1.Thiết chế xã hội và kiểm soát tham nhũng
Thiết chế xã hội (TCCXH) và kiểm soát tham nhũng (KSTN) là chủ đề nghiên cứu được nhiều ngành khoa học xã hội quan tâm, như: xã hội học, kinh tế học, luật học, chính trị học,... Việc nghiên cứu nhằm phát huy vai trò tích cực của hệ thống TCXH trong kiểm soát tham nhũng là rất cần thiết. Thực tiễn cho thấy ở Việt Nam thực hiện KSTN đã có những quan tâm nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện đồng bộ và có sự kết nối giữa hệ thống TCXH chính thức và hiện đại (luật pháp, kinh tế, chính trị, giáo dục, truyền thông đại chúng,…) và hệ thống TCXH phi chính thức và truyền thống (đạo đức, văn hóa, tôn giáo, dư luận xã hội…). Vai trò KSTN của TCXH chỉ thực sự có hiệu quả, khi nó có sự phối kết hợp một cách đồng bộ, kịp thời giữa các TCXH với nhau. Nghiên cứu vai trò của TCXH trong KSTN có khả năng cung cấp những thông tin khách quan, đồng bộ, chân thực, kịp thời về quan điểm, nhận thức, thái độ và hành vi của các giai tầng xã hội đối với vấn đề tham nhũng và PCTN.
Có thể hiểu TCXH là hệ thống các quan hệ ổn định, tạo nên các khuôn mẫu xã hội biểu hiện sự thống nhất được xã hội công khai thừa nhận. TCXH là một tập hợp bền vững các giá trị, chuẩn mực xã hội, vị thế, vai trò, nhóm xã hội chính thức và phi chính thức; vận động xung quanh và nhằm thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của xã hội.
TCXH không bó gọn trong một lĩnh vực cụ thể của đời sống con người. Nó không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế như phân bổ nguồn lực khan hiếm; đến vấn đề chính trị như cấu trúc hay sự phân chia quyền lực nhà nước; mà còn liên quan tới cả vấn đề xã hội như sự công bằng hay vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường... Nó hiện diện ở mọi lĩnh vực trong đời sống con người, xuyên suốt và kết nối các lĩnh vực với nhau để hình thành một chỉnh thể có tổ chức của các cộng đồng và xã hội. TCXH như một dạng hành động tập thể nhằm đạt được sự kiểm soát, giải phóng và mở rộng hành động cá nhân, nhóm xã hội. Các thỏa thuận của xã hội trong kiểm soát hành động cá nhân, trong những phạm vi nhất định, chính là điều kiện để đảm bảo và mở rộng sự tự do của mọi thành viên trong xã hội.
TCXH có các đặc điểm: 1) Hướng tới sự thỏa mãn nhu cầu của đối tượng phục vụ; 2) Có mục đích tồn tại được công nhận; 3) Có tính bền vững và bảo thủ tương đối; 4) Có tính phổ quát rộng rãi; 5) Có tính độc lập tương đối; 6) Có tính tương tác lẫn nhau; 7) Có tính khách quan; 8) Có tính chế tài-sức mạnh chi phối; 9) Có tính hệ thống, đồng bộ; 10) Có tính đặc thù và mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.
Thiết chế xã hội có các chức năng: 1) Trật tự hoá hành động của các thành viên trong nhóm và xã hội của TCXH đảm bảo cho các hoạt động với các kiểu hành vi xã hội được chấp nhận trong nhiều trạng thái xã hội khác nhau; 2) Xã hội hoá vai trò của cá nhân của TCXH xác định vai trò của cá nhân mà xã hội chấp nhận để cá nhân nhận biết trong quá trình xã hội hóa.; 3) Áp đặt và duy trì mô hình văn hoá của TCXH thực hiện sự thừa nhận/chấp nhận giá trị, chuẩn mực xã hội, khuôn mẫu hành vi; nhằm củng cố nhận thức, thống nhất hành động của mọi thành viên trong xã hội; 4) Thể hiện sự kỳ vọng, mong đợi của xã hội. Thông qua TCXH mà chúng ta có thể cảm nhận được kỳ vọng, mong đợi của xã hội, trên cơ sở đó mà con người đưa ra suy nghĩ và quyết định hành động phù hợp.
TCXH nảy sinh, tồn tại và phát triển xuất phát từ nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội là nguyên nhân hình thành, đồng thời nó cũng là mục đích tồn tại của TCXH. Tất cả mọi xã hội bao giờ cũng có những nhu cầu cơ bản, mà việc thỏa mãn chúng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của bản thân xã hội. Dưới góc độ tiếp cận xã hội học, xã hội được tạo nên từ những cá nhân, nhóm, tổ chức và cộng đồng. Những thành tố này được kết với nhau bởi các dạng tương tác và quan hệ xã hội. Trong quá trình tương tác, quan hệ xã hội phải tuân thủ hệ thống các TCXH. Đồng thời, hệ thống TCXH có tính độc lập tương đối so với các quan hệ xã hội. TCXH thường có tính lạc hậu hơn so với các biến đổi của các quan hệ xã hội.
Tiếp cận TCXH nhấn mạnh tính hệ thống, tính toàn diện và mối liên hệ tương tác không thể tác rời trên nhiều phương diện TCXH khác nhau. Do đó, không chỉ nhìn nhận tham nhũng gia tăng là do phát triển kinh tế thị trường; hay do thiếu sự kiểm soát quyền lực của bộ máy, cơ chế chính sách, cho lạm dụng quyền lực nhà nước; cũng như tham nhũng là do sự thờ ơ của người dân hay các chủ thể bên ngoài quyền lực chính trị…để tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp một cách đơn lẻ, tách rời, khu biệt,... Cần phải khẳng định, tham nhũng gia tăng là do hệ thống các TCXH chưa thực hiện tốt chức năng kiểm soát xã hội; do đó để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, nhất định phải tìm kiếm các giải pháp một cách đồng bộ từ hệ thống các TCXH đang hiện hành. Tiếp cận TCXH trong KSTN cung cấp một khuôn khổ để phát triển các biện pháp PCTN một cách toàn diện, phối hợp và bền vững. Hành vi tham nhũng của cá nhân, tổ chức có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống TCXH.
KSTN được hiểu là phương thức ứng xử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, khắc phục các nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng và hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật; cũng như sức mạnh của hệ thống TCXH có liên quan. Trong KSTN thì vấn đề kiểm soát các xung đột lợi ích gắn liền với kiểm soát quyền lực có ý nghĩa cốt lõi. Tại Việt Nam, xung đột lợi ích được thể hiện dưới các hình thức sau: 1) Công chức nhận tiền, quà hoặc lợi ích khác để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền, quà; 2) Người có thẩm quyền tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm người thân; Người có thẩm quyền tạo điều kiện cho người thân nhận được hợp đồng, dự án; 3) Người có thẩm quyền có người thân kinh doanh trong lĩnh vực người đó trực tiếp quản lý; 4) Công chức, người có thẩm quyền có doanh nghiệp “sân sau” dưới mọi hình thức; 5) Công chức mua, bán bất động sản hoặc cổ phiếu nhờ lợi thế vị trí công tác,...
2. Thiết chế xã hội trong kiểm soát tham nhũng - từ quan điểm, chính sách và pháp luật phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, tham nhũng có xu hướng ngày càng tinh vi, liên kết, bao che, bảo vệ nhau. Vì vậy, trong công cuộc PCTN cần phải sử dụng tổng lực các biện pháp và cách thức để KSTN. Thực tiễn cho thấy, khi xã hội càng phát triển càng có nguy cơ gia tăng tham nhũng và lãng phí; đồng thời có nhu cầu, năng lực, quyết tâm để phòng chống tham nhũng và lãng phí một cách hiệu lực và hiệu quả hơn.
Với vai trò là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề KSTN. Chỉ tính trong giai đoạn đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị bàn về kiểm soát, phòng, chống tham nhũng, như là : Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 12-9-1987 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; Nghị quyết Trung ương 8 khóa VI về tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa VII về việc tiếp tục ngăn chặn bài và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII (15-5-1996) về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Nghị quyết trung ương 4 khóa (XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết trung ương 4 (XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về việc KSQL trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; có thể nói, đây là một bước tiến quan trọng trong KSTN.
Về nguyên nhân dẫn tới tham nhũng: Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tâp trung làm rõ những hạn chế của hệ thống TCXH trong kiểm soát KSQL và KSTN, nhất là thiết chế chính trị và thiết chế pháp luật...Chẳng hạn, Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: chưa chế định rõ ràng, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp KSQL nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước...Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu Nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém... (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, tr 173).
Về các giải pháp phòng, chống tham nhũng: Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hướng đến phát huy vai trò của hệ thống TCXH trong kiểm soát KSQL và KSTN, nhất là thiết chế chính trị, thiết chế pháp luật, thiết chế văn hóa, thiết chế đạo đức… Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng chống tham nhũng...phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng lãng phí, bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng...ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, tr 50). Đại hội khẳng định nguyên tắc “phân công, phối hợp, kiểm soát” trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Đồng thời, nhấn mạnh cần “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế KSQL giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”, “quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền”(Đảng Cộng sản Việt nam, 2016, tr 176). Đồng thời, “Thiết lập cơ chế giám sát và KSQL có hiệu quả. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong PCTN, lãng phí”( Đảng Cộng sản Việt nam, 2016, tr 307). Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2020).
Đồng thời, để thể chế hóa đường lối quan điểm của Đảng về KSTN, trong hơn 20 năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh và Luật PCTN (1998, 2000, 2005, 2007, 2012, 2018); Bộ luật Hình sự năm 1999, 2015; 2017; Pháp lệnh 1998, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, 2013; Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020; Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng…Đây là hệ thống chính sách, pháp luật khá hoàn thiện nhằm thúc đẩy, hiện thực hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về PCTN.
Có thể khẳng định thông qua những luận điểm về đường lối, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng như vừa nêu đã cho thấy, Đảng Cộng sản và Nhà nước ta có quyết tâm chính trị đặc biệt, kiên quyết đấu tranh PCTN, lãng phí thông qua việc : hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn và chế tài xử lý nghiêm minh để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh PCTN, lãng phí (Võ Văn Thưởng, 2019).
Bên cạnh đó, từ thực tiễn kết quả thực hiện công tác PCTN ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Cụ thể là: (1) Phải biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về PCTN thành hành động thực tế; (2) Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời; (3) Phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống kinh tế - xã hội và PCTN đồng bộ, thống nhất, khả thi và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; (4) Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTN; (5) Chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN (Phan Đình Trạc, 2017).
Từ những vấn đề như vừa trình bày, có thể đưa ra những nhận định về tính đồng bộ, hệ thống, kết nối, hiệu quả…của các biện pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, nhất là khi chúng ta tiếp cận từ góc độ TCXH trong KSTN. Cụ thể là:
Một là, tiếp cận TCXH trong KSTN cho thấy trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm thực hiện thông qua thế chế chính trị và pháp luật. Cụ thể là các biện pháp: 1) Công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức; 2) Xác định rõ trách nhiệm của từng vị trí công tác, lãnh đạo, quản lý trong nền công vụ; 3) KSQL thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; 4) Kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị là kênh quan trọng của KSQL trong PCTN; 5) KSQL qua việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu; 6) Bảo đảm dân chủ thực chất trong quản lý nhà nước, công tác cán bộ để KSQL; PCTN có hiệu quả (Nguyễn Thị Nga, 2018).
Hai là, tiếp cận TCXH trong KSTN cho thấy rõ hơn những thành tựu, kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc PCTN. Đó là: 1) nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm (thiết chế chính trị); 2) công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN (thiết chế chính trị); 3) công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ nét, được coi là điểm sáng trong công tác PCTN thời gian gần đây (thiết chế pháp luật); 4) việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ để PCTN có nhiều chuyển biến rõ nét (thiết chế chính trị); 5) cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt những kết quả tích cực (thiết chế chính trị); 6) công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, nhất là phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong PCTN (thiết chế truyền thông, thiết chế dư luận xã hội).
Ba là, tiếp cận TCXH trong KSTN cho thấy rõ hơn những hạn chế, bất cập trong công cuộc PCTN ở Việt Nam hiện nay. Đó là: 1) chưa chế định rõ ràng, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp KSQL nhà nước ở các cấp; 2) tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả; 3) chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước...; 4) hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu Nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế; 5) kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém; 7) chưa phát huy được sự tham gia tích cực, chủ động của các chủ thể bên ngoài nhà nước....8) tính phù hợp của mục tiêu KSTN trong hệ thống chính sách, pháp luật chưa cao nên hiệu lực thấp; 9) sự tương thích giữa mục tiêu chung với mục tiêu cụ thể và giữa mục tiêu với giải pháp, công cụ của trong chính sách, pháp luật chưa cao; 10) việc thực hiện hệ thống chính sách pháp luật về PCTN chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội; 11) chưa thực sự phát huy vai trò của các TCXH, như : kinh tế, văn hóa, đạo đức, gia đình; giáo dục…trong KSTN; 12) thiếu sự đồng bộ, kịp thời của hệ thống TCXH thúc đẩy các chủ thể tham gia PCTN.
Bốn là, tiếp cận TCXH trong KSTN chúng ta có thêm cơ sở khoa học để khẳng định: tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực và lợi ích cá nhân, là một hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước. Tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ, với những mức độ khác nhau, phụ thuộc vào bản chất và trình độ quản lý của nhà nước đó, chứ không phải do một đảng cầm quyền hay thực hiện chế độ đa đảng. Việc lựa chọn một đảng cầm quyền như ở Việt Nam hay đa đảng như các quốc gia khác là tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia. Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại, thì một đảng cầm quyền hay đa đảng cầm quyền đều vẫn có khả năng nảy sinh tham nhũng. Từ đó, có thể thấy, với mỗi một quốc gia, dù là một đảng cầm quyền hay thực hiện chế độ đa đảng thì tham nhũng trong bộ máy nhà nước, trong các cơ quan công quyền vẫn luôn là nguy cơ tiềm tàng.
Năm là, tiếp cận TCXH trong KSTN cho thấy một sự thật, là càng đi vào quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, càng có xu hướng gia tăng tham nhũng, do vậy càng phải có nhu cầu, năng lực và quyết tâm PCTN hiệu quả, nhất là trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, một trong những yêu cầu đặt ra là phải xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống TCXH trong KSTN: có khả năng chủ động phòng ngừa từ xa và đồng bộ; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh; với một quá trình ngày càng phù hợp, hiệu quả. Đây là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với sự vận hành và phát triển của TCXH ở Việt Nam hiện nay.
Sáu là, tiếp cận hệ thống TCXH trong KSTN chúng tôi cho rằng, TCXH luôn có vai trò thúc đẩy cũng như và hạn chế, bất cập trong việc góp phần hướng đến một xã hội Việt Nam: “Không cần tham nhũng; không thể tham nhũng; không muốn tham nhũng; không dám tham nhũng”. Từ phương diện nghiên cứu để nhận diện và loại trừ các nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng, có thể nhận thấy tham nhũng không chỉ do quyền lực nhà nước bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích (tức thiết chế chính trị) mà còn có sự tác động tiêu cực của hàng loạt các TCXH khác: kinh tế, pháp luật, văn hóa, truyền thông, dư luận xã hội,…
3. Giải pháp phát huy vai trò của thiết chế xã hội trong kiểm soát tham nhũng
Một là, để phát huy vai trò, tính hiệu quả của hệ thống TCXH trong KSTN cần phải đặt trong điều kiện và tiến hành đồng bộ với việc giải thích căn nguyên dẫn đến tham nhũng bởi các TCXH khác nhau. Mối quan hệ giữa TCXH và hành vi tham nhũng, được xem là các thiết chế có quan hệ khăng khít với hiện tượng tham nhũng ở nước ta hiện nay. Khó có thể nói rằng, tham nhũng sẽ hoàn toàn bị loại trừ khỏi đời sống xã hội, song để hạn chế, kiềm chế nó đến mức độ nào thì còn tuỳ thuộc vào nhận thức, hiểu biết và có biệp pháp ứng phó hợp lý. Do vậy, PCTN cần tiếp cận theo nhận thức và hành động trên cơ sở gắn liền với phát huy vai trò của các TCXH trong KSTN. Cần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là xã hội học về hiện tượng tham nhũng để từ đó có những cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu chuyên sâu giúp cho việc phân tích và giải thích diễn biến của hiện tượng tham nhũng trong bối cảnh chuyển đổi xã hội. Chính sách, pháp luật về PCTN muốn đạt được hiệu quả cao, cần tăng cường nghiên cứu khoa học, tham khảo kết quả nghiên cứu về hiện tượng này.
Hai là, cần thực hiện đồng bộ cả hai hệ thống TCXH trong KSTN (hệ thống TCXH chính thức, như: thiết chế chính trị, thiết chế pháp luật, thiết chế kinh tế…) và (hệ thống TCXH phi chính thức, như: thiết chế đạo đức, thiết chế văn hóa, thiết chế dư luận xã hội,…). Theo đó, thiết chế chính trị sẽ nhấn mạnh và phát huy vai trò kiểm soát quyền lực; thiết chế pháp luật sẽ nhấn mạnh, phát huy vai trò đồng bộ hóa, tuân thủ nghiêm minh các chế tài trừng phạt; thiết chế kinh tế sẽ nhấn mạnh, phát huy vai trò minh bạch hóa và tuân thủ các quy luật của nền kinh tế thị trường, lương và phúc lợi cho người thực thi công vụ; thiết chế đạo đức sẽ nhấn mạnh, phát huy vai trò nêu gương, liêm chính, giá trị hướng đến của người cán bộ, công chức; thiết chế dư luận xã hội và thiết chế truyền thông sẽ nhấn mạnh, phát huy vai trò phát hiện, phản ánh hiện tượng tham nhũng; khuyến khích ủng hộ, tạo ra sự lan tỏa của công cuộc PCTN; gây áp lực, tạo hiệu ứng trong việc đưa các vụ việc tham nhũng ra xét xử; cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe các hành vi, quan hệ xã hội có nguy cơ tham nhũng…
Ba là, để phát huy vai trò của TCXH trong KSTN cần điều chỉnh mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về PCTN cho giai đoạn tiếp theo: Phòng ngừa là mục tiêu mang tính lâu dài và cần được tiến hành trong mọi giai đoạn với các giải pháp, công cụ phù hợp với năng lực của nền hành chính, nền tảng kinh tế - xã hội...Đảm bảo sự tương thích giữa mục tiêu với giải pháp, công cụ chính sách PCTN. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước. Hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch. Tăng cường tính trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, sức chiến đấu và hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng. Hoàn thiện chính sách xử lý đối với tham nhũng, đặc biệt là chính sách hình sự, chính sách tố tụng hình sự; hệ thống đo lường, giám sát tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao nhận thức, sự tích cực chủ động của các chủ thể xã hội tham gia phòng chống tham nhũng (Nguyễn Thị Thu Nga, 2018).
Bốn là, để phát huy vai trò của TCXH trong KSTN cần đảm bảo sự tập trung, đồng bộ, thống nhất, kịp thời vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN. Muốn PCTN có hiệu lực, hiệu quả thì không thể không có ý chí, quyết tâm chính trị kiên định của cấp lãnh đạo cao nhất đến toàn bộ xã hội. Từ mong muốn PCTN đến cùng sẽ đưa đến điều kiện thứ hai là biết PCTN đạt mục tiêu. Trong đó nhấn mạnh đến điều kiện phải có một cơ quan độc lập đủ năng lực và nguồn lực sức mạnh hệ thống trong chống tham nhũng và có những đặc quyền cần thiết để hiện thực hóa ý chí chính trị đó. Chính sự tinh gọn, độc lập và tập trung hóa của cơ quan PCTN chuyên trách là cơ sở đầu tiên giúp cho xã hội có một địa chỉ tin cậy để thực hiện các quyền tố cáo, khiếu nại, và tích cực thực hiện các quyền giám sát các hành vi tham nhũng.
Năm là, để phát huy vai trò của hệ thống TCHX trong KSTN cần nhấn mạnh hơn đến việc đồng bộ hóa quy trình, cơ chế, lộ trình PCTN: phản ánh, phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng; bảo đảm tương thích giữa mục tiêu với giải pháp, công cụ chính sách để tạo ra những đột phá trong việc kiểm soát tình hình tham nhũng. Mục tiêu chung là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Mục tiêu cụ thể là: Ngăn chặn, làm triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật, nhất là trong quá trình ban hành và tổ chức thi hành các văn bản áp dụng pháp luật.
Sáu là, để phát huy vai trò của hệ thống TCHX trong KSTN cần thực hiện đồng bộ việc hoạch định và thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan để hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội: không cần tham nhũng; không thể tham nhũng; không muốn tham nhũng; không dám tham nhũng. Cụ thể là: 1) để có điều kiện khiến cho các chủ thể có nguy cơ thực hiện hành vi tham nhũng, nhưng không cần tham nhũng thì phải làm cho Nhà nước giàu mạnh, có thể đáp ứng, thoả mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần cho mọi người. Muốn vậy, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, xây dựng nền sản xuất có năng suất, chất lượng cao, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đó là cả một quá trình lâu dài, cần phải mất nhiều thời gian, không thể có trong một sớm, một chiều; 2) để các chủ thể thực thi công vụ không thể (hoặc rất khó) tham nhũng thì bộ máy tổ chức, quản lý của Đảng, Nhà nước phải rất khoa học, bao gồm cả cơ chế, cả con người và hệ thống luật pháp chặt chẽ không có kẽ hở để tham nhũng không thể luồn lọt. Để đạt được điều đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân phải có sự đổi mới và cố gắng rất lớn trong công cuộc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...; 3) để các chủ thể liên quan không muốn tham nhũng thì, hoặc là, phải có một quá trình với thời gian lâu dài để tạo đủ điều kiện thỏa mãn về vật chất và tinh thần cho mọi người dân khiến họ không cần phải tham nhũng; hoặc là, xã hội phải tạo ra nếp sống không có tham nhũng, coi tham nhũng là xấu xa, tội lỗi, bất cứ ai tham nhũng cũng đều bị lên án, trừng trị...để gây áp lực tâm lý-xã hội làm cho người ta không muốn và không dám tham nhũng. Trong hai phương án ấy, chỉ có phương án thứ hai là phù hợp với hoàn cảnh xã hội nước ta hiện nay. Muốn thực hiện được phương án thứ hai này, chúng ta phải ra sức xây dựng một xã hội dân chủ mà ở đó, mọi người sống có đạo đức, trong sạch, liêm khiết; 4) để các chủ thể liên quan không dám tham nhũng thì xã hội phải xây dựng, định hướng là một xã hội thực sự đạo đức, thực sự dân chủ, phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân. Xã hội, nhà nước và người dân có cơ chế đồng bộ, phù hợp để có thể tố giác và ngăn chặn được mọi hành vi tham nhũng, dù chúng có được che đậy tinh vi đến mấy. Đồng thời, một khi kẻ tham nhũng đã bị tố giác và có những bằng chứng không thể chối cãi thì các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước phải xử lý nghiêm mình, kịp thời, công bằng.
TS Nguyễn Hồng Sơn
Hội đồng Lý luận Trung ương
TS. Đỗ Văn Quân
Học viện CTQG Hồ Chí Minh