Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày phát hành: 09/06/2019 Lượt xem 68017

 

Chúng ta đang sống trong thời đại Cách mạng mềm - cuộc cách mạng tri thức, ta thường gọi là cách mạng 4.0. Trong cuộc cách mạng này, tri thức là tư liệu sản xuất chủ yếu trong nền kinh tế, không tách khỏi người lao động. Nó khác căn bản các loại tư liệu sản xuất khác. Đây là cuộc cách mạng năng suất mới nhờ vào sự bùng nổ của Công nghệ thông tin, ở đó vạn vật kết nối, con người, máy móc và sản phẩm tự kết nối thông qua hệ thống Internet, trí tuệ nhân tạo. Nó làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, cách tổ chức sản xuất. Qua quá trình sử dụng, tri thức không bị hao mòn và càng khai thác càng được bồi đắp, càng giàu lên nhất là khi tri thức được quan tâm bồi đắp, được tự do phát triển, được động viên, khuyến khích để tăng sức sáng tạo. Đây là tài sản không phải chỉ của từng người mà là vốn quí, tài sản vô giá của cả quốc gia. Do đó mỗi quốc gia phải có giải pháp để có kế hoạch quản lý tri thức để tri thức thực sự trở thành lực lượng sản xuất quan trọng nhất, động nhất (tạo ra, truyền tải và sử dụng). Cuộc cách mạng này diễn ra hết sức nhanh chóng, mau lẹ, khách quan, không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia giàu hay nghèo vì đây là sản phẩm của khoa học công nghệ có tính mở cao, mang tính tất yếu và không bị tác động bởi bất cứ sự áp đặt nào. Cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tác động mãnh mẽ đến sự phát triển đất nước, đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội và thậm chí đến từng con người, bất kể họ đang sống ở đâu và nhiều khi phương pháp trao đổi thông tin qua kết nối mạng sẽ đưa họ có được cơ hội phát triển, thậm chí cả sự nguy hiểm.

Trên thế giới, hiện nay các tập đoàn kinh tế lớn và những nước tiên tiến phát triển đất nước dựa vào vốn tri thức. Họ đang tập trung đầu tư vào công nghệ thông tin, kinh doanh trực tuyến, thu hút nhân tài, tập trung vào đào tạo, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho kinh tế tri thức. Hiện họ đang có sự dịch chuyển từ đầu tư vào các nước có nguồn nhân công rẻ mạt, tri thức thấp, ô nhiễm môi trường cao về chính đất nước họ nhờ vốn tri thức đã đạt trình độ thay thế các điều kiện trước đây, trong khi một số nước vẫn chấp nhận sự đầu tư do phải giải quyết việc làm cho người lao động mà phải chấp nhận phát triển dựa vào lao động cơ bắp, làm thuê và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy mà đã mất dần tài nguyên nhân lực trẻ, có tri thức bởi số nhân lực này đã đi làm thuê cho các tập đoàn nước ngoài. Việt Nam chúng ta đã có thời gian dài như vậy. Năng suất lao động của Việt Nam đang ở nhóm thấp và đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau xa hơn trong cuộc đua phát triển kinh tế. Nguy cơ tụt hậu vì vậy vẫn còn đe dọa chúng ta bởi chúng ta phát triển thì các nước cũng phát triển, song do cách thức phát triển của chúng ta chưa theo kịp họ và còn khác họ xa.

Ví dụ: Năm 2017 năng suất lao động của 15 người Việt Nam bằng năng suất lao động của một người Singapore thì đến năm 2018 con số này đã nâng lên 23-1.

Nhận biết được xu thế phát triển đất nước phải dựa vào tri thức nên trong các Nghị quyết Đại hội, đặc biệt là từ khóa 9 trở lại đây, Đảng ta đều xác định: phát triển kinh tế phải dựa vào phát triển kinh tế tri thức, phát triển xanh (mục đường lối phát triển kinh tế đã nêu). Để đạt được mục tiêu này, các Nghị quyết đều xác định giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu (Nghị quyết TW2 (8); Nghị quyết 29-NQ/TW (khóa XI). Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới là: Một quốc gia muốn phát triển và tăng trưởng bền vững thì nhất thiết phải có 2 yếu tố: một hệ thống đại học hoàn chỉnh, đẳng cấp quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt mà lực lượng lao động này chủ yếu lại do chính các trường đại học cung cấp. Như vậy, vai trò của các trường đại học rất lớn, có thể nói là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Trong Nghị quyết 29-NQ/TW Trung ương khóa XI chỉ rõ bảy (07) vấn đề trong quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng Mở, thực học, thực nghiệp, Liên thông, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, chuyển từ đào tạo theo số lượng sang chất lượng, thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục đào tạo.

Đồng thời Nghị quyết cũng nêu rất rõ yêu cầu đối với từng cấp học, bậc học và chỉ rõ hướng đánh giá kết quả đào tạo là tập trung đánh giá năng lực toàn diện của học sinh, sinh viên ...Đáng lưu ý là trong các giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW thì giải pháp thứ 4 là phải hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hệ thống giáo dục Mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt trong bậc học mầm non và bậc phổ thông. Ở bậc đào tạo đại học cũng có nhiều đổi mới và đạt được một số thành tựu nổi bật. Một số trường đại học đã vươn lên và được xếp hạng ở khu vực và một số rất ít trường được xếp hạng cấp Quốc tế.

Song, ở bậc đại học, việc đào tạo nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chất lượng đào tạo chưa cao, chưa theo kịp nhu cầu phát triển của đất nước, do vậy chất lượng nguồn lực do nhiều trường đào tạo còn thấp. Nguyên nhân là do hiện nay chưa có lộ trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và chính sách kèm theo, song chính vẫn là do phương pháp đào tạo đại học ở khá nhiều trường vẫn mang tính hàn lâm với “tri thức hàn lâm”, quy trình đào tạo cũng theo “công nghệ hàn lâm”, từ khâu tuyển sinh đến nội dụng, chương trình và phương pháp đào tạo. Do đó, việc đổi mới tư duy trong giáo dục theo hướng giáo dục mở như Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu là rất chậm, là rào cản chính trong việc phát triển hệ thống.

1. Khâu tuyển sinh (mới được đổi mới một số năm gần đây song cơ bản):

- Không xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động; các trường hầu như thiếu tín hiệu từ thị trường về cơ cấu ngành nghề xã hội cần, về số lượng lao động cần tuyển, về trình độ, năng lực người lao động cần có, về triển vọng ngành nghề. Tuyển sinh chủ yếu dựa vào chỉ tiêu Bộ cho phép.

  • Hầu hết các trường ít có mối quan hệ với các cơ sở thực tế như công ty, doanh nghiệp nên không nắm được nhu cầu thực tế.

    Do đó: Cung và cầu không gặp nhau. Nhiều trường đào tạo trên cơ sở cái gì mình có mà không chú ý thực tế cần gì. Do đó tình trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm như vừa qua là tất yếu.

  • Hoạt động hướng nghiệp yếu, việc quy hoạch và phổ biến quy hoạch về nguồn nhân lực của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đào tạo Đại học, Cao đẳng còn bất cập, thiếu dự báo, thiếu kế hoạch (chỉ dừng lại ở việc đến năm nào thì cần có bao nhiêu người tốt nghiệp Đại học/1 vạn dân). Các trường tuyển sinh trên cơ sở chỉ tiêu Bộ Giáo dục – Đào tạo giao, song chỉ tiêu này cũng không được nghiên cứu kỹ từ nhu cầu thực tế, ví dụ: chỉ tiêu cho ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh năm nào cũng cao, trong khi nhu cầu về các ngành nghiên cứu cơ bản lớn, có trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu vì học sinhchỉ thích học các ngành học dễ (lý thuyết nhiều) mà cơ quan quản lý cũng không có biện pháp đề nghị để thu hút học sinh vào học các ngành nghiên cứu cơ bản dẫn đến hiện nay thiếu nhiều nhân lực ở các ngành này. Tỷ lệ tuyển sinh cụ thể như sau:

    Nghiên cứu cơ bản – xã hội nhân văn chỉ có khoảng 5 – 7% học sinh tốt nghiệp PTTH đăng ký dự thi.

    Các ngành công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh có trên 70% số học sinh đăng ký vào học các ngành này.

    Tình trạng mất cân đối trong đào tạo nghề nghiệp, trong mở ngành chưa được khắc phục.

  • Do chế độ tuyển dụng cán bộ: Trọng bằng cấp hơn coi trọng khả năng thực tế.

+ Tâm lý “khoa cử” quá nặng nề: Học để thi, thi đỗ đại học để có bằng cấp tiến thân, để được tuyển vào các cơ quan của Nhà nước nên chọn ngành dễ để học, để dễ được bằng tốt nghiệp đại học. Do đó, các trường coi trọng Dạy chữ hơn Dạy người, coi nhẹ các môn giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, dẫn đến đạo đức của một bộ phận không nhỏ trong xã hội xuống cấp là tất yếu.

- Chưa giải quyết đúng đắn vấn đề: Học để làm gì? Để thi hay để thành người toàn diện, biết làm việc (học để biết, để làm,...). Cả xã hội đang coi trọng bằng cấp, học để lấy bằng, bằng càng cao càng tốt. Xu hướng này chi phối toàn bộ mọi hoạt động của ngành giáo dục từ trước tới nay. Có thể thấy còn có khoảng cách giữa đào tạo của các trường đại học và yêu cầu xã hội.

Hiện đã có một số đổi mới trong công tác tuyển sinh, đánh giá chất lượng..., song chưa thể giải quyết được vấn đề vì vẫn thiếu thông tin từ thị trường.

2. Chương trình đào tạo

Một số trường đang có nhiều đổi mới, theo hướng chương trình đào tạo năng động, tính mở cao..., song nhìn chung:

- Dạy lý thuyết nhiều, nhiều mục trong bài giảng vô bổ, lý thuyết suông, không gắn với thực tế (ngay cả môn Toán, cố PGS.TS Văn Như Cương cũng thấy thừa nhiều nội dung).

- Sau giờ học, sinh viên không hoặc ít đến thư viện đọc sách, giáo viên giảng xong là hoàn thành nhiệm vụ.

- Do quá tải nên không còn thời gian trau dồi kiến thức mới. Tóm lại là học sinh thụ động tiếp thu bài.

- Trường ít có liên hệ, mời giáo viên thực tế về giảng dạy, chương trình giảng dạy khép kín, học sinh không được tiếp cận với thực tế hoặc nếu có cũng rất ít vì thiếu kinh phí.

- Chương trình chưa bám sát quan điểm chỉ đạo: Thực học, thực nghiệp. Do đó, sau khi ra trường cử nhân bỡ ngỡ với thực tiễn.

3. Phương pháp giảng dạy

Nhiều trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy. Song nhiều trường vẫn độc thoại, thuyết trình là chính, phương pháp này đã lỗi thời, sơ cứng làm học sinh thụ động, máy móc, học sinh không có tư duy sáng tạo, không dám đổi mới, không tự tin khi có ý tưởng mới vì phải thuộc bài giảng của thày, nếu không điểm thi sẽ kém.

- Đọc, nhìn (do có trường hiện nay đã sử dụng thiết bị tin học trong giảng dạy, song trò cũng sử dụng máy điện thoại chụp lại bài của thầy), chép vẫn là phổ biến, ít thảo luận nhóm.

- Phương pháp thi cử cũng đã lạc hậu bởi chưa tăng tính đối thoại trong thi cử.

- Nhiều trường cũng đã áp dụng phương pháp dạy nêu vấn đề, thảo luận nhóm... nhưng chưa phải là số đông các trường. Phương pháp giảng dạy trực tuyến, E-learning... chưa được nhiều trường áp dụng.

4. Chất lượng đội ngũ giáo viên

Số thạc sỹ, tiến sỹ trong nhiều trường đã tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thầy dạy lý thuyết là chính, Thầy thiếu kiến thức thực tế. Nhà trường chưa có kế hoạch bố trí hoặc bắt buộc giáo viên phải đi thực thế và giáo viên thì chưa chủ động đi thực tế nghiên cứu khi có thể bố trí được.

5. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, yếu kém

- Nhiều trường thiếu hệ thống thư viện, phòng thí nghiệm, thiếu hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai áp dụng phương pháp đào tạo mới.

- Thiếu lớp học.

-Tình trạng đầu tư dàn trải vẫn còn.

Do đó, bên cạnh những thành tựu do giáo dục - đào tạo mang lại thì sản phẩm đào tạo đại học, cao đẳng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đào tạo còn khép kín trong khi nhu cầu được tiếp cận và dung nạp tri thức của người học ngày càng cao. Tình trạng nghèo tri thức của người lao động hiện nay cũng có nguyên nhân từ cách đào tạo này.

- Thất nghiệp sau tốt nghiệp ở các khối trường kinh tế, quản trị kinh doanh còn cao do năng lực, trình độ không đáp ứng yêu cầu (thiếu năng động, thiếu kỹ năng nghề nghiệp...).

- Nếu được các công ty tuyển dụng thì họ cũng phải đào tạo lại, phí tốn.

- Tốn kém, lãng phí trong đào tạo là rất lớn (từ gia đình đến xã hội).

6. Hệ thống bảng lương dành cho giáo viên còn bất cập

Lương giáo viên nhìn chung thấp (trừ các trường được giao tự chủ). Trình độ đội ngũ chưa cao và hệ thống đãi ngộ thấp cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc sẵn sàng chuyển sang giáo dục Mở và xây dựng tài nguyên giáo dục Mở.

Hệ quả:

Do cạnh tranh trong phát triển kinh tế chính là cạnh tranh trong giáo dục mà giáo dục đào tạo của chúng ta tuy đã cố sức nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trên. Do đó Việt Nam đã tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Vậy phải làm gì trước yêu cầu của cách mạng 4.0 đối với Giáo dục và đào tạo:

Về nguyên tắc: Phải đổi mới toàn diện, triệt để, đồng bộ theo hướng giáo dục mở để khắc phục các khiếm khuyết hiện nay theo Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI năm 2013 vì đây là Nghị quyết đã chứa đựng đầy đủ các nội dung cần làm đối với Giáo dục và đào tạo.

- Các trường cần đào tạo theo hướng linh hoạt, năng động, trường phải có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường bên ngoài.

- Tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc theo phương pháp xây dựng nguồn tài liệu học tập phong phú với đầy đủ các điều kiện cần có để người học có thể truy cập được hệ thống tài liệu này.

Yêu cầu đối với người học phải có các năng lực:

- Năng lực tự học;

- Tư duy sáng tạo, sử dụng công nghệ số;

- Phản biện;

- Giao tiếp;

- Có trách nhiệm công dân;

- Tinh thần hợp tác, sẵn sàng hội nhập;

- Quyết tâm đổi mới, khám phá.

........

Như vậy, yêu cầu đối với sản phẩm đào tạo khác xa so với sản phẩm đào tạo hiện nay. Nó phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong điều kiện cách mạng số: Điều kiện tiên quyết là phải phát triển bằng trí tuệ là chính. Như vậy đòi hỏi họ phải học suốt đời và biết cách học nhằm làm tăng “vốn tri thức” hàng ngày. Kinh tế tri thức phải phát triển dựa trên đổi mới lao động tri thức. Với cách đào tạo hiện nay thì không thể đáp ứng đươc yêu cầu này.

Ai sẽ giúp họ?

Giúp mọi người “Tăng vốn tri thức” là trách nhiệm của các trường đại học thông qua hệ thống giáo dục chính quy, không chính quy (giáo dục thường xuyên) và phi chính quy. Để học liên tục, học suốt đời, học ở bất cứ đâu thì các trường đại học phải có nguồn tài nguyên giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập nêu trên.

Tóm lại, phải xác định rõ những vấn đề còn vướng mắc hiện nay cần giải quyết.

Chúng ta đều thấy rõ xu thế phát triển của các nước trong cách mạng 4.0. Xu thế này kích thích mọi người phải chịu khó học hỏi, ham hiểu biết để hoàn thiện mình. Đảng ta đã nhận biết rõ xu thế đó nên đã có một hệ thống Nghị quyết nêu trên. Nhưng nhìn lại chúng ta chưa làm được nhiều trong thực tế. Nguyên nhân có thể kể đến:

1. Nghị quyết 29-NQ/TW chưa nêu cụ thể lộ trình, kế hoạch, yêu cầu, giải pháp để thực hiện việc chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và thực hiện các mục tiêu đề ra .

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chỉ đạo cụ thể nào để các trường đại học phải chuyển từ đào tạo khép kín sang hệ thống giáo dục mở và xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho việc học tập suốt đời của người lao động. Chính vì vậy “Công nghệ đào tạo hàn lâm” vẫn còn diễn ra. Mới đây tuy đã đẩy mạnh chế độ tự chủ của các trường song trong triển khai còn nhiều lúng túng.

3. Công tác hướng nghiệp còn yếu, quy hoạch về yêu cầu nguồn nhân lực còn có khoảng cách so với thị trường lao động, chưa xuất phát từ nhu cầu thị trường.

4. Bảng lương ngành giáo dục - đào tạo còn bất hợp lý.

5. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn khâu đổi mới thi cử là khâu đột phá hình như chưa trúng vì thi cử là khâu đánh giá chất lượng đầu vào, đầu ra. Còn làm thế nào để có đầu vào, đầu ra tốt phải là nội dung và phương pháp giảng dạy.

6. Mô hình tổ chức quản lý giáo dục - đào tạo còn thể hiện sự bất hợp lý. Hệ thống các trường đại học chất lượng chưa cao. Việc chuyển các trường từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học và cho ra đời nhiều trường đại học đã kéo chất lượng đào tạo đi xuống.

Đề xuất giải pháp:

1. Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch quản lý tri thức tốt, cần tuyên truyền mạnh để chuyển biến nhận thức của xã hội, trước tiên là lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của vốn tri thức trong phát triển đất nước. Song song với kế hoạch này là các chỉ đạo cụ thể lộ trình, các biện pháp, yêu cầu và bắt buộc các trường đại học phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo vì khâu cơ bản nhất trong quản lý tri thức là phải tạo ra tri thức cho người lao động. Vậy chính các trường đại học phải giúp Chính phủ tạo ra tri thức theo hướng giáo dục mở để tất cả người lao động có thể nạp tri thức ở bất cứ đâu, thời gian nào.

2. Cần có đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục – đào tạo, sớm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Đây là loại đầu tư vô hình (cho con người, cho giáo dục, khoa học...) bởi phát triển toàn diện con người đang là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, Chính phủ đang kêu gọi các doanh nghiệp, người lao động phải sáng tạo, phải đổi mới và Chính phủ phải là Chính phủ kiến tạo. Song giải pháp để có điều này còn mờ nhạt. (Thiếu lớp học cho học sinh đang diễn ra, các trường thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, phòng thí nghiệm hiện đại...), giảng dạy và nghiên cứu trong điều kiện thiếu thốn, lạc hậu thì việc nêu yêu cầu phát triển bằng đổi mới, sáng tạo khó thực hiện được. Cần trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong các trường để trường đủ điều kiện truyền tải tư liệu học tập và người học đủ điều kiện truy cập, dung nạp thông tin họ cần.

3. Việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ hàng đầu, là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW là hết sức cấp bách, trước tiên phải đổi mới tư duy về quản lý giáo dục. Việc đổi mới phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể hơn. Đặc biệt, phải tiến hành quy hoạch mạng lưới các trường đại học để các trường kém chất lượng được chuyển đổi, xây dựng hệ thống đại học Việt Nam đẳng cấp quốc tế.

4. Cần tiến hành đào tạo lại đội ngũ một cách căn bản. Nghiên cứu lại cách tập huấn nâng cao trình độ ở một số trường, nghề...như hiện nay. Vì nâng cao trình độ theo cách mở lớp, tập trung người có nhu cầu, lại dạy lý thuyết bằng phương pháp thuyết trình thì khó có hiệu quả.

5. Khuyến khích dân chủ hóa trong giáo dục, bình đẳng với các trường tư trong thực hiện chính sách giáo dục - đào tạo. Hoàn thiện cơ chế tăng tính tự chủ cho các trường để tăng tính năng động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các trường trong đào tạo.

6. Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường cần đẩy mạnh nghiên cứu để có chương trình hướng nghiệp tương đối sát với nhu cầu thị trường (Maketing đào tạo), để chỉ tiêu tuyển sinh giao cho các trường có căn cứ thực tiễn. Đồng thời mở rộng đối tượng phục vụ hướng tới tất cả những ai có nhu cầu học vấn đại học.

7. Đề nghị Đảng, Chính phủ cần cụ thể hóa trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị để tất cả nhân dân Việt Nam phải trở thành công dân học tập. Đây là nền tảng để xây dựng Việt Nam thành xã hội học tập. Nền tảng của phát triển kinh tế tri thức, tiến tới phát triển đất nước dựa vào tri thức như chúng ta mong muốn là sự học, học suốt đời của mọi công dân Việt Nam.

Tóm lại, cần nghiên cứu sớm triển khai rộng mô hình Đại học 4.0: Dạy học 4.0, nghiên cứu 4.0, quản lý 4.0.

 

GS.TS Nguyễn Thị Doan

Nguyên Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam,

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam


 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết