Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Những định hướng quan trọng đối với thực thi chính sách dân số và phát triển trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Ngày phát hành: 10/08/2021 Lượt xem 7728


 

1. Đặt vấn đề

Dân số luôn được xác định là một lĩnh vực quan trọng, vừa cấp thiết và lâu dài đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Động thái dân số thường đặt ra những cơ hội cũng như thách thức và do đó, luôn liên hệ chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi quốc gia. Các nghiên cứu đã đưa ra gợi ý Việt Nam cần chú trọng tận dụng tối đa tiềm năng dân số cũng như hạn chế, ứng phó với những tác động không thuận lợi của biến động nhân khẩu học là rất quan trọng trong xây dựng chính sách và chiến lược phát triển đất nước. Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng song đồng thời lại phải đối mặt với quá trình già hóa dân số, vì vậy giải quyết vấn đề này một cách tối ưu và hiệu quả là một trong những điểm nhấn mà Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặc biệt nhấn mạnh. Bài viết này tập trung phân tích nội dung về phát huy lợi thế dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số mà Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề cập.

Việt Nam là một quốc gia ban hành chính sách dân số rất sớm, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX với Quyết định 216/CP ngày 26-12-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc “sinh đẻ có hướng dẫn” và đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực dân số, đóng góp vào sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân; được cộng đồng quốc tế ghi nhận, Quỹ Dân số Liên hợp quốc trao giải thưởng về dân số vào năm 1999. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cùng với quá trình CNH, HĐH, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trải qua thời kỳ quá độ dân số với nhưng biến đổi mạnh mẽ về mức sinh, mức chết, cũng như về cơ cấu, quy mô và phân bố dân số. Từ một quốc gia có quy mô dân số dưới 55 triệu người với cơ cấu dân số trẻ, mức sinh và mức chết đều khá cao vào năm 1980 thì đến nay, dân số Việt Nam đã vượt 98.2 triệu người (8/2021) và đang trong quá trình già hóa dân số với mức sinh thay thế và tuổi thọ bình quân (năm 2019) đạt 75,5 năm[3]. Vì vậy, việc ban hành chính sách dân số mới để giải quyết toàn diện công tác dân số trong tình hình mới là hết sức cấp bách và sự ra đời của Nghị quyết số 21-NQ/TW với nội dung cơ bản chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số phát triển là hướng vào giải quyết các vấn đề dân số một cách toàn diện trong thời kỳ mới. Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 với tám mục tiêu cụ thể nhằm duy trì vững chắc những thành tựu của công tác dân số trong thời gian qua và khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới. “Phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số[4] là vấn đề đặc biệt quan trọng được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

2. Phát huy lợi thế dân số vàng cần gắn liền với khắc phục những thách thức của thời kỳ dân số vàng

Kỷ nguyên thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ năm 2007 với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 67,31% và năm 2019 gần 69% [5] (so với năm 1979: 53%); trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2019[6]. Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội “có một không hai” đối với các quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên ở Việt Nam đang có lợi thế về “số lượng dân số vàng” nhưng chưa “vàng về chất lượng” nên chất lượng nguồn nhân lực là một thách thức lớn nhất trong quá trình CNH và HĐH. Mặc dù các con số thống kê hàng năm đều chứng minh sự tăng tuyến tính cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số lực lượng trong độ tuổi lao động thì chất lượng lao động nước ta thấp, số người trong độ tuổi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chỉ chiếm 24,1% (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020) và sẽ là một thách thức lớn trong thị trường lao động bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến gia tăng tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên; tỷ lệ thanh niên di cư lao động trong và ngoài nước có xu hướng tăng nhanh, nhưng các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội chưa được điều chỉnh kịp thời.

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn được khá chậm chạp. Số liệu thống kê cho thấy từ 39% năm 2009 còn 36% vào năm 2018 và như vậy trong 10 năm nhưng chỉ giảm được 3%, trong suốt một thời gian dài nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ[7]. Nhóm ngành sử dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 20%[8]; chỉ số kinh tế tri thức KEI, nước ta xếp thứ 104/146 nước và lãnh thổ trong năm 2012, tăng 9 bậc so với 113/146 vào năm 2000 nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình kém[9]. Đạt được mức này, chỉ do yếu tố công nghệ thông tin có tiến bộ nhanh, còn lại các yếu tố khác của kinh tế tri thức đều chưa có đóng góp đáng kể. Chúng ta dễ dàng nhận ra nghịch lý đang tồn tại “người có bằng cấp càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn, ngược lại, người không có bằng cấp lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất”[10]. Số liệu cũng cho thấy có hơn 72 nghìn người đã được đào tào cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp[11], hiện trạng “cất bằng đại học làm công nhân” và đó là câu hỏi đầy trăn trở cho giữa cung và cầu của thị trường lao ở nước ta.

Về năng suất lao động Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp của khu vực: giai đoạn 2016-2020 tăng 5,79%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015: 4,27%/năm[12]. Tuy nhiên, mức tăng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: chỉ bằng 8,4% mức năng suất của Xin-ga-po; 23,1% của Ma-lai-xi-a; 41,5% của Thái Lan; 55,5% của In-đô-nê-xi-avà 62,8% của Phi-lip-pin; chỉ cao hơn Cam-pu-chia (gấp 1,8 lần). Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam tuy có rất nhiều thành tựu nhưng vẫn trong nhóm thu nhập trung bình thấp của thế giới, GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên 2.750 USD năm 2020[13]. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng phấn đấu GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5% - 7%/năm và đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD[14]. Đối với năm 2021 Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD.

Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” sẽ kết thúc sớm”, mặc dù năm 2007 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng, nhưng đến năm 2011, nước ta đã bước vào già hóa dân số, và năm 2009 tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 8,7% nhưng đến năm 2019 đã chiếm 12%. Trong vòng 10 năm, dân số cả nước tăng thêm 10,362 triệu người, đồng thời, người cao tuổi tăng khoảng 4 triệu người.

Theo quy luật biến đổi nhân khẩu học, khi kết thúc thời kỳ “dân số vàng” đồng thời cũng là giai đoạn chuyển sang thời kỳ “dân số già”, chính vì vậy mục tiêu xuyên suốt của chính sách dân số trong bối cảnh này là phát huy dư lợi dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội chủ động tích lũy các nguồn lực thích ứng khi bước vào thời kỳ già hóa dân số. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của nước ta xếp theo tiêu chí của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) khá thấp: thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, nhưng điểm nghẽn nằm ở chất lượng lao động là vấn đề thách thức lớn với nền kinh tế[15]; năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, đa phần người dân, đặc biệt là khu vực phi chính thức, làm bữa nay lo bữa mai, không có tích lũy cho tương lai, về mặt chất lượng, chúng ta chưa tận dụng được cơ hội dân số vàng[16].

 

 

3. Chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số nhanh

Già hóa dân số là một trong những bằng chứng cho thấy thành tựu to lớn của công cuộc “Đổi mới” với các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam những năm qua. Con người sống lâu hơn nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế. Ở Việt Nam tuổi thọ của người dân ở nước ta liên tục được cải thiện năm 1999 là 68,6 tuổi đến năm 2019 lên 73,6 tuổi, đây là một trong những điểm nhấn thành công trong thực hiện chính sách dân số suốt 4 thập kỷ vừa qua.

 

 

Biểu đồ: 2.1: Sự gia tăng tuổi thọ trung bình ở Việt Nam giai đoạn 1989-2019

Nguồn: Tổng cục thống kê, (2021)

 

Theo UNFPA (2011), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số từ 60% tuổi trở lên chiếm 10% trong tổng dân số và giai đoạn “già” khi dân số cao tuổi chiếm 20% tổng dân số. Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; hơn 7 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64%)[17]

Một số thách thức do quá trình già hoá nhanh: Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, nghĩa là cứ bốn người dân có một người cao tuổi[18]. So với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, quá trình này kéo dài hàng trăm năm: Thụy Điển là 85 năm, Nhật Bản là 26 năm và Thái Lan là 22 năm; trong khi dự báo ở Việt Nam lại chỉ khoảng 20 năm[19] và sẽ bước vào giai đoạn dân số “siêu già” năm 2049[20]. “Bước nhảy vọt” của tiến trình già hóa dân số sang dân số già đang tạo ra những áp lực trong tương lai đối với mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nước ta và áp lực cho lưới an sinh xã hội. Nắm bắt những lợi thế và thách thức của động thái dân số trong giai đoạn hiện nay, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ đạo “chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số”[21]. Già hoá nhanh dẫn đến dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống gây khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc, gây áp lực với hệ thống y tế, lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đối với chăm sóc cho người cao tuổi; tăng trưởng kinh tế chịu nhiều áp lực vì không thích ứng kịp bởi gánh nặng với các chương trình lưới an sinh xã hội phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi, thách thức cho vấn đề đảm bảo đời sống tinh thần, giải quyết mâu thuẫn, xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già. Tiến trình già hóa dân số sang dân số già của nước ta đang được nhìn nhận vừa là thành tựu đồng thời là thách thức trong điều kiện Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, điều này sẽ là rào cản cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bức tranh về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở nước ta đang đặt ra nhiều thách thức ở cả ba cấp độ cá nhân, gia đình và xã hội. Theo kết quả khảo sát có tới 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp[22]; 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc[23]; 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất: tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%; chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người mắc 3 bệnh, 67,2% người có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, vì vậy, tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi); hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình[24]. Điều này phản ánh một thực tế là tuy sống thọ nhưng không đồng nghĩa với khỏe mạnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của nhóm người này. Hiện nay cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành chăm sóc cho người cao tuổi - Bệnh viện Lão khoa trung ương. Ở các tỉnh, theo thống kê mới nhất, chỉ khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa lão khoa, chủ yếu tập trung ở tỉnh có dân số đông. Rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa thành lập được khoa lão khoa[25]. Ngành công tác xã hội với các loạt hình dịch vụ chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn thiếu đồng bộ, kinh phí thực hiện khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng đủ nhu cầu, số lượng bác sỹ, điều dưỡng học chuyên về ngành lão khoa còn thiếu, vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi cũng như khám tư vấn chuyên sâu tại cộng đồng chưa thực hiện tốt;…Trong khi đó, với người già, sức khỏe và khuyết tật ở tuổi trên 60 chiếm tới 43,28%, họ gặp ít nhất một loại khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày tăng từ 28% ở người 60-69 tuổi lên hơn 50% ở người trên 80 tuổi. Trung bình số năm đau ốm là 7,3 năm (10% của tuổi thọ)[26]. Vì vậy, công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi là đặc biệt quan trọng giúp họ có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Yêu cầu bức thiết phải xây dựng một hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đồng bộ, toàn diện ngay từ bây giờ. Nếu không, các vấn đề già hóa dân số sẽ là gánh nặng cho kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới và cả tương lai.

 

 4. Một số giải pháp phát huy lợi thế dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng

Với mục tiêu mà Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh trong lĩnh vực dân số “Phát huy lợi thế dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số” là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với động thái dân số trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện đồng thời hai mục tiêu đó vừa đảm bảo hiện thắng lợi mục tiêu của chiến lược dân số Việt Nam 2030 vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững về kinh tế và xã hội góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Vậy những giải pháp nào để hoá giải song đề tận dụng cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với già hoá dân số.

Thứ nhất, để phát huy dư lợi dân số vàng phải đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng tiến trình CNH và HĐH ở nước ta cũng như ứng phó với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Với tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo trên 75% trong tổng số lực lượng lao động ở nước ta hiện nay là một thách thức lớn trong trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng cạnh tranh lao động khốc liệt. Bên cạnh đó các cấp các ngành cần tạo ra nhiều việc làm nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng phù hợp với cơ cấu độ tuổi lao động, cơ cấu trình độ chuyên môn, cơ cấu vùng miền cần được  tính toán cụ thể và có lộ trình thích hợp.

Thứ hai, thực hiện những chương trình, công trình nghiên cứu nhằm khảo sát số lượng và chất lượng cơ cấu nguồn lao động trong các ngành, nghề, trong từng địa phương, trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp phù hợp. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động - nguồn nhân lực thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn,…để khuyến khích học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Tiến tới xây dựng lượng lao động chất lượng: có tay nghề, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc trong điều kiện mới với những ngành nghề mới trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đi liền với có chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nhân tài cho các lĩnh vực đòi hỏi chất xám cao.

Thứ ba, Duy trì mức sinh thay thế (đảm bảo số con trung bình trên một bà mẹ 2,1 con) như hiện nay là vừa đảm bảo kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng, vừa trì hoãn quá trình già hóa dân số. Mức sinh thay thế ở Việt Nam được duy trì khá lâu nhưng được coi là chưa “vững chắc” bởi hầu hết các vùng đều có mức sinh cao hơn hoặc thấp hơn mức sinh thay thế và không ổn định. Các nghiên cứu về dân số cho thấy, trong các chiều cạnh nhân khẩu học thì mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định quy mô, cơ cấu của  một dân số trong hiện tại và tương lai. Mức sinh cao so với mức chết sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trái lại, nếu mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội. Hệ lụy càng nghiêm trọng nếu già hóa dân số quá nhanh xảy ra với những quốc gia còn đang trong quá trình phát triển, năng suất lao động chưa cao như Việt Nam[27].

Thứ , Mặc dù Việt Nam là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao tuy nhiên số năm sống khỏe mạnh còn thấp và số năm gắn với bệnh tật và chi phí y tế khá cao “sống thọ mà chưa khỏe” gắn với tích lũy thấp và thiếu hụt các điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng thì việc cần thiết xây dựng các chương trình, đề án chăm sóc sức khỏe cho người dân nhằm nâng cao thể lực, trí lực và tâm lực một cách toàn diện cần có những giải pháp cụ thể. Thực hiện giải pháp này đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực “trong độ tuổi lao động” đóng góp trực tiếp tăng trưởng nền kinh tế quốc dân vừa giúp quá trình “già hóa thành công” khi bước vào nhóm người cao tuổi.

Thứ năm, Rõ ràng đã đến lúc cần thay đổi tư duy nhìn nhận người già gắn với “sự rút lui”, “ốm yếu, ở ẩn” và “phụ thuộc” vào gia đình và xã hội sang tư duy mới phát huy vai trò người cao tuổi để thúc đẩy tham gia lao động của người cao tuổi vừa góp phần duy trì tuổi thọ khỏe mạnh vừa đóng góp nguồn lực phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh tuổi thọ ngày càng được cải thiện và Quốc hội đã thông quy định tuổi nghỉ hưu tăng lên. Đặc biệt, với một quốc gia đang trong quá trình vượt lên “bẫy thu nhập trung bình” thì việc vừa khai thác lợi thế dân số vàng, vừa xây dựng chính sách thu hút người cao tuổi vào thị trường lao động là một chiến lực mang tính dài hơi và hiệu quả. Góp phần giải quyết những “khủng hoảng” của dân số già mà các nước đã và đang trải qua. Những người cao tuổi có khả năng lao động khuyến khích họ tham gia thị trường lao động theo khả năng, có các chính sách ưu đãi một cách hợp lý cho các doanh nghiệp để khuyến khích sử dụng người cao tuổi.

Thứ sáu. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược Dân số đến năm 2030 của Việt Nam yêu cầu phải thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc người cao tuổi vì vậy cần hướng đến xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi và coi người cao tuổi là một nhóm xã hội cần nhận sự chăm sóc từ các chủ thể bao gồm nhà nước, gia đình và cộng đồng cũng như các dịch vụ từ thị trường, Vì vậy các địa phương cần đồng thời quan tâm xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp đặc điểm nhóm xã hội người cao tuổi về giới, độ tuổi, học vấn; và văn hóa, kinh tế, xã hội các vùng miền vừa chú trọng phát huy vai trò người cao tuổi trong đóng góp phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở cộng đồng và gắn kết với gia đình – Đây được coi là mô hình “già hóa thành công” mà các quốc gia đều hướng tới.

 

Đặng Thị Ánh Tuyết[1]

Nguyễn Thị Thùy Nhung[2]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Phương Linh (2015), Nền kinh tế việt nam dưới góc nhìn kinh tế tri thức: [http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/nen-kinh-te-viet-nam-duoi-goc-nhin-kinh-te-tri-thuc-64923.html]

3. Kenchi Ohno (2010), Tránh bẫy thu nhập trung bình đổi mới hoạch định chính sách công nghiệp Việt Nam trong  Diễn đàn phát triển Việt Nam (2010), Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, tr.11

4. Nguyễn Nam Phương, Giáo trình Dân số và Phát triển, Nxb Đại học kinh tế Quốc dân, 2011, tr.105-106.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, tập 1, Hà Nội, 2021.

6. Nghịquyết số 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới,  ngày 25/10/2017.

7. Quyết định Số: 1679/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2019.

8. UNFPA, 2012, Già hóa dân số và Người cao tuổi ở Việt Nam. Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách.

9. Cơ sở dữ liệu các chỉ số phát triển thế giới, Ngân hàng Thế giới).

 



[1]PGS,TS Học viện CTQG Hồ Chí Minh;

[2] ThS Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực 2, TP Hồ Chí Minh

[3] Nguồn: https://danso.org/viet-nam/.

[4] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Tr.151, Nxb CTQG ST, 2021.

[5] https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/tan-dung-co-cau-dan-so-vang-de-phat-trien-dat-nuoc-607013/

[6]https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020/

[7]Nguồn:https://vneconomy.vn/chat-luong-lao-dong-thap-viet-nam-se-danh-mat-co-hoi-dan-so-vang.htm

[8]://doanhnhansaigon.vn/van-de/canh-bao-tu-chi-so-tfp-1078601.html.

[9] [http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/nen-kinh-te-viet-nam-duoi-goc-nhin-kinh-te-tri-thuc-64923.html]

[10]Nguồn:http://tuyengiao.vn/dan-so-va-phat-trien/phat-huy-loi-the-dan-so-vang-mot-nhiem-vu-quan-trong-can-trien-khai-som-nham-thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-21-nqtw-ve-122662

[11]https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/tot-nghiep-dai-hoc-khong-co-viec-cu-nhan-di-lam-cong-nhan-20190325082002833.htm

[13] https://nhandan.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311/

[14] https://moha.gov.vn/tin-noi-bat/toan-van-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-45877.html

[15]https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020/

[16] https://baodautu.vn/tan-dung-co-hoi-thoi-ky-dan-so-vang-d135169.html

[17]http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222363

[18] https://vnexpress.net/dan-so-viet-nam-buoc-vao-giai-doan-rat-gia-nam-2049-3955678.html

[19]http://ifgs.vass.gov.vn/Tin-hoat-dong/Gia-hoa-dan-so-va-nguoi-cao-tuoi-o-Viet-Nam--Thuc-trang--du-bao-va-mot-so-khuyen-nghi-chinh-sach-110615.html

[20] https://vnexpress.net/dan-so-viet-nam-buoc-vao-giai-doan-rat-gia-nam-2049-3955678.html.

[21]  Văn kiện Đại hội XIII, Sđd, tr1.36

[22]https://dangcongsan.vn/xa-hoi/toc-do-gia-hoa-dan-so-viet-nam-thuoc-hang-cao-nhat-the-gioi-511255.html

[23]https://tapchicongsan.org.vn/chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so/-/2018/811402/xu-the-gia-hoa-dan-so-o-nuoc-ta-va-van-de-cham-soc-suc-khoe%2C-su-dung-lao-dong-nguoi-cao-tuoi.aspx

[24]https://tapchicongsan.org.vn/chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so/-/2018/811402/xu-the-gia-hoa-dan-so-o-nuoc-ta-va-van-de-cham-soc-suc-khoe%2C-su-dung-lao-dong-nguoi-cao-tuoi.aspx

[25] https://tuoitre.vn/ca-nuoc-thieu-benh-vien-lao-khoa-20190712101651442.htm

[26]http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-gia-hoa-dan-so-va-bai-toan-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-o-viet-nam-a6dcc6c5.aspx

[27] Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Để tài cấp Bộ 2020. Các yếu tố xã hội nhằm duy trì mức sinh thay thế ở Việt Nam, Nguyễn Đức Vinh chủ nhiệm

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết