ở Việt Nam, trong thời gian tới, chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung những mặt còn bất cập tại Luật an ninh mạng để đảm bảo được tính công bằng giữa mục tiêu đảm bảo an ninh mạng với trách nhiệm đảm bảo quyền tự do ngôn luận cho người dân, duy trì môi trường kinh doanh hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng như tôn trọng các cam kết trong các Hiệp ước AFTA, WTO, CPTPP, EVFTA mà Việt Nam đã ký kết. Điều hết sức quan trọng là Luật cần bổ sung các hình phạt cụ thể đối với những hành vi vi phạm Luật.

Thứ hai, cần tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Xu hướng của tương lai sẽ là các hình thức tấn công mạng tinh vi với các loại tội phạm công nghệ cao. Do đó, các biện pháp phòng bị, phát hiện và cảnh báo cũng phải gắn liền với việc áp dụng các loại máy móc, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam cần thiết phải đầu tư cho các giải pháp tự động hóa trong bảo mật thông tin và an ninh mạng, cũng như kêu gọi được sự hợp tác của các công ty công nghệ trong việc phát triển hệ thống tự động hóa giúp phát hiện các âm mưu tấn công và khắc phục các lỗ hổng an ninh mạng.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thông tin, trang bị những kiến thức cơ bản về an ninh mạng, các quy định về bảo mật thông tin, và đặc biệt là những kỹ năng cần thiết để phòng tránh và xử lý các vụ xâm nhập, đánh cắp, tấn công mạng.

Về phòng chống dịch bệnh

Trong những năm tới, để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh ở Việt Nam, theo chúng tôi, một số giải pháp cần phải làm ngay là:

Thứ nhất, để giảm thiểu khả năng thâm nhập dịch bệnh vào Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh ở các bến tàu, bến xe, nhất là ở sân bay - những địa điểm cửa ngõ mà dịch bệnh dễ lây lan. Hiện nay, công tác kiểm dịch ở các cửa khẩu, sân bay đã được triển khai tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức hành khách tự khai báo vào tờ khai y tế, hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra qua loa. Do đó, Bộ Y tế cần thành lập và giao một cơ quan chuyên trách có trách nhiệm đảm đương công tác này.

Thứ hai, Bộ Y tế cần phối hợp với các các bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục), và đặc biệt là các địa phương (cấp thôn, xã) chủ động đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh hơn là chữa bệnh, ra sức ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Dựa vào thống kê hàng năm về thời điểm phát sinh dịch bệnh cũng như những dự báo về biến động thời tiết, nhiệt độ, cần sớm triển khai công tác phòng ngừa tập trung trước khi dịch bệnh có cơ hội phát triển. Khi xuất hiện dịch bệnh, lãnh đạo các địa phương, các sở/trung tâm y tế cần phản ứng nhanh, sớm thông báo, tuyên truyền hướng dẫn người dân nâng cao ý thức và cách thức phòng tránh, đồng thời tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.

Thứ ba, nâng cấp cơ sở hạ tầng, năng lực cán bộ và chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở các địa phương, để tăng cường công tác phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh ở các địa phương. Thực tế nhiều năm qua cho thấy rằng, năng lực của các địa phương còn nhiều yếu kém trong ngòng ngừa, phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý triệt để ổ dịch. Vì vậy, đa số các dịch bệnh thường bùng phát và lan truyền trước hết ở các địa phương.

Thứ tư, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong dân cư về tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường cũng như vệ sinh cá nhân, nâng cao ý thức của cá nhân và cộng đồng trong việc tự bảo vệ mình chống lại các loại bệnh tật.

 

PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.22/16-20 )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết