Đề tài “ An ninh xã hội, an ninh con người trong điều kiện mới ở Việt Nam hiện nay–Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, mã số KX.04.26/16- 20, do GS,TS Nguyễn Xuân Yêm làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là một số kiến nghị của đề tài.
Thứ nhất, Đổi mới chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người
Bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người (ANXH, ANCN) là một trong những vấn đề quan trọng của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt là thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới có nhiều biến động phức tạp vượt qua khuôn khổ dự báo của giới nghiên cứu về một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Trong thế giới đương đại, bên cạnh mối đe dọa về quân sự, vẫn tồn tại và xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa đến an ninh con người và an ninh quốc gia như: Khủng bố, dịch bệnh lây lan nhanh ở người và động vật, biến đổi khí hậu, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, di cư xuyên biên giới, tội phạm mạng, vũ khí hủy diệt hàng loạt, ô nhiễm môi trường...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tăng lên, thế giới dường như trở nên nhỏ bé hơn, nhưng lại khó kiểm soát hơn, kém an toàn hơn bởi các mối đe dọa đối với ANXH, ANCN có mức độ nguy hiểm cao hơn, sức ảnh hưởng lớn hơn, tầm ảnh hưởng rộng hơn và tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Chính vì vậy, để giải quyết và đối phó với những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, sự cố gắng của mỗi cộng đồng, quốc gia, con người, với chiến lược, giải pháp tổng thể và bước đi phù hợp, kết hợp tổng lực các biện pháp kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần thiết phải đổi mới quan điểm, chính sách về bảo đảm ANXH, ANCN. Trong phạm vi nghiên cứu, đề tài đề xuất một số nội dung sau:
+ Đề xuất xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng XIII: Mục nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đưa nội dung ANXH, ANCN vào trong phần này: Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân làm nòng cốt.
Mục nhiệm vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Đưa nội dung bảo vệ môi trường sống, an toàn thực phẩm vào trong phần này: Xây dựng môi trường sống với bầu trời xanh, nước trong xanh, đất đai sạch và thực phẩm an toàn.
Mục những nhiệm vụ trọng tâm Nhiệm kỳ Đại hội XIII:
Đưa nội dung ANXH, ANCN vào làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII: Xây dựng Việt Nam bình an với an ninh xã hội, an ninh con người được đảm bảo.
+ Cần xác định an ninh quốc gia bao gồm ba trụ cột: An ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh con người.
Khoản 1, Điều 3, Luật An ninh quốc gia đã xác định: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Ở đây chưa nói tới hai nhân tố rất quan trọng cùng với quốc gia là xã hội và con người. An ninh quốc gia (ANQG) theo tư duy mới cần bao hàm cả ANXH, ANCN. Nói cách khác, ANXH, ANCN chính là một nội dung của ANQG. Do đó, cần thiết phải đưa ANXH, ANCN vào nội dung của ANQG Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Cần xác định ANQG Việt Nam bao gồm ba trụ cột: ANCT, ANXH, ANCN. Tư duy mới về ANQG cần được báo cáo, đề xuất đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng Chiến lược an ninh quốc gia mới và bổ sung, sửa đổi luật An ninh quốc gia với quan điểm An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự bình yên của xã hội, sự an toàn của con người trong xã hội.
+ Giải quyết các vấn đề liên quan đến ANXH, ANCN đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể. Bởi lẽ, các nội dung bảo đảm ANXH, ANCN có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Hiện nay, vấn đề bảo đảm ANXH, ANCN ở Việt Nam còn có tình trạng riêng rẽ, thiếu gắn kết. Mỗi nội dung bảo đảm ANXH, ANCN có một chiến lược quốc gia riêng như: Bảo đảm ANMT có Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về BĐKH năm 2011; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Bảo đảm an ninh y tế có Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bảo đảm an ninh lương thực có Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; Bảo đảm an ninh năng lượng có Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050… Do đó, xây dựng chiến lược tổng thể tầm quốc gia về bảo đảm ANXH, ANCN ở Việt Nam trong thời gian tới là thực sự cấp thiết.
Đo đó, đề tài đề xuất Chính phủ ban hành xây dựng Chiến lược quốc gia về An ninh xã hội, an ninh con người với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng một Việt Nam bình an với 4 tiêu chí: ít xung đột xã hội và có đồng thuận xã hội cao; ít tội phạm và tệ nạn xã hội, ít tai nạn giao thông; môi trường sống trong sạch với bầu trời xanh, nước trong xanh, đất đai sạch và thực phẩm an toàn; không có người nghèo đói, mọi người có việc làm và được đảm bảo an sinh xã hội tốt.
+ Cần xác định bảo đảm ANXH, ANCN, ngoài các biện pháp pháp luật (pháp trị) cần thiết thực hiện các biện pháp đức trị, trong đó nêu cao tính gương mẫu, đạo đức cách mạng của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, trong đời sống xã hội.
Thứ hai, đổi mới tổ chức thực hiện bảo đảm An ninh xã hội, An ninh con người.
+ Đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm “quyền an ninh” của công dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Các chủ trương, cơ chế, chính sách phải chuyển từ chỗ coi trọng cách nghĩ, cách làm theo kiểu “trợ giúp nhân đạo”, “xin - cho”, sang tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy “quyền an ninh” theo thể chế dân chủ gắn với pháp quyền. Từng bước tạo ra thể chế, điều kiện và môi trường xã hội để mọi người có quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển; thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa trong khuôn khổ thể chế dân chủ - pháp quyền XHCN.
- Tiếp tục cải cách hệ thống chính trị, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay.
Hiện nay, tổ chức bộ máy của lực lượng thực thi pháp luật, trực tiếp là lực lượng công an nhân dân (CAND) hiện tại tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. QLNN về ANQG, TTATXH ở nước ta chưa tuân thủ nguyên tắc “ Quản lý nhà nước (QLNN) về ANQG, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) là lĩnh vực quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải giao cho một Bộ (Bộ Công an) đảm nhiệm chính”. Công tác bảo vệ ANQG nói chung, đảm bảo ANXH, ANCN ở Việt Nam bị chia cắt ra cho nhiều lực lượng tham gia như: Đấu tranh phòng, chống ma túy chia cho 14 Bộ, ngành đảm nhiệm, trong đó, phòng, chống tội phạm ma túy giao cho 04 cơ quan (Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển) đấu tranh; điều tra hình sự giao cho 5 Bộ, ngành tham gia; bảo vệ môi trường và VSATTP giao cho 05 Bộ, ngành quản lý. An ninh trật tự trên biển bị chia cắt và có tới 14 cơ quan đảm nhiệm. Vì vậy, ở nước ta phải sinh ra nhiều Ủy ban quốc gia, Ban chỉ đạo liên ngành chỉ đạo về lĩnh vực ANQG, ANXH, ANCN và thực tế hiệu quả, hiệu lực rất thấp.
Nhiệm vụ QLNN về TTATGT đường bộ bị chia cắt giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải. Việt Nam là nước Công an không quản lý ANHK mà giao cho ngành dân sự (Bộ Giao thông vận tải) quản lý dẫn tới chia cắt địa bàn đảm bảo ANHK dân dụng quốc gia. An ninh cửa khẩu nước ta bị chia cắt, Bộ Công an chỉ quản lý các cửa khẩu hàng không quốc tế, còn các cửa khẩu trên đất liền, biển do Bộ Quốc phòng quản lý…
Trong khi đó, kẻ địch và tội phạm hoạt động không bị giới hạn địa bàn thì công tác bảo vệ ANTT ở nước ta bị chia cắt địa bàn đấu tranh. Theo đó, tăng cường năng lực công tác cho các lực lượng thực thi pháp luật, bảo đảm ANXH, ANCN trực tiếp là lực lượng CAND là nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện tốt trong thời gian tới. Cần tiếp tục sắp xếp và hoàn thiện tổ chức bộ máy Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và tuân thủ nguyên tắc “Quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia là lĩnh vực quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nhưng do Bộ Công an đảm nhiệm trách nhiệm chính. CAND bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội xuyên suốt từ bên ngoài biên giới quốc gia, tại biên giới quốc gia đến nội địa”. Để thực hiện được điều đó, cần chú ý một số nội dung sau:
+ Rà soát lại nhiệm vụ của các cơ quan pháp luật theo hướng 01 việc chỉ giao cho 01 cơ quan đảm nhiệm. Đối với an ninh truyền thống (an ninh chính trị), cần xác định Bộ Công an là cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh truyền thống. Đối với an ninh phi truyền thống (an ninh xã hội, an ninh con người), Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về an ninh phi truyền thống. Bộ Công an giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về an ninh phi truyền thống.
+ Bảo vệ ANQG là một trận tuyến xuyên suốt, không chia cắt từ bên ngoài biên giới quốc gia, tại biên giới quốc gia và bên trong nội địa. Chuyển lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thuộc Bộ Quốc phòng sang Bộ Công an. Đổi tên Bộ đội Biên phòng trở lại tên cũ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt là Công an nhân dân vũ trang, hoặc đặt tên là Công an Biên phòng như Trung Quốc, hoặc Cảnh sát Biên phòng như Campuchia và các nước ASEAN. Khi Bộ đội Biên phòng chuyển về Bộ Công an, đề nghị giao Công an Biên phòng quản lý các cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đất liền và cửa khẩu biển.
+ Chuyển lực lượng ANHK thuộc Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an và thành lập Cục An ninh hàng không (ANHK). Đồng thời, bổ sung thêm chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) hàng không cho Cục Cảnh sát (CSGT).
+ Chuyển lực lượng Kiểm lâm từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông và Thanh tra môi trường từ Bộ Tài nguyên môi trường sang Bộ Công an và sát nhập vào lực lượng Cảnh sát môi trường để làm nhiệm vụ đảm bảo ANMT.
- Thành lập Ủy ban điều tra quốc gia.
Trong xã hội hiện đại, con người là trung tâm và là nhân tố quan trọng nhất của xã hội và quốc gia. Một đất nước chỉ có 01 Cơ quan Tòa án, 01 cơ quan Công tố và dĩ nhiên chỉ có 01 Cơ quan điều tra để làm nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.
Trong giai đoạn trước mắt công tác điều tra tội phạm đang phân công cho 5 bộ ngành tiến hành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và VKSNDTC) để thực hiện nhiệm vụ QLNN về điều tra hình sự, cần thành lập Ủy ban điều tra quốc gia. Ủy ban điều tra quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công an (hoặc 01 Thứ trưởng Bộ Công an) làm Chủ tịch để thống nhất QLNN về điều tra hình sự ở nước ta. Mô hình này tương tự như Ban Biên giới Chính phủ, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài… trực thuộc Bộ Ngoại Giao). Các Phó Chủ tịch Ủy ban điều tra quốc gia là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ủy ban điều tra quốc gia có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan điều tra hình sự trong toàn quốc. Điều này tương tự như Chánh án TANDTC chỉ đạo toàn bộ công tác xét xử của cả hệ thống Tòa án, kể cả Tòa án quân sự, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo toàn bộ công tác truy tố tội phạm của hệ thống Viện Kiểm sát toàn quốc kể cả các Viện Kiểm sát quân sự.
Về lâu dài thành lập Cơ quan điều tra quốc gia đặt trực thuộc Bộ Công an. Các Bộ, ngành khác chỉ tiến hành điều tra trinh sát ban đầu.
- Thành lập Cơ quan Tình báo quốc gia.
Thành lập Cơ quan Tình báo quốc gia nhằm thống nhất quản lý các hoạt động tình báo. Việt Nam hiện là một trong số rất ít các nước trên thế giới chưa có Cơ quan Tình báo quốc gia. Chức năng của Cơ quan Tình báo Công an và Quân đội có nhiều nội dung bị trùng dẫm. Do đó, việc thành lập cơ quan này là cần thiết nhằm chịu trách nhiệm kiểm soát và điều phối hoạt động của các cơ quan tình báo thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có chức năng thu thập thông tin tình báo thuộc các Bộ, ngành khác phục vụ công tác đối ngoại và bảo đảm an ninh quốc gia.
- Đề xuất với Bộ Nội vụ, Bộ Công an, các Bộ, ngành, địa phương tổng kết các mô hình Thành phố 5 không, 3 có, thành phố 4 an của Thành phố Đà Nẵng, mô hình Chương trình 3 giảm, thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình của Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình Thành phố xanh sạch, đẹp, thành phố vì hòa bình của Thành phố Hà Nội,v.v. Các tỉnh ủy, thành ủy ra các Nghị quyết chuyên đề về đảm bảo ANXH, ANCN theo mô hình Thành phố Đà Nẵng: tỉnh, thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, tỉnh, thành phố hấp dẫn và đáng sống; tỉnh, thành phố 5 không (không hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người do cướp của) và 3 có (có nhà ở, có việc làm và có lối sống văn minh đô thị); tỉnh, thành phố 4 an (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội).
- Tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm giải quyết các điểm nóng, xung đột xã hội ở Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội), Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), Fomosa (Hà Tĩnh), các vụ Mường Nhé (Điện Biên), Bình Thuận... để rút kinh nghiệm và học tập các kinh nghiệm phòng ngừa, giải quyết các vụ XĐXH đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
- Bộ Công an thực hiện chủ trương “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, triển khai nhanh lực lượng Công an chính quy ở địa bàn nông thôn để phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã hội giải quyết các vấn đề ANXH, ANCN ở cơ sở.
- Tổng kết mô hình thành phố Hồ Chí Minh để thành lập mô hình bảo đảm VSSATTP chuyên trách và thống nhất mang tên Ban quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc UBND tỉnh, thành phố. Mô hình này có các Đội trực thuộc. Triển khai đồng bộ ở các tỉnh, thành phố toàn quốc. Ban này có các chức năng: Quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với: phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, dụng cụ, vật liệu bao gói và chứa đựng thực phẩm phân cấp của Bộ Y tế do Ban Quản lý thực hiện. Quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với ngũ cốc; thịt và sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; cacao; hạt tiêu; điều và các nông sản thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công quản lý do Ban Quản lý thực hiện. Quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương phân cấp do Ban Quản lý thực hiện. Quản lý ATTP đối với bếp ăn tập thể, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp của Bộ Y tế. Quản lý ATTP đối với các chợ đầu mối, đấu giá nông sản theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Ban Quản lý thực hiện. Quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm theo phân cấp của Bộ Công Thương do Ban Quản lý thực hiện.
- Tăng cường năng lực các cơ quan xóa đói giảm nghèo, xúc tiến việc làm, an sinh xã hội, bảo kiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Ngành LĐTBXH, ngành Y tế, nhất là ở cấp tỉnh và cấp huyện. Đầu tư cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
- Bố trí kinh phí, đầu tư trang bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cho công tác quản lý xã hội, quản lý con người.
Bộ Công an báo cáo đề xuất Chính phủ quan tâm quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư trang bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cho công tác quản lý xã hội, quản lý con người. Cụ thể như sau:
+ Tổ chức áp dụng mô hình quản lý xã hội theo mạng lưới đã thực hiện thành công ở Trung Quốc: chia quận, huyện, xã, phường thành các ô địa lý tổ, cụm để quản lý dân. Bố trí kinh phí mới để xây dựng, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất phục vụ quản lý xã hội, quản lý con người, áp dụng các chương trình nhận diện cá nhân, sử dụng kính nhận dạng khuôn mặt.
+ Bố trí kinh phí để nghiên cứu, khảo sát, lập dự án triển khai xây dựng hệ thống giám sát công tại các địa điểm công cộng, các tuyến đường giao thông, trước mắt thí điểm tại các thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh). Tiến tới áp dụng toàn quốc việc tăng cường áp dụng các công cụ giám sát và quản lý xã hội dựa trên công nghệ, quá trình mà nhà nghiên cứu người Đức Sebastian Heilmann gọi là “ Chủ nghĩa Lê Nin kỹ thuật số”.
PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.26/16-20 )