Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Thực tiễn đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII ​

Ngày phát hành: 11/11/2019 Lượt xem 3626

 

1. Về nhận thức đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị

Trong những nhiệm kỳ qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhìn lại sau 04 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, gắn với công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định đã đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng cao; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững; vị thế, uy tín của nước ta không ngừng được nâng lên trên trường quốc tế. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tiến hành đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực; đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả rõ nét; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế đạt được kết quả bước đầu quan trọng; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên.

Trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế; Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Kết luận 34 về chủ trương thí điểm sắp xếp các tổ chức trong hệ thống chính trị; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên;… và nhiều chủ trương quan trọng khác. Đặc biệt, gần đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Các chủ trương của Đảng đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về đổi mới và hoàn thiện tổ chức thống chính trị.

Quá trình thực hiện đã được các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương triển khai nghiêm túc, đạt được kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bước đầu được sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương và quy định của Trung ương, các đơn vị, địa phương đã có những cách làm sáng tạo trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, tiêu biểu như một số bộ, ngành, địa phương: Bộ Công an, Bộ Tài chính, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Yên Bái... 

 

 

2. Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế tại tỉnh Hà Tĩnh

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và vận hành thông suốt của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện tổng thể hệ thống chính trị và chủ động thực hiện việc sắp xếp trước khi có chủ trương của Trung ương. Đó là, từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp, các ban quản lý và các tổ chức hội. Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về nội dung này. Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Hà Tĩnh đạt được kết quả như sau:  

- Đối với cấp xã, thôn, tổ dân phố: Sáp nhập thôn, tổ dân phố gắn với thực hiện mô hình tự quản ở khu dân cư (từ 2.837 giảm xuống còn 2.007 thôn, tổ dân phố, giảm được 830 thôn, tổ dân phố; giảm hơn 34.180 người, trong đó có 4.497 người hoạt động không chuyên trách và 29.683 người thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố. 

- Đối với cấp huyện: Thực hiện phân cấp quản lý, theo đó các đơn vị thuộc sở, ngành cấp tỉnh chuyển về cấp huyện quản lý: (1) Thành lập trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi trên cơ sở kiện toàn trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y, trạm truyền giống chăn nuôi (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). (2) Thành lập Trung tâm dạy nghề hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện (gồm 3 đơn vị là: Trung tâm Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo). (3) Chuyển giao đài truyền thanh - truyền hình về huyện quản lý; (4) Chuyển trung tâm dân số - kế hoạch hoá gia đình, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã từ Sở Y Tế về ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

Sắp xếp, sáp nhập từ 829 trường phổ thông, còn 693 trường (giảm 136 trường), trong đó: mầm non từ 278 trường còn 251 trường (giảm 27 trường); tiểu học từ 304 trường còn 241 trường (giảm 63); trung học cơ sở từ 189 trường còn 137 trường (giảm 52 trường); tiểu học và trung học cơ sởtăng 12 trường, từ 2 trường lên 14 trường, trung học phổ thông giảm 1 trường, từ 40 trường, còn 39 trường, trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên giảm 5 trung tâm, từ 16 trung tâm, còn 11 trung tâm. Giảm được 131 hiệu trưởng, 5 giám đốc, 133 hiệu phó, 8 phó giám đốc.

 

 

- Đối với cấp tỉnh: Giảm, thu gọn 07 đơn vị đầu mối trực thuộc tỉnh; sắp xếp, sáp nhập 37 ban quản lý dự án còn 4 ban trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh. Sắp xếp các đơn vị cấp 2 của các sở: giảm 03 chi cục. Giảm 15 phòng chuyên môn của các sở, ngành; 74 đơn vị cấp phòng thuộc các ban, sở, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; 29 phòng chuyên môn thuộc các chi cục; 13 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ban, ngành. Thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; chuyển Trung tâm cấp nước Khu kinh tế tỉnh về Công ty Cổ phần cấp nước Hà Tĩnh quản lý; sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thành phố Hà Tĩnh vào Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm tỉnh. 

 Xuất phát từ thực tiễn, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII với cách làm bài bản, đồng bộ, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động kiên quyết, không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, nếu chưa có trong quy định thì làm thí điểm. Quá trình thực hiện cho thấy các tổ chức sau sắp xếp hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đó là: Làm thỉ  điểm hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như thanh tra với kiểm tra, tổ chức với nội vụ (01 đơn vị cấp huyện); ban dân vận với ủy ban mặt trận tổ quốc huyện (3 đơn vị cấp huyện); ban dân vận và ban tuyên giáo huyện ủy (01 đơn vị cấp huyện); thành lập trung tâm y tế huyện trên cơ sở 3 tổ chức: bệnh viện huyện, y tế dự phòng huyện, dân số kế hoạch hóa gia đình và chuyển về cấp huyện quản lý, chuyển trạm y tế cấp xã về trung tâm y tế cấp huyện. Tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất các hội đặc thù có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động gần giống nhau.

 Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong năm 2019 Hà Tĩnh tiến hành sắp xếp 80 xã, hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã, toàn tỉnh còn 216 xã. Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại 80 xã thực hiện sắp xếp hiện có 2.321 người (trong đó 760 cán bộ, 744 công chức, 817 người hoạt động không chuyên trách). 

Việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, xu thế phát triển, nguyện vọng của nhân dân. Từng bước giảm dần đầu mối theo hướng tinh gọn. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay đã giảm đầu mối như sau:

Ở cấp tỉnh: Tổng giảm 168 đầu mối. (Hai tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, 2 văn phòng; 05 chi cục; 33 ban quản lý; 58 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành, 03 trường trung học phổ thông cấp tỉnh; 36 phòng chuyên môn thuộc sở, ngành cấp tỉnh; 30 phòng trực thuộc các chi cục). 

Ở cấp huyện: Tổng giảm 282 đầu mối. (01 phòng chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện, 29 ban quản lý dự án cấp huyện; 26 đơn vị sự nghiệp cấp huyện; 226 trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). 

Ở cấp xã: Giảm được 830 thôn, tổ dân phố, 786 đầu mối tổ chức hội.

Tổng biên chế giao cho khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị  - xã hội tỉnh Hà Tĩnh là 1.508 người; hiện có 1.195 người, giảm 313 biên chế, tỷ lệ 20,75%. Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đến nay đã giảm 918/3.486 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, chiếm tỷ lệ 26,3%. Tổng biên chế khối cơ quan nhà nước đã giảm 2.795 người (242 biên chế công chức hành chính, tỷ lệ 9,35%; giảm 2.553 biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập, tỷ lệ 8,76%). Tiết kiệm bình quân mỗi năm 370 tỷ đồng. Năm 2012 tiết kiệm được 120 tỷ đồng chi ngân sách hành chính, năm 2019 tiết kiệm được 490 tỷ đồng chi ngân sách hành chính, gấp hơn 4 lần so với năm 2012, góp phần tăng chi đầu tư phát triển.

 

 

3. Những vấn đề đặt ra 

1) Về mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của ban thường vụ tỉnh ủy đối với đảng đoàn hội đồng nhân dân, ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh

- Theo quy định của Điều lệ Đảng, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên. Vậy đảng lãnh đạo hội đồng nhân dân thông qua tổ chức đảng là đảng đoàn hội đồng nhân dân. Tuy vậy, thực tế là khi hội đồng nhân dân tỉnh thể chế hoá chủ trưong của cấp ủy đảng thì chính do ủy ban nhân dân tỉnh chuẩn bị và trình hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Việc lãnh đạo của ban thường vụ tỉnh ủy đối với đảng đoàn hội đồng nhân dân tỉnh không được thể hiện rõ.

- Tương tự như vậy, ban thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh qua ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh. Ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ủy ban nhân dân tỉnh để cụ thể hóa những chủ trương của cấp ủy. Ưu điểm là lãnh đạo đảm bảo nguyên tắc, phát huy dân chủ, tránh bao biện, làm thay, phát huy trí tuệ tập thể. Tuy vậy, hạn chế là ban thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh qua một khâu trung gian là ban cán sự đảng, do vậy nhiều khi vai trò của ban cán sự chỉ là hợp thức hóa; mặt khác, những việc cần triển khai ngay thì khó thực hiện được kịp thời, dẫn đến trì trệ trong quá trình lãnh đạo, điều hành.

- Sự lãnh đạo của ban thường vụ tỉnh ủy đối với đảng đoàn mặt trận tổ quốc, ban cán sự đảng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, ban cán sự đảng tòa án nhân dân tỉnh cũng tương tự như vậy. 

Từ đó cần nghiên cứu kỹ và có cần thiết duy trì các tổ chức đảng này hay là lãnh đạo trực tiếp các tổ chức chuyên môn của đảng, đồng thờicó quy định cụ thể về trách nhiệm tập thể của các cơ quan đó. 

2) Về mô hình tổ chức đảng cấp huyện

- Đối với cấp huyện: Đảng bộ cơ quan ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cấp huyện do đồng chí phó chủ tịch ủy ban nhân dân hoặc phó chủ tịch hội đồng nhân dân làm bí thư đảng bộ. Trong khi đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch hội đồng nhân dân là thành viên thường trực cấp ủy. 

- Về mô hình đảng bộ khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: Do không có tổ chức chính quyền cùng cấp, nên việc lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy khối có những khó khăn, nhất là lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan cấp sở trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Vì vậy có cần tồn tại tổ chức đảng bộ khối không vì thực tế chỉ thực hiện công tác đảng vụ.

3) Về mô hình tổ chức chính quyền

Về mô hình cấp sở, ngành cũng có những tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành theo khối kinh tế tổng hợp, kinh tế kỹ thuật, văn hóa, xã hội…

4) Về mô hình tổ chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy: Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như: tuyên giao và dân vận; nội chính và kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ.

5) Về mô hình tổ chức của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: Có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ giữa các ban của mặt trận và các đoàn thể; ngoài ra, có bộ phận văn phòng riêng của mặt trận và từng đoàn thể, do vậy bộ máy hiện nay vẫn cồng kềnh, có thể thu gọn được.

Từ sự phân tích trên, việc đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII trong thời gian tới là tất yếu, cần thiết, khách quan đối với cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng; cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kiên trì, chắc chắn.

4. Kiến nghị, đề xuất 

(1) Về mô hình tổ chức Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ban cán sự đảng, đảng đoàn: Đánh giá, nghiên cứu mô hình tổ chức đảng đoàn, ban cán sự đảng và đảng bộ khối các cơ quan tỉnh. Theo đó, cần nghiên cứu sắp xếp lại theo hướng thành lập 02 đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc 02 khối. Đối với các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành lập 01 tổ chức đảng do đồng chí phó bí thư thường trực tỉnh ủy làm bí thư đảng bộ; đối với các cơ quan khối chính quyền do đồng chí chủ tịch hoặc đồng chí phó chủ tịch thường trực ủy ban nhân dân tỉnh làm bí thư đảng bộ.

(2)  Về mô hình hội đồng nhân dân các cấp: Tiếp tục xem xét, nghiên cứu để nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân cấp phường, xã, tránh hình thức. Nghiên cứu giảm số lượng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp giữ chức vụ để đảm bảo phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thỏi còi”. Nghiên cứu chỉ bố trí 01 đồng chí phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện.

(3) Về mô hình tổ chức của ủy ban nhân dân tỉnh: Nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo nhóm khối ngành: tài chính - kế hoạch, đầu tư; giao thông - xây dựng; giáo dục - y tế - văn hóa - lao động; tài nguyên - môi trường - du lịch; thông tin - khoa học, công nghệ… Đồng thời chuyển các chức năng dịch vụ của các sở, ngành hiện nay cho tư nhân thực hiện hoặc trung tâm phục vụ dịch vụ công.

(4) Về mô hình tổ chức các ban xây dựng Đảng cấp tỉnh: Nghiên cứu sáp nhập các ban có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như tuyên giáo và dân vận; kiểm tra và nội chính. 

(5) Đối với văn phòng cấp ủy: Hiện nay, đã triển khai thực hiện văn phòng phục vụ chung cấp ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy theo Quy định 04-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Tuy vậy, việc thực hiện chưa có sự thống nhất mô hình trong toàn quốc, có địa phương chưa thực hiện triệt để. Quá trình vận hành văn phòng phục vụ chung còn một số bất cập, nhất là về lĩnh vực tài chính. Cần đánh giá để có sự thống nhất trong mô hình chung.

(6) Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đều có mô hình tổ chức văn phòng, các ban có nhiệm vụ tương đồng. Nên chăng cần sắp xếp, sáp nhập nhằm thực hiện nhiệm vụ chung, giảm đầu mối, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động.

(7) Về mô hình tổ chức lực lượng vũ trang và đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng đối với lực lượng vũ trang: Nghiên cứu thành lập các đơn vị công an, quân đội, biên phòng theo mô hình quân khu, bao gồm nhiều tỉnh, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; đồng thời nghiên cứu mô hình bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh tham gia ban thường vụ đảng ủy công an, bộ đội biên phòng./. 

                                                              Lê Đình Sơn,
Ủy viên Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh

                        

 


 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết