Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Yếu tố nào thúc đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu?

Ngày phát hành: 17/10/2021 Lượt xem 1551

Châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh mùa Đông tới gần và nhu

cầu sử dụng tăng vọt. (Nguồn: List 23)


Ở châu Âu hay Vương quốc Anh, chi phí khí đốt để sưởi ấm trong tháng Mười này ước tính tăng ít nhất 5 lần so với cách đây một năm. Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như động đất ở Hà Lan, nỗ lực làm sạch không khí của Trung Quốc và chính sách ngoại giao của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 Khủng hoảng năng lượng cận kề


Tại nhiều quốc gia châu Âu, giá khí đốt đã tăng nhanh và hiện ở mức cao gấp nhiều lần so với thời điểm này năm trước. Tình trạng đó đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân các nước, nhất là trong bối cảnh một mùa Đông được dự báo là khắc nghiệt đang đến gần.

Các tác động là rất rõ ràng. Mức giá khí đốt cao kỷ lục ở châu Âu và sự thiếu hụt nguồn cung trên khắp châu lục đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng nếu thời tiết chỉ cần lạnh hơn một chút so với bình thường. Các hộ gia đình đang phải đối mặt với hóa đơn cao hơn, trong khi một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng bắt đầu sản xuất chậm lại. Tình trạng này làm giảm sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Một số người trong ngành công nghiệp khí đốt tin rằng giá tăng là một hiện tượng tạm thời, mà nguyên nhân là sự bất ổn kinh tế do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng thực trạng này đã nêu bật sự yếu kém về cơ cấu ở một lục địa đã trở nên quá phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu.

 

Các bồn chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại một nhà ga ở Đông Nam nước Anh. (Nguồn: CNN)


Chuyên gia Tom Marzec-Manser từ công ty tư vấn ICIS cho biết, châu Âu về cơ bản có hai lựa chọn nguồn cung khí đốt, một là Nga và hai là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu. Cả hai nguồn đó đều không hoạt động như châu Âu hy vọng trong cuộc khủng hoảng này.

Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, như điện gió và năng lượng Mặt Trời, đã có tác động thúc đẩy nhu cầu về khí đốt - thường được ngành công nghiệp này coi là “nhiên liệu cầu nối” trung hạn giữa kỷ nguyên hydrocacbon và năng lượng tái tạo. Nhưng mục tiêu dài hạn là tạo ra các nền kinh tế trung hòa khí thải ở Anh và châu Âu đã làm giảm nhu cầu đầu tư vào khí đốt - nguồn cung nhiên liệu hóa thạch mà nhiều người tin rằng sẽ lỗi thời trong 30 năm tới. Nguồn cung khí đốt trong nước của châu Âu đã giảm 30% trong thập kỷ qua.

Những nỗ lực của châu Âu để trở thành lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu đã tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường. Châu Âu đã thúc ép các nền kinh tế đang phát triển nhanh của châu Á rời xa than đá, và các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ giờ là đối thủ tranh giành nguồn cung LNG mà châu Âu cũng đang phải dựa vào là Mỹ và Qatar.

Ngành công nghiệp khí đốt đã từng gần như hoàn toàn dựa vào các đường ống dẫn khí đốt, điều này đã giữ mức độ cạnh tranh trong khu vực ở mức tối thiểu. Giờ đây, LNG vận chuyển bằng đường biển cũng đã phát triển nhanh chóng, mở rộng thị trường cho nhiên liệu này.

Theo quy luật của thị trường, các tàu chở khí đốt hóa lỏng từ các nước sản xuất chủ yếu hướng đến nơi có thể tạo ra lợi nhuận cao nhất, mà nơi đó hiện là châu Á. Tại đây, "cơn khát" khí đốt đang ở mức cao nhất thế giới, do đó mức độ sẵn sàng chi trả là rất cao. Kết quả là khí đốt ngày càng trở nên đắt đỏ và khan hiếm hơn ở châu Âu. Một yếu tố nữa thúc đẩy giá khí đốt gia tăng là chi phí bảo vệ khí hậu, hay phí phát thải CO2, cũng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Chính phủ các nước châu Âu cho rằng giá khí đốt “biến động” củng cố thêm nhu cầu phải tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Nhưng có những lo ngại rằng các vấn đề này có thể gây ra phản ứng trái chiều đối với năng lượng tái tạo nếu người tiêu dùng bắt đầu tin rằng cái giá của quá trình chuyển đổi năng lượng này là quá cao.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết: “Một số người đang cố gắng miêu tả đây là cuộc khủng hoảng đầu tiên của quá trình chuyển đổi năng lượng. Họ có thể sai, nhưng nếu đây là tiếng nói chủ đạo xuất phát từ tình huống này, thì có thể trở thành rào cản đối với các chính sách mà chúng ta cần ban hành để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng”.

 Nguồn cung bắt đầu cạn


Tiêu thụ dầu của thế giới vẫn tương đối ổn định trong suốt cả năm qua khi chỉ có những biến động nhỏ giữa các mùa. Tuy nhiên, nhu cầu khí đốt tăng mạnh hơn nhiều vào mỗi mùa Đông.

Mặc dù nhu cầu khí đốt trung bình cả năm đã tăng lên do nhu cầu sản xuất điện phục vụ các ngành công nghiệp như sản xuất phân bón và thép, nhưng đỉnh nhu cầu trong mùa Đông có thể cao hơn nhiều trên khắp Bắc Bán cầu. Khoảng 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ ở Anh được dùng trực tiếp để sưởi ấm cho các ngôi nhà, phần lớn tập trung trong khoảng thời gian 5-6 tháng mùa Đông.

Ngành công nghiệp khí đốt cố gắng quản lý các chu kỳ này theo nhiều cách khác nhau. Giải pháp quan trọng nhất là dự trữ - bơm khí đốt cất trữ dưới lòng đất trong những tháng mùa Hè nhu cầu thấp, sau đó có thể sử dụng khi thời tiết chuyển lạnh. Giải pháp khác là tiếp cận các nguồn cung dao động có thể tăng hoặc giảm khi cần thiết. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn mà Vương quốc Anh và châu Âu phải đối mặt là các nguồn cung chính của các nước này không hoạt động như trước đây, tạo điều kiện cho giá khí đốt biến động mạnh hơn.

Mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu - Groningen ở Hà Lan, được thiết kế để trở thành một nhà cung cấp lớn với sản lượng có thể tăng hoặc giảm để giúp cân bằng cung cầu, cho phép các mỏ khí khác tự do sản xuất quanh năm. Nhưng Groningen đã trở thành một gánh nặng đối với Chính phủ Hà Lan. Khi nguồn cung khổng lồ của mỏ này dần cạn kiệt, các trận động đất nhỏ xuất hiện ở khu vực xung quanh, gây thiệt hại cho nhà cửa và cơ sở kinh doanh. Khi áp lực chính trị gia tăng, quyết định được đưa ra là đóng cửa mỏ khí đốt này với sản lượng của mỏ khí này hiện giảm 3/4 so với năm 2018.

Vương quốc Anh phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Nước này có lượng khí đốt dự trữ thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia ở châu Âu, đây là di sản của thời kỳ hoàng kim khi Anh sở hữu nguồn cung nhiên liệu dồi dào ở Biển Bắc. Tuy nhiên, vị thế của Anh đã giảm sau khi nước này đóng cửa cơ sở dự trữ Rough nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Anh vào ba năm trước. Quyết định đó đã làm giảm khả năng tích trữ của Vương quốc Anh từ mức đủ đáp ứng nhu cầu trong 15 ngày mùa Đông xuống còn nhiều nhất là 5 ngày.

Tin tốt cho nước này là khu vực này có khả năng nhập khẩu LNG nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác. Trong năm 2019, Vương quốc Anh đã nhập khẩu gần 20% lượng khí đốt của mình thông qua các lô hàng LNG, cùng với các đường ống chảy từ Na Uy và EU để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng trong nước. 

Tuy nhiên, tin xấu là nhu cầu khí đốt của châu Á đã tăng quá nhanh (tăng 50% trong thập kỷ qua). Lượng tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần khiến việc mua LNG trở nên khó hơn nhiều vào năm 2021. Loại nhiên liệu từng được cho là một nguồn cung linh hoạt đáng tin cậy bỗng nhiên dường như ít tin cậy hơn.

Ví dụ, Chính phủ Anh không còn coi Qatar, một trong hai nhà xuất khẩu LNG lớn nhất, là nhà cung cấp chính. Phần lớn các chuyến hàng của Qatar đi về phía Đông, nơi người mua đã trả nhiều tiền hơn. James Huckstepp, nhà phân tích khí đốt khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của S&P Global Platts, cho biết: “LNG sẽ vẫn khan hiếm. Vì vậy, ngành công nghiệp này sẽ cắt giảm nhu cầu để cân bằng thị trường trong mùa Đông lạnh giá sắp tới".

 Vai trò của Nga trong ngành công nghiệp khí đốt

 

Nhà máy lọc dầu Gazprom ở Omsk, Nga. (Nguồn: CNN)


Có thể nói yếu tố quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là Nga. Châu Âu nhận hơn 1/3 tổng nguồn cung khí đốt từ Gazprom - nhà cung cấp khí đốt độc quyền được nhà nước hậu thuẫn của Nga. Đó là một mối quan hệ đã phát triển trong nhiều thập kỷ, nhưng gần đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng của việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

EU thường bị các nhà phê bình cho là đặc biệt dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Nhưng mối quan hệ này phức tạp hơn thế. Ban đầu, EU đã thúc đẩy một sự thay đổi nhằm tránh các hợp đồng dài hạn gắn với giá dầu, một động thái gián tiếp tạo ra một hệ thống định giá phản ánh nhiều hơn các động lực của thị trường khí đốt.

Tuy nhiên, độ tin cậy của Gazprom đã bị nghi ngờ trong năm nay. Mùa Đông 2020-2021 kéo dài đồng nghĩa với việc các cơ sở tích trữ ở cả Nga và châu Âu đã cạn kiệt xuống mức thấp. Và Gazprom đã không làm được gì nhiều để giúp châu Âu tích trữ khí đốt khi từ chối vận chuyển nguồn cung bổ sung qua Ukraine ngoài những gì đã được đảm bảo trong các hợp đồng dài hạn.

Ukraine và các quốc gia khác ở Đông Âu đã cáo buộc Nga đang cố gắng "vũ khí hóa" nguồn cung khí đốt, một phần nhằm gây áp lực buộc Berlin đẩy nhanh việc phê chuẩn đường ống gây tranh cãi về mặt chính trị Dòng chảy phương Bắc 2, hệ thống đường ống không đi qua Ukraine để chuyển nguồn cung khí đốt trực tiếp đến Đức qua Biển Baltic.

Hồi tháng Chín, Nga đã chế nhạo "những kẻ tự phụ" trong Ủy ban châu Âu vì đã thúc đẩy việc định giá dựa trên thị trường, khi ám chỉ rằng họ có lỗi khi giá nhiên liệu tăng vọt đang đe dọa các nền kinh tế châu Âu.

Các nhà phân tích lập luận rằng Nga cần ưu tiên lấp đầy các cơ sở dự trữ của mình và tiêu thụ nội địa đã tăng lên trong những năm gần đây, khiến nước này có ít khí đốt hơn để xuất khẩu. Tuy nhiên, những người khác nghi ngờ rằng mặc dù đúng là Gazprom đối mặt với những thách thức trong việc tăng nguồn cung cho châu Âu, nhưng Nga cũng được hưởng lợi nhờ tăng giá khí đốt và thúc đẩy tham vọng chính trị. Những lợi ích này liên quan đến việc phê chuẩn dự án Dòng chảy phương Bắc 2, hoặc "nhắc nhở" châu Âu không nên phớt lờ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch khi vội vàng cắt giảm khí thải. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cho biết họ tin rằng Nga có thể chuyển thêm khoảng 15% khí đốt cho châu Âu trong năm nay.

Chuyên gia Marzec-Manser tại ICIS nói rằng trong khi nguồn cung LNG sẽ tăng lên trong những năm tới khi có nhiều dự án đi vào hoạt động, chi phí năng lượng cao sẽ kéo dài trong một thời gian nữa. Ông nói thêm: “Ít nhất cho đến mùa Hè năm 2023, chúng ta nên thừa nhận rằng giá bán buôn sẽ không giảm trở lại mức trước COVID-19”.

Châu Âu thậm chí có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh lâu dài hơn nữa về nguồn cung khí đốt. Nga đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia cách đây hai năm, nhưng chủ yếu các mỏ khí cung cấp cho đường ống này chưa bao giờ được sử dụng để cung cấp cho châu Âu. Gazprom hiện đang nghiên cứu xây dựng Power of Siberia 2, một đường ống sẽ kết nối các mỏ khí ở phía Tây Siberia - nơi cung cấp cho châu Âu - với Trung Quốc vào năm 2030. Giới quan sát nhận xét điều này có khả năng tạo thêm sự bất ổn đối với nguồn cung cho châu Âu.

 Niềm tin của nhà đầu tư


Bất chấp sự gia tăng ngắn hạn đối với dòng tiền và giá cổ phiếu, ngành công nghiệp khí đốt nói chung không hoàn toàn hoan nghênh mức giá kỷ lục. Paddy Blewer, giám đốc quan hệ công chúng tại Hiệp hội khí đốt quốc tế, cho rằng giá quá cao không tốt cho thị trường.

Mối lo ngại của ngành này là dù vẫn hy vọng khí đốt đóng vai trò như một cầu nối nhiên liệu trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng mức tăng giá gần đây đã khiến ngành này bị bủa vây ở mọi phía. Trong khi khí đốt tạo ra lượng khí CO2 bằng khoảng một nửa than đá khi cháy, khí thải methane - thậm chí còn mạnh hơn khí gây hiệu ứng nhà kính - được thải ra trong quá trình khai thác và vận chuyển và đang được nghiên cứu ngày càng kỹ càng. Công ty điện lực Pháp Engie đã từ bỏ hợp đồng mua LNG của Mỹ trong năm nay, được cho là do áp lực từ Chính phủ Pháp về những lo ngại với khí methane. Chuyên gia Gloystein nói: “Năng lượng phải có giá cả phải chăng, đáng tin cậy và sạch và ngành công nghiệp khí đốt hiện đang gặp khó khăn trên cả ba mặt trận”.

Giới chuyên gia hy vọng nếu ngành công nghiệp này giải quyết được lượng khí thải methane như nhiều công ty đã cam kết, khí đốt có thể sẽ vẫn đóng vai trò trong thị trường năng lượng. Nhưng Hiệp hội khí đốt quốc tế mong muốn các chính phủ suy nghĩ kỹ hơn về các chính sách - từ hạn chế khoan khai thác ở Mỹ đến việc trì hoãn cấp phép ở Anh.

Ông Blewer nói: “Các chính phủ đã tấn công vào nguồn cung trong khi thực tế thực hiện các chính sách thúc đẩy nhu cầu về khí đốt, khiến giá khí đốt cao hơn. Chúng ta muốn cắt giảm lượng khí thải nhưng quá trình điện khí hóa chưa phát triển đủ nhanh để không cần hydrocacbon nữa, vì vậy cần công nhận vai trò của khí đốt”. Ông Blewer cho biết thêm: “Nhưng việc phát triển khí đốt mất nhiều năm và hàng tỷ USD. Vì vậy đòi hỏi các nhà đầu tư phải cảm thấy tự tin rằng họ sẽ được hoàn vốn”.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách chủ yếu hy vọng rằng Nga sẽ tăng nguồn cung khí đốt vào mùa Đông này hoặc thời tiết sẽ ôn hòa hơn.

Về dài hạn, việc cắt giảm nhu cầu và tìm kiếm các giải pháp thay thế là rất quan trọng. Một số nhà phân tích đã so sánh với các lệnh cấm vận dầu mỏ của Arập năm 1970. Giá dầu tăng vọt nhưng đã kích hoạt động lực tiết kiệm năng lượng và phát triển tài nguyên ở các khu vực như Biển Bắc và Alaska, tạo ra gần hai thập kỷ giá dầu tương đối rẻ.

Liệu các dự án phát triển năng lượng tái tạo sẽ có khả năng ổn định giá năng lượng toàn cầu hay không, nếu nguồn cung khí đốt tiếp tục khan hiếm? Giám đốc IEA Fatih Birol đã kêu gọi các chính phủ tiếp tục lộ trình và tận dụng thời điểm này để củng cố các kế hoạch cắt giảm khí thải một cách nhanh chóng. Ông Birol cho biết: “Tôi không thể đoán trước được mùa Đông này sẽ kéo dài bao lâu và khắc nghiệt như thế nào. Nhưng tôi biết rằng sau mùa Đông, mùa Xuân sẽ đến và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ tiếp tục"./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết