1. Một số khái niệm
1.1. Quan điểm sai trái, thù địch
Quan điểm: Theo Đại từ điển Tiếng Việt, do Nguyễn Như Ý (Chủ biên) quan điểm 1. Là chỗ đứng để xem xét, nhìn nhận vấn đề. 2. Là ý kiến, cách nhìn nhận riêng. Theo từ điển Tiếng Việt, do Hoàng Hữu Phê (Chủ biên) quan điểm là “điểm xuất quy định phương hướng suy nghĩ, cách xem xét và hiểu các hiện tượng, các vấn đề”[1]. Còn theo Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, quan điểm là “cách nhìn, suy nghĩ, ý kiến”. Từ đó, có thể hiểu quan điểm là điểm xuất phát cho những suy nghĩ, đánh giá, nhận định của một người (hoặc của một tập thể) nào đó.
Quan điểm sai trái là những quan điểm thể hiện sự lệch lạc về nhận thức lý luận cũng như nhận thức thực tiễn. Quan điểm sai trái là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật, hệ lụy của nó dẫn đến sự nghi ngờ, không tin tưởng và hiểu sai so với quan điểm chính thống.
Quan điểm thù địch là những quan điểm có chủ đích đi ngược lại và đối lập quan điểm chính thống.
Từ đó có thể hiểu: Quan điểm sai trái, thù địch là những quan điểm thể hiện sự lệch lạc về nhận thức lý luận cũng như nhận thức thực tiễn (quan điểm sai trái) hoặc là những quan điểm có chủ đích đi ngược lại và đối lập hoàn toàn với quan điểm chính thống (quan điểm thù địch).
Cần phân biệt quan điểm sai trái, thù địch với những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên về những vấn đề liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không tránh khỏi những ý kiến khác nhau và khác với quan điểm, đường lối của Đảng. Không thể quy chụp những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng thành những quan điểm thù địch. Quan điểm sai trái, thù địch khác với những ý kiến khác, thể hiện ở những vấn đề sau[2]:
Một là, về động cơ, mục đích
Những người có các quan điểm sai trái, thù địch công khai đả kích vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng, vào đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, nhằm lái đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa.
Những người có ý kiến khác, thậm chí trái với một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong một thời điểm nào đó, mục đích muốn góp ý kiến với Đảng, Nhà nước để Đảng, Nhà nước thực hiện tốt hơn vai trò lãnh đạo và quản lý đất nước. Trước những tiêu cực xã hội, những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, có những ý kiến quá bức xức, phê phán mạnh mẽ, gay gắt nhưng với mục đích, động cơ xây dựng.
Hai là, về nội dung
Các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận, bác bỏ những nội dung cốt lõi, then chốt trong chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các ý kiến khác nêu lên những nội dung chưa đồng tình về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là,về phương pháp, cách thức
Những người có quan điểm sai trái, thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân. Chúng sẵn sàng bịa đặt, nói xấu vô liêm sỉ, đổi trắng, thay đen, suy diễn vô căn cứ, quy chụp khuyết điểm, sai lầm của cá nhân thành khuyết điểm, sai lầm của Đảng, Nhà nước, phủ nhận lịch sử.
Các ý kiến khác về cơ bản là phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền, phát biểu tại các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học.
Bốn là,về cách thức đăng tải
Những người có quan điểm sai trái, thù địch ở nước ngoài sử dụng mọi cách để tuyên truyền, phát tán những quan điểm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng như xuất bản sách, báo ở nước ngoài, sản xuất băng đĩa hình, in truyền đơn rồi chuyển về trong nước, sử dụng các đài phát thanh, truyền hình của nước ngoài (RFI, BBC...) để tuyên truyền. Những người có quan điểm sai trái, thù địch ở trong nước cũng tìm mọi cách phát tán quan điểm của mình. Đặc biệt, họ sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại như Internet, mạng xã hội (Facebook, Twitter...), các blog để phát tán rất nhanh các quan điểm của họ tới các tầng lớp nhân dân Việt Nam và trên khắp thế giới.
Những người có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm, của Đảng phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền, có quyền bảo lưu ý kiến, hoặc trình bày, thảo luận tại các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học.
Năm là,về nhân thân
Những người có quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu là các thế lực thù địch bên ngoài, các đảng phái chính trị phản động ở hải ngoại, các phần tử ở hội chính trị trong và ngoài nước, có những người làm việc cho chế độ Mỹ - Ngụy, có những người đã từng vi phạm pháp luật Việt Nam, lòng đầy hận thù với chế độ. Trong số này, có một số người từng là cán bộ, đảng viên, nay đã trở thành thế lực thù địch.
Những người có ý kiến khác với chủ trương, đường lối của Đảng có thể do trình độ nhận thức hạn chế, thiếu thông tin, do ngộ nhận hoặc chịu ảnh hưởng nhất định của những quan điểm sai trái, thù địch, chứ không phải là các thế lực thù địch.
1.2. Khái niệm luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch
Luận cứ: Theo Đại từ điển Tiếng Việt, do Nguyễn Như Ý (Chủ biên), luận cứ là lý lẽ dùng để lập luận khi chứng minh, khẳng định hay bác bỏ điều gì.
Phê phán: Theo Đại từ điển Tiếng Việt, do Nguyễn Như Ý (Chủ biên), phê phán là vạch rõ và lên án điều sai trái.
Luận cứ phê phán là lý lẽ vạch rõ, lên án điều sai trái.
Từ đó, có thể hiểu, luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch là lý lẽ vạch rõ, bác bỏ những điều sai trái, thù địch trái với quan điểm, đường lối của Đảng hiện hành.
1.3. Khái niệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Hữu Phê (Chủ biên), bảo vệ là chống lại mọi xâm phạm để giữ cho luôn được nguyên vẹn; là bênh vực bằng lý lẽ để giữ vững ý kiến, quan điểm.
Theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Như vậy, theo Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị thì khái niệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là rất rộng, toàn diện, gồm năm nội dung:
(1) Bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; (2) Bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (3) Bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; (4) Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; (5) Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
2. Mục tiêu, yêu cầu của xây dựng luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước và sau Đại hội XIII của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường; đất nước đang đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết. Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đất nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 35 năm đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước 5 năm tới (2021-2025), 10 năm tới - đến năm 2030 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đánh giá công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; bầu các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Tiếp đó là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Cũng như các đại hội trước, đây là thời điểm các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng tung ra các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cả về văn kiện và nhân sự. Do đó, chúng ta cần xây dựng các luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước và sau Đại hội XIII của Đảng.
Việc xây dựng luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch cần đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu sau:
- Xây dựng luận cứ khoa học bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Xây dựng luận cứ khoa học bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
- Xây dựng luận cứ khoa học bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong Dự thảo các văn kiện và các văn kiện được Đại hội thông qua.
- Xây dựng luận cứ khoa học bảo vệ nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
- Xây dựng luận cứ khoa học để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Xây dựng luận cứ khoa học nhằm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động góp phần thực hiện thành công đại hội các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
[1]Hoàng Hữu Phê (Chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, HN-ĐN 2010.
[2] Xem: Lê Hữu Nghĩa: Về phê phán quan điểm sai trái, thù địch; phân biệt quan điểm sai trái, thù địch và những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng.