Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Chính sách phát triển xã hội ở Trung Quốc hiện nay

Ngày phát hành: 22/11/2022 Lượt xem 3781


 

Mở đầu

Năm 2021, bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ XX, Trung Quốc kỉ niệm tròn 100 năm Đảng Cộng sản, giải quyết vấn đề nghèo đói tuyệt đối trong lịch sử, thông qua Nghị quyết lịch sử lần thứ 3 của Đảng về hoàn thành công cuộc xây dựng xã hội khá giả toàn diện và chuyển sang thời kỳ mới xây dựng quốc gia hiện đại hoá XHCN vào năm 2049, cũng là năm mở đầu “Quy hoạch năm năm lần thứ XIV về phát triển kinh tế xã hội và tầm nhìn đến năm 2035”, mở đầu thời kỳ mới theo đuổi mục tiêu 100 lần thứ hai. Sang năm 2022, nước này tiếp tục đánh dấu bước ngoặt quan trọng tiếp theo đó là tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XX vào cuối năm. Đây được dự báo là kỳ đại hội vô cùng quan trọng bởi nó sẽ vạch ra một lộ trình phát triển mới của nước này. Trong lĩnh vực xã hội, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển xã hội quan trọng nhằm bắt kịp với những thay đổi của tình hình trong nước. Cùng nhìn lại những chủ trương, chính sách phát triển xã hội quan trọng trước thềm Đại hội XX để có đánh giá toàn diện về đường lối phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn tiếp theo.

 

I. Chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển xã hội

Quan sát quá trình điều chỉnh chính sách phát triển xã hội của Trung Quốc từ trước Đại hội XIX của Đảng đến nay, nhận thấy nước này đã vạch ra nhiều đường hướng và đưa ra nhiều chính sách phát triển xã hội quan trọng. Có thể thấy, các chính sách phát triển xã hội ở Trung Quốc được thể hiện rõ nét nhất thông qua các nhiệm vụ mục tiêu lớn của nước này, bao gồm mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện; nhận thức về mâu thuẫn xã hội chủ yếu và mục tiêu thịnh vượng chung. Theo đó, cùng với các chính sách phát triển trên nhiều khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, …. thì các chính sách phát triển xã hội cũng được cụ thể hóa.

 

1. Về mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện

Từ Đại hội XVI ĐCS Trung Quốc (2002), nước này đã đề ra mục tiêu chiến lược trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI là xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Đến Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc năm 2017, nước này xác định mục tiêu tiếp theo sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, đó là từ năm 2020- 2050 trong khoảng 30 năm này sẽ chia đôi thời gian, được coi là lộ trình để nước này xây dựng hoàn thành hiện đại hóa XHCN sau cải cách mở cửa. Từ năm 2020- 2035, trong 15 năm đầu, trên cơ sở hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, phấn đấu đến năm 2035, thực hiện cơ bản hiện đại hóa XHCN. Từ năm 2035- 2050, trên cơ sở thực hiện cơ bản hiện đại hóa, xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp[1]. Trong giai đoạn này, Trung Quốc vừa tăng tốc độ vừa phải thực hiện ba loại cải cách về chất lượng, hiệu quả và động lực, giải quyết vấn đề phát triển không cân bằng không đầy đủ. Nhận thức về hai giai đoạn phát triển này có thể nói là được kế thừa từ tư tưởng phát triển của Đặng Tiểu Bình về các giai đoạn phát triển của Trung Quốc trước đó. Do vậy, nó thể hiện những bước đi vừa thận trọng nhưng cũng không kém phần mạo hiểm khi giai đoạn 1 chỉ đặt mục tiêu toàn dân cùng giàu có, sang giai đoạn 2, Trung Quốc đã tham vọng trở thành cường quốc hiện đại hóa XHCN.

 

Đứng trên cục diện phát triển của Đảng và nhà nước Trung Quốc, Đại hội XIX đã đưa ra sự sắp xếp chiến lược mới để thực hiện mục tiêu phấn đấu “hai lần một trăm năm”, yêu cầu trên cơ sở giành thắng lợi xây dựng xã hội khá giả toàn diện, tiến tới một cột mốc mới triển khai xây dựng toàn diện nhà nước hiện đại hóa XHCN. Chiến lược này đã thể hiện nhận thức mới của ĐCS Trung Quốc về quy luật phát triển xã hội và quy luật xây dựng hiện đại hóa XHCN. Từ Đại hội XIX đến Đại hội XX, Trung Quốc vừa phải hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ nhất, lại phải trên cơ sở đó tiếp tục mở ra hành trình mới xây dựng toàn diện quốc gia hiện đại hóa XHCN, hướng tới mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai. Do đó, xét bối cảnh tình hình trong nước và thế giới cùng với điệu kiện phát triển của Trung Quốc, nước này đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn như sau:

 

Giai đoạn 1, từ năm 2020- 2035, trên cơ sở xây dựng xã hội khá giả toàn diện, thực hiện cơ bản hiện đại hóa XHCN.

Giai đoạn 2 từ năm 2035- 2050, trên cơ sở thực hiện cơ bản hiện đại hóa, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Trong lĩnh vực xã hội, trên cơ sở thực hiện cải thiện dân sinh và hoàn thiện hệ thống quản trị xã hội trong xây dựng và phát triển xã hội, Báo cáo Đại hội XIX nhấn mạnh, tiếp tục nâng cao mức độ bảm đảm và cải thiện dân sinh, tăng cường và đổi mới quản trị xã hội. So với Đại hội XVIII, các nội dung về về chính sách đảm bảo và cải thiện dân sinh, tăng cường và đổi mới quản trị xã hội được mở rộng hơn và có nội hàm phong phú hơn.

 

2. Về mâu thuẫn xã hội chủ yếu

Trung Quốc với nền kinh tế tăng trưởng tốc độ cao liên tục trong một thời gian dài đã tạo ra nhiều của cải xã hội, nhưng mặt trái của sự tăng trưởng “nóng” này là sự phân hoá sâu sắc giữa các nhóm người trong xã hội, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền không ngừng mở rộng, giai tầng xã hội phân hoá nhanh. Sự phân hoá này chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đối lập giữa các nhóm xã hội, thậm chí là xung đột xã hội về địa vị xã hội và quyền lợi xã hội, là một trong những nguyên nhân gây bất ổn chính trị xã hội. Trong bối cảnh đó, tại Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc (10-2017), lãnh đạo nước này đã đưa ra nội hàm mới về mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở nước này, đó là “mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở Trung Quốc chính là mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống ngày càng tốt đẹp của người dân với sự phát triển không cân bằng và không đầy đủ”, cụ thể:

 

Về nhu cầu cuộc sống tốt đẹp của người dân thể hiện ở: Khả năng thực hiện nhu cầu lớn hơn, mức thu nhập không ngừng tăng, là điều kiện để mở rộng từ nhu cầu vật chất sang nhu cầu phi vật chất. Nội hàm của nhu cầu phong phú hơn, không chỉ là nhu cầu văn hoá vật chất, mà bao gồm cả nhu cầu tinh thần, nhu cầu chính trị và nhu cầu sinh thái, tức là không chỉ cần thực phẩm và quần áo, mà còn có nhu cầu về dân chủ, pháp quyền, công bằng, chính nghĩa, tham gia quản trị xã hội, an ninh và môi trường, là nhu cầu được bảo đảm an sinh xã hội và dịch vụ công, cải thiện môi trường sinh thái, là sự thể hiện mong muốn được tôn trọng hơn và  hạnh phúc hơn của người dân. Cấp độ của nhu cầu cao hơn, theo quy luật diễn tiến của nhu cầu tiêu dùng của người dân thì tiêu dùng của người dân Trung Quốc từ cấp độ sinh tồn nâng lên cấp độ phát triển và hưởng thụ. Từ "nhu cầu văn hóa vật chất" đến "nhu cầu cuộc sống tốt đẹp" đã phản ánh tính toàn diện nhu cầu của người dân hiện nay.

 

Về phát triển không cân bằng và không đầy đủ. Phát triển không cân bằng và không đầy đủ là đặc điểm nổi bật nhất của sự phát triển hiện tại của Trung Quốc và đó cũng là khía cạnh chính của mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở nước này, thể hiện ở: kinh tế phát triển không cân bằng và không đầy đủ; mất cân đối trong phát triển về phương diện chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái thể hiện ở sự phát triển không đồng đều trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái và sự phát triển không đầy đủ trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái[2].

 

Có thể thấy bản chất bên trong của mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở Trung Quốc không thay đổi, nó vẫn là mâu thuẫn giữa nhu cầu của người dân với sức sản xuất xã hội. Tuy nhiên, với sự thay đổi liên tục của lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái, các đặc trưng cụ thể của mâu thuẫn xã hội chủ yếu cũng thay đổi, chủ yếu phụ thuộc vào vị trí và mối quan hệ giữa nhu cầu của người dân và sức sản xuất xã hội. Mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở Trung Quốc biến đổi mang tính liên tục và logic, đòi hỏi nước này trên cơ sở phát triển phải nỗ lực giải quyết vấn đề không cân bằng, không đầy đủ trong phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dân về các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, sinh thái. Để hóa giải mâu thuẫn xã hội chủ yếu, giải pháp được Trung Quốc ưu tiên đặt ra theo chúng tôi phải kể đến:

 

Người Choang ở Trung Quốc có trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu (Ảnh TL)

 

Một là, lấy người dân làm trung tâm, trọng tâm gồm: Bảo đảm và cải thiện dân sinh trong quá trình phát triển. 1) Về cải thiện dân sinh, vấn đề dân sinh được chính phủ Trung Quốc tập trung giải quyết trên mấy phương diện: i) Nâng cao chất lượng việc làm và tạo việc làm đầy đủ hơn. ii) Hiện đại hóa giáo dục, xây dựng cường quốc giáo dục. iii) Trong lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe. iv) Hoàn thiện chế độ bảo đảm nhà ở. 2) Về bảo đảm an sinh xã hội, bám sát yêu cầu cơ bản và mục tiêu về xây dựng toàn diện hệ thống an sinh xã hội đa tầng diện, biện pháp cụ thể bao gồm: i) Thực hiện toàn diện kế hoạch toàn dân tham gia bảo hiểm; ii) Hoàn thiện chế độ bảo hiểm dưỡng lão; iii) Hoàn thiện chế độ bảo hiểm y tế cơ bản và chế độ bảo hiểm bệnh nặng cho người dân thống nhất thành thị và nông thôn.

 

Cải cách chế độ phân phối thu nhập. Bên cạnh việc tiếp tục tìm mọi cách nâng cao thu nhập cho người dân, Trung Quốc chú trọng hơn tới công bằng trong phân phối, thực hiện mọi người dân cùng hưởng thành quả phát triển bằng cách đi sâu cải cách chế độ phân phối thu nhập. 1) Hoàn thiện chế độ phân phối lần đầu. 2) Phát huy vai trò của tái phân phối. 3) Tạo nền tảng vững chắc cho cải cách chế độ phân phối thu nhập. 4) Mở rộng nhóm thu nhập trung bình. 5) Hoàn thiện cơ chế tiền lương của đơn vị cơ quan sự nghiệp. 6) Đi sâu cải cách chế độ lương của doanh nghiệp nhà nước.

 

Hai là, thực hiện chiến lược phát triển cân bằng và nhịp nhàng

Thực hiện quan điểm phát triển mới. Đó là “sáng tạo, nhịp nhàng, xanh, mở cửa, cùng hưởng”, đi theo con đường phát triển “tứ hoá”, tức là “thúc đẩy phát triển đồng bộ công nghiệp hoá, thông tin hoá, đô thị hoá, hiện đại hoá nông nghiệp”, là yêu cầu tất yếu xây dựng toàn diện quốc gia hiện đại hoá XHCN đặc sắc Trung Quốc, là trọng điểm chiến lược hoá giải hiệu quả vấn đề phát triển không cân bằng và không đầy đủ, đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng tốt đẹp của người dân.

 

Thực hiện chiến lược phát triển cân bằng khu vực và thành thị - nông thôn. 1) Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách toàn diện về phát triển hội nhập giữa thành thị và nông thôn. 2) Thực hiện phát triển nhịp nhàng khu vực vùng miền.

Hoàn thành mục tiêu thoát nghèo. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Trung Quốc vạch ra 10 biện pháp thoát nghèo, gồm: lấy ngành nghề để thoát nghèo; chuyển dịch việc làm để thoát nghèo; di dời nơi ở khó khăn để thoát nghèo; giáo dục để thoát nghèo; sức khoẻ để thoát nghèo; bảo vệ sinh thái để thoát nghèo; bảo đảm an sinh xã hội để thoát nghèo; trợ giúp xã hội để thoát nghèo; cải tạo nhà ở xuống cấp ở nông thôn để thoát nghèo; giúp đỡ người tàn tật để thoát nghèo.

Bảo vệ môi trường sinh thái. Nội dung cụ thể gồm: Một là, thúc đẩy phát triển xanh. Hai là, giải quyết các vấn đề về môi trường nổi cộm. Ba là, tăng cường bảo hộ hệ thống sinh thái. Bốn là, cải thiện hệ thống quản trị môi trường sinh thái.

 

Ba là, hoàn thiện hệ thống quản trị xã hội với chủ trương “tạo cục diện quản trị xã hội cùng xây dựng cùng quản trị cùng hưởng”, bao gồm:

Hoàn thiện thể chế quản trị xã hội hiện đại. Thứ nhất, kiên trì và hoàn thiện chế độ lãnh đạo, nâng cao trình độ cầm quyền một cách khoa học, dân chủ, tuân thủ luật pháp của Đảng. Thứ hai, tăng cường chức năng điều hành của nhà nước. Thứ ba, đa dạng hóa chủ thể quản lý xã hội. Thứ tư, phát huy đầy đủ tính đảm bảo của pháp luật. Thứ năm, xây dựng mô hình quản trị xã hội cùng xây dựng, cùng quản lý, cùng hưởng.

 

Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa và hóa giải mâu thuẫn. Thứ nhất, nối thông và quy phạm hóa hành lang phản ánh cáo tụng, điều hòa lợi ích, đảm vệ quyền hạn của người dân. Thứ hai, hoàn thiện chế độ tiếp nhận khiếu nại của dân. Thứ ba, hoàn thiện chế độ liên hoàn trong công tác hòa giải dân sự, hòa giải hành chính và hòa giải tư pháp. Thứ tư, kiện toàn hệ thống dịch vụ tâm lý xã hội và cơ chế phòng ngừa nguy cơ. Thứ năm, hoàn thiện cơ chế điều hòa và hóa giải mâu thuẫn tổng hợp.

 

Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng. Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong Đảng và chính quyền. Thứ hai, quản lý Đảng bằng pháp luật. Thứ ba, trừng trị tham nhũng bằng thái độ không khoan nhượng.

Xây dựng xã hội pháp trị. Để củng cố hơn cho mục tiêu 2035 đặt ra trong Hội nghị TƯ 5 khoá 19, mới đây, BCH TƯ ĐCS Trung Quốc đã ban hành "Cương yếu thực hiện xây dựng xã hội pháp trị (2020-2025)". Đây chính là bước tuân thủ nghiêm hơn về thượng tôn pháp luật trên mọi khía cạnh của đởi sống xã hội, tăng cường tính pháp trị trong xây dựng xã hội. Mục tiêu nhằm nâng cao trình độ pháp trị trong quản trị xã hội, đặt nền móng cơ bản cho sự hình thành xã hội pháp trị vào năm 2035, là một trong những mục tiêu quan trọng của việc thực hiện cơ bản hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 mà Trung Quốc đặt ra. Để đạt mục tiêu đó, có 3 nhiệm vụ cụ thể chủ yếu gồm: Một là, thúc đẩy toàn xã hội củng cố khái niệm pháp trị. Hai là, xây dựng các chuẩn mực về cơ chế trong lĩnh vực xã hội. Ba là, tăng cường bảo vệ quyền lợi.

 

3. Về mục tiêu “thịnh vượng chung”

 

Hơn bốn thập kỷ trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố nước này sẽ "để một số người làm giàu trước" trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chủ trương đó đã góp phần biến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tạo ra một số lượng lớn người giàu sở hữu khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn trong xã hội Trung Quốc. 20% người giàu nhất nước này kiếm được nhiều gấp 10 lần 20% người nghèo nhất, một khoảng cách lớn hơn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Đến nay, dù số người sống trong cảnh nghèo cùng cực đã giảm mạnh, nhưng hiện nước này vẫn còn vài trăm triệu người sống dưới mức thu nhập trung bình. Trước bối cảnh đó, ngày 17/8/2021, tại cuộc họp lần thứ X của Ủy ban Tài chính và Kinh tế TƯ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố đây là thời điểm thích hợp để nước này thúc đẩy mục tiêu "thịnh vượng chung" nhằm giúp mọi người dân đều được chia sẻ cơ hội giàu có, giải quyết khoảng cách giàu nghèo vốn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.

 

Khái niệm này không phải là mới, trong lịch sử, Trung Quốc đã từng theo đuổi sự thịnh vượng chung (như ý tưởng về "Sự hài hòa vĩ đại" (tư tưởng Đại đồng- ý tưởng về một xã hội không tưởng từ thời cổ đại). Năm 1953, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thông qua nghị quyết phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp với mục đích đạt được "thịnh vượng chung" ở nông thôn. Nhưng sau đó Mao Trạch Đông đã mắc sai lầm và không thực hiện được lý tưởng này. Sau Hội nghị toàn thể lần thứ ba BCH TƯ ĐCS Trung Quốc khóa XI (12/1978), cựu lãnh đạo ĐCS Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã tổng kết những bài học về xây dựng CNXH ở trong và ngoài nước và đi sâu tìm hiểu về thịnh vượng chung. Ông chủ trương một số khu vực đủ điều kiện và một số người nên làm giàu trước, để thúc đẩy và giúp đỡ những khu vực và người dân lạc hậu, và cuối cùng đạt được sự thịnh vượng chung. Tư tưởng đổi mới của ông đã làm thay đổi diện mạo Trung Quốc, nhưng mặt trái của sự phát triển nghiêng lệch này đã tạo ra sự phân cực, phân vùng, bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo, …. như đã nói ở trên.

 

Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc với Tập Cận Bình làm hạt nhân nhận thức về sự thịnh vượng chung không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị lớn liên quan đến nền tảng cầm quyền của ĐCS Trung Quốc. Ông nhận định: “Thịnh vượng chung là yêu cầu thiết yếu của CNXH và là một đặc điểm quan trọng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, tuân theo khái niệm phát triển lấy con người làm trung tâm và thúc đẩy thịnh vượng chung trong phát triển chất lượng cao;…”[3]. Trung Quốc muốn khẳng định “Thịnh vượng chung” không phải là phát triển cào bằng, “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, mà là việc “từng bước hiện thực hóa về thịnh vượng hài hòa cho tất cả mọi người”, chủ yếu thông qua các hoạt động từ thiện, quyên góp và tình nguyện, khuyến khích các công ty, người có thu nhập cao "đóng góp nhiều hơn cho xã hội" nhằm thu hẹp hiệu quả khoảng cách giàu nghèo, vốn có thể cản trở sự phát triển của đất nước và làm suy yếu niềm tin của người dân vào giới lãnh đạo. Như vậy, ông Tập đã gửi đi thông điệp rõ ràng đến giới siêu giàu Trung Quốc rằng, đã đến lúc họ cần phải chia sẻ của cải, sự giàu có với các tầng lớp khác. Tập Cận Bình có nhận thức mới hơn và khác hơn về “cùng giàu có” so với tư tưởng “để một bộ phận người giàu lên trước” của Đặng Tiểu Bình. Nếu Đặng coi “người giàu trước kéo người giàu sau cùng giàu” là biện pháp tối ưu thúc đẩy thịnh vượng chung, thì Tập lại cho rằng cần phải tái phân bổ của cải người giàu cho người nghèo để “thoát nghèo chuẩn xác”.

 

Nhiều giải pháp đặt ra nhằm đưa Trung Quốc tới đích “thịnh vượng chung”, đáng chú ý là việc đề xuất xây dựng một sự sắp xếp thể chế cơ bản để điều phối phân phối lần đầu, phân phối lại và phân phối lần ba, với tư duy "hình thành cấu trúc phân phối hình quả ô liu” nhằm thúc đẩy công bằng xã hội, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mọi người. Tư duy này đã hình thành khá lâu nhưng chưa hiệu quả như kỳ vọng khi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc còn chiếm tỉ lệ thấp (400 triệu/1,4 tỷ dân), chênh lệch giàu nghèo lớn (hệ số GINI dao động 0,46- 0,47)[4]. Một số địa phương ở Trung Quốc đang từng bước hưởng ứng và áp dụng tư tưởng “cùng giàu có”, điển hình là tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, là nơi có hàng loạt công ty tư nhân thành công nhất của nước này, đã được chọn làm khu vực thí điểm cho mục tiêu thịnh vượng chung.

 

 

II. Đánh giá thực tiễn triển khai chính sách phát triển xã hội ở Trung Quốc

 

1. Thành quả đạt được

 

Có thể nói, công cuộc xây dựng xã hội khá giả toàn diện, thúc đẩy hiện đại hóa XHCN của Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu quan trọng để hoàn thành đúng dự định. Từ sau Đại hội XVIII, trên cơ sở thúc đẩy bố cục tổng thể “ngũ vị nhất thể” và thúc đẩy nhịp nhàng bố cục chiến lược “tứ toàn diện”, như Đại hội XIX khẳng định, “Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu mang tính lịch sử của cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa XHCN”, “sự nghiệp của Đảng và nhà nước Trung Quốc có sự thay đổi mang tính lịch sử”. Nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp của người dân cơ bản được đáp ứng: Mức thu nhập của người dân liên tục tăng, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện; Việc làm được đáp ứng khá đầy đủ; Chất lượng cuộc sống được cải thiện; Hệ thống an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, hệ thống an sinh xã hội che phủ cư dân thành thị và nông thôn cơ bản được thiết lập; Giáo dục phát triển với mục tiêu xây dựng quốc gia nhân tài; Y tế chăm sóc sức khoẻ được tăng cường; hệ thống quản trị xã hội càng hoàn thiện hơn, tình hình bảo vệ môi trường sinh thái được chuyển biến, hệ thống chế độ văn minh sinh thái nhanh chóng được hình thành, việc quản trị môi trường sinh thái được tăng cường rõ rệt. Xét về tổng thể, việc đi sâu cải cách toàn diện này đã có bước đột phá, chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc ngày càng hoàn thiện, hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị hiện đại được nâng cao rõ rệt, công tác trị đảng nghiêm minh toàn diện sang trang mới, cục diện trong nước và ngoại giao thể hiện diện mạo mới.

 

Ngay trong năm đầu tiên triển khai “Quy hoạch 5.XIV về phát triển kinh tế xã hội (2021- 2025) và tầm nhìn đến 2035”, Trung Quốc đã có bước khởi đầu khá thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế đạt mức khó tin khi tổng sản phẩm quốc nội đạt 8,1% so với năm trước và tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng tốt nhất trong các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tổng sản lượng kinh tế vượt 110 nghìn tỷ NDT, đời sống người dân được bảo đảm, thu nhập của người dân tăng. GDP bình quân đầu người vượt quá 80.000 NDT, tương đương với 12.551 đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái bình quân hàng năm, vượt qua mức GDP bình quân đầu người của thế giới (12.100 USD), gần chạm ngưỡng của các nước thu nhập cao theo tiêu chuẩn của WB. Mức thu nhập khả dụng bình quân đầu người của người dân cả nước là 35.128 NDT, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân thành thị  và nông thôn tăng lần lượt là tăng 7,1% và 9,7% theo thực tế. Với quá trình phục hồi nông thôn ngày càng sâu rộng, tốc độ tăng thu nhập của cư dân nông thôn nhanh hơn đáng kể so với cư dân thành thị, khoảng cách thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thôn được thu hẹp với tỉ lệ chênh lệch là 2,5, giảm 0,06 so với năm trước. Với việc thực hiện các chiến lược lớn của vùng và các chiến lược phát triển phối hợp, tốc độ tăng thu nhập của cư dân khu vực miền Trung (9,2%) và miền Tây (9,4%) nhanh hơn so với mức tăng thu nhập của cư dân cả nước. Thu nhập hộ gia đình của nhóm thu nhập trung bình và thấp tăng nhanh hơn so với nhóm dân số chung. Đánh giá thu nhập của các hộ gia đình theo cách tính ngũ phân vị, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của 40% người thu nhập thấp nhất và thấp tăng danh nghĩa 9,8%, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của 20% người thu nhập trung bình tăng 10,7%, lần lượt tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập chung trên toàn quốc là 0,7 và 1,6 điểm phần trăm[5]. Năm 2021, tổng quy mô kinh tế và mức thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc không ngừng tăng lên, đồng nghĩa năng suất xã hội và mức sống của người dân được nâng cao, tạo nền tảng, điều kiện tốt hơn và động lực lớn hơn cho phát triển. Nhưng có thể thấy, Trung Quốc vẫn nằm trong nhóm các nước có thu nhập trên trung bình, GDP bình quân đầu người mới chạm tới ngưỡng thấp của các nước có thu nhập cao.

 

Tình trạng thiếu nhịp nhàng trong phát triển bước đầu được cải thiện biểu hiện ở môi trường sinh thái bước đầu được cải thiện; Công tác thoát nghèo đang tiến dần tới mục tiêu thoát nghèo bền vững; Khoảng cách chênh lệch phân phối thu nhập có dấu hiệu thu hẹp; Tình hình phát triển chênh lệch vùng miền, thành thị nông thôn bước đầu được cải thiện.

 

2. Vấn đề tồn tại

 

Trên cở sở những thành tựu mang tính lịch sử đạt được, Đại hội XIX tuyên bố “CNXH đặc sắc Trung Quốc đã bước vào thời đại mới”, việc xây dựng hiện đại hóa XHCN đã đứng ở khởi điểm lịch sử mới. Đi đôi với những thành tích đạt được, Trung Quốc cũng thừa nhận nhiều hạn chế, vấn đề tồn tại trong phát triển xã hội cần phải tìm tòi cách giải quyết. Ở đây chúng tôi muốn đặt lĩnh vực xã hội trong mối tương quan với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa để thấy được mức độ chênh lệch trong phát triển xã hội so với các lĩnh vực khác của Trung Quốc. Cụ thể:

 

Chênh lệch giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, biểu hiện ở: 1) Mất cân đối trong phát triển kinh tế. Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể vượt qua được giới hạn của một nền kinh tế đang phát triển vì chất lượng của nền kinh tế còn thấp. GDP bình quân đầu người không cao. Từ góc độ cơ cấu nhu cầu không cân bằng, tỷ lệ đầu tư quá cao và tỷ lệ tiêu dùng quá thấp. Về phát triển kinh tế không đầy đủ, thể hiện ở kinh tế Trung Quốc lớn mà không mạnh. 2) Thành quả kinh tế không được phân chia công bằng, biểu hiện ở: chênh lệch thu nhập dẫn đến bất bình đẳng cơ hội giáo dục nghiêm trọng; thua thiệt của người dân nông thôn trong quá trình đô thị hóa. 3) Tốc độ phát triển kinh tế tác động xấu đến môi trường sống. 4) Kinh tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống ngày càng cao của người dân, biểu hiện: Chất lượng y tế khám chữa bệnh chưa được cải thiện; Số lượng nhà ở thành phố chưa đáp ứng tiêu chí “người sống có chỗ ở”; Dịch vụ công của Chính phủ còn nhiều hạn chế; Chế độ an sinh chưa hoàn thiện, mất cân bằng.

 

Chênh lệch giữa tiến bộ xã hội và dân chủ chính trị, biểu hiện ở: 1) Mức độ can thiệp của Đảng và nhà nước vào hoạt động xã hội còn lớn. Đó là quyền lực quá tập trung trong tay các cơ quan Đảng và nhà nước, quyền lực không được chia sẻ thích đáng cho các đơn vị cơ sở, các tổ chức xã hội và người dân. 2) Vị trí chủ thể của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Hiện tại, vai trò chủ thể quản lý của người dân trong các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ hay các nghiệp đoàn còn rất hạn chế, “nhân dân làm chủ” hay “vai trò chủ đạo của nhân dân” trong hệ thống chính trị Trung Quốc đôi khi chỉ mang ý nghĩa hình thức, khẩu hiệu suông. 3) Tình trạng suy thoái tư chất của đảng viên vẫn tồn tại trong ĐCS Trung Quốc, biểu hiện ở cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” quyết liệt của Tập Cận Bình thời gian gần đây. 4) Vấn đề dân chủ hoá chính trị chưa thực sự cởi mở. Một mặt, Trung Quốc đề cao cái gọi là xu thế dân chủ hóa trong đời sống chính trị, nhưng về bản chất, giới tinh hoa nước này đang thắt chặt quản trị xã hội, điều này đi ngược lại với tinh thần dân chủ của xã hội Trung Quốc và đi ngược lại với xu thế tiến bộ thế giới.

 

Chênh lệch phát triển vùng miền. Vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, khoảng cách kinh tế khu vực của Trung Quốc chủ yếu được phản ánh bởi khoảng cách chênh lệch Đông – Tây, trong đó biểu hiện nổi bật là chênh lệch về thu nhập khả dụng bình quân đầu người. GDP bình quân đầu người năm 2019 của các khu vực ven biển phía đông giàu có nhất đã vượt quá 100.000 NDT, đạt mức của các nước phát triển trung bình. GDP bình quân đầu người toàn quốc là trên 60.000 NDT, trong khi GDP bình quân đầu người của các tỉnh miền trung và miền tây rộng lớn còn chưa đạt mức trung bình quốc gia, chỉ ở trình độ của các nước đang phát triển[6]. Chênh lệch phát triển kinh tế xã hội còn thể hiện ở chênh lệch giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc, mức tiêu dùng của cư dân thành thị vẫn lớn gấp đôi so với cư dân nông thôn. Về dịch vụ công, những năm gần đây hệ thống dịch vụ công cơ bản ở thành phố và nông thôn Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể, nhưng tiêu chuẩn hưởng dịch vụ công cơ bản giữa thành phố và nông thôn vẫn có chênh lệch lớn. Giáo dục chưa cân bằng và y tế phát triển nghiêng lệch là yếu tố chủ yếu cản trở lớn việc nâng cao mức độ phát triển hội nhập thành thị và nông thôn ở Trung Quốc. Sự phát triển văn minh sinh thái ở thành phố và nông thôn Trung Quốc đều có những điểm khác nhau và tồn tại sự chênh lệch nhất định, trong đó, người dân thành phố luôn được hưởng cuộc sống thoải mái, tiện ích hơn nhiều so với nông thôn, biểu hiện ở tỉ lệ xử lý rác thải, nước thải ở thành phố cao hơn nông thôn. Trong khi đó, từ góc độ mất cân bằng sinh thái đô thị-nông thôn, có thể thấy ô nhiễm công nghiệp và đô thị đang dần chuyển về nông thôn, gây ra nguy hiểm nghiêm trọng cho an toàn nước uống ở nông thôn và an toàn nông sản.

 

Phân hoá giàu nghèo. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc thuộc nhóm các quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới nhưng người dân lại không được hưởng thành quả phát triển công bằng, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày càng lớn và đã vượt quá mức cảnh báo quốc tế. Cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thu nhập thế giới được chuẩn hóa (SWIID) ước tính hệ số Gini của Trung Quốc là 0,468 điểm vào năm 2018, đã vượt mức cảnh báo 0,4 của World bank, cao hơn mức trung bình 0,24-0,36 của các nước phát triển, không những vượt mức 0,3- 0,4 của các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật, Anh, Đức, Hàn Quốc, mà còn cao nhất ở châu Á. Với số lượng tỷ phú đang tăng lên nhanh chóng, trong tương lai, bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc sẽ ngày càng lớn, khi người giàu lại càng thêm giàu còn người nghèo thì ngày một nghèo đi. Trung Quốc đang nằm trong nhóm 10% các nước có hệ số Gini cao nhất thế giới[7].

 

Các giải pháp thúc đẩy “Thịnh vượng chung” khiến nhiều người nghi ngại. Vấn đề “phân phối lần ba” nhận nhiều ý kiến trái chiều của giới quan sát phương Tây, coi đây là cách “làm từ thiện bắt buộc” theo chính sách mà ĐCS Trung Quốc sử dụng nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo, khi nhiều giải pháp trước đây chưa thực sự hiệu quả. Thực tế là ngay sau tuyên bố của ông Tập, các doanh nhân Trung Quốc đã chạy đua trong việc móc hầu bao hỗ trợ tài chính vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, chủ yếu nhằm giảm bớt sự giám sát ngặt nghèo của chính quyền. Điển hình như gã khổng lồ công nghệ Tencent tuyên bố đầu tư 50 tỷ NDT để thiết lập một "kế hoạch đặc biệt cho sự thịnh vượng chung",  Pinduoduo cam kết sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ NDT vào phát triển nông nghiệp, Alibaba cũng cam kết đầu tư 100 tỷ NDT đến năm 2025 vào quỹ từ thiện[8]. Theo quan sát, các lĩnh vực công nghệ là mục tiêu lớn nhất mà chính quyền Tập Cận Bình hướng tới bởi doanh thu của họ luôn thuộc tốp đầu. Làn sóng ủng hộ quyên góp này có thể thúc đẩy tinh thần từ thiện, nhưng cũng làm dấy lên nghi ngại về tính hiệu quả trong việc giải quyết bất bình đẳng giàu nghèo. Hu Zuliu, người sáng lập và chủ tịch của Primavera Capital Group tại Hồng Kông, cho rằng cách làm kiểu “ép buộc từ thiện” đối với các doanh nhân dường như không phải là cách đúng đắn, có thể vô tình dẫn đến một kiểu “hậu quả” khác là khiến dân số Trung Quốc nghèo như nhau[9].

 

Quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng họ không muốn một nhà nước phúc lợi kiểu châu Âu cũng như chủ nghĩa quân bình thời Mao Trạch Đông, mà muốn tạo ra một xã hội "hình quả ô liu". Nhưng cách làm của chính quyền khiến người dân cảm thấy không thoả đáng, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang phải chịu quá nhiều áp lực. “Thịnh vượng chung” được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc hoá giải bài toán phân hoá giàu nghèo để đi tới đích toàn thể nhân dân cùng giàu có. Nhưng tư duy và cách làm này chắc chắn cần được thực tiễn kiểm nghiệm trong thời gian dài để khẳng định mức độ thành công.

 

III. Thuận lợi và khó khăn của các chính sách phát triển xã hội ở Trung Quốc

 

1. Thuận lợi

 

Trung Quốc đã hoàn thành đúng tiến độ mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả về mọi mặt theo kế hoạch đề ra nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc vào năm 2021. Các hạng mục chỉ tiêu của xã hội khá giả toàn diện vẫn đang được từng bước đánh giá và xem xét một cách có hệ thống cho đến giữa năm 2021, trước khi công bố chính thức. Như vậy, căn cứ vào các hạng mục kinh tế - xã hội Trung Quốc đã hoàn thành, chiếu theo yêu cầu mục tiêu xã hội khá giả toàn diện thì về cơ bản, kế hoạch này coi như được hoàn thành, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo ở nước này.

 

Thành tựu của công cuộc thoát nghèo tạo động lực hướng tới thịnh vượng chung. Mặc dù theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, định nghĩa chuẩn nghèo đói của Trung Quốc chỉ mang tính tương đối chứ không mang tính tuyệt đối. Chuẩn nghèo đói cùng cực ở nông thôn Trung Quốc là 1,7 USD/ngày, thấp hơn chuẩn nghèo mà Ngân hàng Thế giới đưa ra là 1,9 USD/ngày. Còn nếu đánh giá mức độ nghèo khó của nền kinh tế có thu nhập trung bình cao (mức 5,5 USD/ngày, tương đương 13.000 NDT/ngày) thì Trung Quốc vẫn còn 13% dân số ở dưới mức thu nhập này[10]. Tuy nhiên, việc Trung Quốc công bố chính thức hoàn thành công cuộc thoát nghèo và đạt nhiều thành tích cho thấy một tín hiệu rõ ràng về mục tiêu “thịnh vượng chung” mà nước này hướng tới để giảm khoảng cách thu nhập đáng kể trong nước, thay vì chính sách phát triển nghiêng lệch trước đây. Năm 2020, Trung Quốc thực hiện thoát nghèo cho 5,51 triệu người nghèo còn lại ở nông thôn và toàn bộ 52 quận nghèo khó cũng được “bỏ mũ” nghèo theo chuẩn nghèo của Trung Quốc, tự đánh giá đã hoàn thành các mục tiêu chủ yếu theo tiến độ đặt ra. Ông Tập từng chỉ đạo lãnh đạo Trung Quốc rằng nước này sẽ trở thành nước thu nhập cao khi kết thúc Quy hoạch 5.14 và quy mô nền kinh tế sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035. Do vậy, những nỗ lực để thoát nghèo mà nước này thực hiện cho dù có phù hợp với chuẩn nghèo quốc tế hay không cũng chứng tỏ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mục tiêu khá giả toàn diện và thịnh vượng chung. Mặt khác, việc Trung Quốc thực hiện ưu tiên ổn định việc làm và bảo đảm dân sinh trong bối cảnh đại dịch Covid 19 cũng góp phần không nhỏ vào thành quả công tác thoát nghèo. Nước này trong năm 2020 vẫn bảo đảm tạo 11,86 triệu việc làm mới ở thành thị, tỷ lệ thất nghiệp đăng kí đã giảm xuống 5,2% vào cuối năm[11].

 

Trung Quốc lần đầu tiên vạch ra “Tầm nhìn 2035” trong “Quy hoạch 5.14 về phát triển kinh tế xã hội quốc dân (2021- 2025) và tầm nhìn đến năm 2035”. Quy hoạch 5.14 hình thành trong bối cảnh nhiều biến động của tình hình thế giới và trong nước, đặc biệt là sự tác động của đại dịch Covid- 19 và cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến cho các nội dung trong bản Quy hoạch có khá nhiều điểm mới để phù hợp với tình hình mới. Ngoài việc đưa ra các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội của 5 năm tới, lần đầu tiên, Quy hoạch 5.14 còn đồng thời kèm theo các mục tiêu dài hạn, đó là đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hoá XHCN, nhằm củng cố nền tảng vững chắc và định hướng phát triển lâu dài cho Trung Quốc.

 

Trong đó, các mục tiêu liên quan tới dân sinh và phát triển xã hội được vạch ra rõ ràng và quyết liệt, đó là:

+ Chú trọng chất lượng dân sinh, thực hiện thực chất hơn đối với sự phát triển chung của con người và sự thịnh vượng chung của người dân; bảo đảm đầy đủ quyền tham gia bình đẳng và quyền phát triển bình đẳng của nhân dân.

+ Thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị và nông thôn đạt một tầm cao mới; GDP bình quân đầu người đạt trình độ các nước phát triển trung bình, nhóm thu nhập trung bình mở rộng đáng kể; mục tiêu tăng trưởng (Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 100 nghìn tỷ NDT trong năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị và nông thôn đạt một trình độ mới, GDP bình quân đầu người là khoảng 30.000 USD, gấp khoảng 3 lần mức hiện nay.

+ Phát triển xanh (giảm lượng khí thải carbon, mục tiêu “Trung Quốc xanh 2035”); sản xuất và lối sống, phát thải các-bon ổn định và giảm dần sau khi đạt đỉnh, môi trường sinh thái cơ bản được cải thiện, mục tiêu xây dựng Trung Quốc giàu đẹp về cơ bản đã đạt được.

+ Giảm bất bình đẳng. Trong đó, mục tiêu giảm bất bình đẳng tập trung vào các dịch vụ công, giảm khoảng cách chênh lệch trong phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền. Chính phủ Trung Quốc đang có thêm nhiều kế hoạch hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đến năm 2035, đến năm 2050 kỳ vọng thay đổi hoàn toàn vùng nông thôn, tạo bước tiến lớn trong việc thu hẹp chênh lệch phát triển.

 

2. Thách thức

 

“Tầm nhìn 2035” cho thấy, Trung Quốc sẽ đưa GDP bình quân đầu người “lên tầm cao mới” vào năm 2035, tức là đạt mức “trung bình của các nước phát triển”, trong khi mức thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình cũng được cải thiện. Với kỳ vọng có thể thay thế Mỹ trong vòng 15 năm tới, bởi với dân số đông gấp 4 lần Mỹ, thì GDP bình quân đầu người của Trung Quốc dẫu chỉ bằng ½ Mỹ cũng đủ giúp nền kinh tế nước này lớn gấp đôi Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần hết sức thận trọng bởi tác động của nhiều yếu tố, mà đại dịch Covid-19 là yếu tố luôn phải đề phòng. Theo chúng tôi, trong bối cảnh chịu tác động của tình hình thế giới nhiều biến động, các nhiệm vụ mục tiêu cho phát triển xã hội đặt ra giai đoạn tiếp theo cũng như mục tiêu dài hạn đến năm 2035 của Trung Quốc đang đứng trước khá nhiều thách thức:

 

Tác động của Covid 19. Dù Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng Covid-19, đại dịch này sẽ vẫn là mối đe dọa với nhiều đợt bùng phát buộc chính quyền phải liên tục ra lệnh phong tỏa. Việc công bố giãn cách xã hội không biết sẽ xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào và khu vực nào, vì không thể dự báo được trước. Chỉ biết rằng Trung Quốc cũng như thế giới luôn phải trong trạng thái vừa đề phòng vừa “bình thường mới”. Trạng thái này cũng hạn chế không nhỏ tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội ở nước này, đặc biệt với một quốc gia dân số lớn nhất thế giới như Trung Quốc, việc kiểm soát và chống đỡ bệnh dịch sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

 

Kinh tế giảm tốc. Mặc dù Trung Quốc đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nền kinh tế đang hồi phục nhanh hơn hẳn nhiều quốc gia như Mỹ hay châu Âu, và là quốc gia có nền kinh tế lớn duy nhất giữ được tăng trưởng dương trong năm đại dịch 2020. Nhưng thực tế tăng trưởng kinh tế cho thấy, nước này cũng không tránh khỏi đà tăng trưởng giảm từ trên 10% khoảng cuối thế kỉ XX - gần 2 thập niên đầu thế kỉ XXI xuống còn khoảng 6,1% năm 2019. Kinh tế tăng trưởng chậm sẽ tác động không nhỏ tới đời sống xã hội, đặc biệt khi nước này còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Đó là vấn đề bất bình đẳng trong thụ hưởng thành quả của phát triển kinh tế, đặc biệt ở nông thôn, mức độ hài lòng xã hội thấp; khoảng cách phát triển giữa vùng miền, thành thị và nông thôn, phân phối thu nhập còn lớn; chất lượng hệ thống an sinh xã hội chưa cải thiện nhiều, người dân còn phải đối mặt với không ít khó khăn về việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, dưỡng lão.

 

Thách thc thu hp chênh lch phân phi thu nhp. Sức ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo trên toàn cầu, người dân ở các nước nghèo không có mạng lưới an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng, một số quốc gia có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng đối với Trung Quốc, khoảng cách thu nhập có nhiều khả năng sẽ gia tăng theo dịch bệnh. Thực tế là, lần đầu tiên trong mười năm qua, tăng trưởng thu nhập ở nông thôn chậm hơn ở thành thị. Nhiều khảo sát cho thấy, khoảng cách thu nhập giữa người dân Trung Quốc có thể sẽ bị nới rộng thêm trong năm 2020, cho dù Bắc Kinh đã nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm thu hẹp chênh lệch này[12].

 

Nguy cơ by thu nhp trung bình. GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc năm 2019 vượt quá 10.000 USD và dự kiến sẽ được xếp hạng trong số các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào khoảng năm 2023. Nhưng ngay cả khi đó, Trung Quốc vẫn còn cách xa các nền kinh tế phát triển với GDP bình quân đầu người hơn 30.000 USD. GDP bình quân của Trung Quốc mới tiếp cận ngưỡng cho phép, các điều kiện bảo đảm dân sinh còn ở mức thấp nên nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn rình rập. Chính vì vậy, để tăng khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ cải cách liên quan trong 5 năm tới nhằm tăng trưởng bền vững, cân bằng và chất lượng cao, bước từ nhóm thu nhập trung bình trên lên nhóm thu nhập cao. Trong thời kỳ Quy hoạch 5.14, Trung Quốc quyết tâm dốc toàn lực để thúc đẩy chuyển đổi sâu rộng và nâng cấp ngành công nghiệp để hy vọng sẽ vượt qua "bẫy thu nhập trung bình".

 

Đô thị hóa và chế độ hộ khẩu. Theo Báo cáo Công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2020, lệ đô thị hóa dân số ở Trung Quốc hiện là 60,6%, vẫn còn khoảng cách rất lớn so với mức trung bình đạt 80% của các nước phát triển, cũng có nghĩa là tiềm năng đô thị hóa là rất lớn để tiếp tục giải phóng động lực phát triển kinh tế. Nhưng vấn đề cần giải quyết hiện nay chính là chất lượng sống cho quá nửa dân số ở thành thị Trung Quốc. Hiện ở Trung Quốc mới chỉ có khoảng 44,4% dân số có hộ khẩu thành phố, có nghĩa là khoảng 16,2% dân di cư ở thành phố không có hộ khẩu[13]. Từ góc độ phát triển xã hội, việc xóa bỏ chế độ hộ khẩu sẽ giúp cung cấp bình đẳng dịch vụ công, từ đó nâng cao phúc lợi tổng thể của người dân. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid 19, những khó khăn đối với người di cư khi trở lại thành thị làm việc không chỉ khiến thu nhập của họ giảm mà còn cản trở sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế Trung Quốc. Điều này bộc lộ rõ mặt tiêu cực của hệ thống đăng ký hộ khẩu có sự tách biệt nơi làm việc và nơi cư trú hợp pháp. Để kích thích tiêu dùng, ngoài các giải pháp về kinh tế, Trung Quốc cũng cần tích cực thúc đẩy cải cách chế độ hộ khẩu.

 

Thách thức già hóa dân số. Việc quyết liệt thực thi “chính sách một con” từ sau ngày thành lập nước đã khiến Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu. Trung Quốc đang ở tình thế “già trước khi giàu”,  điều này gây thêm áp lực đối với sự tăng trưởng, cũng như nguy cơ khó thoát bẫy thu nhập trung bình. Sau hơn 30 năm thực hiện “chính sách một con", năm 2016, Trung Quốc đã nới lỏng các quy định sinh con bằng “chính sách hai con”. Nhưng điều này cũng không làm tỷ lệ sinh tăng mạnh trở lại vì nhiều yếu tố như số cuộc hôn nhân giảm, chi phí nhà ở và giáo dục tăng cao, phụ nữ tập trung hơn vào sự nghiệp đã sinh con muộn. Để chủ động ứng phó với tình trạng già hóa dân số, Bộ Chính trị BCH TƯ ĐCS Trung Quốc đã họp vào ngày 31/5/2021, chỉ ra việc tiếp tục tối ưu hóa chính sách sinh con, thực hiện “chính sách ba con”, cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh ba con và có các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp cải thiện cơ cấu dân số, thực hiện chiến lược quốc gia tích cực chủ động ứng phó với già hóa dân số và duy trì lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào của nước này.

 

Sau khi ban bố nới lỏng chính sách dân số, kết quả đánh giá ban đầu từ phía chính quyền chưa thật sự khả quan. Như theo Cục Thống kê Quốc gia về cuộc Tổng điều tra Quốc gia lần thứ Bảy, dữ liệu điều tra dân số dân số năm 2021 cho thấy, so với năm 2020, số trẻ sơ sinh giảm là 10,62 triệu người; dân số trong độ tuổi lao động cũng giảm, dân số trong độ tuổi 16-59 trong độ tuổi lao động là 882 triệu người, chiếm 62,5% dân số cả nước; dân số từ 60 tuổi trở lên tăng là 267 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước và từ 65 tuổi trở lên là 200 triệu người, chiếm 14,2%[14]. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con sẽ không làm tăng tỷ lệ sinh, thậm chí có tăng cũng không nhiều. Theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, một xã hội có 7% dân số trên 65 tuổi thì khu vực đó bước vào “xã hội già hóa”, nếu vượt quá 14% tổng dân số thì là “xã hội già”, nếu tỉ lệ đó vượt quá 20% thì được coi là “xã hội siêu già”. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức bước vào “xã hội già hóa” dân số. Dự báo, năm 2022, tỉ lệ dân số trên 65 tuổi là 14%, vào hai thời điểm năm 2035 và năm 2050, số người trên 65 tuổi sẽ đạt 310 triệu và 380 triệu người, lần lượt chiếm 23,3% và 27,9% dân số[15].

Với tình trạng tỉ lệ sinh vẫn giảm, tỉ lệ người cao tuổi tăng, cho thấy dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn. Trung Quốc vẫn đang gặp vấn đề chưa giàu đã già. Nếu tỷ lệ người cao tuổi ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 12,6% khi GDP bình quân đầu người trên 24.000 đô la Mỹ, thì Trung Quốc chỉ đạt 10.000 đô la Mỹ. Với tình trạng già hóa dân số nhanh như vậy, Chính phủ Trung Quốc sẽ đứng trước áp lực rất lớn về chi trả đãi ngộ an sinh xã hội, hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ, gánh nặng cho người lao động và cản trở sự phát triển kinh tế xã hội. Nước này đang lo lắng về nguy cơ cạn kiệt quỹ bảo hiểm hưu trí vào năm 2035, bởi hiện nay, một số khu xuất hiện tình trạng thâm hụt quỹ lương hưu, đặc biệt ở các khu vực kém phát triển như miền Trung, miền Tây. Ngoài ra, theo các nhà nhân khẩu học, với xu hướng hiện nay, số dân Trung Quốc trong độ tuổi lao động có thể giảm 200 triệu vào năm 2050[16], điều này có thể tác động lớn đến mục tiêu về sản xuất lẫn tỷ lệ việc làm cũng như sự phình to các khoản phúc lợi.

 

3. Dự báo

 

Có nhiều cơ sở để người ta tin rằng Trung Quốc sẽ thực hiện được mục tiêu cùng giàu có. Mấu chốt là Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, công bố chính thức hoàn thành công cuộc thoát nghèo, cho thấy tín hiệu rõ ràng về mục tiêu “thịnh vượng chung” mà nước này hướng. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đứng trước khá nhiều thách thức bởi tác động của nhiều yếu tố, mà đại dịch Covid-19 là yếu tố luôn phải đề phòng. Hệ luỵ là mặc dù lúc này Trung Quốc đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nhưng thực tế cho thấy, nước này cũng không tránh khỏi đà tăng trưởng giảm. Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 cũng tạo thách thức đối với thu hẹp phân phối thu nhập, làm trầm trọng thêm tình trạng phân hoá giàu nghèo, là yếu tố cản trở chủ yếu để hiện thực hoá “thịnh vượng chung”. Ngoài ra, già hoá dân số cũng là một thách thức không nhỏ, Trung Quốc vẫn chưa hoá giải được vấn đề “chưa giàu đã già”, trong khi lực lượng lao động sụt giảm, tác động lớn đến mục tiêu về sản xuất lẫn tỷ lệ việc làm, làm phình to các khoản phúc lợi cũng như không thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

 

Tư tưởng “Thịnh vượng chung” được Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra đúng thời điểm khi nước này đã hoàn thành công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả và bước vào giai đoạn mới xây dựng toàn diện quốc gia hiện đại hoá. Nội hàm cùng giàu có trong thời kỳ này được nêu ra có nhiều điểm khác với thời kỳ của Đặng Tiểu Bình, nhưng lại mang màu sắc của tư tưởng cùng giàu có không thực chất của Mao Trạch Đông. “Thịnh vượng chung” được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc hoá giải bài toán phân hoá giàu nghèo để đi tới đích toàn thể nhân dân cùng giàu có. Nhưng tư duy và cách làm này chắc chắn cần được thực tiễn kiểm nghiệm trong thời gian dài để khẳng định mức độ thành công, bởi nó đang khiến người ta liên tưởng tới tư tưởng “thịnh vượng chung” chưa từng thành công thời kỳ Mao Trạch Đông.

 

Những mục tiêu và giải pháp phát triển xã hội ngắn hạn và dài hạn liên thông với nhau, tạo tiền đề cho nhau phát triển được nêu ra trong trong Quy hoạch 5.14 thể hiện rõ mong muốn của Chính phủ Trung Quốc về một xã hội phát triển chất lượng cao, đem lại sự thịnh vượng chung cho người dân, trên cơ sở xây dựng một nền kinh tế dựa trên việc giảm phụ thuộc với chiến lược “tuần hoàn kép”. Tuy nhiên, việc Trung Quốc chuyển đổi phương thức sang phát triển chất lượng cao đã đang và sẽ phải đối diện trước khá nhiều khó khăn và thách thức, chủ yếu liên quan tới việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống ngày càng tốt đẹp của nhân dân với sự phát triển không cân bằng và không đầy đủ hiện nay. Đó sẽ là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc hoàn thành các mục tiêu cơ bản đề ra, thực hiện hiện đại hoá vào năm 2035 và tiến tới xây dựng quốc gia XHCN hiện đại hoá toàn diện vào giữa thế kỷ 21./.

 

TS. Nguyễn Xuân Cường

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

TS. Nguyễn Mai Phương

Viện Nghiên cứu Trung Quốc,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam




[1] 习近平十九大报告全文(实录)2017年10月18日17:03 新华网

http://finance.sina.com.cn/china/gncj/2017-10-18/doc-ifymvuyt4098830.shtml

[3] Gov, 2021, 习近平主持召开中央财经委员会第十次会议, 2021-08-17 22:12 

http://www.gov.cn/xinwen/2021-08/17/content_5631780.htm, truy cập ngày 25/10/2021

 

[4] Xinhuanet, 2021, (受权发布)习近平在全国脱贫攻坚总结表彰大会上的讲话, 2021-02-25 20:28:19

http://www.xinhuanet.com/politics/leaders/2021-02/25/c_1127140240.htm, truy cập ngày 26/10/2021

 

[5] 国家统计局局长就2021年国民经济运行情况答记者问

来源:国家统计局发布时间:2022-01-17 http://www.stats.gov.cn/tjsj/sjjd/202201/t20220117_1826479.html

[6] Nguyễn Mai Phương, “Mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở Trung Quốc và hàm ý chính sách đối với Việt Nan”, Đề tài cấp bộ 2019- 2020

[7] Nguyễn Mai Phương, “Mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở Trung Quốc và hàm ý chính sách đối với Việt Nan”, Đề tài cấp bộ 2019- 2020

 

[9] 储百亮, 艾莎, 曹莉 (2021), 习近平提“共同富裕”,敦促中国富豪分享财富

https://cn.nytimes.com/china/20210907/china-xi-common-prosperity/, truy cập ngày 20/10/2021

 

[10] Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 2021, tr.14

[11] 政府工作报告- 2021年3月5日在第十三届全国人民代表大会第四次会议上http://www.xinhuanet.com/politics/2021lh/2021-03/12/c_1127205339.htm,

[12] Covid-19 làm gia tăng khoảng cách thu nhập trong xã hội Trung Quốc

https://ndh.vn/quoc-te/covid-19-lam-gia-tang-khoang-cach-thu-nhap-trong-xa-hoi-trung-quoc-1265283.html

[13] Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, số 242, 2020: 10

[14] 国家统计局局长就2021年国民经济运行情况答记者问

来源:国家统计局发布时间:2022-01-17 21:28 http://www.stats.gov.cn/tjsj/sjjd/202201/t20220117_1826479.html

[15] 国报告:中国将在2022年左右进入老龄社会 应科学应对

http://www.chinanews.com/gn/2020/06-19/9216394.shtml

[16] 报告:中国将在2022年左右进入老龄社会 应科学应对

http://www.chinanews.com/gn/2020/06-19/9216394.shtml

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết