Thứ Sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024

Tổng kết công tác năm 2018 của Chương trình "Nghiên cứu Lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020"

Ngày phát hành: 17/01/2019 Lượt xem 2892

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch HĐLLTW, Chủ nhiệm Chương trình 

 "Nghiên cứu Lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020" đọc Báo cáo tổng kết

 

Chiều 16-1-2019, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình "Nghiên cứu Lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020" đã tiến hành tổng kết công tác năm 2018. Tới dự có các Chủ nhiệm và Thư ký của 33 đề tài; đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ ; Văn phòng Trung ương. Các đồng chí GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình "Nghiên cứu Lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020" và GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì buổi làm việc

Năm 2018, để phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Ban Bí thư giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu thêm 03 vấn đề lớn, nâng tổng số đề tài thuộc Chương trình "Nghiên cứu Lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020" lên 33 đề tài. Dưới sự chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã nỗ lực, sâu sát tổ chức triển khai Chương trình theo đúng kế hoạch, kịp thời phục vụ yêu cầu của nhiệm vụ do Ban Bí thư, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đặt ra.

Đến nay, có 26/30 đề tài đã hoàn thành tất cả nội dung nghiên cứu. Đa số các đề tài đã hoàn thành tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học. Đáng chú ý là trong năm 2018, các đề tài chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến cách hội thảo lớn để tránh hình thức theo kiểu “truyền thống” nên kết quả các hội thảo thật sự thiết thực.

Việc tổ chức khảo sát thực tế trong nước và quốc tế, tới cuối năm 2018, 100% các đề tài đã hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Sau mỗi một đợt khảo sát thực tế các đề tài đều có báo cáo kết quả và hình thành các tập tư liệu phục vụ cho nghiên cứu. Nhiều báo cáo có chất lượng tốt, rút ra những vấn đề gợi mở đối với Việt Nam. Tuy nhiên, một số ít đề tài do chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục hành chính nên gặp khó khăn trong thanh quyết toán.

Việc kiểm tra các đề tài trong năm 2018 đã được tiến hành nghiêm túc, thiết thực. Nhìn chung các đề tài đã chuẩn bị chu đáo theo nội dung mà Ban Chủ nhiệm Chương trình yêu cầu.

Qua kiểm tra lần thứ 4 cho thấy, hầu hết các đề tài đã thực hiện đầy đủ và vượt yêu cầu về sản phẩm đã đăng ký. Nhiều đề tài vượt số lượng về bài báo, nhất là bài báo đăng trên các tạp chí ở nước ngài, bài hội thảo quốc tế, giáo trình (bằng tiếng Anh) phục vụ cho công tác đào tạo.

 

GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tổng kết hội nghị

 

Cụ thể, đến nay đã có 260 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, 15 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín và bài tại hội thảo quốc tế… 03 đề tài đã đóng góp vào giáo trình giảng dạy tại học viện, trường đại học. Đề tài 24 đã xây dựng xong bộ phim về Cách mạng màu và dự kiến sau khi xin ý kiến cơ quan có trách nhiệm sẽ được xã hội hóa.

Các đề tài đã tham gia đào tạo 49 nghiên cứu sinh và 76 học viên cao học; xuất bản 17 cuốn sách chuyên khảo và sẽ xuất bản 09 cuốn sách tham khảo trong tháng 1 và 2/2019.

Đặc biệt, một số đề tài đã được Ban Chủ nhiệm Chương trình gợi ý đã đóng góp tích cực vào xây dựng Nghị quyết Trung ương 7 và Trung ương 8, nghị quyết của Bộ Chính trị, vào việc xây dựng các báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tuy nhiên  qua kiểm tra cũng cho thấy, chất lượng nghiên cứu ở một số đề tài cần có sự quan tâm nhiều hơn của chủ nhiệm đề tài mới đạt được yêu cầu đã đăng ký.

Công tác chắt lọc nghiên cứu theo yêu cầu của Ban Chủ nhiệm Chương trình, chất lượng đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều báo cáo có nội dung tốt, ngắn, gọn rõ ràng nêu được những vấn đề mới về nội dung, quan điểm, giải pháp và có những kiến nghị sát thực, khả thi như:

- Đưa ra những khái niệm mới và làm rõ nội hàm những khái niệm đó như : khái niệm về Đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền; về nguyên tắc pháp quyền; về thể chế kinh tế thị trường, về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, về mô hình an sinh xã hội ở Việt Nam; về văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế; về giá trị con người, giá trị văn hóa Việt Nam, đặc biệt là đề xuất giá trị Việt Nam; về ngoại giao đa phương; về khái niệm các nước lớn; về khái niệm an ninh quốc gia…

- Đánh giá thực trạng một số lĩnh vực có luận cứ, có số liệu thuyết phục như : đánh giá về các thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay; về sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị; thực trạng và kiểm soát quyền lực trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các đoàn thể chính trị-xã hội; thực trạng về vấn đề dân tộc, tôn giáo và thực hiện các chính sách trên lĩnh vực này; thực trạng về sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, giáo dục… về an ninh và đảm bảo an ninh thông tin, an ninh con người, về hội nhập quốc tế….

- Rút ra những vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt phát hiện những điểm nghẽn về thể chế đã hạn chế đến tiến trình đổi mới ở nước ta.

- Đề xuất một số quan điểm và giải pháp về định hướng chính sách, giải pháp cụ thể thiết thực, khả thi. Kiến nghị một số vấn đề nội dung góp phần dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Năm 2018, trong quá trình thực hiện đề tài, một số đề tài đã trực tiếp đóng góp thiết thực cho công tác lãnh đạo của Trung ương, bộ, ban, ngành : như các báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7, Trung ương 8; Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiêu chí kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam … góp phần xây dựng Luật An ninh mạng; về “Cách mạng màu”, về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về Đảng cầm quyền và Đảng lãnh đạo./.

Nguyễn Tiến

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết