Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế: cơ hội để bứt phá, vươn lên

Ngày phát hành: 14/09/2022 Lượt xem 1314

Bluezone một trong những ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.

 

Đại dịch COVID-19 là thách thức lớn, nhưng cũng được nhận định là chất xúc tác đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực y tế. Các chuyên gia nhận định, công nghệ y tế (Medtech) sẽ là một trong 3 lĩnh vực bứt phá thu hút đầu tư trong thời gian tới tại Việt Nam, cùng với công nghệ giáo dục (Edtech) và truyền thông trực tuyến (Online media).

 

 Ngành tiên phong trongchuyển đổi số
    
Chuyển đổi số trong y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể, toàn diện, nhằm thay đổi cơ bản phương thức khám chữa bệnh từ trực tiếp sang trực tuyến, đồng thời thay đổi tích cực mọi hoạt động của ngành y tế, như cách thức lãnh đạo, quản lý, điều hành; các dịch vụ y tế; môi trường làm việc của đội ngũ cán bộ…


Với ưu thế về kết nối phân tích dữ liệu của hệ thống mạng internet và những ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data… chuyển đổi số trong y tế góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện, gia tăng tiện ích cho người dân, giúp đội ngũ y bác sĩ tiết kiệm thời gian đưa ra chẩn đoán, điều trị bệnh nhờ vào hệ thống dữ liệu, công nghệ hiện đại, kết nối thông suốt. Nền tảng hệ sinh thái y tế số cũng làm giảm rủi ro lây nhiễm, giúp cho bệnh viện, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế nâng cao hiệu quả hơn thông qua kênh đăng ký, tư vấn, đào tạo trên nền tảng trực tuyến.


Dựa trên mức độ ưu tiên của chính phủ, sự quan tâm của lãnh đạo ngành cũng như hiện trạng thực tế của y tế Việt Nam, các chuyên gia nhận định, y tế sẽ là một trong những ngành chuyển đổi số nhanh nhất so với những ngành khác.
Mục tiêu Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã xác định: y tế/chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu. Bộ Y tế cũng khẳng định chú trọng triển khai các sáng kiến để cung cấp một trải nghiệm hoàn toàn khác trong lĩnh vực y tế, thông qua đó mang lại các giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.


Để hỗ trợ cho việc CĐS, từ năm 2017, Bộ Y tế đã từng bước xây dựng và hình thành hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung, bảo đảm cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử... Tính đến giữa năm 2022, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 - mức cao nhất, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trên nền tảng số.


Sự dịch chuyển từ mô hình Bệnh viện truyền thống sang mô hình bệnh viện Internet, bệnh viện tại nhà, bệnh viện số được hầu hết các cơ sở y tế quan tâm, đặc biệt là bệnh viện tuyến Trung ương. 100% bệnh viện cả nước đã triển khai tin học hóa, số hóa dịch vụ quản lý bệnh viện và kết nối liên thông với hệ thống giám định của bảo hiểm xã hội. Các hệ thống phần mềm y tế cũng được triển khai nhằm đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ tích hợp dữ liệu, tạo tiền đề cho việc nâng cao khả năng tự động hóa; song song với đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử, khám chữa bệnh từ xa và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đã công khai ngân hàng dữ liệu ngành dược, thúc đẩy số hóa ngành dược để quản lý tốt hơn.


Ở tuyến y tế cơ sở, hầu hết các trạm y tế xã trên cả nước đã được trang bị máy vi tính. 94% trong tổng số 11.100 trạm đã được triển khai phần mềm quản lý 18 chương trình y tế. Tuy mức độ ứng dụng nhiều nơi chưa cao, nhưng đây là nền tảng để ngành y tiếp tục số hóa hoạt động quản lý đến cấp cơ sở.


Đối với công tác chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân với thông tin được cập nhật liên tục, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu cá nhân, đồng thời phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe đến mỗi người qua nền tảng này.

 

 Thách thức lớn từ nguồn dữ liệu khổng lồ
     Đánh giá về về hệ thống dữ liệu trong ngành y tế, Báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” đã nhận định nguồn dữ liệu lớn từ các bệnh viện, phòng khám rất đa dạng, bao gồm dữ liệu cá nhân, các thông số bệnh tật, ghi chú lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán, dữ liệu dịch tễ học và hành vi người bệnh... Đây đều là những dữ liệu quan trọng, cần thiết cho quá trình chuyển đổi số trong y tế. Tuy nhiên, hệ thống thông tin ở Việt Nam vẫn còn phân tán, tách rời và chưa tích hợp, không tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn kết nối nào đã gây khó khăn cho việc tích hợp và liên kết dữ liệu y tế. Hơn nữa, việc thiếu các tài liệu cụ thể về kỹ thuật liên quan đến các tiêu chuẩn mã hóa dữ liệu và trao đổi dữ liệu đã gây khó khăn cho các phương pháp kết nối hệ thống thông tin y tế.


Vì nhiều lý do, như vấn đề bảo mật thông tin, hồ sơ sức khỏe, cũng như việc sử dụng những giải pháp, phần mềm khác nhau, cũng khiến các bệnh viện, hệ thống công nghệ thông tin y tế chưa thể chia sẻ dữ liệu với nhau. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc xây dựng các mô hình, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo chiều ngang (giữa các cơ sở y tế các địa phương) và chiều dọc (cơ sở y tế với Bộ Y tế) để toàn bộ nguồn dữ liệu từ các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, trạm y tế, nhà thuốc, các cơ sở y tế tư nhân... có thể được xâu chuỗi và chuẩn hóa về một nguồn.


Trong lĩnh vực y tế rủi ro bảo mật rất lớn, dữ liệu bị phân mảnh dẫn đến khó xác định vị trí dữ liệu và ai có quyền truy cập. Do đó, các chuyên gia cũng kiến nghị cần có một cách tiếp cận thống nhất đối với dữ liệu chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, sự xuất hiện của dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông minh dẫn đến nhu cầu lớn về kỹ năng kỹ thuật số trong tất cả các ngành nghề y tế, vì vậy cần đầu tư bài bản vào nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ phù hợp, vốn đang rất thiếu hụt hiện nay.


Hệ sinh thái y tế số của Việt Nam còn rất non trẻ trên cả phương diện số lượng lẫn mức độ. Nhưng điểm thuận lợi lớn là người dân đã có sự tiếp nhận rất cởi mở với các xu hướng khám, chữa bệnh mới. Xu hướng này tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho y tế số, và đó là động lực cho quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành y tế Việt Nam./.

 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết