Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Ngày phát hành: 27/11/2022 Lượt xem 8409

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh. 


Tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở thành phố Andong (Hàn Quốc) ngày 26/11/2022, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua 2 hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh (bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).
Dưới đây là 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh theo thứ tự thời gian.

 

 3 di sản tư liệu thế giới

 
- Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009)
Đây là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận, gồm 34.618 tấm chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Các bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Nội dung của khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.
Ngoài giá trị về mặt sử liệu, Mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam.

- Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (được công nhận năm 2011)
82 bia tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi, có niên đại từ 1484 - 1780, ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi. Đây là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại. Đó cũng là những tư liệu chân thực, phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo và tuyển dụng nhân tài ở Việt Nam, kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê - Mạc. Hệ thống 82 bia tiến sĩ còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài.
Tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 7/2011, 82 bia tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2012, toàn bộ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đến tháng 1/2015, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

 

- Châu bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2017)

Châu bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu Hán-Nôm, bao gồm các văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945): văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến, có giá trị nổi bật về nội dung bởi những thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người Việt Nam thời kỳ bấy giờ. Một trong những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn là những tư liệu đặc biệt quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017, UNESCO lại tiếp tục công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là di sản tư liệu thế giới.

 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương

- Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (được công nhận năm 2012)
Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là một trung tâm Phật giáo lớn thuộc phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, có tổng số 3.050 ván rời với 9 đầu sách để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng ni, Phật tử xưa nay. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt Nam tạo ra). Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử.

- Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (được công nhận năm 2016)
Phần lớn các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời vua Nguyễn (1802-1945) có thơ văn trang trí "nhất thi nhất họa" và "nhất tự nhất họa", được hình thành cùng thời xây dựng công trình. Thơ văn này thể hiện sự phong phú đa dạng về cả nội dung cho đến hình thức; khắc họa những đề tài truyền thống thuần túy Việt Nam, như: bát bửu, hoa lá, trái cây, rồng, hạc, đầu rồng, dây lá… Theo thống kê hiện nay, trên các di tích kiến trúc cung đình có tổng số 2.679 ô thơ văn và cũng có chừng đó ô họa được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ, trên pháp lam và đắp ngõa sành sứ. Di sản này phản ánh rõ nét một giai đoạn phát triển lịch sử mỹ thuật kiến trúc trang trí của Việt Nam.

- Mộc bản trường học Phúc Giang (được công nhận năm 2016)
Mộc bản trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, tại trường học Phúc Giang (thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Khối mộc bản gồm 379 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 12 quyển): Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ. Không chỉ là tư liệu gốc giúp nghiên cứu hệ thống giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội… của Việt Nam trong giai đoạn lịch sử giữa thế kỷ XVIII, Mộc bản với những dấu triện, gia huy, thư pháp, hình thức, ngôn ngữ, chất liệu gỗ… còn là tư liệu quý cung cấp thông tin thuộc nhiều lĩnh vực: văn bản học, giáo dục học, in ấn, mỹ thuật…

- Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa) (được công nhận năm 2018)
Đây là cuốn sách cổ của dòng họ Nguyễn Huy (ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh được biên soạn những năm 1765-1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông, từ các tài liệu của các thế hệ đi trước, đồng thời bổ sung các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.
 “Hoàng hoa sứ trình đồ” vẽ lại bản đồ đi sứ từ biên giới Việt-Trung qua các châu, phủ, huyện, dịch trạm tới điểm cuối là huyện Tân Thành, Bắc Kinh; ghi chú rõ ràng về quá trình đi sứ: thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ chiều đi và chiều về; ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ; chiều dài của mỗi dịch trạm, chiều dài toàn bộ đường thủy bộ đi sứ; cấu trúc, thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh; cùng các ghi chép tỉ mỉ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người, và nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương Trung Quốc và Việt Nam.
 “Hoàng hoa sứ trình đồ” hiện là bản sao chép tay duy nhất do con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu; là tác phẩm quý hiếm và độc đáo, có giá trị nhiều mặt: địa lý, lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hoá, phong tục, nghệ thuật... đồng thời chứa nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa từ giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVIII

- Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (được công nhận năm 2022)
Đây là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với số lượng lớn, gồm 78 bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm). Nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX.

 

Các ma nhai trên lối vào động Tàng Chơn, Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

 

 Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản-Trung Hoa-Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ…
“Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…


Còn theo nhận định của các chuyên gia, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục. Trong đó, ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” lưu giữ những “ký ức” về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ XVII.
Ẩn chứa trong nguồn di sản tư liệu này là hệ giá trị trên nhiều mặt như lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học. Mỗi giá trị là sự khẳng định nét văn hóa Việt Nam trong tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa.

- Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) (được công nhận năm 2022)

 “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng, 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán, chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943.
 Văn bản có giá trị nguyên gốc, độc bản, nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách, nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; cũng như qua các sách khảo cứu như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.
Chất liệu mang tin đa dạng như giấy dó, giấy dó đặc biệt và lụa, chữ viết đẹp, rõ ràng. Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX./.


           Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết