Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Kiến nghị của đề tài "Xu hướng biến đổi của tôn giáo và tác động đến đời sống xã hội ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra, phương hướng giải quyết" ​

Ngày phát hành: 24/03/2020 Lượt xem 10107

Đề tài "Xu hướng biến đổi của tôn giáo và tác động đến đời sống xã hội ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra, phương hướng giải quyết" Mã số: KX04.20/16-20 do PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là những kiến nghị của Đề tài. 

 

1. Về quan điểm chủ trương

Gần 30 năm đổi mới về công tác tôn giáo qua hai Nghị quyết chuyên biệt của Đảng là: Nghị quyết số 24/NQ-TW năm 1990 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khóa VI, sau đó được nâng lên và công khai ở Nghị quyết số 25/NQ-TW năm 2003 của BCHTW Đảng Khóa IX, cùng với Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội và văn kiện Đại hội Đảng các nhiệm kỳ. Với định hướng “nhìn lại và đổi mới” về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo, thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã mở rộng hướng tiếp cận tín ngưỡng, tôn giáo, bổ sung nguyên nhân ra đời và tồn tại của tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời khách quan trong việc đánh giá vai trò của tôn giáo. Từ đó, Đảng ta xác định tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài, là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, vừa thực hiện tôn trọng và bản đản quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, vừa nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức, văn hóa của tôn giao, đồng thời đấu tranh chống mọi hành vi lợi dụng tôn giáo vào những mục đích xấu.

Qua thực tế tình hình tôn giáo, sự biến đổi tôn giáo tôn giáo, cũng như chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua, đề tài đề xuất tiếp tục khẳng định và kiên trỳ quan điểm, chủ trương đối với tôn giáo đã được xác định. Tuy nhiên qua, thực tế thực hiện chính sách tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam cần có những bổ sung phù hợp:

+ Xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của đông đảo nhân dân (hoặc của đại bộ phận nhân dân). Mệnh đề này thay cho mệnh đề trong Nghị quyết số 24/NQ-TW “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu một bộ phận nhân dân”. Thực ra, trước đây, C. Mác đã nói dùng hai chữ “nhân dân” (chỉ đa số hay đông đảo - tính quần chúng của tôn giáo) với câu: “… tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”

+ Có chính sách phát huy nguồn lực xã hội của tôn giáo góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Ở đây có hai điểm cần chú ý: (1) chính thức “công khai” tại văn kiện Đại hội XIII vì Chỉ thị số 18/CT-TW (2018) của Ban Bí thư TƯ Đảng đã đề cập nhưng cơ chế “mật” - công khai để chuyển về nhận thức và là để tổ chức thực hiện; (2) đặt ra việc nhà nước có chính sách cụ thể.

+ Chính sách tôn giáo ở Việt Nam tương thích luật pháp quốc tế trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập. Điều này cần được quan tâm trong việc xây dựng các quy định pháp luật về tôn giáo, tránh xung đột pháp lý với luật pháp quốc tế.

 Từ phân tích như trên, Đề tài KX.04.20/16-20 đề xuất nội dung thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII thể hiện một cách đầy đủ và toàn diện về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể như sau đây:

“Với cách nhìn mới và từ thực tiễn Việt Nam, Đảng ta khẳng định giá trị cốt lõi lý luận của nghĩa Mác Lê-nin về tôn giáo và có sự bổ sung, phát triển một cách phù hợp. Đó là xác định tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài cùng với đất nước trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của đông đảo nhân dân, nhìn nhận và phát huy giá trị tốt đẹp về đạo đức văn hóa, lối sống của tôn giáo; đồng thời có chính sách cụ thể phát huy nguồn lực xã hội của tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời thực hiện bình đẳng các tôn giáo trước pháp luật. Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo đã được công nhận hoạt động theo hiến chương (điều lệ) đúng quy định của pháp luật. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

(Nội dung này có thể điều chỉnh câu chữ cho phù hợp theo những ý mà chúng tôi trình bày ở trên)

2. Về chính sách và thực hiện chính sách

2.1. Thực hiện bình đẳng tôn giáo. Bình đẳng tôn giáo là nguyên tắc hiến định - một nguyên tắc ứng xử của xã hội tiến bộ, bởi vì mọi tồn tại đều có giá trị, đều có những nhu cầu nhất định cần được quan tâm đáp ứng. Như đã đề cập, với một đất nước nhiều loại hình tôn giáo, tổ chức tôn giáo, trong đó có tôn giáo truyền vào từ rất sớm như Phật giáo, Islam giáo, Công giáo; có tôn giáo mới truyền vào như đạo Tin lành, tôn giáo Baha’i, hoặc mới ra đời ở Việt Nam như đạo Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo; có tôn giáo đông tín đồ phạm vi hoạt động rộng khắp như Phật giáo, Công giáo; có tôn giáo ít tín đồ, phạm vi hoạt động nhỏ hẹp như đạo Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Tin lành; có tôn giáo chỉ có một tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, có tôn giáo nhiều tổ chức tồn tại độc lập như đạo Cao Đài, đạo Tin lành; có tôn giáo truyền vào sớm góp phần tạo ra văn hóa truyền thống của người Việt Nam, góp phần bảo vệ độc lập dân tộc như Phật giáo, có tôn giáo truyền vào tạo ra những khác biệt, thậm chí xung đột về văn hóa, lại có sự lợi dụng của các thế lực xâm lược để lại những khoảng cách với dân tộc, những vấn đề trong mối quan hệ với chính quyền như Công giáo, đạo Tin lành.

Trước thực trạng đó, trong ứng xử đặc biệt chú ý đến bình đẳng tôn giáo, tránh việc quan tâm đến tôn giáo này, không quan tâm đến tôn giáo khác. Hiện nay, ở nhiều địa phương thường quan tâm giải quyết theo hướng ưu tiên cho Phật giáo, từ việc cấp đất xây dựng nơi thờ tự đến việc nương nhẹ thậm chí bỏ qua những vi phạm pháp luật của một số chức sắc Phật giáo, trong khi thành kiến hoặc gây khó khăn trong sinh hoạt của một số tôn giáo có vấn đề lịch sử để lại hoặc mới truyền vào. Điều này gây ra sự so bì giữa tôn giáo này với tôn giáo kia, sự băn khoăn về thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, thậm chí có phản ứng từ một số nhóm tôn giáo trước sự ứng xử bất bình đẳng của chính quyền. Khắc phục sự giải quyết theo kiểu “duy tình” nêu trên cần phải có thời gian. Do vậy, cần có quy định cụ thể từng vấn đề liên quan đến tôn giáo trong các quy phạm pháp luật. Trước hết, cần có quy định “hạn điền” trong giải quyết đất đai tôn giáo - một vấn đề lớn đang đặt ra trong việc thực hiện bình đẳng tôn giáo.

2.2. Không can thiệp vào công việc nội bộ các tôn giáo. Không can thiệp vào nội bộ tôn giáo là một trong những nguyên tắc quan trọng của các nhà nước thế tục trong mối quan hệ với tôn giáo (chính giáo phân ly, tự do tôn giáo, bình đẳng tôn giáo, là nguyên tắc: không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo). Ở Việt Nam, trong một thời gian khá dài, chính sách tôn giáo đặt ra và thực hiện nguyên tắc này. Cụ thể, tại Điều 14, Chương IV, Sắc lệnh số 234, ngày 14/6/1955, xác định: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo”. Sau năm 1975, với chủ trương hạn chế thu hẹp các tôn giáo, can thiệp để kiểm soát hoạt động tôn giáo, do vậy Nghị quyết số 297 (1997) không duy trì nguyên tắc: Nhà nước không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo. Bước vào thời kỳ đổi mới, nguyên tắc này được đặt ra khi xây dựng các quy phạm pháp luật về tôn giáo và được nhiều ý kiến ủng hộ.

Tuy nhiên, một mặt do nhận thức còn theo cách nhìn cũ, mặt khác, thời kỳ đầu đổi mới là quá trình công nhận tư cách pháp nhân, bình thường hóa hoạt động về tổ chức của các tôn giáo nên cũng không đưa vào văn bản quy phạm pháp luật nguyên tắc này. Đến nay, gần 30 năm đổi mới về công tác tôn giáo, đa số các tôn giáo đã được công nhận, hoạt động ổn định và tuân thủ pháp luật, mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với nhà nước được thiết lập, quy định pháp luật được ban hành rõ ràng để điều chỉnh hoạt động tôn giáo, mặt khác, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, do vậy nên phục hồi nguyên tắc: không can thiệp vào công việc nội bộ các tôn giáo.  

2.3. Cụ thể hóa chủ trương xác định tôn giáo là nguồn lực xã hội.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Ảnh minh họa)

 

Tôn giáo có khả năng và vai trò rất lớn đối với nhiều mặt của đời sống xã hội. Sau khi tổng kết thực tế và rút kinh nghiêm quốc tế, Chỉ thị số 18 (2018) xác định nguồn lực xã hội của tôn giáo, và tới đây sẽ công khai tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ để mở vấn đề tôn giáo hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo “theo quy định của pháp luật có liên quan”. Do vậy, các văn bản pháp luật có liên quan phải được cụ thể hóa theo tinh thần cởi mở để khai thác nguồn lực xã hội của tôn giáo, nhất là những hoạt động y tế và giáo dục (hai nội dung chính của hoạt động từ thiện xã hội các tôn giáo), tức là các cá nhân và tổ chức tôn giáo với tư cách tổ chức được đứng ra tổ chức hoặc tham gia hoạt động về y tế và giáo dục ở mức độ nào.

Các cá nhân và tổ chức tôn giáo nên được cho phép mở bệnh viện và trung tâm khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Riêng về giáo dục cần có bước đi phù hợp, trước mắt nên chấp thuận các cá nhân, tổ chức tôn giáo được mở trường, lớp mầm non, mẫu giáo, trường đào tạo nghề kể cả bậc đại học (tất nhiên phải theo quy định của pháp luật). Sau một thời gian tổng kết, rút kinh nghiệm có thể để các nhân, tổ chức tôn giáo tham gia giáo dục phổ thông. Không nên băn khoăn khi các tổ chức tôn giáo tổ chức hoạt động y tế, giáo dục, đào tạo là thu hút người theo tôn giáo. Thực ra, trong nhận thức mới, nếu có người theo tôn giáo thì cũng không sao, đó không phải là nỗi bận tâm của xã hội đương đại.       

2.4. Xây dựng cơ chế trong mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước. Từ năm 1990, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định tôn giáo tồn tại lâu dài, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Do đó, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân vừa được tôn trọng, đảm bảo; giá trị đạo đức và văn hóa của các tôn giáo được nhìn nhận và phát huy. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã thay đổi căn bản, quan hệ giữa tôn giáo và pháp luật được tăng cường, các tôn giáo tuân thủ pháp luật, hoạt động ổn định; quan hệ Giáo hội và Nhà nước trở nên hài hòa hơn, hiểu biết hơn và thân thiện hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đổi mới. Để tạo ra mối quan hệ này, công tác tôn giáo, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo phải chú trọng việc đối thoại, lắng nghe trên tinh thần tôn trọng sự thật, chân thành và thẳng thắn để tạo sự đồng thuận. Làm được điều đó sẽ tránh được những hệ quả phiền phức, bởi nếu việc áp dụng pháp luật, xử lý tình huống có liên quan đến tôn giáo không tốt có thể đẩy những vụ việc tôn giáo đơn giản thành phức tạp, tạo thành những điểm nóng tôn giáo và xung đột xã hội.

Tách giáo hội khỏi nhà nước là nguyên tắc của tất cả các nhà nước thế tục nhưng không phải chấm dứt các mối quan hệ với các tôn giáo mà các nhà nước đều thiết lập mối quan hệ với tôn giáo ở những mức độ và các hình thức khác nhau. Từ thực tiễn Việt Nam, cũng như kinh nghiệm quốc tế, đề nghị cho các tôn giáo thành lập Hiệp hội các tôn giáo Việt Nam theo cơ chế liên hiệp một cách lỏng lẻo tạo gạch nối giữa các tôn giáo ở Việt Nam với Nhà nước. Hiệp hội tôn giáo sẽ tạo ra môi trường giao lưu, trao đổi hiểu biết giữa các tôn giáo với nhau, tạo nên sự đồng thuận giữa các tôn giáo. Trong một chừng mực, Hiệp hội là đầu mối phản biện những vấn đề tôn giáo trên các lĩnh vực chính sách và việc thực hiện cụ thể của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tất cả sẽ tạo ra bầu không khí dân chủ, kịp thời sửa chữa, uốn nắn những sai sót, lệch lạc từ phía các tổ chức tôn giáo cũng như tổ chức quản lý tôn giáo của chính quyền các cấp. Trước mắt, qua đầu mối Ban Tôn giáo Chính phủ xây dựng “cơ chế hội nghị” mỗi năm một lần. Mỗi lần tổ chức hội nghị có đại diện các tổ chức tôn giáo, có lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến gặp gỡ, chúc mừng và lắng nghi ý kiến của đại dienj các tôn giáo.

2.5. Cần điều chỉnh những quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề lớn và hệ trọng, tác động sâu sắc đến đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hoá, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của từng địa phương và của cả nước. Do đó, để công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Sau 18 tháng thực hiện, đến nay, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã bộc lộ nhiều tồn tại cần được điều chỉnh cho phù hơp.

+ Về nội dung quản lý: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-TTg của Chính phủ hình thành 105 đầu việc quản lý về tín ngưỡng và tôn giáo (trong khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22 có 57 đầu việc - tăng gần gấp đôi). Có những nội dung hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không nên đặt thành nội dung quản lý qua đầu mối chính quyền, vì Hiến chương (Điều lệ) hay giáo luật các tôn giáo đã quy định cụ thể, mà các tôn giáo thực hiện rất nghiêm túc. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện “hậu kiểm” một cách phù hợp.

+ Về hình thức quản lý: Hiện nay đang duy trì ba hình thức quản lý hoạt động tôn giáo: (1) Thông báo (các các nhân tổ chưc tôn giáo có hoạt động tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo chỉ cần thông báo với chính quyền); (3) Đăng ký có sự chấp thuận (tổ chức tôn giáo đăng ký nội dung hoạt động khi đủ điều kiện nhưng vẫn phải có ý kiến chấp thuận của chính quyền); (3) Xin - cho (tổ chức tôn giáo xin các hoạt động tôn giáo phải được chính quyền cho phép). Quy định pháp luật về hoạt động tôn giáo nên tăng hình thức thông báo so với hình thức đăng ký, xin và cho (được sự chấp thuận).

+ Về đầu mối hay phân cấp quản lý: Hiện nay, quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo gồm 04 cấp theo hành chính, nhưng trên thực tế là 06 cấp vì cấp tỉnh thành 02 đầu mối (Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh), cấp trung ương 02 đầu mối (Chính phủ và Ban Tôn giáo Chính phủ). Thời gian vừa qua, cấp xã tham gia quản lý nhiều nội dung hoạt động tôn giáo, nhưng vì không hiểu về tôn giáo lại theo cơ chế nhiệm kỳ nên thường vi phạm chính sách hoặc gây khó cho tôn giáo. Do vậy, quy định pháp luật về hoạt động tôn giáo nên tăng cường ở cấp huyện trở lên, nhất là cấp tỉnh và cấp trung ương vì các cấp này có đội ngũ làm công tác tôn giáo được đào tạo bài bản mang tính chuyên nghiệp. Cấp xã chủ yếu thực hiện quản lý ở hình thức giám sát các hoạt động tôn giáo qua việc các tổ chức tôn giáo thông báo và phối hợp với các cấp, các ngành trong giải quyết các vấn đề tôn giáo.

Điều chỉnh quy định pháp luật về hoạt động tôn giáo như nói trên vừa phù hợp với thực tế tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, vừa thể hiện với quan điểm đổi mới của Đảng và ý nguyện của nhân dân, nhất là đồng bào tín đồ, chức sắc các tôn giáo; đồng thời vừa tương thích với luật pháp quốc tế - môi trường toàn cầu hóa mà Việt Nam hội nhập. Quy định pháp luật cần chú ý việc hài hòa giữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và sự điều chỉnh của pháp luật và sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Quy định pháp luật về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đảm bảo ba yếu tố: tính dân tộc, tính pháp quyền và tính quốc tế.

2.6. Mở rộng quy định pháp luật về hoạt động truyền giáo. Như đã đề cập, việc xây dựng quy định pháp luật cần chú ý đến nhiều yếu tố từ chức năng tôn giáo, môi trường xã hội. Không nên theo ý chủ quan hình thành những quy định pháp luật theo hướng chặt chẽ để kiểm soát, dẫn đến việc đẩy các hoạt động tôn giáo đến vi phạm pháp luật. Có nhiều hoạt động cần điều chỉnh cho phù hợp, trong đó có hoạt động truyền giáo trong hoàn cảnh mới cần có cái nhìn mới. Trước hết phải hiểu truyền giáo là việc bình thường của các cá nhân tôn giáo và tổ chức tôn giáo, là “thiên chức” của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Điều đó được ghi nhận trong các công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng phải thấy, đa số tôn giáo ở Việt Nam được công nhận - có địa vị pháp lý trong các hoạt động tôn giáo, có hoạt động truyền giáo. Đặc biệt, cần đặt các hoạt động truyền giáo trong sự bùng nổ khoa học công nghệ thông tin, kỹ thuật số, bằng nhiều phương tiện truyền thông, chính thức và không chính thức đưa tôn giáo đến với mọi người.

Cùng với những nhận thức mới như trên, cần có quan điểm lịch sử và cụ thể trong ứng xử với các hoạt động truyền giáo. Trong lịch sử thế giới cũng như ở Việt Nam, có những hoạt động truyền đạo gắn với chiến tranh xâm lược hoặc liên quan đến chính trị. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, việc truyền giáo đang theo một xu thế hòa bình trở thành tất yếu, bình thường trong mọi xã hội. Trên thực tế, việc truyền đạo hiện nay được thông qua các chủ thể với hình thức khác nhau như thông qua tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; hình thức truyền đạo không chỉ tại cơ sở tôn giáo, khuôn viên công cộng mà còn qua các phương tiện thông tin, trang mạng xã hội; việc truyền đạo có thể diễn ra ở mọi nơi từ cơ sở thờ tự, nhà riêng và kể cả là nơi công cộng.

Pháp luật điều chỉnh hoạt động tôn giáo cần có sự “nới mở” cần thiết đối với hoạt động truyền giáo cho phù hợp. Cần phải xác định rõ chủ thể truyền đạo, cách thức truyền đạo, hình thức truyền đạo, phạm vi truyền đạo, khi nào truyền đạo thì phải xin phép, khi nào truyền đạo không cần xin phép,… theo Nghị quyết số 25, ngày 12/3/2003 đã định “vấn đề theo đạo và truyền đạo”. Nếu không quy định rõ thì sẽ đẩy một số hoạt động trở thành “truyền đạo trái phép”.

2.7. Không nên ban hành văn bản xử phạt hành chính riêng liên quan đến hoạt động tôn giáo. Việc xử phạt hành chính hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc ban hành một văn bản riêng cần cân nhắc phù hợp bởi mấy yếu tố như sau: (1) Trên thế giới hầu như không nước nào xử phạt hành chính từ lý do trực tiếp tín ngưỡng, tôn giáo (vì đây là vấn đề nhạy cảm), mà xử lý theo công dân và pháp luật; (2) Trên thực tế, hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật chủ yếu là Phật giáo, nếu phạt thì Phật giáo sẽ phạt nhiều nhất, nếu cùng một hoạt động vi phạm chỉ phạt các tôn giáo khác mà không phạt Phật giáo thì bất bình đẳng, nếu không phạt thì luật pháp bị xem thường; (3) Việc đề nghị xử phạt hành chính chủ yếu đề xuất từ cấp cơ sở chính là để răn đe tôn giáo và cũng là để giải tỏa tâm lý “thua kém” chức sắc tôn giáo của một số cán bộ; (4) Trên thực tế, nếu phạt hành chính bằng tiền thì đó cũng là tiền đóng góp của nhân dân. Điều quan trọng cần lưu ý, theo Hiến pháp năm 2013, quyền công dân chỉ điều chỉnh bằng luật (lập pháp), không bằng văn bản dưới luật - hành pháp. 

Từ phân tích nói trên, trong tình hình hiện nay, quy định pháp luật không đặt ra việc xử phạt hành chính liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Các văn bản pháp luật khác mà tôn giáo có liên quan cần cụ thể hơn việc xử lý các hoạt động vi phạm để xử lý theo hướng “công dân với pháp luật” (năm 2008, Chính phủ đã quyết định không ban hành Nghi quyết sử phạt hành chính đối với hoạt động tôn giáo mặc dù qua hai năm xây dựng dự thảo được các cấp, các ngành đồng ý).

2.8. Giải quyết các hiện tượng tôn giáo mới một cách phù hợp. Số lượng các hiện tượng tôn giáo mới/ đạo lạ ở Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn trước rất nhiều. Hiện tượng tôn giáo mới phát triển nhanh do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc niềm tin của một bộ phận quần chúng bị suy giảm với các tôn giáo truyền thống đương thời, xã hội xảy ra nhiều tiêu cực, tệ nạn chưa được khắc phục, thay đổi đời sống trong quá trình công nghiệp hóa và sự rủi ro của cơ chế kinh tế thị trường cùng với những điều bất hạnh trong cuộc sống. Sự phát triển nhanh của hiện tượng tôn giáo mới còn do việc Việt Nam mở của và hội nhập với thế giới. Nguyên nhân của sự việc còn do sự tác động của chính sách đổi mới với tôn giáo, trong đó có việc chính quyền công nhận tổ chức tôn giáo. Cần thấy rằng, hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện thường xuyên trên thế giới và ở Việt Nam, tất nhiên có thời gian rộ lên, có thời gian lắng xuống, và không phải tất cả chúng sau này đều trở thành tôn giáo.

Sự gia tăng các hiện tượng tôn giáo mới ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội, chủ yếu là những ảnh hưởng tiêu cực. Tiêu cực về văn hóa vì những lý thuyết và hoạt động khác xa với văn hóa truyền thống; tiêu cực về sức khỏe với những hoạt động chữa bệnh bằng những hành vi mê tín dị đoan; tiêu cực về kinh tế vì gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của người dân; tiêu cực về xã hội vì những hoạt động ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Do đó, một số hiện tượng tôn giáo mới được xem như là tà giáo, dị giáo. Một số đạo lạ có những hoạt động chứa đựng nội dung chính trị, tuyên truyền chống phá chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, một số hiện tượng tôn giáo mới cũng đưa đến những tác động tích cực nhất định đối với xã hội, như việc tôn vinh những người có công với cộng đồng dân tộc, thể hiện đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, việc tham gia các hoạt động từ thiện xã hội,v.v…

Hiện tượng tôn giáo mới là một trong những vấn đề lớn trong đời sống tôn giáo và biến đổi tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Giải quyết hiện tượng tôn giáo mới cần đặt trong phạm trù tôn giáo - đời sống tâm linh. Đã có nhiều ý kiến đề nghị đưa vào điều chỉnh trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, hiện tượng tôn giáo mới là vấn đề tôn giáo, tâm linh nên không thể hạn chế và xử lý như tà giáo, mê tín dị đoan. Do vậy, giải quyết hiện tượng tôn giáo mới theo Điều 5 (“Các hành vi bị nghiêm cấm”) của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng trong việc cấp đăng ký hoạt động và pháp nhân tôn giáo cho nhóm này.

2.9. Thực hiện việc giảng dạy về tôn giáo trong hệ thống giáo dục. Tôn giáo là một tồn tại xã hội, một thực thể xã hội với nhiều nét đặc trưng; là khối kiến thức đồ sộ với nhiều thông tin liên quan đến lịch sử, triết học, văn hóa, xã hội,… Đặc biệt, tôn giáo là vấn đề tâm linh chứa đựng yếu tố nhạy cảm. Việt Nam là quốc gia đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo. Do vậy, tạo ra sự hiểu biết về tôn giáo trong xã hội là cần thiết, sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp cho người trong tôn giáo hiểu biết về tôn giáo của mình, người tôn giáo này hiểu biết về tôn giáo khác, người không tôn giáo (theo các loại hình tín ngưỡng) hiểu biết về tôn giáo, cán bộ chính quyền hiểu biết về tôn giáo. Tất cả tạo nên sự hài hòa tôn giáo trong quan hệ ứng xử, góp phần ổn định xã hội. Điều này còn cung cấp kiến thức về tôn giáo để sau này các cán bộ trong hệ thống chính trị hiểu về tôn giáo thực hiện tốt công tác tôn giáo - vì Việt Nam tôn giáo chỉ là thiểu số chiếm ¼ dân số. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện tốt chương trình giảng dạy tôn giáo đối với nhiều đối tượng, nhiều thành phần trong xã hội, điển hình là trường hợp Nga và Indonesia. 

Việc đưa nội dung tôn giáo vào chương trình giảng ở ba cấp độ: phổ thông cơ sở, phổ thông trung học và đại học, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, cần có bước triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm về nội dung, hình thức và tác dụng.

 

2.10. Tổng kết thực tiễn, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó liên quan đến tôn giáo. Thời gian vừa qua, tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam có những vấn đề mới, những vấn đề khó, ở đó có sự khác nhau trong quan điểm làm kéo dài thời gian nhận thức và giải quyết dẫn đến hậu quả, ảnh hưởng xấu. Điển hình là vấn đề truyền đạo và theo đạo Tin lành trong vùng đồng bào Mông ở Tây Bắc, sự phát triển nhanh của đạo Tin lành và ổn định chính trị ở Tây Nguyên, vấn đề công nhận pháp nhân tôn giáo, vấn đề hiện tượng tôn giáo mới, vấn đề lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, vấn đề quan hệ quốc tế các tôn giáo trong điều kiện mở của và hội nhập,… Đồng thời nghiên cứu lý luận và tham khảo quốc tế về chính sách tôn giáo, nhất là những quốc gia có sự tương đồng và có quan hệ tốt với Việt Nam để cung cấp luận cứ khoa học nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách pháp luật của Việt Nam về tôn giáo.

 

PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.20/16-20 )

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết