1. Nhận thức và quan điểm của Đảng về chính sách xã hội
Đổi mới tư duy về chính sách xã hội được thể hiện rõ qua các chủ trương của mỗi kỳ đại hội. Đại hội lần thứ VI năm 1986, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt nam nâng các vấn đế xã hội lên tầm chính sách xã hội và khẳng định “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, gia đình, quan hệ giai cấp, dân tộc… thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội”. Đại hội VIII, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển” và “Các vấn đề chính sách xã hội đều phải giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội”.
Xuyên suốt các kỳ Đại hội IX, X, XI, XII, XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán khẳng định vị trí, vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu của chính sách xã hội, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề công bằng trong các chính sách xã hội “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển”[1]. Mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân. Chính sách xã hội bao trùm trên mọi mặt của đời sống con người, như: điều kiện lao động, sinh hoạt, giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe… và luôn gắn chặt, phụ thuộc rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế, bản chất chính trị - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI ngày 1/6/2012 một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (gọi tắt là Nghị Quyết 15), đánh dấu nghị quyết đầu tiên của Đảng về chính sách xã hội trên cơ sở bài học được rút ra là “chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển. Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ”. Bên cạnh đó, nhiều nghị quyết, chỉ thị chuyên đề của Đảng cũng được ban hành để tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay hướng đến mục tiêu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội như: Nghị quyết 27 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương định hướng đến năm 2021 bãi bỏ tiền lương cơ sở và xây dựng thang bảng lương theo chức vụ và vị trí việc làm; Nghị quyết 28 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng linh hoạt đa tầng không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức.
Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn theo đuổi quan điểm có tính nguyên tắc là: “Lấy nhân tố con người là trung tâm của sự phát triển, bảo đảm công bằng, bình đẳng; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”, và “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”[2]. Hướng tới xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
2. Một số thành tựu của chính sách xã hội
Ngay sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI ra đời, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết (Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012), thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Ban cán sự Đảng các bộ, ban, ngành trung ương và tổ chức đảng ở địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc, tổ chức tuyên truyền, học tập quán triệt Nghị quyết. Các tỉnh/thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai. Kết quả, công tác thể chế hoá Nghị quyết 15 và các Nghị quyết chuyên đề có liên quan đã góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách trở thành hệ thống gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho quản lý và phát triển xã hội hướng tới mục tiêu tiến bộ và công bằng.
Thực hiện Nghị quyết 15, với mục tiêu an sinh xã hội toàn dân, từng bước nâng cao, an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của Nhân dân đã góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển con người Việt Nam. Chúng ta, từ xuất phát điểm là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD những năm 1990, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, gấp 37 lần trong vòng hơn ba thập niên. Đời sống của nhân dân trên khắp các vùng, miền, mọi thành phần, dân tộc đều được nâng lên là tiền đề và điều kiện cơ bản để đảm bảo an sinh xã hội, an ninh con người và phát triển con người. Chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào nỗ lực phát triển vượt bậc con người Việt Nam, chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,48 năm 1990 lên 0,71 năm 2020, Việt Nam được chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia.
Chính sách người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và được thực hiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế - xã hội cho phép. Đến năm 2020, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng; 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo. Từ một quốc gia, hơn 60% dân số nghèo đói (1990) đến nay tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,23% (2021). Thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng 3,5 lần trong 10 năm qua. Mức sống của người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo được cải thiện rõ rệt; người nghèo được hỗ trợ sinh kế phù hợp, được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, bồi dưỡng kiến thức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản để giải quyết việc làm. Hàng năm đã tạo được khoảng 1,5-1,6 triệu lượt việc làm cho người lao động, tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 48,5% năm 2011 xuống còn 32% năm 2020. Tiền lương và thu nhập được cải thiện tích cực giúp đảm bảo đời sống người lao động, thu nhập bình quân của người lao động năm 2020 là 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3 lần trong 10 năm qua.
Nhận thức về học nghề trong toàn xã hội và người dân đã có chuyển biến mạnh mẽ; vị thế, vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân được nâng cao. Kết quả giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70,25%, tăng 1,53 lần so với năm 2012 (46,0%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ tăng từ 15,58% năm 2011 lên 26,1% vào năm 2021.
Chính sách bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Đến hết năm 2021 có 16,6 triệu người tham gia, chiếm tỷ lệ 36% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện có trên 3,3 triệu người đang được hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Đặc biệt, việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị Quyết 28, chỉ trong 3 năm 2019-2021 đã phát triển mới khoảng 1 triệu người, gấp 5 lần 10 năm trước đây. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ người lao động khi chấm dứt hợp đồng, mất việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 8,27 triệu người năm 2012 lên gần 13,4 triệu người năm 2021 (chiếm 30% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước chuyển từ quan điểm nhân đạo sang hướng tiếp cận dựa trên quyền được hưởng an sinh của người dân. Các chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, chiếm 3,5% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, được thực hiện đầy đủ quyền trẻ em và có môi trường sống an toàn; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm góp phần cải thiện đời sống.
Bảo hiểm y tế đã tạo đột phá về tỷ lệ bao phủ. Đến năm 2021, cả nước có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 96%-98%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần; tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 74 tuổi vào năm 2020. Y tế dự phòng được tăng cường, đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch trên quy mô lớn, ngăn ngừa các đợt bùng phát trong đại dịch Covid-19. Hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, nhất là ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn, bao gồm cả hạ tầng trạm y tế, bệnh viện và cán bộ y tế.
Về giáo dục, đã hoàn thành trước thời hạn phổ cập giáo dục từ cấp mầm non (trẻ 5 tuổi) đến trung học cơ sở; 95% người lớn biết đọc, biết viết; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 26,1%. Mạng lưới các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tăng quy mô, tăng số lượng học sinh được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và dự bị đại học. Các chương trình, chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được triển khai hiệu quả.
Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân đã tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện. Đến hết năm 2020 đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 17.200 nghìn hộ phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung; 52.000 hộ dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn xã hội hóa. Điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên… từng bước được cải thiện.
Chính phủ đã tập trung nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% năm 2012 lên 88,5% vào năm 2020; Năm 2021, đạt 90%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia tăng từ 38,7% năm 2012 lên 51,7% vào năm 2020; Năm 2021, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia đạt 54%.
Hệ thống thông tin truyền thông cơ sở được ưu tiên đầu tư; đảm bảo thông tin về các chính sách của Đảng và nhà nước đến với người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin và hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng miền. Từ năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Đến năm 2020, có 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có đài truyền thanh xã.
Trong 2 năm 2020 và 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn một cách kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau. Năm 2020 đã hỗ trợ trên 10 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và lao động tự do, tổng kinh phí là 12.293 tỷ đồng; năm 2021 hỗ trợ gần 37,06 triệu lượt đối tượng, tổng kinh phí là 42.740 tỷ đồng. Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ các đối tượng khó khăn khác.
Thực hiện chính sách xã hội trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về CSXH có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống CSXH đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, chính sách xã hội chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, đối tượng còn cao. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, tái nghèo vẫn cao; các chính sách TTLĐ hiệu quả chưa cao, nhóm lao động khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đúng mức; độ bao phủ BHXH thấp so với tiềm năng; BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia; phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội còn hẹp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em chậm được cải thiện; chất lượng dịch vụ y tế cơ sở chưa đáp ứng; tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch theo tiêu chuẩn Quốc gia còn thấp; phát triển nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế, hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống quản trị thiếu tính đồng bộ, chưa hiện đại. Nguồn lực thực hiện chính sách xã hội còn có nhiều hạn chế, thiếu tính chủ động.
Các tồn tại hạn chế nêu trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan như thiên tai, biến đổi khí hậu, già hoá dân số, dịch bệnh, và nước biển dâng. Nguyên nhân chủ quan là: Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp về vai trò, vị trí của chính sách xã hội còn hạn chế; hệ thống chính sách pháp luật còn chậm tích hợp, sửa đổi, hoàn thiện, thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện; tổ chức bộ máy, nhân lực chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao; phương thức quản lý, quản trị nhà nước trong các lĩnh vực xã hội chậm hiện đại hóa; chậm ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát triển xã hội; chưa phân định rõ vai trò quản lý, điều hành của nhà nước, trách nhiệm của xã hội và sự tham gia của người dân.
3. Quan điểm, mục tiêu và giải pháp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
Bối cảnh mới hiện nay, trước những thách thức của già hóa dân số gây thiếu hụt lao động, làm tăng áp lực giải quyết các vấn đề xã hội; tác động của Cách mạng công nghiêp 4.0 làm biến chuyển việc làm, thiếu hụt lao động kỹ năng trong kỷ nguyên số; biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây mất đất sản xuất tác động đến sinh kế của người dân; thiên tai, dịch bệnh, gây khủng hoảng và phát sinh xung đột và mâu thuẫn xã hội; gây phân hoá giàu nghèo, hạn chế phát triển tầng lớp trung lưu và xã hội thịnh vượng; với mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, chính sách xã hội cần hướng tới năm quan điểm phát triển như sau:
3.1. Quan điểm
Một là, xây dựng và thực hiện chính sách xã hội bao trùm, toàn diện, bền vững; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội dựa trên quyền con người.
Hai là, phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả trước các rủi ro; bảo đảm ngày càng tốt hơn những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân.
Ba là, phát triển TTLĐ hiện đại, linh hoạt và hội nhập, tạo việc làm có năng suất cao và bền vững; đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phổ cập nghề cho người lao động; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Bốn là, đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện CSXH đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội phù hợp với khả năng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Năm là, thực hiện chính sách xã hội chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội.
3.2. Mục tiêu
Mục tiêu tổng quát: Xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, góp phần từng bước phát triển đất nước phồn vinh, tự cường và hạnh phúc.
Mục tiêu đến năm 2030: Chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho tất cả người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau góp phần hiện thực hoá khát vọng dân tộc, phát triển đất nước phồn vinh, tự cường và hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2045: Xây dựng xã hội phát triển, hiện đại, hài hoà và bền vững; tất cả công dân đều có cơ hội tham gia, phát triển và được bảo đảm an sinh xã hội, được hưởng phúc lợi xã hội cao; xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; góp phần xây dựng đất nước phát triển có thu nhập cao, xã hội phồn vinh, hạnh phúc
3.3. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Về ưu đãi người có công: Tiếp tục điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người có công và thân nhân người có công; bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Tập trung nguồn lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xây dựng ngân hàng Gen làm cơ sở xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Về lao động, việc làm: phát triển việc làm bền vững; phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; dần thu hẹp việc làm phi chính thức; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho các ngành nghề trong xã hội; thực hiện hiệu quả chính sách việc làm công; bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, các chính sách bảo hiểm cho người lao động khu vực phi chính thức.
Về giáo dục nghề nghiệp: Đào tạo nghề nghiệp cho tất cả lao động, có kiến thức, kỹ năng, tay nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và cạnh tranh khu vực, quốc tế; coi giáo dục nghề nghiệp là biện pháp căn bản thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao; phổ cập nghề cho thanh niên; phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại lao động.
Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; cải cách hệ thống hưu trí, đổi mới cung cấp đa dạng các sản phẩm bảo hiểm xã hội. Phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp và duy trì việc làm bền vững cho người lao động.
Về trợ giúp xã hội: Bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bỏ lại phía sau. Hỗ trợ kịp thời những người có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp, người cao tuổi, người khuyết tật và gia đình có trẻ em; hỗ trợ hộ gia đình chăm sóc trẻ em; tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho tất cả người dân. Xây dựng hệ thống TGXH linh hoạt; tăng cường các quỹ cứu trợ xã hội nhiều cấp độ để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi bị rủi ro; phát triển và đa dạng hoá các dịch vụ trợ giúp xã hội, dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp. Tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản đối với tất cả người dân.
Bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân:
- Về y tế: Duy trì bảo hiểm y tế toàn dân. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm hội nhập quốc tế; chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở; phát triển mô hình bác sĩ gia đình; quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân; phòng chống dịch bệnh an toàn, hiệu quả.
- Về giáo dục: Phát triển hệ thống giáo dục toàn diện, bao trùm và bền vững, xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, từng bước thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông; nâng cao chất lượng giáo dục khu vực miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Về nhà ở: Bảo đảm nhà ở có chất lượng cho tất cả người dân; có chính sách hỗ trợ bảo đảm nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động.
- Về nước sạch và vệ sinh môi trường: Bảo đảm nhu cầu thiết yếu về nước sạch sinh hoạt đối với tất cả người dân theo hướng đạt chuẩn quốc tế; cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân.
- Về bảo đảm thông tin: Tăng cường tiếp cận thông tin cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tăng cường viễn thông công ích. Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, công nghệ số; bảo vệ người dân an toàn trên môi trường mạng.
Cần thực hiện các giải pháp chủ yếu như sau:
Một là: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ người có công và các đối tượng yếu thế.
Hai là, hiện thực hóa chủ trương của Đảng, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế quản lý phát triển xã hội theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quản lý phát triển xã hội bằng pháp luật và dựa trên nền tảng dân chủ, kỷ cương, có sự tham gia của người dân theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, công bằng. Tăng cường tính chủ động của địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng dân cư trong thực hiện chính sách xã hội.
Ba là, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách, đặt con người vào trung tâm chính sách. Tiếp tục coi chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt quan tâm thực hiện những chính sách và giải pháp giảm nghèo đặc thù cho những vùng, những huyện, những xã, thôn, bản khó khăn nhất và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Động viên, hỗ trợ, người nghèo, vùng nghèo nâng cao năng lực nội sinh nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện chính sách xã hội; cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện trong xây dựng, tổ chức thực hiện CSXH. Nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển đa dạng hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ và tăng cường công tác quản lý, giám sát tiêu chuẩn, chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội. Tạo điều kiện cho khu vực ngoài nhà nước cùng tham gia cung cấp dịch vụ; tăng cường hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân.
Năm là, tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Tăng cường công tác rà soát, tích hợp chính sách, giảm chồng chéo, trùng lắp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện chính sách xã hội; thống nhất số hóa cơ sở dữ liệu; phát triển hệ thống thông tin quản lý và các ứng dụng; xây dựng cơ chế quản lý, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu và thông tin. Cải cách mạnh mẽ tài chính đối với chính sách xã hội trên cơ sở quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, sử dụng khoa học công nghệ, thanh toán điện tử thông qua hệ thống hóa, thống nhất triển khai trên nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung. Nhà nước đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách xã hội và huy động sự đóng góp, tham gia của toàn xã hội.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Bẩy là, tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách xã hội; nhà nước giữ vai trò chủ đạo; đổi mới cơ chế huy động và đa dạng hóa các nguồn lực.
TS. Nguyễn Văn Hồi
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1996, tr. 87.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1991.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1997, tr. 85.
4. Bộ Y tế, Báo cáo số: 1611 /BC-BYT về tổng kết công tác y tế năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành tựu 10 năm và những bài học kinh nghiệm cho đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam, tháng 4/2019.
6. Báo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2022.
7. Ngân hàng Thế giới, Tổng Quan về Việt Nam, tháng 4/2019.