Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2018 giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ngày 02-11-2018, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học "Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước hiện nay". Mục đích Tọa đàm nhằm trao đổi, làm rõ hơn các căn cứ lý luận, thực tiễn về nguồn lực tôn giáo; vai trò nguồn lực tôn giáo, cũng như việc nhận thức và phát huy đúng hướng nguồn lực này trong phát triển đất nước hiện nay, góp phần cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc bổ sung, hoàn thiện các chủ trương chính sách, Pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo trong giai đoạn tới. Dự Tọa đàm có đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm, uy tín về nghiên cứu, quản lý hoạt động tôn giáo và đại diện chức sắc tôn giáo. GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Tiểu ban Văn hóa-Xã hội-Con người của Hội đồng và GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng chủ trì Tọa đàm.
TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện HLKHXHVN phát biểu
Hơn 10 tham luận và ý kiến trao đổi tại Toạ đàm tập trung vào 4 nhóm nội dung: Những vấn đề lý luận chung, nhận thức chung về nguồn lực tôn giáo; nguồn lực của các tôn giáo cụ thể; nguồn lực tôn giáo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; cơ chế, chính sách, pháp luật, điều kiện phát huy nguồn lực tôn giáo, phục vụ phát triển đất nước hiện nay.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, trong một khoảng thời gian chuẩn bị không dài, nhưng với gần 20 báo cáo khoa học gửi tới Ban tổ chức cùng những tham luận và ý kiến trao đổi tại hội trường cho thấy, chủ đề của Tọa đàm đã đáp ứng trúng một đòi hỏi vừa mang tính lý luận, thực tiễn và rất thời sự trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay. Qua các báo cáo, trao đổi, thảo luận có thể nêu một số kết luận như sau:
1. Các báo cáo, các ý kiến trao đổi thảo luận đã góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn, đầy đủ hơn đối với một số vấn đề lý luận chung về nguồn lực tôn giáo như khái niệm, nội hàm, các hình thức biểu hiện, các cách tiếp cận của nguồn lực tôn giáo.
Các báo cáo và các ý kiến thảo luận cũng đã làm rõ được nguồn lực tôn giáo của các tôn giáo cụ thể cũng như vai trò của nguồn lực tôn giáo trên một số phương diện của đời sống xã hội. Đồng thời, đã phân tích thực trạng chính sách, pháp luật về phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, đề xuất những định hướng, giải pháp, kiến nghị cụ thể để phát huy tốt hơn nữa nguồn lực tôn giáo.
2. Các nhà khoa học, quản lý và các ý kiến trao đổi đều đồng thuận về việc nhìn nhận nguồn lực tôn giáo, đồng thời cho rằng phát huy nguồn lực tôn giáo là một chủ trương đúng đắn, cần phải có những chính sách, pháp luật phù hợp, đồng thời mong muốn kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong giai đoạn tới cần nhìn nhận tôn giáo là một nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
3. Phát huy nguồn lực tôn giáo là một chủ trương đúng đắn. Kết quả của Toạ đàm đã cung cấp cơ sở khoa học chắc chắn cho quan điểm này. Tuy nhiên, phát huy nguồn lực tôn giáo là một chủ trương quan trọng, cần có những định hướng, chính sách khoa học, phù hợp, công bằng; cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét một cách cụ thể: phát huy như thế nào, phát huy trong lĩnh vực nào, v.v.. Đồng thời, cũng rất lưu ý việc sử dụng nguồn lực tôn giáo không nhằm mục đích xã hội tích cực.
Thông qua toạ đàm đã giúp các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà quản lý, cũng như các chức sắc tôn giáo đạt được những nhận thức chung hết sức quan trọng về nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về tôn giáo hiện nay./.
Nguyễn Tiến