Toàn cảnh tọa đàm giữa Hội đồng Lý luận Trung ương với Tỉnh ủy Bình Dương
Thực hiện nhiệm vụ tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trọng tâm là 10 năm thực hiện cương lĩnh 2011 trên lĩnh vực kinh tế, xây dựng Đảng, vừa qua, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do PGS. TS. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Tổng kết làm trưởng đoàn đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế và tọa đàm khoa học về chủ đề thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Dự tọa đàm có đồng chí Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, và thành viên Đoàn khảo sát của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Dương, những năm qua, việc thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ một tỉnh với nền kinh tế là nông nghiệp đến nay đã trở thành tỉnh công nghiệp cơ bản hiện đại trong cả nước. Tăng trưởng GDP bình quân qua các thời kỳ đều trên 10%: 2006-2010 tăng 14%/năm; 2010-2015 tăng 13%/năm. GRDP giai đoạn 2016 – 2018 ước tăng 8,73%, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2018 ước đạt 130,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hiện đại, tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Ước đến cuối năm 2018, cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp có tỉ trọng tương ứng là 63,8% - 24,41% - 3,49%.
Quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Bình Dương đã có nhiều kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay. Để phát triển công nghiệp trong giai đoạn đầu, tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên vùng gắn kết Bình Dương với các trung tâm, đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh. Bình Dương phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh trong việc xây dựng các khu công nghiệp giai đoạn đầu, sau đó có nhiều chính sách thu hút, ưu đãi nhằm huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển cá khu công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh. Các doanh nghiệp nhà nước ở Bình Dương cũng có vai trò quan trọng trong việc bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo cáo của tỉnh cũng chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ hiện nay: sức ép về di dân cơ học đến Bình Dương; tình trạng quá tải và chất lượng thấp về hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nhà ở, công trình văn hóa cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội phức tạp…
Tại tọa đàm, các thành viên Đoàn công tác đã trao đổi nhiều vấn đề với Tỉnh ủy Bình Dương nhằm làm rõ hơn những mặt được, chưa được, những vấn đề đặt ra và kiến nghị của địa phương trong quá trình cụ thể hóa Cương lĩnh và các nghị quyết của Trung ương, nghị quyết Đại hội Đảng trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đặc biệt là định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Bình Dương đã có một số kiến nghị: Trung ương sớm xem xét lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước phù hợp đặc thù từng địa phương; tính toán lại định mức, chỉ tiêu thu ngân sách cho tỉnh Bình Dương, hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Bình Dương thực hiện tốt việc thu ngân sách nhà nước…
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Thạo đánh giá cao những thành tựu tỉnh Bình Dương đạt được trong quá trình thực hiện các Cương lĩnh của Đảng; từ những thành tựu, hạn chế, những kinh nghiệm của Bình Dương, Đoàn sẽ nghiên cứu, chắt lọc để phục vụ cho việc tổng kết thực hiện Cương lĩnh của Đảng trong phạm vi cả nước./.
Trước đó, Đoàn đã làm việc với Đảng bộ phường An Bình (Thị xã Dĩ An) và Thị ủy Dĩ An.
Nguyễn Mạnh Hùng