Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị - thực trạng, những vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp

Ngày phát hành: 08/03/2021 Lượt xem 1584

 

1. Phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị - thực trạng và nguyên nhân

Nghiên cứu lý luận chính trị là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng, làm cơ sở lý luận, khoa học cho công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Quy định số 285-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI đã chỉ rõ “Nghiên cứu lý luận chính trị là hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

 

Vì vậy, trong những năm đổi mới, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác lý luận nói chung, công tác nghiên cứu lý luận chính trị và phát huy dân chủ trong nghiên cứu nói riêng. Nhờ đó, chúng ta đã tạo được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu lý luận, thể hiện tập trung ở chỗ đã hình thành được hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, hệ thống lý luận đó ngày càng được bổ sung, phát triển qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng. Nhận thức về bản chất, mục tiêu của CNXH, những đặc trưng cơ bản, phương hướng cơ bản cùng những mối quan hệ lớn cần giải quyết để xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc ngày càng sâu sắc hơn. Lý luận đó là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân trong đó có sự đóng góp quan trọng của giới lý luận cả nước. Sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, Đảng và Nhà nước đã xây dựng nhiều chương trình khoa học xã hội trọng điểm cấp nhà nước với hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học trong đó có Chương trình KX-04 do Hội đồng Lý luận Trung ương quản lý. Ngoài ra nghiên cứu trực tiếp về khoa học lý luận chính trị còn có các chương trình do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… tiến hành. Các kết quả nghiên cứu lý luận chính trị đã cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để lãnh đạo và quản lý đất nước.

 

Để đẩy mạnh nghiên cứu lý luận chính trị, Đảng ta đã coi trọng việc phát huy, thực hành dân chủ, tự do sáng tạo trong nghiên cứu. Bởi vì lý luận khoa học, do bản chất của nó chỉ có thể tồn tại, phát triển trong môi trường dân chủ; dân chủ là động lực phát triển của lý luận khoa học, là không khí của nhà khoa học. Không có dân chủ thì không có sáng tạo, không có đột phá để tìm tòi cái mới trong nghiên cứu lý luận, lý luận sẽ trở nên cằn cỗi, xơ cứng, thiếu sức sống. Tuy nhiên, trong nhận thức về phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận, Đảng ta quan niệm một cách biện chứng, toàn diện. Dân chủ phải đi liền với kỷ cương, kỷ luật, gắn với trách nhiệm của người nghiên cứu trước Đảng, trước dân tộc. “Coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân hoạt động lý luận” (Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị). Tự do tư tưởng trong nghiên cứu, khám phá sáng tạo trong lý luận đồng thời phải giữ nghiêm kỷ cương trong việc phổ biến kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu không có vùng cấm nhưng việc giảng dạy, tuyên truyền lý luận phải theo quy định của Đảng và Nhà nước.

 

 

Để tăng cường và phát huy dân chủ trong công tác lý luận, trong những năm qua Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết như Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và các Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 01-NQ/TSS ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị khóa VII; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị khóa XI). Các nghị quyết đã đánh giá công tác lý luận, xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác lý luận nói chung, yêu cầu phát huy dân chủ trong công tác lý luận nói riêng. Đặc biệt, trong khi chưa ban hành được quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25-4-2015 về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã yêu cầu phải “tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị”[1].

Việc thực hiện các nghị quyết của Đảng đã góp phần phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, chính trị, “việc phát huy dân chủ, tự do sáng tạo trong nghiên cứu lý luận được coi trọng” (Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị); đã có những chuyển biến nhất định, đã tạo môi trường thuận lợi hơn cho các tổ chức và cá nhân nhà nước nghiên cứu phát huy năng lực nghiên cứu, các quan điểm nghiên cứu riêng được tôn trọng, bảo vệ, nhiều cấp ủy đã coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với đề cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở trong sinh hoạt lý luận chính trị; thực hiện nghiêm túc các quy định về phát ngôn trong Đảng và ngoài xã hội. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành “Quy chế đối thoại lý luận chính trị với những người có ý kiến khác hoặc trái với quan điểm của Đảng”, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức một số cuộc đối thoại, trao đổi lý luận với những người có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Trong thảo luận, tranh luận khoa học đã tạo được môi trường dân chủ, cởi mở, tiếp cận thông tin nhiều chiều, vừa bảo đảm phát huy dân chủ vừa bảo đảm tính kỷ luật trong thảo luận, phát ngôn khoa học; những biểu hiện quy chụp, áp đặt về quan điểm chính trị từng bước được khắc phục; nhiều kết quả nghiên cứu lý luận trong các chương trình, đề tài khoa học qua nghiệm thu, đánh giá đã được tiếp nhận, ứng dụng vào thực tiễn, trở thành căn cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhiều báo cáo kiến nghị, tư vấn khoa học của các tổ chức khoa học như Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, các trường Đại học về khoa học xã hội… đã được gửi đến Tiểu ban Văn kiện, các cấp ủy… tham khảo để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và đại hội đảng bộ các cấp. Trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học tham gia nghiên cứu các chương trình khoa học, xã hội… có giá trị về lý luận và thực tiễn gửi đến các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã được tham khảo, sử dụng xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, giải pháp cụ thể, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ưu điểm nêu trên, “việc phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị còn một số mặt hạn chế, bất cập” (Nghị quyết số 37-QĐ/TW của Bộ Chính trị); như chưa xây dựng được Quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị để làm cơ sở cho phát huy dân chủ. Những hạn chế về mặt phát huy dân chủ vừa là thực trạng vừa là một nguyên nhân của những hạn chế, bất cập của công tác lý luận nói chung mà Đảng ta đã chỉ ra trong rất nhiều nghị quyết. Nghị quyết số 37-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá khái quát những hạn chế, khuyết điểm của công tác lý luận là “nhìn chung, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn”; hoặc như Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XIII nhận định: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới”.

 

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên đây có nhiều, trong đó có phần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, có phần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lý luận. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự coi trọng lý luận và nghiên cứu lý luận, chưa coi lý luận là cái thiết thân đối với công tác lãnh đạo của Đảng, nếu không muốn nói là xem thường lý luận. Bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều còn chi phối trong nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp. Nhiều cán bộ lãnh đạo được đi học cao cấp lý luận chính trị, nhưng nhiều người đi học với động cơ để “trang trí” cho có bằng cấp, là điều kiện cho quy hoạch hoặc bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị vẫn còn trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhiều người học lý luận mà không hiểu, không nắm được “hồn cốt” của lý luận, cho nên không biến lý luận thành phương pháp nhận thức, phương pháp hành động, phương pháp công tác. Nhiều cán bộ còn nặng về tư duy kinh nghiệm, tầm nhìn hạn hẹp, tổ chức công việc còn lúng túng, thiếu khoa học.

Đội ngũ cán bộ lý luận trong những năm qua có tăng lên về số lượng nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, thiếu các chuyên gia đầu ngành, các “cây đa cây đề”, chưa đáp ứng được yêu cầu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, khả năng vận dụng các công trình nghiên cứu vào thực tiễn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tốt kết quả nghiên cứu; nhiều sản phẩm nghiên cứu của các chương trình, đề tài khoa học còn ít mạnh dạn đề xuất cái mới, còn e ngại, ít có giải pháp đột phá. Trong nghiên cứu lý luận còn dừng lại ở những vấn đề chung, những nguyên tắc, nguyên lý, chưa đi sâu vào những vấn đề gay cấn của thực tiễn, còn né tránh sự thật, nhất là những sự thật gai góc, yếu kém, khuyết điểm, lảng tránh những vấn đề “nhạy cảm” sợ đụng chạm. Vì vậy nhiều vấn đề nghiên cứu chưa đến nơi đến chốn, không triệt để. Trong nghiên cứu lý luận vẫn còn tình trạng chưa mạnh dạn, thiếu bản lĩnh, chưa nói đã sợ sai với quan điểm của Đảng, vẫn còn khuôn sáo trong những lý luận đã có, trong sách vở, trong nghị quyết… Nhiều kết quả nghiên cứu lý luận được nghiệm thu đánh giá xuất sắc, công phu, khả thi song do thiếu cơ chế sử dụng nên không được chuyển tới các cơ quan có chức năng phù hợp để nghiên cứu ứng dụng. Vẫn còn tình trạng quy chụp về tư tưởng, quan điểm, áp đặt ý kiến cá nhân; việc tổ chức đối thoại lý luận, nhất là với những người có ý kiến khác hoặc trái còn ít; còn thiếu cơ chế bảo vệ những người nghiên cứu có tư duy đổi mới, dám nói, dám đột phá; thiếu chế tài ràng buộc, xử lý vi phạm quyền dân chủ trong nghiên cứu lý luận. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn trong một bộ phận đảng viên: một số cán bộ nghiên cứu không muốn phát triển theo con đường chuyên môn với niềm say mê, tâm huyết về lý luận chính trị mà chạy theo con đường làm kinh tế, con đường quan chức để tiến thân, còn thiếu cơ chế đãi ngộ và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy về lý luận chính trị nên làm ảnh hưởng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị.

 

2. Một số vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp

Đại hội Đảng lần thứ XIII mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước với những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận, có quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh và nâng cao hơn chất lượng việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phát huy mạnh mẽ dân chủ trong công tác lý luận, huy động sức sáng tạo của đông đảo đội ngũ cán bộ lý luận và cán bộ thực tiễn, tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề lý luận đặt ra, tháo gỡ các điểm nghẽn của thực tiễn, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững trong một thế giới đầy biến động phức tạp, nhanh chóng, khó lường.

 

2.1. Một số vấn đề đặt ra

Xuất phát từ tình hình thực tế, để phát huy tốt dân chủ trong nghiên cứu lý luận, cần nhận thức và giải quyết đúng đắn một số vấn đề dưới dạng các mối quan hệ có ý nghĩa phương pháp luận như sau:

Một là, quan hệ giữa kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin.

Như chúng ta biết, kiên định và sáng tạo đối với chủ nghĩa Mác - Lênin là hai mặt của một vấn đề thống nhất biện chứng với nhau, kiên định phải trên cơ sở sáng tạo, còn sáng tạo phải trên cơ sở kiên định. Nếu “kiên định” mà không sáng tạo sẽ dễ rơi vào bảo thủ, giáo điều, trái lại, “sáng tạo” mà không kiên định sẽ dễ rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại, tư duy cực đoan, siêu hình. Cũng với ý nghĩa đó, có thể coi “bảo vệ” và “phát triển” là hai mặt của một vấn đề trong nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin. Cách tốt nhất để bảo vệ một học thuyết khoa học là phải phát triển sáng tạo nó cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Bảo vệ bằng cách phát triển, thông qua sự phát triển là cách tốt nhất để bảo vệ một học thuyết khoa học và cách mạng như chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngày nay, sự biến đổi của tình hình thế giới và trong nước cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc kiên định và sáng tạo, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi những người nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta phải nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm thật vững tinh túy của các luận điểm kinh điển Mác - Lênin, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực tư duy lý luận sáng tạo, nắm vững phương pháp tư duy biện chứng, thường xuyên bám sát sự biến đổi cụ thể của tình hình thực tiễn trong nước và thế giới.

Hai là, quan hệ giữa lý luận và chính trị.

Trong nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây, việc giải quyết mối quan hệ này chưa tốt, có xu hướng đồng nhất lý luận với chính trị, từ đó dẫn đến thái độ áp đặt, quy chụp về quan điểm chính trị đối với các nhà khoa học, làm hạn chế dân chủ trong nghiên cứu và sáng tạo khoa học.

Ở nước ta, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhận thức và giải quyết vấn đề này ngày càng cởi mở, dân chủ hơn, khắc phục tình trạng đồng nhất giữa lý luận và chính trị dẫn đến quy chụp không đúng quan điểm chính trị của nhà khoa học. Đảng ta chủ trương xây dựng môi trường dân chủ trong nghiên cứu lý luận, tạo nhiều cơ hội cho nhà khoa học tiếp cận thông tin, khuyến khích các nhà khoa học bày tỏ suy nghĩ độc lập, chính kiến khoa học, ý kiến khác nhau trong tranh luận khoa học được tôn trọng và bảo lưu. Nhiều luận điểm khoa học qua nghiên cứu đã được ghi nhận, trở thành cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tình trạng lý luận đơn thuần chạy theo minh họa cho đường lối chính trị đã từng bước được khắc phục (tuy nhiên cần phân biệt với việc lý luận đi sâu phân tích, thuyết minh làm rõ cơ sở khoa học của đường lối chính trị là cần thiết). Nếu biến lý luận thành người chỉ chạy theo minh họa cho chính trị là hạ thấp lý luận, đánh mất chức năng khám phá, sáng tạo của lý luận. Lý luận có nhiệm vụ cao quý là soi đường cho thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho đường lối chính trị, các quyết sách chính trị của Đảng. Do đó, lý luận gắn bó mật thiết với chính trị. Chính trị của Đảng ta là chính trị cách mạng, chính trị tiến bộ, vì nước vì dân, còn lý luận của Đảng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận khoa học và cách mạng. Lý luận chính trị của Đảng là sự thống nhất giữa tính lý luận và tính chính trị, tính khoa học và tính cách mạng. Do đó đồng nhất hoặc tách rời lý luận và chính trị đều là sai lầm. Trong quá trình nhận thức những vấn đề phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử như mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, khó tránh khỏi hoàn toàn sai lầm, song nhất quyết không được đồng nhất sai lầm trong nhận thức với tư cách là quá trình tìm tòi chân lý với sai lần về chính trị (về quan điểm, lập trường) như cơ hội chính trị; thù địch. Động cơ của người nghiên cứu lý luận chính trị phải thật sự trong sáng, vì Đảng, vì nước, vì dân tộc, vì lợi ích chung.

Ba là, quan hệ giữa lý luận và thực tiễn

Đây là mối quan hệ cơ bản, lớn của nghiên cứu lý luận chính trị. Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của lý luận, là tiêu chuẩn của chân lý. Do đó nghiên cứu lý luận chính trị, việc thực hành dân chủ trong nghiên cứu phải lấy thực tiễn là điểm xuất phát và điểm đến của lý luận, phải phù hợp với sự biến đổi của thực tiễn, phải chú ý đến lợi ích thực tiễn, hiệu quả thực tiễn, thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất của nghiên cứu lý luận, phải quán triệt quan điểm lịch sử - cụ thể trong nghiên cứu.

Bốn là, quan hệ giữa thực hành dân chủ với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc trong nghiên cứu

Việc phát huy, thực hành dân chủ sao cho không dẫn đến phủ nhận, hạ thấp những nguyên lý cơ bản, nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm “bốc hơi” các nguyên lý lý luận. Phải giữ vững kỷ luật phát ngôn trong nghiên cứu, trình bày lý luận, khi công bố các kết quả nghiên cứu phải theo quy định của Đảng, Nhà nước, đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân trước Đảng, Nhà nước, trước tổ chức...

Trên đây là một số vấn đề đặt ra, có thể chưa hết nhưng như thế cũng đủ mà việc nhận thức, giải quyết chúng một cách đúng đắn sẽ thúc đẩy việc phát huy dân chủ, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của tổ chức, cá nhân

 

2.2. Một số định hướng giải pháp

Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu lý luận.

Như Nghị quyết số 37-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI đã khẳng định: “Các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải quan tâm đặc biệt đến công tác lý luận, tổng kết thực tiễn”. Đảng phải coi công tác lý luận là công việc thiết thân của mình không kém gì nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, không quan tâm đến công tác lý luận, đặc biệt lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng, lý luận về đổi mới, không nghiên cứu, bổ sung phát triển lý luận của Đảng thì không thể khắc phục tình trạng chậm trễ của lý luận như trong nhiều nghị quyết Đảng ta đã nhận định. Đúng như Lênin nói: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”, “Chỉ có đảng nào có lý luận tiền phong thì mới làm tròn vai trò người chiến sĩ tiền phong”; hoặc như Hồ Chí Minh đã chỉ ra lý luận là “la bàn chỉ nam, ngọn đuốc soi đường, là trí khôn”. Nếu công tác lý luận được quan tâm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực sự sẽ tạo tiềm lực lâu dài, sức mạnh nội sinh của Đảng; phải coi xây dựng Đảng về lý luận là một nhiệm vụ quan trọng của xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng.

Nghị quyết 37 của Đảng cũng đã chỉ ra: Đảng lãnh đạo công tác lý luận bằng việc xác định quan điểm, phương hướng nghiên cứu; định hướng việc xây dựng các cơ quan nghiên cứu, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển tài năng và lao động sáng tạo; giao thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động nghiên cứu lý luận. Hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lý luận thể hiện ở chỗ làm sao thu hút được nguồn lực trí tuệ của đông đảo cán bộ khoa học tham gia tích cực vào nghiên cứu lý luận, đóng góp vào quá trình hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Hai là, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, các chuyên gia đầu ngành, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.

 

 

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII khẳng định cần “đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có chế độ chính sách thỏa đáng nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia đầu ngành”; cần phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những người có năng khiếu lý luận, có năng lực tư duy sáng tạo, say mê nghiên cứu lý luận. Cần có chiến lược đào tạo cán bộ lý luận, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận một cách toàn diện cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Đồng thời cần có cơ chế bảo vệ những cán bộ khoa học dám đột phá sáng tạo. Các chế độ, chính sách đối với nhà khoa học cần hướng họ đi sâu vào chuyên môn để trở thành những chuyên gia lý luận giỏi chứ không phải hướng họ theo con đường quan chức. Cần khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, hoặc học để đối phó, để cho có bằng cấp. Cần đổi mới căn bản công tác đào tạo cán bộ lý luận chính trị từ quy hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp theo tinh thần “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại” nhằm hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, đội ngũ cán bộ đầu ngành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, giàu khả năng tư duy sáng tạo nhằm phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Ba là, gắn kết tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, định hướng chính sách.

Việc phát triển lý luận, thực hành dân chủ trong nghiên cứu lý luận rốt cuộc cũng phải dựa trên tổng kết thực tiễn để đánh giá. Chỉ có bằng tổng kết thực tiễn và qua tổng kết thực tiễn chúng ta mới có thể phát triển lý luận, mới có sáng tạo về lý luận, đột phá lý luận, đành rằng việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển lý luận là hết sức quan trọng, nhưng chưa đủ. Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng những bế tắc của lý luận phải tìm lời giải đáp từ trong thực tiễn sinh động.

Cần tìm ra cơ chế kết hợp giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, coi trọng việc tư vấn chính sách trong cơ chế kết hợp này. Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức nghiên cứu lý luận với tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, tổ chức hoạch định chính sách và thực thi chính sách. Có lẽ đây là một khâu yếu của chúng ta lâu nay, từ đó vô hình trung tạo ra khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý luận với chính sách.

Do đó, các kết quả nghiên cứu có giá trị lý luận và thực tiễn cần được chọn lọc để ứng dụng, chuyển giao đến địa chỉ cụ thể, được đăng ký bản quyền, được công bố trên phạm vi cho phép, cơ quan tiếp nhận phải có phản hồi trở lại. Cần có cơ chế để các nhà lý luận được tham gia thường xuyên vào quá trình tổ chức thực tiễn, tổ chức thực hiện nghị quyết - một khâu yếu hiện nay như nhiều nghị quyết vẫn đề cập đến.

Bốn là, phát huy mạnh mẽ dân chủ, khuyến khích tìm tòi sáng tạo trong nghiên cứu lý luận.

Đây là một chủ trương đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết của Đảng ta. Mới đây trong Báo cáo chính trị của Đại hội XIII khẳng định “Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân”. Quy định về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước (Quy định số 285-QĐ/TW) đã ghi rõ: “Dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị là bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân được tự do sáng tạo, độc lập suy nghĩ, kiến nghị, được tôn trọng, tiếp thu ý kiến, vận dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, phù hợp với pháp luật hiện hành”. Mặc dù quy định mới giới hạn nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, song đây là một bước tiến trong nhận thức của Đảng, tạo cơ sở chính trị quan trọng để phát huy dân chủ, tính sáng tạo, độc lập suy nghĩ trong nghiên cứu lý luận chính trị để đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đáng tiếc là quy định này chỉ hạn chế phạm vi trong các cơ quan Đảng, Nhà nước (đáng lẽ phải áp dụng cho cả Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội) và lại đóng dấu “mật” nên không được phổ biến rộng rãi cho những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền về lý luận chính trị nắm vững và vận dụng. Cần xây dựng quy định trách nhiệm và kỷ luật phát ngôn đối với đội ngũ làm công tác lý luận. Trên cơ sở tổng kết quy định 285, cần nghiên cứu xây dựng quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận với phạm vi rộng và quy định chi tiết, cụ thể hơn.

Năm là, tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận.

Cần xây dựng quy hoạch tổng thể các cơ quan lý luận, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế với chế độ, chính sách đi kèm, mối quan hệ phối hợp. Qua tổng kết 25 năm Hội đồng Lý luận Trung ương, cần đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động của Hội đồng, nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu của Hội đồng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cần tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về lý luận theo hướng đa dạng hóa các hình thức hợp tác và các tổ chức hợp tác, nâng cao hiệu quả hợp tác để tiếp cận, mở rộng tầm nhìn, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu khoa học của văn minh nhân loại, tăng cường nghiên cứu các trào lưu tư tưởng, các lý thuyết mới trên quan điểm khách quan và biện chứng, qua đó làm phong phú hơn tri thức của giới lý luận nước nhà.

 

GS.TS Lê Hữu Nghĩa

Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương



[1] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.256.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết