Theo đài Sputnik, New York đang chìm dần xuống nước với tốc độ vài milimet (mm) mỗi năm. Nguyên nhân bởi những tòa nhà chọc trời khổng lồ được xây dựng trên nền đất rung chuyển. Theo các nhà khoa học, sụt lún đe dọa 99 đô thị lớn khác, trong đó có cả một vài thành phố của Việt Nam.
Dưới sức nặng của chính nó
Sau khi phân tích dữ liệu từ phép đo độ cao của vệ tinh và quan sát trắc địa trên mặt đất trong vài năm qua, các nhà khoa học từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và Đại học Rhode Island đã đi đến kết luận bề mặt trái đất ở New York đang lún trung bình từ 1-2 mm mỗi năm. Kết quả mô hình hóa cho thấy nguyên nhân do đất nền sụt lún dưới sức nặng của những tòa nhà và chủ thể cơ sở hạ tầng.
Trước đây, các mô hình dự báo lũ lụt chỉ tính đến sự gia tăng mực nước biển toàn cầu, từ 3 đến 3,5 mm/năm. Bây giờ rõ ràng là sụt lún đất có thể là yếu tố quan trọng không kém.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán tổng trọng lượng của các cấu trúc ở New York là gần 770 triệu tấn. Mà đó là chưa tính đến đường bộ và đường sắt, vỉa hè, cầu và các chủ thể cơ sở hạ tầng khác. Sau đó, các tác giả chia thành phố thành các ô có diện tích 100 m x 100 m, tính toán áp lực của các tòa nhà trong mỗi ô và so sánh với loại đất. Hóa ra, ở một số khu vực nhất định, chẳng hạn như Hạ Manhattan, (Lower Manhattan, còn gọi là Downtown Manhattan hoặc Downtown New York City), Brooklyn và Queens, nơi các tòa nhà chọc trời đứng sừng sững dọc theo bờ biển và chủ yếu trên nền cát và đất sét, tốc độ sụt lún lên tới 6 mm/năm.
Chuyển dịch thầm lặng như vậy có thể tạo ra vấn đề nghiêm trọng cho siêu đô thị bậc nhất của Mỹ. Trước hết, từ dịch chuyển như vậy và đà xâm nhập của nước mặn vào đế nền, các tòa nhà chọc trời chỉ đơn giản là sụp đổ. Thứ hai, nguy cơ ngập lụt ngày càng cao. Phần lớn Hạ Manhattan chỉ cao hơn mực nước biển 1 m hoặc 2 m. Những cơn bão năm 2012 (Sandy) và 2021 (Ida) đã cho thấy rằng khu vực này có thể nhanh chóng chìm hoàn toàn trong nước như thế nào.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những biện pháp thông thường được đề xuất để bảo vệ khỏi lũ lụt tiềm năng (xây dựng kè ven biển, hệ thống thoát nước và bơm nước ngầm), trong trường hợp này, sẽ chỉ làm vấn đề trầm trọng thêm lên. Có thể đạt hiệu quả ở những nơi các tòa nhà nằm trên nền cứng, còn phần nổi cao của New York là cực bắc, ở Bronx và Thượng Manhattan (Upper Manhattan). Bộ phận cơ bản của thành phố về mặt địa chất là phức hợp các trầm tích ven biển, hồ và băng lỏng - cát, đất sét, phù sa và trầm tích sông băng. Về nguyên tắc, loại nền này không phù hợp cho việc xây dựng những công trình đồ sộ.
Thông cáo báo chí dẫn nhận định của chu
yên gia Tom Parsons lãnh đạo nhóm nghiên cứu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS): “Mỗi tòa nhà chọc trời mới được dựng lên ven bờ biển đều làm tăng nguy cơ sụt lún và lũ lụt trong tương lai…Chúng ta cần đặt ra câu hỏi cho mình thường xuyên hơn về hậu quả của lối xây dựng như vậy”.
Tứ bề đều là nước
Tình huống tương tự là điển hình đối với nhiều siêu đô thị khác. Ví dụ, như kết quả một nghiên cứu khác của nhóm Tom Parsons đã chỉ ra, ở San Francisco, độ nén chặt của các loại đất nền gốc lỏng lẻo, tơi xốp đã vắt kiệt nước ngầm và tổng thể bề mặt hạ thấp khoảng 80 mm.
Các nhà khoa học từ Đại học Rhode Island đã phân tích dữ liệu vệ tinh đo độ cao của 99 thành phố ven biển lớn trên thế giới trong giai đoạn 2015-2020. Kết quả cho thấy hầu hết đang chìm nhanh hơn mức nước biển dâng, nghĩa là cư dân sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt sớm hơn dự đoán từ các mô hình hóa khí hậu.
Dẫn đầu về tốc độ chìm là Thiên Tân của Trung Quốc (40 mm/năm), Chittagong ở Bangladesh và thủ đô Manila của Philippines (20 mm/năm), cũng như Karachi của Pakistan (10 mm/năm). Tổng dân số của bốn thành phố này là 59 triệu người. Các đô thị lớn khác như Istanbul, Lagos, Đài Bắc và Mumbai đang chìm hơn 2 milimét mỗi năm.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), vì những vấn đề cục bộ và mực nước biển dâng nói chung trong tương quan nóng lên toàn cầu, ít nhất 9 thành phố lớn có thể chìm trong nước một phần vào năm 2030. Đó là Jakarta ở Indonesia, Kolkata (Ấn Độ), TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam), Lagos (Nigeria), New Orleans (Mỹ), Rio de Janeiro (Brazil), Osaka (Nhật Bản), Venice (Italy) và Rotterdam (Hà Lan). Bây giờ có cả New York ở Mỹ đã thêm vào danh sách.
Tình hình tồi tệ nhất là với Jakarta, thủ đô của Indonesia. Trong thành phố với 11 triệu dân không có nguồn cấp nước trung tâm, cư dân tự đào và khoan giếng để bơm lấy nước sinh hoạt. Kết quả là trong đất nền hình thành những khoảng trống và rãnh khoét sâu. Ở một số khu vực, bề mặt trái đất đang lún xuống với tốc độ lên tới 11 cm mỗi năm. Hiện đã dừng việc bơm nước tràn lan tự phát nhưng nền đất vẫn sụt lún. Nếu tình trạng này tiếp diễn, đến năm 2050, 1/4 lãnh thổ Jakarta có thể chìm dưới nước. Chính phủ đang xây dựng rào ngăn ven biển dọc phía Bắc thành phố, đồng thời cũng đang nghiêm túc thảo luận dự án di dời thủ đô ra đảo lớn Kalimantan.
Việc khai thác các tầng chứa nước ngầm một cách tràn lan quá mức cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây sụt lún ở những đô thị khác. Tại Thiên Tân, phần phía Đông-Bắc của thành phố đang chìm xuống với tốc độ kỷ lục, nơi bố trí nhiều doanh nghiệp sử dụng nước ngầm. Cũng có tình cảnh tương tự ở Semarang của Indonesia và Tampa của Mỹ.
Sức phá hoại của trào lưu đô thị hóa
Theo truyền thống, các thành phố lớn thường được xây dựng ven bờ sông bờ biển. Bây giờ, nhiều đô thị đã quá đông dân, kể cả ở những nước đang phát triển, nơi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt. 37% cư dân của hành tinh hiện đang sống trong phạm vi cách bờ biển 100 km. Nhưng khu vực này đặc biệt dễ bị tổn thương do nước biển dâng và xói mòn, đồng thời đất nền tơi xốp ở đây thường không phù hợp để xây dựng các tòa nhà cao tầng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất của Việt Nam, tốc độ tăng số dân cũng vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Nguồn cấp nước trung tâm không đủ thời gian để kịp đưa đến những tòa nhà mới, người dân sử dụng giếng bơm tư nhân của riêng họ. Tình trạng xây dựng vô tổ chức đã phá hủy hầu hết các dòng kênh tự nhiên, cũng như những hòn đảo tự nhiên trong thành phố và đất nền ngừng ngậm nước. Vì điều này, những tòa nhà mới bị nghiêng, có nguy cơ sụp đổ.
Trong 20 năm qua, mực nước sông Sài Gòn và sông Cửu Long chảy qua TP. Hồ Chí Minh đã tăng 80 mm. Đồng thời, hầu như một nửa đô thị tọa lạc ở độ cao dưới 1 m so với mực nước biển. Dân chuyển nhà lên móng cọc, còn chính quyền lo nâng mặt đường. Vấn đề tương tự cũng phát sinh ở thành phố lớn thứ hai của đất nước là thủ đô Hà Nội.
Các nhà khoa học đề nghị công bố nguy cơ lũ lụt ở các đô thị lớn ven biển là mối đe dọa toàn cầu, gia tăng hàng năm khi quá trình đô thị hóa tiếp diễn song hành với sự nóng lên trên toàn hành tinh. Theo tính toán của giới chuyên gia, đến năm 2040, 12 triệu km2 đất, nơi sinh sống của 19% dân số thế giới, sẽ nằm dưới mực nước biển. Điều này cũng sẽ giáng đòn nặng vào nền kinh tế toàn cầu, bởi những vùng lãnh thổ này chiếm tới 21% tổng sản phẩm kinh tế quốc dân của thế giới./.
Theo TTXVN