Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Vĩnh Phúc với việc xây dựng thể chế đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững

Ngày phát hành: 12/11/2018 Lượt xem 3196

Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ tháng 01/1997, hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, gồm 2 thành phố là Vĩnh Yên, Phúc Yên và 7 huyện; với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.271 km2, có cả vùng đồng bằng, trung du và miền núi; dân số hơn 1 triệu người. Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ, vùng thủ đô Hà Nội.

Vĩnh Phúc được biết tới là nơi khởi nguồn của đổi mới tư duy quản lý trong nông nghiệp, với phương thức “khoán hộ” từ những năm 60 của thế kỷ XX. Nghị quyết của Tỉnh ủy được ban hành khi đó mang tính đột phá và táo bạo, là một trong các tiền đề về cơ sở thực tiễn và lý luận cho Đảng ta ban hành các chỉ thị, nghị quyết đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân sau này.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, với tinh thần chủ động, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, đề ra các chủ trương, cơ chế chính sách toàn diện trên mọi lĩnh vực tạo tiền đề và đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Khi tỉnh mới được tái lập, điều kiện kinh tế, kết cấu hạ tầng và đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tiễn đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (tháng 11/1997) ngay sau tái lập tỉnh đã xác định: “Tập trung mọi nguồn lực tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hướng chủ yếu là phát triển công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công nghiệp ngoài quốc doanh”. Từ đó tới nay, qua các kỳ đại hội, tỉnh Vĩnh Phúc nhất quán quan điểm: Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, tạo nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân; phát triển dịch vụ, phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;  xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của Vùng và cả nước. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.”

Sau hơn 20 năm kể từ khi tái lập đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, thậm chí trên nhiều phương diện được xem là vượt trội đi đầu trong cả nước:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao, bình quân giai đoạn (1997-2016) đạt 15,3%, đặc biệt có năm đạt trên 20%, cao hơn gấp 2,4 lần so với mức tăng trưởng bình quân chung cả nước cùng giai đoạn.

- Tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người của Vĩnh Phúc, năm 2017 đạt 79,4 triệu đồng/người, ước năm 2018 đạt 84 triệu đồng/người (thuộc nhóm đầu cả nước). Đặc biệt quy mô nền kinh tế Vĩnh Phúc khi tái lập tỉnh chỉ chiếm khoảng 0,7% GDP của cả nước thì sau 20 năm đã tăng lên chiếm 1,8% GDP của cả nước.

- Thu ngân sách khi tái lập tỉnh chưa đầy 100 tỷ đồng, nay là một trong các tỉnh có số thu ngân sách cao của cả nước, hiện đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng/ năm, luôn đứng thứ 2 miền Bắc về thu nội địa. Hiện nay, Vĩnh Phúc là một trong 16 tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách ròng cho ngân sách Trung ương hàng năm với tỷ lệ đóng góp lên đến 50% nguồn thu phân chia (cao thứ 2 khu vực phía Bắc chỉ sau Hà Nội). Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhiều công ty lớn đầu tư, hoạt động tại Vĩnh Phúc như: Toyota, Honda, Piaggio... Hiện tại, Vĩnh Phúc được xem là một trong những cực tăng trưởng công nghiệp quan trọng của cả nước, đặc biệt đối với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Những thành quả phát triển trên đây là sự kết tinh của các nỗ lực và sự đóng góp của mỗi người dân Vĩnh Phúc trong nhiều thế hệ, đặc biệt vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ. Song, quan trọng hơn là từ đội ngũ ấy, nhiều thể chế quan trọng đã được xây dựng và ban hành, trong đó, thể chế lãnh đạo của Tỉnh ủy, thể chế quản lý của chính quyền tỉnh đã cơ bản đảm bảo kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, của nhân dân, phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điểm sáng của cả nước về thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan cho thấy động lực tăng trưởng của Vĩnh Phúc có dấu hiệu chậm lại trong gần thập niên qua. Vĩnh Phúc dù vẫn là hạt nhân tăng trưởng của cả nước song nhiều yếu tố thiếu bền vững bắt đầu nảy sinh, một số tỉnh khác dần thu hẹp khoảng cách phát triển với Vĩnh Phúc. Trước những thách thức đó từ đầu nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nhận thức rằng, nền kinh tế không thể tiếp tục vận hành theo quán tính cũ vì quán tính đó đã không còn nữa. Nền kinh tế của tỉnh cần một động lực mới để tăng trưởng và để tiếp tục đóng vai trò tích cực dẫn dắt nền kinh tế của khu vực.

Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, Vĩnh Phúc ý thức rằng những cải cách của Việt Nam nếu chậm sẽ dẫn đến bị tụt hậu trong cuộc chơi toàn cầu, nhất là khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thế nhưng, sức cạnh tranh của nền kinh tế không thể chỉ trông chờ vào những cải cách từ Chính phủ, từ các bộ, ngành trung ương, mà phải từ chính các địa phương, phải chủ động, sáng tạo, cải cách chính mình trước. Cũng với ý nghĩa đó, các nghị quyết mang tính cải cách của Đảng như: Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… chỉ có thể thực hiện thành công khi các địa phương ý thức được trách nhiệm của mình, phải cụ thể hóa được thành hành động và tạo ra kết quả cụ thể.

Phát huy truyền thống đi tiên phong trong nhiều cải cách, Vĩnh Phúc đã mạnh dạn lựa chọn một trong những cải cách khó khăn nhất, phức tạp nhất, cam go nhất của chúng ta hiện nay đó chính là cải cách thể chế và quản trị nhà nước, trong đó cải cách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thể xem là một nội dung trọng tâm, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, là đổi mới tư duy, tạo ra động lực mới cho sự phát triển. Bởi vì: “Đổi mới gì cũng có thể bắt đầu, nhưng nếu không đổi mới tư duy con người thì khó có thể thành công”. Gọi đó là lựa chọn gai góc vì nó động chạm đến vấn đề con người, đến quyền lợi của nhiều đối tượng với nhiều nhạy cảm, phức tạp, cùng với sự phản ứng nhiều chiều của nhiều nhóm lợi ích.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành rất sớm Đề án số 01- ĐA/TU, ngày 30/11/2016 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021. Bằng quyết tâm chính trị rất lớn, được sự ủng hộ của người dân, sự đồng thuận xã hội, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát nhưng thận trọng, dân chủ, khách quan, nhất là ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh (đây là điểm nổi trội, đi đầu cả nước) nhằm hỗ trợ, khuyến khích cho việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực.

Sau 2 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã giảm được 176 đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện; 39 đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, 176 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần; sắp xếp lại 21 hội mang tính chất đặc thù. Riêng khối chính quyền: giảm 102 đầu mối trong đó có 50 phòng ban và tương đương trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND huyện; 52 đơn vị sự nghiệp công lập; sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng có quy mô nhỏ, địa điểm gần nhau, nhiệm vụ tương đồng; giảm 55 lớp học thuộc các khối phổ thông. Tinh giản 1.529/2.363 biên chế (đạt 64,7% so với chỉ tiêu 10% đến 2021) và trên 10.700 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố được Trung ương đánh giá cao trong triển khai thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy. Đặc biệt, một số mô hình tổ chức được tỉnh triển khai làm trước khi có hướng dẫn của Trung ương.

Kết quả mang lại không đơn thuần chỉ là số lượng biên chế giảm đi mà quan trọng hơn là hoàn thiện được bộ máy tổ chức. Kết quả đó đã góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; thông qua việc cơ cấu lại biên chế tỉnh đã chủ động giải quyết chính sách, loại dần những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, về đạo đức, lối sống ra khỏi bộ máy. Đồng thời cũng tuyển chọn và động viên, giữ được những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, có chuyên môn phù hợp với yêu cầu và vị trí công tác.

Cải cách dù ở thời kỳ nào cũng gặp những khó khăn và thách thức của nó, nhưng đối với Vĩnh Phúc – một tỉnh vốn đã ở giai đoạn tăng trưởng cao so với cả nước, với quy luật lợi ích biên giảm dần, việc tạo ra thêm một động lực tăng trưởng mới sẽ khó khăn hơn nhiều so với khi còn ở giai đoạn tăng trưởng thấp. Sự chậm chễ trong cải cách sẽ khiến cho Vĩnh Phúc mất dần đi các lợi thế, bỏ lỡ các cơ hội và bị tụt hậu so với các địa phương khác. Đội ngũ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết tâm lựa chọn những vấn đề khó, những nút thắt để cải cách. Trong đó, xem xét việc cải cách bộ máy, quản trị nhà nước, làm cho bộ máy đó thật sự tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả chính là điều kiện đảm bảo cho việc xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững được ưu tiên hàng đầu. Kết quả đạt được hôm nay còn là tiền đề cho những đồng thuận với những cải cách phức tạp hơn mà Vĩnh Phúc sẽ tiến hành trong thời gian tới.

Hội thảo quốc gia về: “Thể chế phát triển nhanh - bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn mới” được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc, đây là một cơ hội quý báu để học hỏi, tham vấn ý kiến, kinh nghiệm của các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia trong việc xây dựng và thực hiện thể chế lãnh đạo, quản lý, nhằm từng bước hoàn thiện thể chế, tạo ra những cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá nhằm tạo sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh./.

 

Hoàng Thị Thúy Lan

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

 

 

 

 

 

 

 



 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết