Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Trung Quốc nỗ lực tìm cách tái sinh nông thôn

Ngày phát hành: 16/02/2022 Lượt xem 3700

Công nghệ số, chìa khóa thay đổi diện mạo nông thôn Trung Quốc.

Trong ảnh: Camera theo dõi tăng trưởng của cây chè tại một trang trại thông minh ở thành phố Phúc An. (Ảnh: Xinhua)


Theo tạp chí Diplomat, tái sinh nông thôn là một cấu phần quan trọng trong Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu bao trùm của quá trình tái sinh nông thôn là đưa Trung Quốc, một quốc gia chủ yếu vẫn là nông nghiệp truyền thống, trở thành “một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hài hòa” vào năm 2049.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên phát biểu vào năm 2017 về “thực hiện chiến lược phục hồi nông thôn” và thúc đẩy phát triển mô hình nông thôn - đô thị tổng hợp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19. Kể từ đó, chiến lược này đã xuất hiện như một trọng tâm quan trọng trong nhiều chính sách và kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ban hành Kế hoạch chiến lược tái sinh các khu vực nông thôn giai đoạn 2018-2022.                 

Chiến lược tái sinh nông thôn cũng là một trọng tâm đáng chú ý tại Hội nghị công tác nông thôn trung ương vào tháng 12/2021. Các hội nghị này đã đề ra các kế hoạch và nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn liên quan đến “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) cho năm tới. Hội nghị năm ngoái, do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì và thu hút sự tham gia của các quan chức phụ trách nông nghiệp và nông thôn trên toàn quốc, cũng nêu bật sự cần thiết của việc khuyến khích tái sinh nông thôn. Trung Quốc chuyển trọng tâm từ công việc nông thôn sang tái sinh tổng thể nông thôn để mang lại lợi ích cho cả môi trường và người dân. Ví dụ, các kế hoạch này bao gồm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của nông thôn cũng như khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp ở các vùng nông thôn.

Đồng thời, chiến lược tái sinh nông thôn cũng nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông thôn, bao gồm cả việc tạo ra một nền kinh tế nông thôn vững mạnh. Đáng chú ý, tại Hội nghị công tác nông thôn trung ương vào cuối năm 2020, ông Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm “phục hưng dân tộc và tái sinh vùng nông thôn”. Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi  Đảng Cộng sản Trung Quốc và xã hội Trung Quốc thúc đẩy quá trình tái sinh nông thôn. Chiến lược tái sinh nông thôn bao gồm những cấu phần chính như sau:

Phát triển nông thôn

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. Trong một bài viết trên tạp chí Qiushi tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn của Trung Quốc Đường Nhân Kiện đã đưa ra các mục tiêu chính của chiến lược tái sinh nông thôn. Ông Đường Nhân Kiện cho rằng để thúc đẩy sự thịnh vượng của cả khu vực nông thôn và các cư dân, những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ cần áp dụng các phương thức canh tác hiện đại. Ông Đường cũng nói rằng hệ thống quyền sở hữu ở nông thôn và phân bổ các yếu tố sản xuất dựa trên cơ sở thị trường phải được cải thiện, giúp tăng sản lượng ở nông thôn.

Việc tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn và sản xuất nông nghiệp cũng tuân theo nhiều chính sách và luật liên quan đến việc tái sinh nông thôn. Ví dụ, tháng 4/2021, “Luật thúc đẩy tái sinh nông thôn” đã được thông qua để đẩy nhanh sự phát triển của các khu vực nông thôn đồng thời duy trì các biện pháp bảo vệ môi trường. Đạo luật này cũng khuyến khích an ninh lương thực bằng cách cấm sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp; đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực tạo ra các thương hiệu nông sản, cải thiện các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của quốc gia và thực hiện các chương trình đào tạo nghề.

Bảo vệ đất trồng

Môi trường ở Trung Quốc đã bị suy thoái nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây do hệ thống lương thực và sản xuất lương thực tăng lên. Việc tăng sản lượng lương thực là cần thiết để nuôi dân số Trung Quốc, hiện là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các hệ thống lương thực đã gây ra những rủi ro nghiêm trọng trên khắp thế giới do tác động của chúng đối với biến đổi khí hậu, sử dụng nước ngọt, ô nhiễm nitơ và phốt pho, thay đổi sử dụng đất và mất đa dạng sinh học. Đây cũng là trường hợp của Trung Quốc.

Là một phần trong nỗ lực giảm thiểu những tác động này trong quá trình tái sinh nông thôn, “Luật thúc đẩy tái sinh nông thôn” tìm cách cải thiện các điều kiện môi trường. Ví dụ, luật yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp để cải tạo môi trường bị hủy hoại, giảm việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, và xử lý đầy đủ nước thải và rác thải. Ngoài ra, Trung Quốc còn thúc đẩy chuyển đổi đất bạc màu thành đất canh tác mà vẫn bảo vệ môi trường sinh thái.

Để khuyến khích hơn nữa sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ tái sinh nông thôn, Bắc Kinh cũng đã thiết lập Kế hoạch quốc gia xây dựng đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao (2021-2030) để tăng diện tích đất canh tác và năng suất cây trồng trên một mẫu Anh (tương đương 4.046,86 m2). Kế hoạch này nhằm đạt mục tiêu quốc gia là 71,75 triệu ha “đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao” vào năm 2025 và sau đó đạt 80 triệu ha vào năm 2030.

An ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp


Nỗ lực tái sinh nông thôn diễn ra vào thời điểm sản xuất lương thực nội địa ở Trung Quốc không có khả năng đáp ứng lối sống và thói quen tiêu dùng hiện tại. Trong bối cảnh gián đoạn thương mại lương thực toàn cầu, thiên tai, thâm hụt sản xuất và tác động của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng, Bắc Kinh phải suy nghĩ lại cách tiếp cận đối với an ninh lương thực.

Ngay cả khi nhu cầu lương thực tăng lên, Trung Quốc đang chứng kiến tình trạng chất lượng và số lượng đất canh tác giảm do đô thị hóa, thâm canh… Nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các khu vực nông thôn ở Trung Quốc chỉ có 0,21 mẫu đất canh tác/người, do đó, Trung Quốc cần có năng suất nông nghiệp cao hơn do phần diện tích đất canh tác sẵn có ít hơn. Đồng thời, nguồn nước của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng đáng kể do các vấn đề về chất lượng, số lượng và phân phối trên toàn quốc. Những vấn đề này càng thêm phức tạp bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, thay đổi nhân khẩu học và lực lượng lao động nông thôn nhỏ hơn.

Để vượt qua những thách thức gây ra bởi các vấn đề lương thực, nước uống, lao động, mất an ninh năng lượng và những quan ngại khác, Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng chiến lược tái sinh nông thôn cùng với các mục tiêu khác để khuyến khích sản xuất nông nghiệp giúp nuôi sống quốc gia. Ví dụ, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách và kế hoạch khác nhau, bao gồm luật an ninh ngũ cốc mới, mục tiêu sản xuất ngũ cốc hàng năm và mục tiêu diện tích trồng trọt.

Xóa đói giảm nghèo


Xóa đói giảm nghèo là một trong những sáng kiến quốc gia quan trọng của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Là một quốc gia chủ yếu là nông nghiệp với lịch sử lâu đời, các vùng nông thôn của Trung Quốc được coi là xương sống của sự phát triển chung của đất nước.

Năm 1949, hầu hết mọi người sống dưới mức nghèo khổ. Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới và mở cửa, các chính sách và khuôn khổ đã được thực hiện nhằm khuyến khích quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, đưa hơn 700 triệu cư dân nông thôn thoát khỏi đói nghèo.

Trong 8 năm qua, Trung Quốc đã đưa 98,99 triệu cư dân nông thôn nghèo khổ cuối cùng thoát khỏi cảnh đói nghèo và xóa bỏ tất cả 832 quận và 128.000 ngôi làng khỏi danh sách nghèo đói. Tháng 2/2021, ông Tập tuyên bố “hoàn toàn thắng lợi” trong việc xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực ở Trung Quốc, gọi chiến dịch xóa đói giảm nghèo là “phép màu cho nhân loại”.

Tại Hội nghị công tác nông thôn vào tháng 12/2021, ông Tập nhấn mạnh rằng tiền đề của quá trình tái sinh nông thôn là củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng việc làm cho những người thoát nghèo. Tháng 1/2022, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ cố gắng trong năm nay để đảm bảo việc làm cho ít nhất 30 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Nhờ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo trên toàn quốc và thúc đẩy tái sinh nông thôn, thu nhập ròng trung bình của những người thoát nghèo đã tăng lên. Ước tính từ dữ liệu chính thức cho thấy thu nhập ròng trung bình của những người này có thể đạt 12.500 NDT (khoảng 1.968 USD) vào năm 2021, tăng hơn 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáp ứng các nhu cầu cơ bản


Một khía cạnh quan trọng khác của nỗ lực tái sinh nông thôn là đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cư dân nông thôn cùng với những cải thiện đời sống của họ. Ví dụ, vào năm 2021, “Tài liệu số 1” đã đề cập đến các chính sách dài hạn nhằm cải thiện cuộc sống và phúc lợi của cư dân nông thôn. Các chính sách này bao gồm việc đảm bảo thu nhập của nông dân và cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công thiết yếu ở các vùng nông thôn.

Tiếp đó, đến tháng 1/2022, Bộ trưởng Đường Nhân Kiện tuyên bố rằng sẽ tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng ở các vùng nông thôn và các điều kiện vệ sinh để thúc đẩy sự tái sinh nông thôn.

Tuy nhiên, quá trình tái sinh nông thôn cũng có những thách thức. Làm thế nào để Chính phủ Trung Quốc có thể triển khai và thực thi các chiến lược tái sinh nông thôn ở tất cả các cấp? Cần phải có những môi trường và cơ chế pháp lý nào để đảm bảo sự thành công của chiến lược tái sinh nông thôn? Động lực thúc đẩy quá trình tái sinh nông thôn bền vững như thế nào? Cần bao nhiêu năng lượng và nước để thực hiện tái sinh nông thôn? Các nhu cầu cạnh tranh trong nước giữa thành thị, công nghiệp và nông nghiệp có ảnh hưởng đến sự thành công của chiến lược không? 

Tuy nhiên, có thể tránh hoặc giảm thiểu những quan ngại tiềm ẩn đó bằng các phát triển công nghệ. Cụ thể là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong canh tác để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trồng cây biến đổi gen để có năng suất cao hơn, tạo ra các loại thịt nuôi để đáp ứng nhu cầu trong nước và sử dụng các nguồn cung cấp nước thay thế để tránh những lo ngại về mất an ninh nguồn nước./.

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết