Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Facebook và những thách thức đang phải đối mặt

Ngày phát hành: 12/02/2022 Lượt xem 2668

 

Trong tuần qua, cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, đã giảm mạnh. Lần đầu tiên người dùng Facebook trên toàn cầu cũng đã giảm so với quý trước đó. Đây chỉ là một trong rất nhiều vấn đề khác mà Facebook đang phải đối mặt, phản ánh tín hiệu phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào Facebook đã giảm sút.

 Facebook liên tục gặp rắc rối
Là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, Facebook từ khi chính thức ra mắt vào năm 2003, đi vào hoạt động từ ngày 2/4/2004 dưới sự lãnh đạo của ông chủ Mark Zuckerberg, đã và đang thực hiện sứ mệnh cung cấp internet cho hàng tỷ người dùng trên thế giới. Sau 18 năm liên tục phát triển, Facebook đã trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh, nhưng song song với đó, những rắc rối mà công ty này vướng phải không ít. 
Trong vài năm qua, mạng xã hội Facebook liên tục chịu áp lực của nhiều quốc gia về cách thức công ty này xử lý dữ liệu cá nhân người dùng, cũng như cáo buộc gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu. Thậm chí, Chủ tịch và kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã từng phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện EU để giải trình về các hoạt động thu thập dữ liệu của công ty vào năm 2018.
Facebook lâu nay cũng hứng chịu nhiều chỉ trích vì cách xử lý yếu kém trước các thông tin giả và phát ngôn thù địch tràn lan trên mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất hành tinh này. Năm 2020, Facebook đối mặt với một làn sóng của gần 200 thương hiệu trên toàn cầu, kêu gọi tẩy chay quảng cáo trên Facebook. Chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook này mang tên "Stop Hate For Profit" (tạm dịch là "Ngừng các phát ngôn thù địch vì lợi nhuận") do tổ chức Free Press và Common Sense, cùng một số nhóm bảo vệ các quyền dân sự ở Mỹ, trong đó có Color of Change và Liên đoàn Chống phỉ báng, khởi xướng từ đầu tháng 6/2020, sau đó đã thu hút được sự ủng hộ của ngày càng nhiều của các công ty lớn.
Không chỉ trên Facebook, chiến dịch tẩy chay còn mở rộng tầm ảnh hưởng sang những nền tảng quảng cáo trực tuyến khác như Twitter, Youtube và Snap… Các nền tảng công nghệ này liên tục được "đặt trong tầm ngắm" khi nhiều nước siết chặt biện pháp quản lý. Nhiều nước như Australia, Canada, Nga… đã soạn thảo, thúc đẩy các  điều luật nhằm buộc Facebook phải trả phí bản quyền báo chí khi hiển thị nội dung tin tức trên nền tảng của họ.
Tiếp đó, năm 2021, Facebook tiếp tục gặp các sự cố về tạm ngừng hoạt động trên diện rộng trong gần 6 giờ đồng hồ (vào ngày 4/10), ảnh hưởng tới 3,5 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Sự cố sập mạng này ngay lập tức đã khiến giá cổ phiếu của Facebook sụt giảm 4,9%. Đây là mức giảm trong ngày lớn nhất của giá cổ phiếu Facebook kể từ tháng 11/2020. Diễn biến này khiến tài sản của ông Mark Zuckerberg, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook, giảm hơn 6 tỉ USD, còn 121,6 tỉ USD, qua đó rớt một bậc xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới theo chỉ số tỉ phú của Bloomberg.
Cũng trong năm 2021, Facebook còn đối mặt với làn sóng chỉ trích liên quan đến vụ rò rỉ hàng ngàn trang tài liệu nghiên cứu nội bộ do bà Frances Haugen, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, cung cấp. Bà Frances Haugen, 38 tuổi, đến từ bang Iowa (Mỹ), là một nhà khoa học dữ liệu với bằng kỹ sư máy tính. Bà cũng có bằng thạc sĩ kinh doanh của Đại học Harvard. Trước khi được Facebook tuyển dụng, bà từng làm việc cho Google và Pinterest. Frances Haugen trở thành Giám đốc sản phẩm của Facebook năm 2019, song đã rời tập đoàn công nghệ này vào tháng 5/2021. Trong phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ ngày 4/10/2021, bà Frances Haugen đã đưa ra nhiều cáo buộc nghiêm trọng đối với mạng xã hội có nhiều người dùng hàng đầu thế giới này, rằng Facebook đã biết các thông tin thù địch, bạo lực và sai lệch được đăng tải trên các nền tảng của họ, song vẫn che giấu việc này. Dù nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã phản đối gay gắt trước những cáo buộc trên và cho rằng đây là thông tin sai lệch về mục tiêu của Facebook, song những sự kiện này đã phần nào khiến Facebook đối mặt với hàng loạt bê bối.

 Ngày càng mất dần niềm tin với người dùng
Bước sang năm 2022, Facebook tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển. Đó là việc số lương người dùng ngày càng giảm. Trong báo cáo thu nhập công bố ngày 2/2/2022,  công ty Meta-công ty mẹ của các nền tảng Facebook, Instagram và WhatsApp-cho biết  đã mất khoảng 500.000 người dùng hàng ngày trong 3 tháng cuối năm 2021, lần đầu tiên mạng xã hội này mất đi nhiều khách hàng như vậy, trong đó Mỹ và Canada là 2 khu vực có lượng người dùng hàng ngày giảm nhiều nhất.
Có thể thấy, lớp người trẻ đang dần rời bỏ Facebook. Như tại Mỹ, việc sử dụng Facebook của thanh thiếu niên đã giảm trong nhiều năm và dự kiến việc sử dụng hàng ngày của nhóm đối tượng này sẽ giảm 45% vào năm tới. Mức độ quan tâm dành cho Facebook cũng đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ phát triển nhanh hơn như TikTok, Snapchat. Tiktok với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc hiện đã cán mốc 1 tỷ người dùng mỗi tháng. Trong khi đó, doanh thu từ quảng cáo của Facebook cũng thấp hơn mong đợi.
Những điều này khiến cổ phiếu của hãng ngay lập tức "bay hơi" 20% giá trị trong phiên giao dịch ngày 3/2 vốn hóa cũng bốc hơi hơn 200 tỷ USD, trở thành ngày tồi tệ nhất của công ty trong 10 năm qua trên thị trường chứng khoán. Sự kiện này cũng đã khiến tỷ phú Mark Zuckerberg chính thức rời khỏi top 10 người giàu nhất thế giới - cũng là lần đầu tiên kể từ mùa hè năm 2015, Zuckerberg không nằm trong danh sách này. Hiện giá trị tài sản ròng của tỷ phú Zuckerberg còn 84,3 tỷ USD.
Theo lý giải từ NBC, có nhiều lý do khiến người dùng Facebook sụt giảm, trong đó có việc Facebook ngày càng có nhiều đối thủ hơn. Người trẻ bỏ Facebook sang các nền tảng đối thủ của hãng. Facebook từng có thế mạnh về kết nối bạn bè, người thân, nhưng các trang khác giờ cũng đã làm được như vậy. Chưa kể, bản thân Facebook mắc những sai lầm về bảo vệ dữ liệu người dùng, phát tán tin sai, tin gây thù hận.
Facebook cũng đối mặt với chính đối thủ không ngờ là Apple. Gần đây, Apple đã tăng tính năng riêng tư cho điện thoại iPhone, vì vậy các quảng cáo từ Facebook đã bị chặn. Thiệt hại từ việc này có thể lên tới 10 tỷ USD trong năm nay.
Ngoài ra, hiện Công ty mẹ Meta còn đang vướng vào rắc rối khi có thể phải chấm dứt hoạt động của mạng xã hội Facebook và Instagram tại Liên minh châu Âu (EU) do các vướng mắc về quy định về bảo vệ dữ liệu, khiến cơ hội kinh doanh của Meta bị thu hẹp. Quy định trong luật bảo vệ dữ liệu của EU ngăn Meta lấy thông tin từ người dùng gửi về máy chủ tại Mỹ. Quy định này gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của Meta bởi dữ liệu người dùng là mấu chốt để nền tảng vận hành và quảng cáo mục tiêu chính xác.
Có thể thấy, hàng loạt những thách thức hiện tại của Facebook, một lần nữa lại đặt ra bài toán với các công ty công nghệ cần làm hiện nay, đó là phải có những thay đổi cần thiết để bài trừ các hành vi, nội dung xấu trên nền tảng trực tuyến của mình, đồng thời phải có trách nhiệm giải trình và đưa ra sự minh bạch hơn. Có như thế mới có thể lấy lại được niềm tin của người dùng./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết