1. Ở nước ta, Đại hội Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại không chỉ của Đảng, mà của cả đất nước. Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng cầm quyền, Đại hội Đảng xác định những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, thông thường là trong một nhiệm kỳ 5 năm; một số Đại hội có xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; Đại hội có thông qua Cương lĩnh của Đảng thì xác định mục tiêu, những định hướng lớn phát triển đất nước trong thời gian dài hơn, 25-30 năm hoặc hơn nữa. Đại hội XIII của Đảng diễn ra khi toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biết hết sức phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, ảnh hưởng lớn, nhiều mặt đến nước ta. Đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức lớn đan xen nhau; nhiều vấn đề mới quan trọng, phức tạp đang đặt ra đòi hỏi Đại hội XIII của Đảng phải có những quyết định đúng đắn, kịp thời, mạnh mẽ để giải quyết, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, phát triển đất nước nhanh, bền vững trong 5 năm nhiệm kỳ Đại hội XIII (2021-2025) và Chiến lược 10 năm, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Đồng thời, Đại hội XIII còn cần có tầm nhìn xa hơn, đến giữa thế kỷ XXI, năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Mục tiêu là cái đích, những kết quả mong muốn hay cam kết đạt được của một người, một tập thể, cộng đồng người trong (hay sau) một thời gian nhất định. Sứ mệnh, vai trò của người lãnh đạo là phải xác định được mục tiêu hoạt động, phát triển của tổ chức, của tập thể, cộng đồng người do mình lãnh đạo. Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, trách nhiệm quan trọng hàng đầu là phải xác định được mục tiêu phát triển đất nước một cách đúng đắn. Mục tiêu đúng đắn là cơ sở thuyết phục, tạo dựng lòng tin, đoàn kết, tập hợp lực lượng, thống nhất nhận thức và hành động, định hướng và tạo động lực hành động cho mọi người; là cơ sở để xác định những nhiệm vụ cụ thể, tạo nên đường lối của Đảng cầm quyền, định hướng cho xây dựng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình của Nhà nước, cho hoạt động quản lý của Nhà nước, của các cấp, các ngành... Tầm nhìn là khả năng nhìn xa, năng lực dự báo, xác định được tương lai mong muốn đạt đến một cách có căn cứ khoa học, không phải ước muốn chủ quan, viển vông, ảo tưởng. Thực chất của tầm nhìn (hay sản phẩm của tầm nhìn) là xác định mục tiêu mong muốn đạt tới trong tương lai, nhưng không phải là tương lai gần trong 5-10 năm, mà là tương lai xa hơn, một thời kỳ, một giai đoạn phát triển, ít cũng phải 20-30 năm. Tầm nhìn, do đó, là một trong những yêu cầu hàng đầu, một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo, của một đảng chính trị, nhất là với một đảng cầm quyền. Tầm nhìn thể hiện niềm tin, lý tưởng, sứ mệnh của một đảng chính trị. Đối với đảng cầm quyền lâu dài như Đảng ta, tầm nhìn, mục tiêu cần đạt tới trong tương lai là cơ sở để xác định mục tiêu cho từng thời kỳ 5 năm, 10 năm, bảo đảm tính liên tục, sự kết nối, kế thừa và phát triển giữa các thời kỳ, giữa các chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm; để ngăn ngừa sự mâu thuẫn, đứt đoạn, sự “chệch hướng” do sự tác động của tình hình phức tạp bên ngoài và bên trong Đảng có thể phát sinh.
Để có được tầm nhìn xa, trông rộng, xác định được mục tiêu đúng dắn cho sự phát triển đất nước, đảng cầm quyền phải có trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước. Điều đó, đòi hỏi đảng cầm quyền phải phân tích, đánh giá sâu sắc, đúng đắn bối cảnh, diễn biến của tình hình quốc tế, những mâu thuẫn, quy luật, xu thế phát triển của thời đại; bối cảnh tình hình đất nước, những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức đặt ra, những mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu phải giải quyết của đất nước; phải hiểu, nắm được tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc; phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên hàng đầu. Đối với Đảng ta, để xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải bảo đảm “tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, “trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn, kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn của đất nước, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới”; phải “là tâm huyết, trí tuệ và niềm tin, là “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện cùng mong mỏi, khát vọng và ý chí vươn tới một tương lai rực rỡ của đất nước và toàn dân tộc” như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Chuẩn bị thật tốt Đại hội XIII, đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới” nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9/2020.
2. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng Việt Nam được Đảng xác định từ khi ra đời. Giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa, Đảng ta đã đưa cách mạng Việt Nam vào dòng chảy chung của thời đại, tập hợp, đoàn kết được toàn dân, phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua. Khi miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội III của Đảng (1960) đã đề ra mục tiêu xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học kỹ thuật tiên tiến, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra đường lối đổi mới, thay đổi cách thức, phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng không thay đổi mục tiêu phát triển đất nước thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua (năm 1991) và được bổ sung, phát triển năm 2011, đều xác định mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Cụ thể hơn, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đề ra mục tiêu: từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể hóa mục tiêu phát triển đất nước cho từng giai đoạn, từ Đại hội VIII (1996), các Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006) và Đại hội XI (2011), Đảng đều đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước khả năng đến năm 2020 nước ta chưa thể cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội XII của Đảng (2016) điều chỉnh mục tiêu là phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Từng bước xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, rồi trở thành nước công nghiệp hiện đại, quá độ lên chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán, được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng. Hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình của Nhà nước, các cấp, các ngành đã được xây dựng và thực hiện để thực hiện mục tiêu này trong nhiều năm qua, đạt được những thành tựu to lớn. Đồng thời, để góp phần cung cấp các luận cứ, cơ sở khoa học cho việc thực hiện Cương lĩnh, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu vấn đề thế nào là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và nước công nghiệp hiện đại với mục tiêu xây dựng được bộ tiêu chí cho các loại nước này. Khi nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước đã tham khảo quan điểm của các nhà khoa học, các tổ chức trên thế giới. Tuy nhiên, quan điểm của các nhà khoa học trên thế giới và trong nước về vấn đề này có những điểm đồng nhất, nhưng vẫn còn nhiều điểm khác nhau; đến nay, vẫn chưa thống nhất được về những tiêu chí của một nước công nghiệp[1].
Trong khi đó, từ nhiều năm nay, trên thế giới cũng đã có nhiều cách phân loại các nước được đưa ra, trong đó có những cách phân loại được sử dụng rộng rãi. Việc phân loại các nước, các nền kinh tế thành các loại: nước tiền công nghiệp, nước công nghiệp, nước công nghiệp mới, nước hậu công nghiệp được sử dụng nhiều ở những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhưng sau đó ít được sử dụng. Ngày nay, trên thế giới, việc phân loại các nước theo các tiêu chí của một số tổ chức quốc tế có uy tín như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc đưa ra được sử dụng phổ biến, được xem là những chuẩn mực chung. Các tổ chức này, do có các chức năng khác nhau, mục tiêu khác nhau, nên đưa ra các tiêu phân loại khác nhau nhưng có sự tham khảo, phối hợp, thống nhất với nhau ở nhiều tiêu chí.
Ngân hàng thế giới (WB) căn cứ vào thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia, vùng lãnh thổ (được WB công bố vào tháng 7 hàng năm) để phân chia các quốc gia, vùng lãnh thổ thành 4 nhóm: 1. Nhóm quốc gia có thu nhập thấp; 2. Nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp; 3. Nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao và 4. Nhóm quốc gia thu nhập cao. Mức thu nhập cụ thể của từng loại nước được WB công bố năm 2020 là:
- Nước có thu nhập thấp: GDP/người <1.036 (mức cũ là <1.026 USD/người/năm).
- Nước có thu nhập trung bình thấp: GDP/người từ 1.036-4.045 USD (mức cũ: 1.026-3.395 USD).
- Nước có thu nhập trung bình cao: GDP/người từ 4.046-12.535 USD (mức cũ: 3.396-12.375 USD).
- Nước có thu nhập cao: GDP/người >12.536 USD (mức cũ: >12.376 USD).
Liên hợp quốc dựa trên các số liệu về thu nhập bình quân đầu người do Ngân hàng thế giới công bố, phân chia các nước trên thế giới thành 3 loại:
1. Nước kém phát triển: những nước có thu nhập thấp.
2. Nước đang phát triển: gồm những nước có thu nhập trung bình thấp và trung bình cao.
3. Nước phát triển: những nước có thu nhập cao.
Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), với chức năng của một tổ chức thúc đẩy phát triển ở các nước trên thế giới, trong các báo cáo của mình về sự phát triển công nghiệp thế giới nhiều năm qua đã lấy Chỉ số giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến (MVA) bình quân đầu người (MVA/người) làm tiêu chí xác định nước công nghiệp (đã hoàn thành công nghiệp hóa). Dựa trên tiêu chí MVA/người, UNIDO chia các nước trên thế giới thành 4 nhóm: (1) các nước công nghiệp (đã công nghiệp hóa); (2) các nước công nghiệp mới nổi; (3) các nước đang phát triển khác; (4) các nước kém phát triển.
- Nước công nghiệp (đã công nghiệp hóa) là nước có MVA bình quân đầu người ≥2.500 USD. Tuy nhiên, UNIDO thấy rằng: một số nước sau khi đã đạt tiêu chí nước công nghiệp, do có sự di chuyển các nhà máy sản xuất công nghiệp ra nước ngoài nên chỉ số MVA/người giảm xuống, có thể xuống dưới mức 2.500 USD. Nhưng điều đó không có nghĩa là nước này không còn là nước công nghiệp. Vì vậy, cùng với tiêu chí MVA/người ≥ 2.500 USD, UNIDO cho rằng bất kỳ nước nào có GDP/người ≥ 20.000 USD/năm thì đều là nước công nghiệp, không kể MVA/người của họ là bao nhiêu.
- Nước công nghiệp mới nổi là nước có MVA/người nhỏ hơn 2.500 USD, nhưng lớn hơn 1.000 USD (1.000 USD < MVA/người < 2.500 USD), hoặc GDP/người ≥ 10.000 USD/năm.
- Nước đang phát triển khác là những nước còn lại (trừ những nước kém phát triển).
- Nước kém phát triển là những nước kém phát triển theo tiêu chí của Liên hợp quốc.
Do đó, mặc dù là UNIDO có đề xuất tiêu chí nước công nghiệp theo chỉ số MVA/người, nhưng vẫn thừa nhận và sử dụng tiêu chí thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) để xác định nước công nghiệp, nước công nghiệp mới nổi, nước đang phát triển, nước kém phát triển. Theo tiêu chí do UNIDO đề xuất thì nước công nghiệp của UNIDO tương đương với nước phát triển, nước thu nhập cao và nước công nghiệp mới nổi của UNIDO tương đương với nước đang phát triển, nước có thu nhập trung bình cao theo quan điểm của Ngân hàng thế giới và Liên hợp quốc.
Như vậy, cách phân loại theo các tiêu chí của Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới là cách phân loại và tiêu chí hiện đang được các tổ chức quốc tế và hầu hết các nước trên thế giới sử dụng.
Đồng thời, nhiều tổ chức quốc tế, gắn liền với chức năng của mình, còn đưa ra các tiêu chuẩn để đánh giá từng mặt phản ánh trạng thái, trình độ phát triển, của các nước trên thế giới (trong những năm qua, các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam theo các tiêu chí này)[2].
3. Trong quá trình chuẩn bị, xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, về xác định mục tiêu phát triển đất nước, ban đầu, có một số ý kiến cho rằng chỉ nên xác định mục tiêu đến năm 2025 của nhiệm kỳ Đại hội XIII, không cần, không nên xác định mục tiêu đến năm 2030, càng không nên xác định tầm nhìn đến 2045 vì thời gian quá xa, trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước đều thay đổi rất nhanh, nhiều yếu tố còn chưa dự báo được, nên để Đại hội của các nhiệm kỳ sau xác định thì phù hợp hơn. Nhưng hầu hết ý kiến tán thành, ngoài mục tiêu đến năm 2025, cần xác định mục tiêu đến năm 2030, vì Đại hội XIII cũng phải thông qua Chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021-2030, hơn nữa năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, một dấu mốc rất quan trọng của Đảng, của đất nước. Việc Đại hội XIII xác định tầm nhìn đến 2045 cũng rất cần thiết, bởi 2045 là mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trong bối cảnh tình hình phức tạp trên thế giới, việc xác định tầm nhìn vừa thể hiện ý chí quyết tâm, khát vọng đất nước, vừa là cơ sở định hướng, bảo đảm tính kế thừa, phát triển cho các Đại hội tới.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong nước và thế giới, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, đã có rất nhiều đề xuất về mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Việt tiếp thu các ý kiến đề xuất được cân nhắc, chọn lọc theo nguyên tắc đã được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo là: bảo đảm tính kế thừa và bổ sung phát triển phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, tính liên tục và hoàn chỉnh tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tính khoa học, khả thi và thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực chung của thế giới, đồng thời thể hiện được ý Đảng, lòng dân, khát vọng và ý chí vươn tới tương lai rạng rỡ của đất nước và dân tộc ta.
Việc đưa yêu cầu trở thành một nước công nghiệp vào mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới là điều cần thiết và đúng đắn, bảo đảm tính kế thừa, tính liên tục, khoa học và thực tiễn trong đường lối của Đảng. Trong hơn 60 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ Đại hội III của Đảng (năm 1960) đến nay, kể cả thời kỳ trước đổi mới và thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đều xác định công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa, là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ để xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội; đều đề ra mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp, có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến để đất nước độc lập, tự chủ, có uy tín, vị thế trên thế giới, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Đây vẫn là nhiệm vụ trung tâm của nước ta hiện nay và trong cả tương lai.
Trên thế giới, mặc dù các tổ chức quốc tế và các quốc gia đều xem những nước có thu nhập cao là nước phát triển; tuy nhiên, có một ít số nước, mặc dù có thu nhập bình quân đầu người rất cao nhờ khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, như Brunei, một số nước Ả rập ở Trung đông, nhưng do không có các ngành sản xuất khác, công nghiệp, nông nghiệp phát triển, nên không được xem là nước phát triển (nhiều nước trong số này, đang có chiến lược sử dụng nguồn thu nhập lớn từ dầu mỏ đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ để phát triển bền vững khi nguồn dầu mỏ cạn kiệt dần). Nhiều năm qua, trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều doanh nghiệp ở các nước phát triển chuyển sản xuất ra nước ngoài để khai thác tài nguyên, sử dụng lao động giá rẻ và rút ngắn khoảng cách với thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài dẫn đến tình trạng các nước phát triển thiếu việc làm cho lao động trong nước và phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng từ bên ngoài, mất khả năng tự chủ về nhiều lĩnh vực. Một số nước phát triển gần đây, tiêu biểu là Mỹ, đang tìm cách ngăn chặn tình hình này, tìm cách để thu hút các doanh nghiệp của họ quay về đầu tư trong nước, phát triển các ngành sản xuất trong nước. Đại dịch Covid-19 xảy ra làm bộc lộ rõ hơn sự phụ thuộc của các nước phát triển vào các chuỗi cung ứng từ bên ngoài, đã đẩy nhanh hơn xu hướng yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở trong nước.
Việc sử dụng cách phân loại theo các tiêu chí được thừa nhận, sử dụng rộng rãi trên thế giới vào mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới cũng là điều cần thiết và đúng đắn. Sau gần 35 năm đổi mới, nước ta đã hội nhập khu vực, thế giới ngày càng sâu rộng. Việt Nam đã là thành viên của ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, ASEM, của nhiều tổ chức kinh tế có uy tín, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đã ký kết nhiều hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đa phương với các nước, các khối nước; rất nhiều tổ chức quốc tế có đại diện ở Việt Nam. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đã được xác định là kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và đang vận động các nước công nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế Việt Nam, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đã áp dụng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động của mình. Trong các văn bản của Đảng, Nhà nước ta đã có những đánh giá, xác nhận nước ta là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp như đánh giá của các tổ chức quốc tế... Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực chung của thế giới để đưa cách phân loại theo các tiêu chí chung của thế giới vào mục tiêu phát triển đất nước sẽ là một bước tiến trong tư duy về hội nhập quốc tế và phát triển đất nước; sẽ giúp Đảng, Nhà nước, nhân dân ta dễ dàng hơn khi xác định vị trí, trình độ phát triển của đất nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đất nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển đất nước. Đồng thời, việc này cũng giúp các tổ chức quốc tế, các nước thuận lợi hơn khi xem xét, đánh giá về sự phát triển của đất nước ta, tăng thêm độ tin cậy để tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là phối hợp giữa xác định mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp với trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp hay có thu nhập trung bình cao và nước phát triển có thu nhập cao thế nào cho khoa học, khả thi, thực tiễn phù hợp với trình độ phát triển của đất nước trong từng giai đoạn và thể hiện được khát vọng, ý chí vươn lên của đất nước, của dân tộc ta. Trong quá trình chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội, nhiều phương án đã được đưa ra phân tích, cân nhắc, lựa chọn, như:
Phương án:
- Đến năm 2025: Cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa, vượt ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030; Trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045: Trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao.
Phương án:
- Đến năm 2025: Cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2030: Trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Phương án:
- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Và có một số phương án khác nữa.
Do định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển đất nước đã được đề cập trong mục tiêu tổng quát, trong nội dung tất cả các lĩnh vực, nên không nhất thiết phải nêu trong mục tiêu cụ thể từng giai đoạn; mục tiêu đến năm 2025 có thu nhập trung bình cao và đến năm 2030 thuộc nhóm trên các nước có thu nhập trung bình cao được đánh giá là quá cao, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái sâu do đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta. Vì vậy, đến nay, phương án về mục tiêu phát triển đất nước đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có điều chỉnh so với mục tiêu nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị gửi Đại hội Đảng các cấp, cụ thể là:
- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Những mục tiêu này về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra khi xác định mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới./.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo
Phó Chủ tịch HĐLLTW
[1] Quan điểm của một số nhà khoa học về tiêu chí nước công nghiệp:
A. Inkeles (2006) đưa ra 11 tiêu chí để xác định nước công nghiệp hóa, trong đó có GDP bình quân đầu người >3.000 USD/năm; tỷ trọng nông nghiệp 12-15% GDP, dịch vụ >45% GDP; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp >75%; đô thị hóa >50%...
Theo H.Chenery (2004) đưa ra 5 tiêu chí: (1) GDP bình quân đầu người >5.760 USD; (2) Nông nghiệp <10% GDP; (3) Công nghiệp chế tác: 50-60% GDP; (4) Lao động nông nghiệp: 10-30% tổng lao động xã hội; (5) Đô thị hóa >60%.
Đỗ Quốc Sam (2009) đưa ra 12 tiêu: (1) GDP/người >5.000 USD/ năm; (2) Tỷ trọng nông nghiệp/GDP: 10%; (3) Tỷ trọng lao động nông nghiệp: <30%; (4) Tỷ lệ đô thị hóa: >50%; (5) Chênh lệch thu nhập 20% dân số thu nhập cao/thấp nhất: 4 lần; (6) Số bác sỹ/1 vạn dân: 1; (7) Chi phí cho khoa giáo/GDP: 8%; (8) Sinh viên/1 vạn dân: 15; (9) Người sử dụng Internet/dân số: 25%; (10) Tỷ lệ công nghệ cao trong hàng chế tác xuất khẩu; 12%; (11) Tỷ lệ dân sử dụng nước sạch: 100%; (12) Độ phủ xanh rừng: 42% (Tạp chí Cộng sản số 799, tháng 5/2009).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017) đề xuất 8 tiêu chí: (1) GDP/người: ≥12.000 USD; (2) Tỷ lệ lao động nông nghiệp/Tổng lao động xã hội: ≤20%; (3) Tỷ trọng nông nghiệp/GDP: ≤10%; (4) Tỷ trọng công nghiệp chế tạo (MVA)/GDP: 20%; (5) Tỷ lệ đô thị hóa: ≥50%; (6) Chỉ số phát triển người (HDI): ≥0,7; (7) Chỉ số kinh tế tri thức (KEI): 8; (8) Chỉ số chất lượng môi trường (EPI): ≥55 (Chuyên đề số 9 “Tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm theo đề nghị của Hội đồng Lý luận Trung ương, tháng 12/2017).
Trần Thị Vân Hoa (2020) đề xuất 5 tiêu chí: (1) GNI/người: >4.500 USD; ; (2) Tỷ lệ lao động nông nghiệp/Tổng lao động xã hội: <30%; (3) Chỉ số phát triển người: ≥0,7; (4) Chỉ số chất lượng môi trường: >50; (5) Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): >50 (Đề tài KX.04.13/16-20)...
[2] Một số chỉ số phản ánh các mặt và trình độ phát triển của một nước
- Chỉ số kinh tế tri thức (KEI) do Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra để đo lường khả năng vận dụng tri thức, sáng tạo của nền kinh tế.
- Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia.
- Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đưa ra là công cụ để đánh giá, xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia.
- Chỉ số tự do kinh tế (IEF) do Tạp chí phố Wall và Quỹ di sản (The Wall Street Journal and Heritage Foundation) để đo lường mức độ tự do kinh tế của các quốc gia.
- Chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) công bố để đánh giá tổng quát về trình độ phát triển của một quốc gia.
- Chỉ số GINI (hay hệ số Gini) là chỉ số về mức bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư trong một nước.
- Chỉ số chất lượng môi trường (EPI) để đánh giá chất lượng môi trường của các quốc gia...