Bảo đảm an ninh lương thực là một trong những vấn đề tối quan trọng và cấp bách hiện nay khi theo số liệu mới nhất, trên thế giới cứ 10 người thì có một người đang thiếu ăn. Hơn hai tỷ người trên thế giới không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) đề ra là vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn và đoàn kết giữa các quốc gia.
Thách thức về mất an ninh lương thực
Thế giới đang đứng trước tình hình an ninh lương thực ngày càng xấu đi và việc thực hiện các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu không có tiến bộ. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), thế giới đang đứng trước thách thức lớn khi khoảng 258 triệu người tại 58 quốc gia phải đối mặt tình hình mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Khoảng 58,1 triệu người đang thiếu lương thực trầm trọng ở khu vực vùng Sừng Lớn của châu Phi, trong đó 30,5 triệu người ở 6 nước Đông Phi, gồm Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda; số còn lại ở Burundi, CH Trung Phi, CHDC Congo và Tanzania. Sau những trận mưa lớn và lũ lụt do El Nino gây ra trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12/2023, đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi, lương thực lại càng ít ỏi. Khu vực Sừng Lớn châu Phi cũng đang đối mặt nhiều dịch bệnh.
Hiện tượng El Nino và hạn hán lan rộng đặt ra nguy cơ ngày càng lớn đối với an ninh lương thực ở miền nam châu Phi. Sản lượng ngũ cốc ở khu vực này dự báo giảm trong năm nay, khiến nhu cầu nhập khẩu tăng.
Tại Nam Phi, nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất khu vực, lượng mưa ít và nhiệt độ cao trong 2 tháng đầu năm nay có nguy cơ làm giảm mạnh sản lượng ngô. Zambia đã phải ban bố tình trạng "thảm họa quốc gia" do hạn hán ảnh hưởng đến nông nghiệp. Theo FAO, thực phẩm cũng khó mua do thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn giảm và giá tăng.
Bất ổn, xung đột và biến đổi khí hậu được cho là những nguyên nhân chính khiến nạn đói gia tăng. Khủng hoảng lương thực trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Riêng tại Trung Đông, chưa bao giờ khu vực này rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng như hiện nay, khi cuộc xung đột kéo dài ở Dải Gaza đẩy toàn bộ khoảng 2,3 triệu người ở vùng lãnh thổ Palestine này vào cảnh thiếu ăn, trong đó hơn nửa triệu người đói nghiêm trọng. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), khoảng 11 triệu người ở Trung Đông không đủ lương thực hằng ngày. Nhiều tháng qua, Gaza nhận được chưa đến một nửa nguồn cung cấp lương thực cần thiết. Toàn bộ dân số của dải đất ven Địa Trung Hải này đang cần hỗ trợ lương thực, trong khi các nguồn viện trợ ngày càng cạn kiệt.
Trong khi đó tại Mỹ Latinh và Caribe, trong báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) công bố hồi tháng 12/2023 đã chỉ ra rằng dù tỷ lệ đói nghèo và tình trạng mất an ninh lương thực đã giảm tương đối tại khu vực Nam Mỹ trong giai đoạn 2021-2022 song ở Trung Mỹ và Mexico, tỷ lệ đói nghèo vẫn giữ nguyên và tỷ lệ mất an ninh lương thực có chiều hướng tăng, trong khi cả hai chỉ số này đều tăng mạnh tại khu vực Caribe. Các quốc gia có tỷ lệ mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất trong giai đoạn 2021-2022 lần lượt là Haiti (82,6%), Guatemala (59,8%), Honduras (56,1%), Jamaica (54,4%) và Cộng hòa Dominica (52,1%). Giá lương thực tăng cao, tình trạng bất bình đẳng dai dẳng, khủng hoảng khí hậu và ảnh hưởng về nguồn nhập khẩu lương thực do cuộc xung đột ở Ukraine là những yếu tố chính khiến khoảng 25% số người dân khu vực Mỹ Latin khó chi trả mức phí của các bữa ăn lành mạnh...
Chìa khóa giải quyết các thách thức
Các nhà quan sát chỉ ra rằng, cộng đồng quốc tế chỉ còn 6 năm nữa để nỗ lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG), trong đó mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 2, nghĩa là “Không còn nạn đói” vào năm 2030. Vậy nhưng, tiến trình đi đến Mục tiêu số 2 này đang ngày càng bộc lộ sự chệch hướng. Theo FAO, nếu không có hành động quyết liệt thì gần 600 triệu người trên thế giới sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng khẳng định, chiến tranh và bất ổn khí hậu nằm trong số những nguyên nhân chính khiến nạn đói gia tăng và đây cũng là mối đe dọa chính đối với hòa bình, an ninh thế giới. Ông Antonio Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực.
Trong bối cảnh đó, các nước đứng trước áp lực khẩn trương hành động, giải quyết xung đột và gìn giữ hòa bình, đồng thời tăng đầu tư để bảo đảm hệ thống lương thực lành mạnh, công bằng và bền vững, ngăn chặn thảm cảnh do nạn đói gây ra.
Mới đây, tại Diễn đàn toàn cầu về Lương thực và Nông nghiệp (GFFA) 2024, do Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang Đức (BMEL) tổ chức tại Berlin (tháng 1/2024), các nước đã cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp bền vững, địa phương hóa, thích ứng với địa điểm và có khả năng phục hồi.
Bên cạnh đó, các phương pháp tiếp cận sinh thái nông nghiệp, canh tác hữu cơ, hệ thống nông lâm kết hợp và nền kinh tế tuần hoàn được cho là sẽ giúp ngăn chặn khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Áp dụng khoa học-công nghệ và các sáng kiến đổi mới để chuyển đổi hệ thống lương thực cũng là giải pháp đang được giới lãnh đạo các nước cùng giới chuyên gia khuyến khích thực hiện, nhất là khi công nghệ đang phát triển như vũ bão. Các ứng dụng chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thời gian qua giúp người dân giải quyết nhiều thách thức của nông nghiệp hiện đại.
Mới đây, trang trại nhà kính Takamiya No Aisai ở Nhật Bản đã sử dụng robot AI để thu hoạch dưa chuột, trong khi Công ty Inaho ở tỉnh Kanagawa của nước này phát triển thành công robot AI thu hoạch cà chua bi, tạo triển vọng xử lý vấn đề thiếu nhân lực. Sự chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu giữa các nước là cần thiết để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong bối cảnh thế giới đang phải trải qua cùng một lúc nhiều cuộc khủng hoảng, việc bảo đảm an ninh lương thực là thách thức lớn, đòi hỏi các quốc gia phải tăng tốc chuyển đổi sang hệ thống lương thực bền vững hơn và công bằng hơn./.
Theo TTXVN