1. Dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
1.1. Nhân tố tác động từ bên ngoài
Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng đang bị thách thức nghiêm trọng bởi cạnh tranh chiến lược và xung đột cục bộ. Cạnh tranh Mỹ - Trung là nhân tố chính chi phối cục diện thế giới. Cạnh tranh chiến lược và nguy cơ xung đột đang có chiều hướng gia tăng, tạo ra thách thức lớn đối với hòa bình và ổn định của thế giới.
Trật tự đa cực, đa trung tâm đang vận động, biến đổi nhanh chóng. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy giảm tương đối của Mỹ và sự chững lại của Liên minh châu Âu gần đây đã làm thay đổi tương quan sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các quốc gia trong cuộc đua trở thành cường quốc số 1, dẫn đến sự xáo trộn trật tự thế giới mà Mỹ tạm thời giành ưu thế. Các mạng lưới hợp tác, liên minh các nhóm nước có chung lợi ích sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình trật tự thế giới mới. Hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đang đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược nhằm định hình một trật tự mới thể hiện tương quan so sánh lực lượng mới. Trong khi đó, các nước khác có xu hướng thực hiện tự chủ chiến lược với mong muốn thế giới tồn tại một trật tự đa cực dựa trên luật lệ.
Kinh tế thế giới đối mặt nhiều yếu tố bất lợi do tác động kép của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine. Đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng xu hướng bảo hộ, "co cụm" ở hầu hết các quốc gia trên thế giới; đồng thời là yếu tố chính khiến các hoạt động giao lưu, trao đổi bị gián đoạn, tạo cơ hội phát triển cho chủ nghĩa dân tộc, dân túy ở nhiều nơi trên thế giới. Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng làm chậm lại quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới sau đại dịch. Kinh tế thế giới vẫn đứng trước các thách thức lớn từ xu hướng bảo hộ, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát toàn cầu, an ninh năng lượng và lương thực,... Trong đó, lạm phát toàn cầu đạt mức cao trong những năm gần đây khiến các quốc gia phải đặt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát lên hàng đầu.
Cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt, là nhân tố chính trong việc định hình trật tự khu vực và thế giới đến năm 2030, trong đó nổi bật là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và quan hệ Mỹ - Nga - Trung. Các nước tầm trung, các nền kinh tế mới nổi ngày càng có vai trò gia tăng trong hệ thống quốc tế. Cùng với sức mạnh tổng hợp quốc gia từng bước được củng cố và vị thế quốc tế tăng lên, các nước này sẽ đòi hỏi tái cấu trúc các thể chế toàn cầu theo hướng thừa nhận vai trò lớn hơn của mình nhằm từng bước tạo lập ảnh hưởng. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, các nước này được hưởng lợi từ quá trình tập hợp lực lượng nhưng đồng thời cũng rơi vào thế kẹt, đòi hỏi phải tăng cường tự chủ chiến lược và chạy đua vũ trang để giảm sự phụ thuộc vào nước lớn, đồng thời bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình[1].
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục là xu hướng lớn nhưng đang đứng trước nhiều thách thức. Cạnh tranh chiến lược và mâu thuẫn nước lớn là trở lực cho quá trình đàm phán và hợp tác giữa các nước tại các tổ chức đa phương. Toàn cầu hóa kinh tế có xu hướng bị chính trị hoá, gắn với lợi ích cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, do đó hệ thống thương mại toàn cầu cũng có nguy cơ bị phân cực, phân mảnh thành các khối, nhóm với các nguyên tắc hoạt động khác nhau.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á có vị trí địa - chiến lược quan trọng, là địa bàn trọng tâm trong cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.
Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm quyền lực của thế giới trong thế kỷ XXI. Cục diện khu vực và sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của các quốc gia trong khu vực tiếp tục bị chi phối bởi quan hệ Mỹ - Trung. Trung Quốc đẩy mạnh, tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. Trong 5 - 10 năm tới, khó có giải pháp để giải quyết ổn thỏa, dứt điểm các điểm nóng trong khu vực như Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, v.v..
1.2. Nhân tố tác động từ bên trong
Bên cạnh bốn nguy cơ đã được nhận diện, xuất hiện các nguy cơ, thách thức mới: Một là, tranh chấp Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, là mối thách thức lớn nhất đối với chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Hai là, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng ngày càng được các thế lực thù địch, phản động sử dụng rộng rãi để xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia; chi phối, tác động lớn đến Việt Nam. Các thách thức an ninh phi truyền thống như: An ninh kinh tế, tài chính, năng lượng, an ninh nguồn nước; xuất hiện an ninh con người, ô nhiễm môi trường, thiên tai dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nạn hàng giả, buôn lậu, ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển... gia tăng; kìm hãm sự phát triển kinh tế, làm giảm khả năng bảo đảm cho quốc phòng, an ninh; ảnh hưởng lớn đến xây dựng nền phòng toàn dân.
Tệ tham nhũng, tiêu cực chưa được giải quyết triệt để; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi; vấn đề "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả... Đây vẫn là những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định từ bên trong, gây mất niềm tin trong nhân dân. An ninh truyền thống và phi truyền thống còn diễn biến phức tạp; âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt; tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, khó dự báo và kiểm soát; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, truyền thông... tác động sâu sắc, đa chiều đến môi trường an ninh, trật tự của đất nước ta.
Trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ: còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định, không loại trừ khả năng xẩy ra bạo loạn chính trị. Qua khảo sát thực tế ở một số tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc gần đây cho thấy, kẻ địch đang tăng cường thực hiện âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình" đối với địa bàn các tỉnh miền núi, đồng bào vùng dân tộc, chúng tập trung vào cơ sở, làm mục rỗng bộ máy cơ sở chính trị ở địa phương, đầu độc, mê hoặc quần chúng để thực hiện ý đồ phản cách mạng của chúng. Bởi lẽ, hiện nay có những nơi tổ chức đảng, chính quyền cơ sở còn yếu, năng lực lãnh đạo, tổ chức quản lý và điều hành còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành chỗ dựa của dân. Do đó, vấn đề đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở mạnh, thực sự có phẩm chất, năng lực, là cầu nối liền giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Đồng thời phải củng cố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, an ninh nhân dân ở các bản, làng vững mạnh, làm nòng cốt giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
2. Bối cảnh thế giới và trong nước đã đặt ra những yêu cầu mới trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước
Yêu cầu giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cạnh tranh và xung đột liên tục xảy ra trên thế giới. Hiện nay, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nguy cơ mất độc lập, tự chủ do phụ thuộc vào các cường quốc kinh tế là một trong những thách thức Việt Nam phải giải quyết một cách hiệu quả.
Yêu cầu về việc ứng xử với nước lớn trước sức ép chọn bên trong bối cảnh thế giới phân tuyến hiện nay. Cạnh tranh nước lớn và nhiều hình thức tập hợp lực lượng ra đời khiến cho các nước vừa và nhỏ rơi vào tình thế chọn bên, ảnh hưởng tới việc bảo đảm lợi ích quốc gia. Yêu cầu đặt ra đối với nước ta thời gian tới là cần phân tích, đánh giá tình hình, đưa ra quyết sách phù hợp để thúc đẩy được lợi ích của mình, phù hợp với lợi ích chung.
Yêu cầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tham mưu chiến lược, không để bị động, bất ngờ. Trong bối cảnh thế giới bất ổn và có nhiều yếu tố bất định như hiện nay, cần sớm phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu những âm mưu, hành động chống phá chế độ, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Yêu cầu phải có tư duy mới về an ninh quốc gia. Hiện nay, bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống, các vấn đề an ninh phi truyền thống như vấn đề an ninh xã hội, an ninh con người đã vượt qua khỏi phạm vi lợi ích an ninh quốc gia của một nước, trở thành thách thức mang tính toàn cầu.
3. Mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh, tình hình mới
3.1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo.
Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng, phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh, giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Đầu tư thích đáng để bảo đảm năng lực quốc phòng, an ninh, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ưu tiên sử dụng các biện pháp hòa bình theo luật pháp, trong đó có các cơ chế tài phán quốc tế. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hóa giải sớm các nguy cơ, thách thức đối với bảo vệ Tổ quốc, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống; làm thất bại mọi âm mưu, hành động làm suy yếu từ bên trong; sẵn sàng ứng phó với các tình huống chiến tranh mới.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhà nước và nhân dân. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo. Tăng cường phối hợp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Quân đội, Công an và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; tranh thủ cơ hội chiến lược để củng cố tiềm lực bảo vệ Tổ quốc; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc với quan tâm chung của quốc tế và lợi ích chính đáng của các các đối tác, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc cốt lõi. Hình thành hệ thống sức mạnh Việt Nam theo hướng gắn kết hữu cơ giữa thực lực và "quyền lực mềm", làm cơ sở bảo vệ hiệu quả và bền vững lợi ích quốc gia - dân tộc cốt lõi.
3.2. Nhiệm vụ, giải pháp
Một là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường đoàn kết nội bộ, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị; coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, khắc phục sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, thực thi công vụ.
Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh nhân dân, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch thật sự; có chính sách hợp lòng dân.
Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức.
Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.
Bốn là, khơi dậy tinh thần và ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam.
Phát huy tối đa nhân tố con người. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.
Năm là, đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển.
Sáu là, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc, làm nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.
Chủ động nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới.
Bảy là, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục giữ vững định hướng chính trị; gắn kết chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kết hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế; chủ động tham mưu các phương án đấu tranh ngoại giao hiệu quả, giảm căng thẳng, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc.
Hợp tác song phương, đa phương, nâng tầm đối ngoại đa phương; ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng, gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước.
Tiếp tục mở rộng và nâng cao hợp tác về quốc phòng, an ninh, tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở các mức độ khác nhau, góp phần phát hiện, ngăn chặn đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa./.
Thượng tướng PGS.TS. Nguyễn Văn Thành
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
[1]Ấn Độ là trường hợp điển hình trong việc tự chủ chiến lược thời gian gần đây, trong đó có việc bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết liên quan đến xung đột Nga - Ukraine tại HĐBA và Hội đồng Nhân quyền. Ngoài Ấn Độ, EU cũng từ chối cùng Mỹ tham gia các lệnh trừng phạt chống nhập khẩu dầu từ Nga, mặc dù EU đã nhất trí lên án cuộc xung đột Nga - Ukraine.