Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Những vấn đề lý luận mới về phương hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngày phát hành: 26/11/2022 Lượt xem 1203

 

Sau đổi mới, tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam luôn là kết quả ấn tượng được ghi nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế, là thành tựu lớn trong việc xây dựng tiền đề vật chất để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó, công nghiệp hóa được coi là “tất yếu thép” trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở bất kì quốc gia nào. Mặc dù tư tưởng này được quán triệt xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng và sự nghiệp công nghiệp hóa được Đảng ta triển khai hơn 60 năm (từ năm 1960) nhưng công nghiệp Việt Nam vẫn chưa chứng kiến những đột phá đáng kể; mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 đã không đạt được. Vì vậy, bên cạnh việc nắm vững những quy luật chung của công nghiệp hóa được đúc kết bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, dựa trên thực tiễn phát triển công nghiệp của đất nước, cần nhất thiết nghiên cứu những vấn đề lý luận mới về phương hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Chỉ như vậy, lý luận mới có thể “soi đường” cho các chính sách phát triển nhằm thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2045.

 

1.  Xây dựng chiến lược tổng thể cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

 

Xây dựng chiến lược tổng thể giúp tạo ra và định hình phương hướng thực hiện công nghiệp hóa  hiện đại hóa đất nước. Đảng ta chuẩn bị ban hành Nghị quyết Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quan điểm, mục tiêu và định hướng lớn. Trên phương diện tổ chức thực thi, cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết thành Chiến lược tổng thế quốc gia về đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa trong bối cảnh mới. Bên cạnh mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp tổng thể, cần xác định rõ lộ trình phát triển, lĩnh vực ưu tiên và cần có hệ thống chính sách tổng thể đồng bộ trên tất cả các khía cạnh như tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ…phù hợp với lộ trình phát triển. Kiên định và nhất quán thực hiện Chiến lược.

 

2. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho công nghiệp hóa

 

Nguồn nhân lực có chất lượng là điều kiện tiên quyết cho sự thành công. Vì thế, phương hướng hành động là cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược, lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực. Nhà nước có vai trò chủ động  trong thiết kế chương trình giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề và định hướng thị  trường lao động bằng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích.

 

3. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với định hướng phát triển bền vững

 

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường dài. Do vậy, không chỉ cần đi “nhanh” mà còn cần đi một cách “bền vững”.

Công nghiệp hóa cần được thực hiện gắn liền với định hướng phát triển bền vững, đảm bảo sự thịnh vượng về kinh tế hay trình độ công nghiệp hóa được xây dựng dựa trên sự phát triển về xã hội và sự bền vững về môi trường. Lịch sử đã để lại những bài học đắt giá về sự đánh đổi về môi trường và xã hội khi mục tiêu công nghiệp hóa được thực hiện. Sự kiện “đám sương khói khổng lồ” năm 1952 được các nhà khoa học ước tính đã lấy đi 12 000 sinh mạng ở thủ đô Luân Đôn của Anh Quốc là một ví dụ điển hình. Sự xuống cấp về mặt xã hội như điều kiện lao động, phân biệt giới tính, lao động trẻ em,… cũng được ghi nhận trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.  Ví dụ như ở Thái Lan, công nghiệp hóa quá nhanh dẫn tới việc đô thị hóa quá mức và ô nhiễm đô thị; không chỉ gây ra ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn gây hại trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Đây được cho là nguyên nhân dẫn tới việc giảm cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ sơ sinh ở Băng-cốc.

 

Đây là điều được các nhà kinh điển dự báo từ cách đây vài thế kỷ. Ăngghen đã cảnh báo về sự “trả thù” của thiên nhiên nếu loài người “thống trị giới tự nhiên” một cách thô bạo như những kẻ cướp. Thành quả mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đem lại không thể là những lợi ích kinh tế nhãn tiền, mà nhất thiết phải là sự phát triển toàn diện. Vì vậy, phương hướng xây dựng các tiêu chí về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh tiêu chí về kinh tế, không thể không tính đến các tiêu chí về con người, xã hội và môi trường.

 

Theo đó, khái niệm công nghiệp hóa được mở rộng, bao hàm nhiều nội dung hơn. Đó không đơn thuần là sự tăng lên về tốc độ và tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân mà còn chú trọng tới việc duy trì những điều kiện cho sự phát triển tiếp theo trong tương lai. Đây là sự thay đổi căn bản về nhận thức, tất yếu sẽ dẫn đến những điều chỉnh trong mục tiêu và kế hoạch hành động. Tư duy công nghiệp hóa bằng mọi giá đưa đến những mục tiêu về tốc độ tăng trưởng; trong khi đó định hướng phát triển bền vững sẽ đặt song song tốc độ và chất lượng của sự tăng trưởng. 

 

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không diễn ra như một đường thẳng mà bị gấp khúc qua nhiều giai đoạn phát triển. Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất gắn liền với quá trình thay đổi lợi thế so sánh ở các nước đang phát triển. Khi lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên sẽ chiếm ưu thế. Khi các lợi thế trên mất dần và các lợi thế mới về vốn, công nghệ và lao động chất lượng cao dần xuất hiện và được thúc đẩy, các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, bao gồm cả các ngành thâm dụng vốn, công nghệ và nhân lực sẽ chiếm vị trí trung phong. Quá trình phát triển này có thể được coi là một quá trình công nghiệp hoá hai giai đoạn dựa trên nguyên tắc thay đổi lợi thế so sánh trong nền kinh tế thị trường đang phát triển.

 

Việt Nam bắt đầu công nghiệp hóa từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu - thu nhập bình quân đầu người thấp và phần lớn dân số sống ở các vùng nông thôn, nơi nguồn thu nhập chính là nông nghiệp năng suất thấp; lao động thất nghiệp và thiếu việc làm chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động của cả nước. Kinh nghiệm của các nước đang phát triển chỉ ra rằng trong giai đoạn đầu cần tập trung vào tốc độ công nghiệp hóa, thúc đẩy các ngành khai thác những lợi thế sẵn có về lao động và tài nguyên trong 20-30 năm đầu của quá trình công nghiệp hóa. Điều này sẽ có lợi cả về mặt kinh tế và xã hội vì sự phát triển của các ngành này có thể nhanh chóng hình thành cơ sở công nghiệp mới và tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp cao, tạo thêm thu nhập và tiết kiệm, như một bước chuẩn bị cho sự phát triển của tiềm năng công nghiệp lớn hơn với nhiều ngành thâm dụng vốn và công nghệ trong giai đoạn tiếp theo. Tuy vậy, điều này mô hình công nghiệp hóa phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên càng giảm nhanh càng tốt để dịch chuyển dần và ngày càng nhanh sang mô hình thâm dụng vốn và sau đó là thâm dụng công nghệ. Nhận thức ấy gợi mở rằng một mặt cần duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, giải quyết các vấn đề lao động, việc làm trước mắt đồng thời cần gắn quá trình công nghiệp hóa với hiện đại hóa; phát triển kết hợp hài hòa giữa công nghiệp nặng với các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại, đem lại giá trị gia tăng cao.

 

4. Xây dựng nền công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng tri thức, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và năng lực sáng tạo

 

Thực tiễn cho thấy, thông qua quá trình học hỏi kinh nghiệm, thời gian hoàn thành công nghiệp hóa ngày càng được rút ngắn. Nếu “Người tiên phong” Anh quốc mất tới 120 năm mò mẫm, mở đường trở thành nước công nghiệp thì thời gian dần được rút ngắn còn 90 năm, 70 năm và hơn 30 năm đối với Mỹ, Nhật Bản và bốn “con hổ châu Á” (Hàn quốc, Hồng Kông, Xin-ga-po và Đài Loan).

 

Về cơ bản, có bốn mô hình nước công nghiệp. Ở mỗi mô hình, nền sản xuất xã hội dựa trên một nền tảng nhất định: (i) nền sản xuất xã hội dựa trên nền tảng của cơ giới hóa; (ii) nền sản xuất xã hội dựa trên nền tảng điện khí hóa; (iii) nền sản xuất xã hội dựa trên nền tảng của tự động hóa và (iv) nền sản xuất xã hội dựa trên nền tảng tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và năng lực sáng tạo[1]. Để có thể vừa đi “nhanh”, vừa đi “bền vững” và phù hợp với những yêu cầu của thời đại mới, Việt Nam cần hướng tới mô hình thứ tư trong con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

 

Đối với Việt Nam ngày nay, phát triển kinh tế tri thức chính là dựa trên tri thức để thực hiện quá trình công nghiệp hoá rút ngắn, áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực sản xuất; tiết kiệm nguyên liệu bằng cách tăng hàm lượng tri thức trong các sản phẩm. Bên cạnh yếu tố quan trọng nhất là con người, năng lực đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định sự thành bại trong việc xây dựng và phát triển kinh tế tri thức. Đây cũng có thể được xem là chìa khóa giúp Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên.

Và với phương hướng ấy, cần xác định các ngành mũi nhọn phù hợp với từng giai đoạn của kế hoạch. Trong đó, cần thiết phải ưu tiên những ngành đòi hỏi sử dụng công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được lợi thế của khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, kế thừa thành tựu phát triển của tri thức.

 

5. Tăng cường vai trò Nhà nước trong xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

 

Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi những điều kiện kinh tế và xã hội nhất định. Về lý thuyết, tự thân thị trường không có khả năng tạo ra sự cải thiện điều kiện trên. Sự can thiệp nhà nước xuất phát từ những thất bại của thị trường như hiệu ứng về thông tin, điều phối hay các hiệu ứng kinh tế từ quy mô nội sinh và ngoại sinh của các quá trình sản xuất công nghiệp. Thực tiễn cũng cho thấy vai trò to lớn không thể thay thế của các chính phủ trong quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia, dù rằng các con đường ấy là không giống nhau.

 

Tuy nhiên, cần có nhận thức đúng đắn, dựa trên quan điểm “lịch sử - cụ thể” về hình thức can thiệp của nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vai trò của nhà nước không chỉ và không nên chỉ là đơn thuần chọn ra và tập trung nguồn lực cho những “người thắng cuộc” (chính sách theo chiều dọc) – một số ngành hay doanh nghiệp, tập đoàn cụ thể mà cần phát huy chức năng điều phối và kiến tạo điều kiện kinh tế - xã hội (chính sách theo chiều ngang). Các chính sách công nghiệp lối truyền thống theo chiều dọc mang bản chất chọn lọc và dựa trên các trụ cột chính là trợ cấp và bảo hộ thương mại, thì chính sách công nghiệp hiện đại lại tập trung nhiều hơn vào việc kiến thiết môi trường hoạt động. Trong phương hướng thực hiện công nghiệp hóa, cần kết hợp cả hai hướng chính sách. Tuyệt đối hóa bất kì hướng nào đều sẽ dẫn đến sự thiếu hiệu quả.

 

6. Xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp làm cơ sở để giám sát quá trình thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa

 

Hành trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là con đường bằng phẳng mà có thể xuất hiện nhiều đoạn “gấp khúc” do những biến động của thời cuộc. Do vậy, việc thường xuyên đánh giá nhằm nhận định mức độ hoàn thành mục tiêu phát triển; đồng thời phát hiện những bất cập, hạn chế để đề ra các giải pháp xử lý là vô cùng cần thiết. Công tác ấy chỉ có thể được thực hiện một cách hiệu quả và nhất quán khi chỉ khi có hệ tiêu chí nước công nghiệp làm cơ sở đối chiếu. Trên thế giới, mặc dù có một số quốc gia đã xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp song chưa có hệ tiêu chí nào được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Ở Việt Nam, mục tiêu trở thành nước công nghiệp được khẳng định xuyên suốt và ngày càng được cụ thể hóa qua các kỳ Đại hội.  Tuy nhiên, Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa ban hành ban hành bộ tiêu chí chính thức về quốc gia có công nghiệp theo hướng hiện đại và có công nghiệp hiện đại.

 

Ý chí xây dựng nước công nghiệp ở nước ta đã được nung nấu từ những năm 1960, được tuyên bố trong Đại hội Đảng lần thứ III “Xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại”. Khát vọng xây dựng đất nước công nghiệp, sau hơn sáu thập kỷ, vẫn mãnh liệt và ngày càng được củng cố bởi những thành tựu phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng. Nhưng, để những mong muốn trở thành hiện thực, nhất thiết phải cụ thể hóa khát vọng đó qua những hệ tiêu chí cụ thể, tạo cơ sở để xác định thời điểm nước ta có thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa. Từ đó, các thước đo đánh giá hệ tiêu chí sẽ được xây dựng và lựa chọn một cách tương ứng. Phấn đấu với một hệ tiêu chí cụ thể sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy toàn dân góp sức, đồng lòng thực hiện một mục tiêu chung thống nhất. Để như vậy, việc lựa chọn hệ tiêu chí cần dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với quy luật khách quan, với đặc thù của quốc gia và những giá trị chung của thế giới, phản ánh được toàn diện các vấn đề về phát triển bền vững và được định lượng cụ thể.

 

Những biến động trong nước và quốc tế ở mỗi giai đoạn sẽ đặt ra những yêu cầu khác nhau và ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xây dựng hệ tiêu chí có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian từ nay đến các mốc 2025, 2030 và 2045 không còn nhiều. Để thực hiện thành công mục tiêu lớn vào năm 2045, công tác tự đánh giá và rút kinh nghiệm ở từng giai đoạn cần phải được thực hiện một cách trung thực và xác đáng. Trên cơ sở đánh giá thực trạng hoàn thành mục tiêu và phát hiện những tồn tại, hạn chế; hệ tiêu chí cụ thể sẽ giúp xây dựng các giải pháp cụ thể. Và rằng, hệ tiêu chí ấy, nhất định phải dựa trên những quy luật chung về công nghiệp hóa của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng về công nghiệp hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều kiện lịch sử - cụ thể của giai đoạn ngày nay.

PGS.TS. Bùi Văn Huyền, HVCTQGHCM

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Thị Vân Hoa (2020). Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
  2. Nguyễn Đức Kiên (2014), Kinh nghiệm quốc tế về công nghiệp hóa và tiêu chí về nước công nghiệp, Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp, số 10(266).
  3. Mai Thị Thanh Xuân và Ngô Đăng Thành (2012), Một số kinh nghiệm rút ra từ mô hình công nghiệp hóa của các nước Đông Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8.
  4. Nguyễn Minh Tú và Vũ Xuân Nguyệt Hồng (2001), Chính sách công nghiệpvà các công cụ chính sách công nghiệp : Kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học rút ra cho công nghiệp hóa của Việt Nam, Nxb Lao Động, Hà Nội.
  5. Nguyễn Đức Kiên, Trần Văn, Hansjoerg Herr và Michael Von Hauff (2021), Chính sách công nghiệp thông minh hướng tới phát triển bền vững – các nguyên tắc chung và kinh nghiệm của nước Đức, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội
  6. Alastair Ball (2022), The long-term economic costs of the Great London Smog, Working Paper. Birkbeck College, University of London.


[1] Trần Thị Vân Hoa (2020). Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết