Gần đây, trên mạng xã hội có một số bài viết và ý kiến chưa đúng về kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước ở Việt Nam, đặc biệt nổi lên trong đó là ngộ nhận cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân là đồng nghĩa với phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tòa soạn giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhằm góp phần hóa giải những ngộ nhận đó.
Sabeco là thương vụ cổ phần hóa DNNN lớn nhất trong 10 năm qua với giá trị đạt 5 tỷ USD.
Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Phân biệt rõ kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước
Trước hết, cần khẳng định rằng, sự phát triển kinh tế tư nhân không đồng nghĩa với triệt tiêu vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước bởi: Thứ nhất, sức mạnh chủ đạo kinh tế tự nhiên của khu vực kinh tế nhà nước theo định nghĩa thống kê hiện hành của nó; Thứ hai, có sự dịch chuyển quan trọng nội hàm mới của khái niệm chủ đạo trong nhận thức chính trị và thực tiễn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại; Thứ ba, cổ phần hóa không có nghĩa là làm suy yếu kinh tế nhà nước mà là để khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn; Thứ tư, tồn tại những hạn chế khách quan của kinh tế tư nhân và yêu cầu kết hợp hai bàn tay thị trường và nhà nước dù ở chế độ chính trị xã hội ứng với kinh tế thị trường nào. Thứ năm, mục tiêu cao nhất của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam không lấy kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân làm mục đích tự thân, mà chỉ là công cụ xây dựng một Tổ quốc Việt Nam “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ năm 2010 đến nay, khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước bị xóa bỏ, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi sang dạng doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thì kinh tế nhà nước hiện bao gồm: Các doanh nghiệp nhà nước 100% vốn nhà nước đã chuyển đổi hình thức theo Luật Doanh nghiệp và phần vốn và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp khác đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các quỹ và tài sản quốc gia khác (tài chính và phi tài chính) thuộc sở hữu nhà nước và các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.
Theo Điều 53 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, đã được thông qua tại kỳ họp 6 Quốc hội khoá 13 năm 2013: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Nói cách khác, Hiến pháp mới cũng tái khẳng định nội hàm kinh tế nhà nước như đã nêu trên.
Như vậy, có thể thấy, kinh tế nhà nước là khái niệm mở, nội hàm rộng, bao quát toàn bộ cơ cở vật chất - kinh tế thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện và thống nhất quản lý dưới nhiều dạng, thậm chí những cấu thành của chúng không thể tính toán hết bằng tiền; ví dụ, giá trị đất đai, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, lòng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam...
Đặc biệt, theo Chương I Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, “doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Như vậy, từ năm 2016 đến nay, nội hàm doanh nghiệp nhà nước đã được thu hẹp nhất, chỉ còn bao gồm các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn. Tuy nhiên, đến nay, khu vực kinh tế nhà nước vẫn bao gồm các doanh nghiệp nhà nước và phần vốn, tài sản của nhà nước tại các doanh nghiệp, nên cơ bản là tổng tài sản của khu vực kinh tế nhà nước khá ổn định, trừ phần giảm sút nhỏ do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp thuộc khu vực kinh doanh, nhưng chúng được bù đắp lại bởi sự tăng trưởng của chính các doanh nghiệp nhà nước và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (một hợp phần của kinh tế nhà nước) do giải phóng các nguồn lực và động lực tăng trưởng từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư xã hội.
Có thể thấy, mặc dù kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có điểm chung đều là phần tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý, phục vụ lợi ích toàn dân, nhưng chúng có vai trò không hoàn toàn như nhau. Việc đánh đồng tên gọi, nội hàm giữa kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước không chỉ là sự nhầm lẫn về hình thức tên gọi, cơ cấu nội hàm kỹ thuật, mà còn kéo theo sự ngộ nhận lớn hơn là đánh đồng vai trò chủ đạo của toàn thể (kinh tế nhà nước) với vai trò then chốt linh hoạt của bộ phận (doanh nghiệp nhà nước), tức hiểu sai chủ truơng, chính sách vĩ mô nhà nước về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và quản lý kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Nói cách khác, cả về lý luận và thực tế, sẽ là ngộ nhận khi đồng nhất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với mặc nhiên coi doanh nghiệp nhà nước cũng có vai trò này.
Với nội hàm giá trị đã nêu trên, quy mô và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là đương nhiên và lâu dài, được tái khẳng định trong Điều 51 Hiến pháp thông qua năm 2013.
Không triệt tiêu vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
Cùng với công cuộc Đổi mới, nhận thức về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng có sự phát triển và điều chỉnh linh hoạt thích hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu, rộng, đầy đủ và nghiêm túc của Việt Nam.
Nếu trước Đổi mới, ở Việt Nam chỉ có thành phần kinh tế nhà nước là chủ yếu, nên doanh nghiệp nhà nước cũng đồng thời có vai trò chủ đạo trong khu vực doanh nghiệp xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế đa thành phần và quá trình hội nhập, khu vực các doanh nghiệp nhà nước sẽ ngày càng giảm tỷ trọng và do đó giảm dần vai trò chủ đạo theo nghĩa truyền thống và biến đổi theo huớng, từ chủ đạo tuyệt đối về lượng, lĩnh vực kinh doanh, sang chỉ chủ đạo, then chốt trong một số lĩnh vực mà thôi, tập trung vào những lĩnh vực mà nhà nước cần độc quyền và tư nhân không thể, không muốn đảm nhiệm.
Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ khẳng định, Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước chỉ đầu tư vốn, tài sản vào doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực, khâu then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nói cách khác, doanh nghiệp nhà nước nói riêng, vai trò kinh tế nhà nước nói chung ngày càng giảm dần vai trò của mình trong nền kinh tế vì lợi nhuận, ngày càng thu hẹp sự chủ đạo từ phạm vi toàn bộ nền kinh tế chỉ còn tập trung vào một số lĩnh vực, ngành kinh tế chủ chốt. Đồng thời, vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước trong thời gian tới cũng cần được nhấn mạnh vào các nội dung và mục tiêu: Nắm giữ các tài sản, tổ chức các hoạt động độc quyền thuộc lĩnh vực đảm bao an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động giữ vững các cân đối cơ cấu lớn, liên ngành, cấp quốc gia và ở địa phương, địa bàn cần thiết; chủ động và trực tiếp đảm nhận đầu tư vào những dự án, địa bàn không hấp dẫn hoặc cần thiết để định hướng, mở rộng đầu tư phát triển từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Trên thực tế, vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân sẽ ngày càng linh hoạt và dịch chuyển theo hướng thu hẹp dần cả về quy mô, tỷ trọng và phạm vi hoạt động; từ chiếm hầu như địa vị thống trị trong toàn bộ nền kinh tế trong nền kinh tế đơn thành phần, sang giảm dần tỷ trọng trong kinh tế đa thành phần; và từ có mặt ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc, sẽ ngày thu hẹp chủ đạo vào một số lĩnh vực, ngành kinh tế chủ chốt; ngày càng được nhấn mạnh vào các nội dung và mục tiêu vì lợi ích quốc gia và hỗ trợ tối đa kinh tế tư nhân phát triển.
Hơn nữa, sự chủ đạo của kinh tế nhà nước không có nghĩa là kinh tế nhà nước lấn át, đè nén và đối lập với kinh tế tư nhân, càng không có nghĩa là doanh nghiệp nhà nước hưởng mọi ưu đãi vô điều kiện, mà cần sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác đã đuợc xác định trong nhiều luật định khác hiện hành (nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công...)
Đặc biệt, sự chủ đạo của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cũng không có nghĩa là đầu tư trực tiếp với quy mô lớn và cứng nhắc, bất biến trong mọi tình hướng, địa bàn và lĩnh vực, mà có sự đều chỉnh linh hoạt cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, “có vào - có ra”, rút vốn và giảm tỷ trọng vốn đầu tư tùy theo tình hình, yêu cầu thực tiến, với phương châm thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực mà tư nhân đã làm tốt, có thể giữ vị thế lực lượng đầu tư chủ đạo.
Với giá trị to lớn về tài sản vật chất và phi vật chất đó, có thể nói, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là đương nhiên, không thể phủ nhận và không thể thay thế bởi bất kỳ thành phần kinh tế phi nhà nước nào khác.
Thực tế cũng cho thấy, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước được quy định bởi sự tồn tại tất yếu của vai trò kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Đặc biệt, với nội hàm to lớn và bao quát trên, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là mặc nhiên, khó tranh cãi và không cần tranh chấp với bất kỳ thành phần kinh tế nào hiện tại và tới đây ở Việt Nam.
Vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước trong thời gian tới cần được nhấn mạnh vào các nội dung và mục tiêu vì lợi ích quốc gia và hỗ trợ tối đa kinh tế tư nhân phát triển; nắm giữ các tài sản, tổ chức các hoạt động độc quyền thuộc lĩnh vực đảm bao an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động giữ vững các cân đối cơ cấu lớn, liên ngành, cấp quốc gia và ở địa phương, địa bàn cần thiết. Chủ động và trực tiếp đảm nhận đầu tư vào những dự án, địa bàn không hấp dẫn hoặc cần thiết để định hướng, mở rộng đầu tư phát triển từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ đầu tư vốn, tài sản vào doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực, khâu then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô./.