Già hóa dân số đang trở thành vấn đề đáng quan tâm của xã hội khi điều này mở ra đa dạng cơ hội kinh doanh mới, song cũng tồn tại nhiều thách thức cần giải quyết.
Báo động thực trạng già hóa dân số tại Việt Nam
UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp quốc nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới.
Theo UNFPA, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già".
Tổng cục Thống kê cũng dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Đây sẽ là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2017. Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, kéo dài trong 28 năm (2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (2055-2069), tương ứng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 20% đến dưới 29,9%.
Đâu là cơ hội và thách thức của Việt Nam trong xã hội già hóa?
Trước mắt, nhiều cơ hội kinh doanh mới như sản phẩm và dịch vụ cho người già sẽ tăng lên đáng kể khi Việt Nam bước vào thời kỳ xã hội già hóa. Đặc biệt, với dân số nhiều người cao tuổi, nếu những giá trị về mặt kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, sản xuất... được tận dụng thời cơ và phát huy tối đa, chúng sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội của quốc gia.
Ở góc độ cá nhân, người cao tuổi sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế cho con cháu nếu họ vẫn tự chủ, độc lập được khía cạnh tài chính và còn khả năng tham gia vào lực lượng lao động ở cấp tư vấn, quản lý. Ngoài ra, quá trình này cũng sẽ giúp tăng thêm sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình.
Thế nhưng, thách thức ngày càng lớn nếu xét đến góc độ vĩ mô. Già hóa dân số đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi... Một thực tế cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi tăng lên đồng nghĩa với việc xã hội cần đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của họ.
Nhận định về vấn đề này, một số chuyên gia cho biết, thách thức của vấn đề dân số người cao tuổi bùng nổ là việc phát triển đào tạo bác sĩ lão khoa chưa kịp thời, các điều dưỡng, bác sĩ chuyên khoa lão khoa còn mỏng, thiếu kiến thức chuyên môn. Hiện nay, nhân lực chăm sóc người cao tuổi phần lớn phụ thuộc vào người nhà, những thành viên được xem là trụ cột kinh tế chính của gia đình.
Tốc độ già hóa dân số có xu hướng tăng mạnh cũng đồng thời rút ngắn thời kỳ dân số vàng, đòi hỏi Việt Nam có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách cho thanh niên, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền bình đẳng giới... Là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng nền kinh tế mặc dù đã tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ và giản đơn, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp.
Trong tương lai, tình trạng thiếu lao động là hoàn toàn có thể xảy ra khi tốc độ già hóa dân số vẫn không ngừng tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu về an sinh xã hội ngày càng cao, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi. Cụ thể, theo kết quả khảo sát “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” do Prudential Việt Nam phối hợp cùng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học thực hiện, có 85,55% đối tượng nghiên cứu hiện có việc làm và 9,84% đang thất nghiệp. Trung bình, cứ 8 nam giới thì mới có 1 nữ giới hoạt động kinh tế/ lao động kiếm thu nhập.
Sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi còn đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình. Cùng với đó, tình trạng này cũng dẫn đến nguy cơ suy giảm dân số khi số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm.
Thiếu sự chuẩn bị để "già hóa” thành công
Nhận định về sự chuẩn bị cho tuổi già độc lập của người Việt Nam, PGS.TS. Giang Thanh Long, đại diện nhóm nghiên cứu khảo sát cho biết: "Mức độ tự tin cũng như sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt còn chưa cao, đặc biệt về mặt tài chính. Nếu tính theo thang điểm 10 thì sự chuẩn bị của nhóm người khảo sát mới chỉ đạt 5,32 điểm, tức là ở mức trung bình thấp."
Cũng theo khảo sát "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" tiến hành trên 2.019 người từ 30 đến 44 tuổi tại Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, An Giang, TP Hồ Chí Minh trong tháng 9-10/2021 cho thấy, chỉ 28,4% người có lên kế hoạch để đạt được cuộc sống như mong muốn khi về già. Điều đó cho thấy, đứng trước những thách thức từ già hóa dân số ở tương lai gần, người Việt vẫn còn thiếu sự chuẩn bị kế hoạch cho bản thân.
Một số nước trên thế giới đã chịu hệ lụy của già hóa dân số khi chưa đồng bộ, chuẩn bị đầy đủ phương án như Trung Quốc, Nhật Bản...
Theo ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội, nhận thức của người dân về việc chuẩn bị cho tuổi già từ khi trẻ còn hạn chế. Đồng thời, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta cũng còn nhiều thách thức.
“Việc tìm hiểu các điều kiện kinh tế - xã hội và sức khỏe, sự chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi già của nhóm dân số sẽ trở thành người cao tuổi trong 20-30 năm nữa là rất cần thiết để góp phần cải thiện sự chuẩn bị về tài chính, sức khỏe thể chất, và tinh thần cho thế hệ sắp về hưu và người cao tuổi tại Việt Nam”, ông Bùi Tôn Hiến chia sẻ thêm.
Theo TTXVN