Đài Sputnik (Đêm 3/10): Báo cáo thường niên về “500 doanh nghiệp tư nhân kiểu mẫu” của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc (ACFIC) mới đây đã đề cập đến việc Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi kỹ thuật số. Doanh nghiệp tư nhân đã trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế cũng như quá trình phát triển đổi mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với không ít thách thức.
* Vai trò lớn mạnh của kinh tế tư nhân
Kinh tế Trung Quốc vẫn đang gánh chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu, trong khi nhiều công ty tư nhân của nước này cũng là đối tượng chịu áp đặt trừng phạt từ Mỹ, do bị cáo buộc có các hoạt động trái với lợi ích an ninh quốc gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, danh sách vừa được công bố bao gồm 500 công ty lớn nhất của Trung Quốc nói trên lại phát đi những tín hiệu lạc quan. Đây là lần thứ sáu “gã khổng lồ” công nghệ Huawei dẫn đầu danh sách này.
Mặc dù mảng kinh doanh điện thoại di động của Huawei phải hứng chịu lệnh cấm cung cấp chip và các linh kiện điện tử khác của Mỹ, nhưng tập đoàn này đã bù đắp khoản lỗ bằng cách cung cấp thiết bị viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây…
Trong khi đó, thị trường 5G nội địa của Trung Quốc mang lại tiềm năng phát triển lớn cho Huawei và các công ty viễn thông khác. Kết quả là đến tháng 7/2021, Trung Quốc đã lắp đặt được 916.000 trạm gốc 5G, chiếm 70% tổng số trạm gốc 5G của thế giới. Số lượng tài khoản kết nối 5G ở nước này đã đạt 365 triệu tài khoản. Như vậy, Trung Quốc chiếm đến 80% tổng số tài khoản kết nối 5G của thế giới.
Nhìn chung, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đã cải thiện hiệu suất trong năm 2020. Báo cáo ghi nhận tổng doanh thu của những doanh nghiệp này đã tăng 16,39% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 35.120 tỷ nhân dân tệ (NDT). Đồng thời, biên lợi nhuận ròng đã tăng 41,4% và tổng tài sản tăng 37,25%. 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất danh sách này đã tạo ra doanh thu vượt quá 600 tỷ NDT mỗi công ty. Vào cuối năm ngoái, 18 thành viên mới đã được đưa thêm vào danh sách các doanh nghiệp kiểu mẫu, báo cáo của ACFIC cho biết.
Tỷ trọng của các doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên. Hiện tại, theo ghi nhận của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 50% tổng thu thuế vào ngân sách, trong khi các doanh nghiệp tư nhân mang lại 60% tổng GDP. Ngoài ra, gần 80% tổng số việc làm ở thành thị là do khu vực tư nhân tạo ra. Cuối cùng, báo cáo nhận định phần lớn các đổi mới công nghiệp và công nghệ được tạo ra bởi các công ty tư nhân. Thanh toán di động, thương mại điện tử, nền kinh tế chia sẻ - tất cả những đổi mới mà Trung Quốc dẫn đầu thế giới, đều do các doanh nghiệp tư nhân tạo ra và thúc đẩy.
* Quyết tâm cải thiện mô hình kinh doanh trong nước của chính phủ
Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các công ty tư nhân đều đang đối mặt với những rủi ro mới, chuyên gia Diao Li, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, Giáo sư tại Viện Kinh tế và Quản lý tại Đại học Vũ Hán, cho biết trong buổi trả lời phỏng vấn của đài Sputnik.
Một số phương tiện truyền thông phương Tây mô tả tiến trình cải cách đang được thực hiện của Trung Quốc trong lĩnh vực quản lý một số ngành kinh tế gần như là sự quay trở lại hệ thống quản lý và kiểm soát kinh tế. Quá trình hướng tới sự thịnh vượng chung đã được so sánh với quá trình phát triển bình đẳng của người dân vào giữa thế kỷ trước.
Các phương tiện truyền thông lưu ý rằng cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội có thể dẫn đến việc ngăn chặn quá mức tiềm năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Do đó, chỉ những công ty hoạt động kém hiệu quả với sự hậu thuẫn của nhà nước mới có thể sống sót.
Trên thực tế, vấn đề này là rất phức tạp. Các quy định trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), các biện pháp quản lý thị trường thương mại điện tử, các công ty công nghệ, thị trường trò chơi máy tính và giáo dục trực tuyến đều nhằm mục đích chính là chống độc quyền, để tạo sân chơi bình đẳng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Theo lẽ thường, các quy định chống độc quyền hoạt động ở hầu hết các quốc gia. Khi xây dựng và ban hành các quy định cho công ty tài chính và công nghệ, Trung Quốc đã học hỏi kinh nghiệm của các nước. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ nhiều công ty Trung Quốc đã đạt được thành công và ghi nhận tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ vào việc thiếu các quy định thích hợp.
Điều này tạo điều kiện để họ cư xử như những “kẻ săn mồi độc quyền”, với một số biện pháp có vẻ hoang đường đối với thế giới phương Tây ví dụ như lệnh cấm gửi liên kết đến Youtube qua Facebook hay lệnh cấm cài đặt ứng dụng Google trên iPhone đã được thực hiện rộng rãi ở Trung Quốc.
Vì lý do này, các quy định về điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc không chỉ phục vụ lợi ích của nhà nước và xã hội, mà còn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, chuyên gia Diao Li khẳng định trong phỏng vấn của đài Sputnik.
Thực trạng hoạt động của ở Trung Quốc cho thấy rằng trong điều kiện khủng hoảng, việc duy trì đòn bẩy kiểm soát đối với các cơ sở kinh tế chính là rất quan trọng. Vì vậy, nhờ các biện pháp hành chính cứng rắn, một mặt chính phủ có thể tập trung nguồn lực vào lĩnh vực cần thiết vào đúng thời điểm. Mặt khác, cơ chế thị trường buộc các công ty phải hoạt động hiệu quả hơn và không ngừng phát triển tiềm năng đổi mới của họ.
Chuyên gia từ Đại học Vũ Hán lưu ý khoảng thời gian 10-15 năm tới sẽ là thời kỳ hoàng kim của kinh tế Trung Quốc. Chìa khóa thành công cho việc nhân rộng quy mô doanh nghiệp là khả năng sắp xếp các chiến lược kinh doanh với đường lối chung để đi đúng hướng./.
Theo TTXVN