Vùa qua, đề tài " Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách" (Mã số KX04.17/16-20), do GS.TS Ngô Thắng Lợi làm chủ nhiệm đã bảo vệ đạt xuất sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã nêu ra nhiều điểm mới tập trung vào các khía cạnh: hoàn thiện cơ sở lý luận và nội hàm đánh giá mối quan hệ; thực trạng thông qua phát hiện các vấn đề tồn tại trong giải quyết mối quan hệ; Quan điểm và định hướng hoàn thiện mối quan hệ và cuối cùng là các giải pháp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thưc hiện đến năm 2030. Dưới đây là một số điểm mới nổi bật của đề tài:
1. ĐIỂM MỚI VỀ LÝ LUẬN
Thứ nhất, đề tài đã đưa ra quan niệm đầy đủ và tư duy rõ ràng, cụ thể về nội hàm mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội mà trước đây chưa nói đến hoặc nói chưa đầy đủ
Một là, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế và nền kinh tế phát triển trong giai đoạn công nghệ 4.0, tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội không chỉ có mối quan hệ biện chứng, hai chiều như những nghiên cứu trước mà đã cho rằng: mối quan hệ đã được phát triên ở mức độ cao, và thể hiện ở việc đã được lồng ghép vào nhau, trở thành những nội dung thống nhất khi đề cập đến trong phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội.
Hai là, đề tài đã dựa trên xác định rõ nội hàm của văn hoá, để xác định nội dung mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá theo 3 nội dung, đó là: (1) Tăng trưởng kinh tế với hình thành và phát triển các hệ giá trị văn hoá mới và niềm tin của con người đối với cộng đồng và xã hội (khía cạnh mềm của văn hoá); (2) Tăng trưởng kinh tế với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và các hoạt động văn hoá (khía cạnh cứng của văn hoá); (3) Phát triển công nghiệp văn hoá – phản ánh sự lồng ghép mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá.
Ba là, dựa trên những mục tiêu cuối cùng của thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đề tài để đề cập đến nội hàm mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo 4 nội dung, đó là: (1) Tăng trưởng kinh tế với thưc hiện nâng cao mức sống dân cư; (2) Tăng trưởng kinh tế với thực hiện phát triển con người; (3) Tăng trưởng kinh tế với thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội; (4) Tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội.
Thứ hai, đề tài đã đưa ra bộ tiêu chí đánh giá mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiên bộ và công bằng xã hội và cách thức sử dụng nó khi đánh giá, bộ tiêu chí này hoàn toàn thể hiện mối quan hệ giữa tăng trưởng với phát triển văn hóa và thực tiện tiến bộ, công bằng xã hội, không đi vào các tiêu chí độc lập như những nghiên cứu trước đây
Bảng 1: Bộ tiêu chí đánh giá mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiên bộ và công bằng xã hội
NỘI HÀM | TIÊU CHÍ | YÊU CẦU ĐẶT RA |
1. Tăng trưởng kinh tế | - Tốc độ tăng trưởng GDP | - 7% -8%/năm |
- điều kiện cần để giải | - Tốc độ tăng GNI bình quân đầu người | - 6%-7%/năm |
quyết mối quan hệ | - Tỷ lệ đóng góp TFP vào tăng trưởng | - Từ 50% trở lên |
| - Tốc độ tăng trưởng NSLĐ | - Trên 5% |
| - Suất đầu tư tăng trưởng | - 4 - 4,5 |
2.1 Mối quan hệ tăng | - Sự thay đổi niềm tin cá nhân | - Có xu hướng tăng lên |
trưởng kinh tế với niềm tin của cá nhân | - Sự thay đổi niềm tin cộng đồng | - Có xu hướng tăng lên |
và cộng đồng | | |
2.2 Mối quan hệ giữa | - Chỉ số hiệu quả quản lý và dịch vụ công (PAPI) | -luôn đươc cải thiện |
tăng trưởng đến hình | - Chỉ số tham nhũng (CPI) | -Tăng trên tất cả các tiêu chí |
thành hệ giá trị mới | - Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) | -Tăng và vị trí được cải thiện |
trong xã hội | - Chỉ số tự do hoá kinh tế (IEF) | -Tăng và vị trí được cải thiện |
| - Chỉ số đổi mới sáng tạo GII | -Tăng và vị trí được cải thiện |
2.3 Mối quan hệ giữa | - Tỷ lệ chi NSNN cho văn hoá so với GDP | -Tăng lên |
tăng trưởng với phát triển kết cấu hạ tầng và | - Tỷ lệ chi NSNN cho văn hóa/Tổng chi NSNN | -Tăng lên |
các hoạt động văn hoá | | |
2.4 Lồng ghép tăng | - Tốc độ tăng trưởng CN VH (so với tốc độ tăng | - Tăng dần, cao hơn tốc độ |
trưởng kinh tế với | trưởng GDP) | tăng GDP chung |
phát triển văn hoá - Phát triển công nghiệp văn hoá | - Tỷ trọng GDP CN và DV VH so với GDP | - Tăng dần |
3.1 Mối quan hệ giữa | - Tốc độ tăng trưởng thu nhập thực | - Tăng dần |
tăng trưởng với nâng cao mức sống dân cư | - Hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống dân cư | - Nhận giá trị dương, tăng dần |
3.2 Mối quan hệ giữa | - Chênh lệch thứ hạng GNI/người với thứ hạng HDI | - Có xu hướng tăng hơn |
tăng trưởng với phát | - Hệ số tăng trưởng vì con người | - Nhận giá trị dương và tăng |
triển con người | - Đường vành đai phát triển con người | - Tăng dần |
3.3 Mối quan hệ | - Động thái thay đổi tỷ lệ hộ nghèo so với tốc độ | - Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn |
giữa tăng trưởng | tăng trưởng thu nhập bình quân | - Nhận giá trị âm với giá trị |
với giảm nghèo | - Hệ số tăng trưởng vì giảm nghèo (GEP) | tuyệt đối tăng dần |
| - Tỷ số thu nhzp (IR): | - Duy trì mức xấp xỉ 1 |
3.4 Mối quan hệ giữa | - Hệ số GINI | - Giảm dần, nhỏ hơn 4 |
tăng trưởng với công | - Hệ số tăng trưởng – bất công bằng (GITI) | - Giảm dần |
bằng xã hội | - Hệ số giãn cách thu nhập | - Giảm dần, nhỏ hơn 8 |
| - Tiêu chuẩn 40 | - Tăng dần, trên 17% |
Dựa trên giá trị nhận được của các tiêu chí, đề xác định mức độ phản ánh mức độ đồng thuận của mối quan hệ theo 3 cấp độ làm cơ sở cho nghiên cứu và có cơ sở đánh giá thực tiễn: cấp độ 1, đó là, tăng trưởng kinh tế tạo ra sự thay đổi tích cực của các yếu tố tiến bộ và công bằng xã hội với giá trị nhận được của các tiêu chí được cải thiện hơn so với giai đoạn trươc; cấp độ 2: tăng trưởng kinh tế tạo ra sự thay đổi tích cực của các yếu tố tiến bộ và công bằng xã hội nhưng giá trị nhận được của tiêu chí có xu hướng cải thiện thấp hơn; cấp độ 3: tăng trưởng kinh tế tạo ra sự thay đổi không tích cực của yếu tố tiến bộ và công bằng xã hội với giá trị nhận được của các tiêu chí có xu hướng ngược chiều.
2. NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ THỰC TIẾN
Thứ nhất, đề tài đã phát hiện ra được những vấn đề bất cập trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời gian qua (từ 2001 đến nay) dựa trên những phân tích và đánh giá theo nội hàm và tiêu chí đặt ra. Những vấn đề đó là:
- Tăng trưởng kinh tế với vị trí là điều kiện cần để giải quyết mối quan hệ: Tăng trưởng không cao và chậm dần, chất lượng tăng trưởng thấp là một vấn đề khá nan giải nhưng rất cần phải giải quyết trong thời gian tới ở Việt Nam vì nó chính là một rào cản lớn khi Việt Nam đang hướng tới thực hiện mô hình phát triển vì con người. Nếu không giải quyết bài toán tăng trưởng nhanh và hiệu quả hơn, sẽ không thể có các tiền đề, điều kiện vật chất cũng như nguồn lưc tài chính đủ mạnh để tạo ra những bước đột phá trong phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ xã hội cho con người.
- Vấn đề bất cập trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá: (i) Trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, nhiều hệ giá trị văn hoá phù hợp với bối cảnh mới như hệ tư tưởng tư do hoá kinh tế và cạnh tranh quốc tế phù hợp với nền kinh tế thị trường chưa được cải thiện tích cực, tư tưởng tham nhũng, cửa quyền, tư duy lợi ích nhóm, cục bộ vẫn còn khá phổ biến; (ii) Các yếu tố sức mạnh mềm văn hoá chưa được khai thác, phát huy tích cực để trở thành tài sản vật chất và phi vật chất nhằm tạo ra động lực vừa tăng trưởng nhanh, hiệu quả, vừa bảo tồn và phát triển được văn hoá, niềm tin của người dân đối với cộng đồng chưa được cải thiện, thậm chí có xu hướng giảm đi; (iii) Hoàn thiện hệ thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa chưa tương xứng với thành quả tăng trưởng kinh tế.
- Những vấn đề bất cập trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội: (i) Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, đang có mối quan hệ đồng thuận nhưng mức độ đồng thuận không cao và hiệu ứng đồng thuận có xu hướng giảm đáng kể (hiện tại đang đạt cấp độ 2); (ii) Các vùng có thu nhập thấp, tính đồng thuận trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội kém hơn, thậm chí còn có biểu hiện ngược chiều; (iii) Tăng trưởng kinh tế chưa có tác động đồng thuận đến cải thiện các nhu cầu phi vật chất, nên đã hạn chế đến hiệu ứng tổng hợp phát triển con người; (iv)Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội trong phân phân phối thu nhập tồn tại mối quan hệ không đồng thuận với mức độ ngày càng cao. Các vùng tăng trưởng chậm, mối quan hệ không đồng thuận giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội có biểu hiện gay gắt hơn.
Thứ hai, xác định các quan điểm mới về gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đó là:
Quan điểm 1: Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững - phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội được xem như vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển nền kinh tế ở Việt Nam.
Quan điểm 2: Tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả là điều kiện cần (nhưng không đủ) để phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Quan điểm 3: Bảo đảm công bằng về cơ hội phát triển và phân phối hợp lý thành quả tăng trưởng là điều kiện đủ để gắn kết tăng trưởng với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Quan điểm 4: Lồng ghép mục tiêu tăng trưởng và phát triển văn hoá, xã hội trong các chính sách phát triển kinh tế là con đường ngắn nhất để nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ văn hoá, xã hội.
Quan điểm 5: Tạo điều kiện cho các khu vực của nền kinh tế và mọi thành viên trong xã hội đều có cơ hội tốt nhất để tham gia vào tạo thu nhập là phương thức tốt nhất giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ ba, đề tài đã xác định rõ ràng định hướng mục tiêu giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp trong giai đoạn đến 2030.
Liên quan đến định hướng giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong thời gian tới (đến 2030), nhóm nghiên cứu đề xuất: Việt Nam cần hướng tới thực hiện con đường phát triển toàn diện ở mức độ cao và đồng bộ, làm cho quá trình tăng trưởng nhanh và phát triển văn hoá, xã hội tốt hơn là những mục tiêu tương hợp và không mâu thuẫn nhau, trên cơ sở cần tạo ra những đột phá về tăng trưởng thu nhập và đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ tư, đề xuất mô hình phát triển giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
Đề tài đề xuất mô hình phát triển hài hoà chính là hợp lý nhất để giải quyết tốt mối quan hệ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội giai đoạn đến 2030. Nội dung mô hình đề xuất bao gồm: mục tiêu của mô hình, phương thức (động lựa) thực hiện và các điều kiện cần có để áp dụng đươc mô tả bằng hình 1
Hình 1: Mô hình phát triển hài hòa theo yêu cầu gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá; thực hiện tiên bộ và công bằng xã hội
Thứ năm, đề tài đề xuất mô hình tăng trưởng bảo đảm nhanh và bền vững
Để thực hiện vai trò là điều kiện cần của giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đề tài đề xuất Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên những động lực mới, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh với chất lượng, hiệu quả cao và bảo đảm lan toả tích cực những thành quả tăng trưởng đến phát triển văn hóa, xã hội và môi trường.
Nội dung của mô hình đề xuất, bao gồm: mục tiêu, phương thức thực hiện và động lực mới bảo đảm sự thành công của mô hình được thể hiện qua hình 2:
Hình 2: Mô hình tăng trưởng Kinh tế Việt Nam đề xuất, giai đoạn 2021 – 2030
Đối với 4 động lực mới nêu ra trong mô hình tăng trưởng mới, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần nghiên cứu để có những giải pháp cụ thể, đó là (i) Giải pháp để có được một khu vực tư nhân đổi mới, năng động sáng tạo; (ii) Giải pháp để có động lực tăng trưởng là chuỗi giá trị cung ứng – sản xuất – chế biến và tiêu thụ dựa trên trụ cột là các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; (iii) Giải pháp để có lực lượng nhân lực chất lượng cao, luôn duy trì động lực sáng tạo và chấp nhận rủi ra; (iv) Giải pháp để có khoa học công nghệ cao tận dụng lơị thế của cách mạnh 4.0.
Thứ sáu, đề tài đã đưa ra nội dung hoàn thiện các chính sách nhằm tăngcường sức mạnh mềm văn hoá và lồng ghép hiệu quả mục tiêu phát triển văn hoá với tăng trưởng kinh tế.
(1) Hoàn thiện các chính sách liên quan đến phát huy sức mạnh mềm văn hoá
thông qua ngoại giao văn hoá và truyền thông, bao gồm: (i) Xác định các đối tác ngoại giao văn hoá cần ưu tiên; (ii) Xác định các lĩnh vực ngoại giao văn hoá thế mạnh; (iii) Xác định các phương thức thực hiện ngoại giao có hiệu quả; (iv) Tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại, tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại và ngoại giao nhân dân; (v) Tổ chức và quản lý công tác ngoại giao văn hoá và truyền thông: Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, thành lập và quản lý hoạt động của các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài theo, kiến nghị và thẩm định các hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu quốc tế, xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa Việt Nam, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản.
(2) Hoàn thiện các chính sách Phát triển công nghiệp và du lịch văn hoá: (i) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về phát triển công nghiệp văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế; (ii) Tăng cường xây dựng “phần cứng” của công nghiệp văn hóa, chính là cơ sở vật chất để công nghiệp văn hóa phát triển nhanh và bền vững; (iii) Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển mạnh thị trường tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong và ngoài nước, phải lấy thị trường làm trung tâm tạo dựng chủ thể cạnh tranh trong thị trường văn hóa; (v) Tăng cường chính sách đầu tư phát triển CNVH., các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng; (iv) Gắn với CNVH cải cách thể chế văn hóa và nâng cao sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của văn hóa; (vii) Chính sách phát triển du lịch gắn với văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, nâng cao ý thức của người dân và ý nghĩa của việc bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch văn hóa, có chiến lược phát triển du lịch văn hóa phù hợp.
Thứ bảy, đề tài đề xuất hoàn thiện các chính sách nhằm giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Các chính sách cần hoàn thiện bao gồm:
(1) Hoàn thiện chính sách phát triển và kết nối các vùng động lực với vùng chậm phát triển nhằm thực hiện mô hình phát triển bao trùm theo góc độ không gian, bao gồm những điểm mới, đó là: nhấn mạnh đến các chính sách kết nối vùng động lực với vùng chậm phát triển tạo điều kiện trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra tăng trưởng kinh tế của các vùng chậm phát triển, bao gồm: (i) Chính sách tạo sự kết nối thuận lợi giữa vùng chậm phát triển với các vùng động lực hay các trung tâm kinh tế, đó là các chính sách liên quan đến xóa bỏ chính sách đăng ký nhân, hộ khẩu thường trú và thay bằng chính sách quản lý theo căn cước công dân, đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối vùng động lực với vùng chậm phát triển; (ii) Ưu tiên đào tạo nghề cho lực lượng lao động phổ thông ở các vùng chậm phát triển để mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm ở các vùng động lực; (iii) Chính sách du nhập nghề mới và hình thành các chi nhánh, cơ sở sản xuất trực thuộc các công ty lớn thuộc vùng động lực ở các vùng chậm phát triển, giải pháp này còn làm giảm sức ép của sự di cư lao động từ vùng chậm phát triển lên các vùng động lực hay trung tâm kinh tế, giảm tải áp lực cho khu vực đô thị và các thành phố; (iv) Chính sách phân phối lại thu nhập trực tiếp và gián tiếp giữa vùng động lực với vùng chậm phát triển.
(2) Hoàn thiện các chính sách phát triển bao trùm từ góc độ doanh nghiệp, theo đó:
- Đối với doanh nghiệp nhà nước: cần xác định rõ lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào nhà nước cần rút ra, thực hiện đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp còn lại, áp dụng cơ chế thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.
- Chính sách đối với doanh nghiệp FDI để tạo sân chơi tốt cho khu vực này trong thời gian tới, và làm cho nó có tác động tích cực đến nền kinh tế và tới các loại hình doanh nghiệp khác theo yêu cầu của phát triển bao trùm, cần tập trung vào những giải pháp chính sách quan trọng, trong đó chính sách chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI được đặt ra hàng.
- Các chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân, bao gồm: đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân, thực hiện nhanh quá trình “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân, tháo gỡ khó khăn cho DNTN, DNNVV thông qua chính sách tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật tháo gỡ khó khăn về năng lực trình độ cũng như công nghệ kỹ thuật, năng lực quản trị đối với các DNTN, DNNVV, thực hiện liên kết doanh nghiệp FDI với khu vực DNTN, DNNVV, chính sách gắn kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, và hướng tới mục tiêu chuyển giao công nghệ, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong nước trong tăng trưởng kinh tế, cụ thể: Phối hợp hoặc có thể yêu cầu các doanh nghiệp FDI khi lập dự án xin cấp phép đầu tư phải lập hồ sơ chuỗi và công bố các cấu phần tiềm năng cho doanh nghiệp sở tại và liên kết với các doanh nghiệp nội địa này trong sản xuất.
(3) Hoàn thiện chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập và tài sản sản xuất nhằm bảo đảm gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội. Điểm ới của giải pháp này thể hiện ở:
- Hoàn thiện chính sách phân phối hợp lý thu nhập cho tiêu dùng - đầu tư. Nhóm nghiên cứu đề xuất công thức định hướng cân đối tích luỹ - tiêu dùng là 1/3 – 2/3. Theo đó: chúng ta cần dành 70% thu nhập tạo ra hàng năm để tiêu dùng và 30% cho tích luỹ đầu tư (các nước phát triển có thể để lại tỷ lệ chi cho tiêu dùng cao hơn); (ii) Trong phần dành cho tiêu dùng, cần phân chia rõ làm 2 khoản với tỷ lệ cân đối phù hợp đó là: phần chi tiêu của nhà nước và chi cho tiêu dùng dân cư. Phần chi tiêu của nhà nước cần có xu hướng giảm đi nhất là phần chi cho tiêu dùng của chính phủ và gia tăng tỷ trọng chi cho tiêu dùng dân cư, nhất là các khoản chi cho phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao và các sự nghiệp phúc lợi xã hội.
- Chính sách phân phối lại tài sản (đất đai và tài chính), chủ yếu tập trung vào: Điều chỉnh, phân phối lại đất đai, tài chính theo những chính sách khôn khéo nhằm bảo đảm sự đồng đều trong sở hữu tài sản của các hộ gia đình, xoá bỏ gốc rễ của khả năng sinh ra bất bình đẳng khi áp dụng phân phối theo tài sản. Nhà nước cần thực hiện cải cách, điều chỉnh ruộng đất, cho thuê đất với giá rẻ hơn và có thời hạn đối với những nhà sản xuất quy mô nhỏ hoặc mới khởi nghiệp đăng ký kinh doanh. Cải cách tài chính, ưu tiên cho vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Riêng đối với tầng lớp yếu thế, nhà nước phải có cơ chế để những người nghèo, nhất là nông dân nghèo được tiếp cận các yếu tố “đầu vào” của sản xuất (tín dụng, phân bón, hạt giống, giáo dục đào tạo...) và phương tiện tiếp thị.
- Hoàn thiện các chính sách phân phối lại thu nhập bảo đảm công bằng xã hội trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh: (i) Chính sách thuế suất đối với thuế giá trị gia tăng: Giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%, nâng mức thuế suất thuế GTGT 10% lên mức 11%, 12% theo lộ trình, thực hiện mức thuế suất luỹ tiến GTGT cao hơn đối với các hàng hoá cao cấp, xa xỉ, hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (ii) Đa dạng hoá và gia tăng thuế suất đối với các thuế trực thu liên quan đến thu nhập cao và thu nhập do cơ hội phát triển thuận lợi hơn: tăng cường các loại (sắc) thuế trực thu đối với cá nhân dưa trên sự phân biệt cơ hội phát triển khác nhau của các thành viên trong xã hội, bên cạnh thuế thu nhập cá nhân, cần mở rộng và áp dụng các sắc thuế mới như: thuế tài sản, thuế của hồi môn, thuế độc thân, v.v…, cần gia tăng tính chất luỹ tiến của thuế thu nhập cá nhân dựa trên việc xác định mức thu nhập cao và rất cao, trong đó mức luỹ tiến cao hơn cần được áp dụng đối với các mức thu nhập rất cao, thực hiện các mức thuế suất cao hơn đối với các vùng có cơ hội phát triển cao hơn, xóa bỏ các “lỗ hổng thuế” và ưu đãi miễn thuế TNDN để đảm bảo sự công bằng; (iii) Tăng cường chính sách phân phối lại gián tiếp thông qua các chính sách xã hội khi tiếp cận dịch vụ công của người nghèo.
Thứ tám, Các giải pháp liên quan đến đổi mới thể chế kinh tế và chủ động hội nhập nhằm tận dụng lợi thế hội nhập để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
Một là, liên quan đến đổi mới thể chế, đề tài đề xuất Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ liêm chính nhằm mục tiêu hoàn thiện tư duy, năng lực và phong cách quản lý lãnh đạo phù hợp với yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường mở của hiện đại. Cụ thể: (i) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ đối với cán bộ, công chức từ trung ương tới cấp cơ sở kết hợp với tăng cường sự giám sát của báo chí, người dân và xã hội đối với cán bộ, công chức để kịp thời phản ánh với cấp có thẩm quyền; (ii) xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích đối với các cán bộ, công chức từ trung ương tới cấp cơ sở, nhận diện và công khai các tình huống xung đột lợi ích để loại bỏ hoặc giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan, tổ chức, xã hội sẽ giúp xây dựng được một chính quyền liêm chính, hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; (iii) Tiếp tục phát huy dân chủ trong xã hội nhằm đưa người dân, doanh nghiệp gần gũi hơn với chính quyền.
Hai là, chủ động hội nhập quốc tế và sử dụng thành quả của tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới, đề tài đề nghị:
- Cần có các chính sách thể hiện sự chủ động hội nhập quốc tế và tiến bộ khoa học công nghệ trong gắn kết tăng trưởng với phát triển văn hóa: (i) Chính sách đầu tư phát triển công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 theo hướng tăng cường học hỏi tiếp thu công nghệ và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào khoa học công nghệ, mua bán chuyển giao công nghệ; (ii) Có những chính sách đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát triển văn hoá, du lịch; (iii) Cần tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế như tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm; (iv) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
- Cần có các chính sách thể hiện sự chủ động hội nhập quốc tế và tiến bộ khoa học công nghệ trong gắn kết tăng trưởng với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bao gồm: (i) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bối cảnh quốc tế và các cam kết quốc tế; (ii) Cần tiếp tục phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và khu vực đến các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân; (iii) Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế; (iv) Cần tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực thi các cam kết quốc tế./.
PV. (Nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài KX.04/16-2020)