Người Do Thái tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực, phá hoại và lời lẽ hận thù nhắm vào các cộng đồng Do Thái ở mức cao kỷ lục, lần đầu tiên chính quyền liên bang Mỹ đã xây dựng một chiến lược chung để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.
Chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng ở Mỹ
Nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực, phá hoại và lời lẽ hận thù nhắm vào các cộng đồng Do Thái ở mức cao kỷ lục trong đó có hàng loạt cuộc tấn công quy mô lớn vào các giáo đường Do Thái và các cơ sở kinh doanh của người Do Thái, sự lan truyền của thuyết âm mưu bài Do Thái và hành vi phá hoại liên quan đến chữ Thập ngoặc - biểu tượng của chủ nghĩa phát xít. Chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng đã tác động đáng lo ngại đối với người Do Thái ở xã hội Mỹ, làm tăng thêm lo ngại về sự trỗi dậy của những phần tử cực đoan và những đối tượng theo chủ nghĩa phát xít mới trên khắp nước Mỹ.
Hồi tháng 1/2022, một người Pakistan gốc Anh đã bắt giữ 4 người làm con tin tại một đền thờ Do Thái ở Colleyville, Texas, đòi trả tự do cho 1 đối tượng ủng hộ al-Qaeda bị giam giữ. Sau đó, các con tin đã được giải thoát, trong khi kẻ bắt cóc đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắn chết.
Khẩu hiệu bài Do Thái cũng xuất hiện ở trường học Mỹ. Ngày 17/12/2022, bảng hiệu trường Trung học Walt Whitman (Maryland, Mỹ) đã xuất hiện dòng chữ mang nội dung bài trừ Do Thái, gây ra nhiều phẫn nộ. Dòng chữ graffiti được phun sơn trên bảng hiệu ngoài cổng, mang nội dung “Người Do Thái không được chào đón". Trước đó, vào tháng 11, trên một con đường giải trí ở Maryland cũng xuất hiện những hình ảnh này.
Còn theo cuộc khảo sát về chủ nghĩa bài Do Thái hàng năm của Ủy ban Do Thái Mỹ (AJC), số người Do Thái nói rằng họ cảm thấy không an toàn ở Mỹ đã tăng 10% trong một năm qua. Cuộc khảo sát của AJC được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12/2022 trên 1.507 người Do Thái trưởng thành.
Một cuộc khảo sát song song vào tháng 10/2022 đã thăm dò ý kiến của 1.004 người trưởng thành không phải là người Do Thái ở Mỹ. Kết quả cho thấy, 69% người Do Thái ở Mỹ đã trải qua chủ nghĩa bài Do Thái trực tuyến trong 12 tháng qua. Trong khi 14% người Do Thái lớn tuổi cho biết, điều này khiến họ không an toàn về thể chất, con số này đã tăng lên 26% ở những người Do Thái trẻ tuổi.
Không người Do Thái nào ở Mỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ, cảm thấy an toàn khi thể hiện bản sắc Do Thái của mình. Gần 40% tổng số người Do Thái chia sẻ, họ đã thay đổi hành vi ít nhất một lần do lo ngại chủ nghĩa bài Do Thái. Trong số đó, 27% cho biết họ tránh đăng nội dung trực tuyến có thể xác định họ là người Do Thái, 23% tránh đeo hoặc trưng bày các vật phẩm có thể nhận dạng họ và 16% tránh "một số địa điểm, sự kiện hoặc tình huống" do lo ngại về an toàn.
Cứ 4 người thì có một người cho biết, họ bị chủ nghĩa bài Do Thái "nhắm mục tiêu cá nhân", một con số không đổi kể từ năm 2019, năm được coi là liên tiếp xảy ra các vụ tấn công nghiêm trọng vào người Do Thái tại Mỹ, bao gồm: vụ xả súng vào một giáo đường ở California hồi tháng 4, một vụ nổ súng khác tại một cửa hàng tạp hóa bán đồ dành cho người Do Thái tại New Jersey hồi tháng 12 và một vụ tấn công bằng dao tại nhà của một giáo sỹ Do Thái ở New York cũng trong tháng 12.
Hoạt động bài Do Thái trong năm 2020 còn tồi tệ hơn nữa do dịch COVID-19 bùng phát đã khiến tình trạng thất nghiệp tăng vọt. Một số phần tử cực đoan đã lợi dụng dịch bệnh như một cái cớ để thúc đẩy sự thù hận và các cuộc biểu tình chống phong tỏa trên khắp cả nước. Trong năm này, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 3.697 hành vi quấy rối, phá hoại và hành hung nhằm vào người Do Thái - tăng 36% so với năm trước đó và là mức cao kỷ lục kể từ khi tổ chức này bắt đầu công bố số liệu vào năm 1979.
Trước tình trạng bài người Do Thái ngày một gia tăng tại Mỹ, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc kêu gọi Chính phủ Mỹ cần tăng cường các nỗ lực để bảo vệ người dân, tránh khỏi sự kích động thù hận và bạo lực. Ủy ban Do Thái Mỹ cũng kêu gọi Nhà Trắng làm nhiều hơn nữa để chống lại "tình trạng căm ghét người Do Thái".
Chiến lược quốc gia chống chủ nghĩa bài Do Thái
Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng bài Do Thái gia tăng ở Mỹ, tháng 12/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thành lập một lực lượng đặc trách để điều phối các nỗ lực chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và các hình thức cố chấp tôn giáo khác. Nhiệm vụ đầu tiên của nhóm là tạo ra một chiến lược quốc gia để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.
Vào ngày 25/5, Nhà Trắng đã lần đầu tiên công bố chiến lược quốc gia chống chủ nghĩa bài Do Thái.
Chiến lược chung kêu gọi hành động của Quốc hội, tăng cường giám sát bằng các nền tảng công nghệ và cải thiện về giáo dục cho người dân. Cụ thể, chiến lược mới công bố bao gồm 4 trụ cột: nâng cao nhận thức và hiểu biết về chủ nghĩa bài Do Thái; cải thiện an toàn và an ninh trong các cộng đồng người Do Thái; đảo ngược quá trình bình thường hóa chủ nghĩa bài Do Thái và chống phân biệt bài Do Thái; xây dựng tình đoàn kết giữa các cộng đồng.
Liz Sherwood-Randall, Cố vấn về an ninh nội địa của Nhà Trắng, cho biết chiến lược kêu gọi các công ty công nghệ thiết lập chính sách không khoan nhượng đối với các ngôn từ kích động thù địch trên nền tảng của mình và đảm bảo các thuật toán không lan truyền ngôn ngữ bài Do Thái. Trong khi đó, theo bà Susan Rice, Cố vấn chính sách đối nội sắp mãn nhiệm của Nhà Trắng, các cơ quan liên bang sẽ kết hợp tài liệu về cách giải quyết chủ nghĩa bài Do Thái trong các chương trình đào tạo đa dạng, công bằng, hòa nhập và khả năng tiếp cận trong tương lai.
Phát biểu khi công bố chiến lược trên trong một sự kiện được tổ chức trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ: “Chiến lược phát đi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ: Ở Mỹ, cái ác sẽ không chiến thắng. Hận thù sẽ không chiến thắng. Nọc độc của chủ nghĩa bài Do Thái sẽ không thể là câu chuyện của thời đại chúng ta”.
Chiến lược quốc gia chống chủ nghĩa bài Do Thái không chỉ là nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm chấm dứt nạn bài Do Thái trong xã hội mà còn thúc đẩy lòng khoan dung tôn giáo trong mỗi con người./.
Thanh Lâm (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN]