Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Văn hóa - “động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước”

Ngày phát hành: 29/11/2022 Lượt xem 1649

 

Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người; được con người tạo ra và phát triển trong mối quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa là một nguồn lực to lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của mỗi con người, tổ chức, rộng hơn là của quốc gia - dân tộc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

"Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước”

 
       Nhận thức được đúng tính chất, vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng ta từ rất sớm đã luôn coi văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng cần có sự quan tâm đầy đủ và đồng bộ để tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong quá trình phát triển. Ngay từ năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa là một trong ba mặt trận chính trị-kinh tế-văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, theo Người, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần được coi trọng ngang nhau, đó là chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Người khẳng định, “chính trị nghĩ rộng cũng là văn hóa và văn hóa nghĩ sâu cũng là chính trị”. “Văn hóa cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Quan điểm này được Đảng ta liên tục kế thừa, bổ sung, phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX tiếp tục khẳng định và làm rõ thêm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
          Kinh nghiệm thực tiễn quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thời kỳ đổi mới đất nước đã cho chúng ta những bài học về tài năng, năng lực “kích hoạt” động lực văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Bốn nhân tố: tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước đều là giá trị văn hóa truyền thống quý báu, lâu đời của dân tộc và chính là những giá trị văn hóa cốt lõi trong hệ giá trị văn hóa, hệ động lực do văn hóa Việt Nam tạo ra..    
          Một trong những nhân tố quan trọng trong phòng, chống đại dịch COVID-19 trong gần hai năm qua là  đã khơi dậy được truyền thống yêu nước, ý thức đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cả nước chung tay, chia sẻ gian khó; vùng khó ít chi viện thầy thuốc và vật chất cho vùng khó nhiều như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An… Chúng ta đã và đang huy động sức mạnh toàn dân tộc, trong đó có sức mạnh văn hóa vào việc thiết lập trạng thái “bình thường mới” để nhanh chóng hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 Xây dựng và phát huy nhân tố con người

 
Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa vào việc phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình xây dựng con người Việt Nam, phát huy tối đa nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người - khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy mỗi con người tự hoàn thiện nhân cách của mình và thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ của con người.
Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”. Để thực hiện mục tiêu này cần thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, phúc lợi văn hóa, an ninh văn hóa, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Cùng với đó là tǎng đầu tư của nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa cho phát triển sự nghiệp vǎn hóa, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư đồng thời phải hoàn thiện và bổ sung các cơ chế chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, cần có quan điểm nhìn nhận theo hướng tích hợp giá trị khi định hướng đào tạo, giáo dục. Các giá trị này phải hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần - có đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ, có tinh thần nhân văn và ý thức lao động, đề cao trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và xã hội.


Đồng thời với việc “xây” những năng lực và đức tính tốt cho con người Việt Nam trong thời đại mới, Đại hội XIII cũng lần đầu tiên nêu yêu cầu: “từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”. Các mặt hạn chế của con người Việt Nam cần phải được nhận biết và cần phải được sửa chữa, khắc phục. Đó là tâm lý tiểu nông, tính ỷ lại, dựa dẫm, tính đố kỵ, thiếu kỹ năng hợp tác, thiếu tính sáng tạo khi quá trọng kinh nghiệm, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật…
          Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh, cần bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam: tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ... Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.


Cần lưu ý, văn hóa là tài nguyên quốc gia, nhưng tài nguyên không phải trong trạng thái ngủ yên mà phải được đánh thức, tạo ra giá trị cho đời sống. Sự đánh thức nguồn tài nguyên văn hóa trong thời hiện đại chính là xây dựng được nền công nghiệp văn hóa để khai thác có hiệu quả./.

 

Theo TTXVN
         

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết