Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

154 năm ngày sinh Vlađimia Ilich Lênin: Lênin và những giá trị còn mãi

Ngày phát hành: 21/04/2024 Lượt xem 576


Ngày 22/4/1870 đã đi vào lịch sử nhân loại với sự ra đời của một con người xuất chúng. Đó chính là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, Vladimir Ilits Lenin (Vlađimia Ilich Lênin). Là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc.

 

Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới

 
Lênin tên thật là Vladimir Ilits Ulianov, sinh ngày 22/4/1870 trong một gia đình trí thức tiến bộ ở thành phố Simbirsk, Nga (nay là Ulianovsk). Ngay khi còn ít tuổi, qua gia đình và người thân, Lênin đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ, căm ghét chế độ độc tài Nga hoàng.


Năm 18 tuổi, Người nghiên cứu những tác phẩm của Karl Marx (Các Mác), Friedrich Engels (Ph.Ăng-ghen), Georghi Valentinovitr Plekhanov (G.V.Plêkhanốp) và bắt đầu tham gia cách mạng, tuyên truyền tư tưởng mácxít.


Năm 1891, Lênin tốt nghiệp ngành Luật, trường Đại học Petersburg và từ năm 1893, trở thành người lãnh đạo nhóm mácxít ở Saint Petersburg. Năm 1894, Lênin vào Đảng Xã hội Dân chủ Nga. Từ đây, ông là một trong những nhà tổ chức và lãnh đạo cách mạng Nga.

 

Thực tiễn hoạt động cách mạng của Lênin vô cùng phong phú. Ông là người đầu tiên đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga - tiền thân của Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga, một đảng vô sản kiểu mới đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và thực hiện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xôviết; là người đã làm chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực.


Sau Cách mạng Tháng Mười (1917), Lênin đã lãnh đạo những người Bônsêvích và nhân dân lao động Nga đấu tranh thắng lợi chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ thành công sự tồn tại của Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Lênin là tổng công trình sư đầu tiên của những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xôviết, trong đó đặc biệt là chính sách kinh tế mới (NEP).


Lênin cũng là người tích cực đấu tranh cho chủ nghĩa quốc tế vô sản, thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tập hợp mọi lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Ông đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Đồng thời, phát triển vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác thành vấn đề dân tộc và thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa; đề ra những nguyên tắc có tính cương lĩnh của giai cấp vô sản về vấn đề dân tộc; coi phong trào giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; phê phán chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cũng như chủ nghĩa chauvinism (sô-vanh) nước lớn.


Khẩu hiệu của Mác "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại" đã được Lênin phát triển thành "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!".


Dưới ngọn cờ của Lênin, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã. Ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga, các cuộc cách mạng khác đã diễn ra ở Áo, Hungary, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Cộng hòa Xô viết Bavaria, Cộng hòa Xô viết Hungary, Cộng hòa Xô viết Bremen và Cộng hòa Xô viết Slovakia được công bố. Các hội đồng Xô viết được thành lập ở Ireland cũng như ở miền Bắc Italy…


Tên tuổi của Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất".


Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lênin đã nhiều lần bị bắt, bị tù đầy, bị trục xuất ra nước ngoài, bị mưu sát, nhưng Người luôn là tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng kiên trung, về ý chí quyết tâm giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, về phẩm chất đạo đức cách mạng cao cả, về lối sống giản dị, trong sáng, gần gũi nhân dân. Lênin mất ngày 21/1/1924, tại làng Gorki, Moskva. Thi hài của Người được đặt tại lăng ở Quảng trường Đỏ.


Năm 2024, lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất của Lênin (21/1/1924-21/1/2024) đã được tổ chức tại Quảng trường Đỏ với sự tham gia của đông đảo nhiều thế hệ người dân Nga. Tại nhiều thành phố, khu vực khác của Nga, đông đảo giới chức địa phương, đảng viên Đảng Cộng sản, cựu chiến binh, thanh thiếu niên… cũng đã đến đặt hoa tại các tượng đài Lênin trên các quảng trường trung tâm. Đây là dịp để các thế hệ người dân Nga tưởng nhớ công lao to lớn của Lênin, khẳng định những di sản mà ông để lại cho nhân loại vẫn còn có ý nghĩa thực tiễn cho đến ngày nay.

Những cống hiến vĩ đại cho nhân loại

 
Cả cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, Lênin đã để lại  một gia tài đồ sộ. Đó là di sản quý báu về tư tưởng và lý luận; đó là tấm gương đạo đức cao đẹp, mẫu mực của người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người khỏi nạn áp bức, nô dịch.


Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Lênin đã cống hiến cho nhân loại nhiều thành tựu vĩ đại cả về lý luận và thực tiễn.


Về lý luận, Lênin đã đúc kết toàn bộ chủ nghĩa Mác một cách khoa học, hệ thống, cơ bản và trong khi bảo vệ chủ nghĩa Mác trước sự xuyên tạc của phái dân túy, của những người theo chủ nghĩa Makhơ, theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại và luận điệu phản cách mạng của nhiều nhà tư tưởng tư sản khác, Lênin đã bổ sung nhiều nội dung mang tính chân lý bền vững cho cả 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, trong đó:


Ở triết học, đấy là những nội dung về thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật, về lý luận nhận thức, về nhân tố chủ quan trong cách mạng xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử, về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về nhà nước, nhà nước chuyên chính vô sản…


Ở kinh tế học chính trị, Lênin là người đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lên chủ nghĩa xã hội ở quốc gia mà giai cấp vô sản đã giành được chính quyền nhưng tiền đề về kinh tế và văn hóa của chủ nghĩa xã hội chưa đầy đủ. Đó là Chính sách kinh tế mới (NEP) với nhiều thành phần kinh tế mà mục tiêu của nó là phát triển sản xuất để giải phóng người lao động trên cơ sở kỹ thuật tiên tiến, quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự quản lý của nhà nước chuyên chính vô sản. Lênin cũng là người xác định nhiệm vụ kinh tế-xã hội cơ bản có ý nghĩa quyết định trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thực hiện xã hội hóa sản xuất trong thực tế với những nhiệm vụ cơ bản là công nghiệp hóa, từng bước đưa nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn thông qua con đường hợp tác hóa đồng thời phải tiến hành cách mạng về văn hóa, không ngừng nâng cao ý thức chính trị, trình độ học vấn, khoa học-kỹ thuật cho nhân dân, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tư tưởng, tập quán cũ, làm cho nhiệt tình cách mạng, tinh thần sáng tạo của nhân dân được phát huy mạnh mẽ…


Ở chủ nghĩa xã hội khoa học, Lênin đã làm giàu thêm chủ nghĩa xã hội khoa học bằng lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trước tiên ở một số nước, thậm chí ở một nước; về đặc điểm của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ với các hình thức quá độ, các "bước quá độ", các mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ; đặc điểm, thực chất của thời kỳ quá độ…


Với những cống hiến của Lênin, chủ nghĩa Mác đã phát triển thành chủ nghĩa Mác-Lênin - chủ nghĩa thể hiện trọn vẹn sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn của những người đã sáng lập, bảo vệ và phát triển nó.


Về thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Lênin, thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực. Khác với các cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười ở Nga không thay thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác mà cuộc cách mạng này đã thiết lập nền chuyên chính vô sản, thủ tiêu mọi hình thức bóc lột vì vậy đã tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Việt Nam kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

 
Đối với Việt Nam, nội dung "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước. Từ đây, hướng đi đúng đắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xác định, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài, sâu sắc về đường lối của cách mạng Việt Nam.


Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những tư tưởng của Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là cái "cẩm nang thần kỳ" nhưng không sao chép, mà Người tiếp thu cái tinh thần và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.


Có thể khẳng định, từ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lênin, đến nay, lý luận của Lênin nói riêng, của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung luôn đồng hành, định hướng để dân tộc Việt Nam đạt được những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Những thắng lợi vĩ đại và thành tựu có ý nghĩa to lớn, lịch sử trên con đường cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Một trong những bài học lớn là bài học độc lập tự chủ trong việc xem xét đánh giá đúng tình hình, trong việc vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, trong việc học tập kinh nghiệm của các nước. Đó là bài học bắt nguồn từ tư duy biện chứng, tư duy sáng tạo của Lênin. Trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng nếu biết vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có sáng tạo thì chúng ta giành được thắng lợi; ngược lại, nếu xa rời tư duy biện chứng, nếu giáo điều rập khuôn thì nhất định sẽ mắc sai lầm và không tránh khỏi những tổn thất nhất định.


Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen, Đảng và nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.


Bởi vậy, dù thời gian đã lùi xa và thế giới hiện đã có nhiều đổi thay to lớn, song tư tưởng của V.I.Lênin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới./.


            Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết