Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Vị trí và vai trò của văn hóa Việt Nam với việc xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh mới

Ngày phát hành: 18/01/2019 Lượt xem 10426

Di tích lịch sử Văn miếu Mao Điền

                                            

  Sức mạnh mềm ( hay quyền lực mềm – soft power) là một khái niệm do giáo sư người Mỹ, Joseph Samuel Nye, Đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên  trong cuốn sách Bound to Lead: The Changing Nature of American Power – (tạm dịch: Ràng buộc để dẫn dắt: Bản chất sức mạnh Mỹ đang thay đổi). Trong cuốn sách này, Joseph Samuel Nye đã đưa ra quan niệm sức mạnh mềm là khả năng đạt được thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia[1]. Đối với một quốc gia, sức mạnh mềm được tạo dựng trên các yếu tố: văn hóa quốc gia; giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó. Trong đó, văn hóa là là cốt lõi của sức mạnh mềm và được coi là yếu tố có vai trò quyết định giá trị quốc gia, chính sách quốc gia, qua đó thể hiện sức mạnh và vị thế quốc gia. Vì vậy, văn hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng trong xây dựng sức mạnh mềm của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam cũng vậy, văn hóa Việt Nam có có vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam. Điều này thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

1.Văn hóa Việt Nam là nền tảng của sức mạnh mềm Việt Nam

Như chúng ta đã rõ, sức mềm của một quốc gia được xây dựng từ sức mạnh văn hóa, sức mạnh về giá trị của quốc gia và sức mạnh trong chính sách của quốc gia. Trong đó, sức mạnh văn hóa là nền tảng, cốt lõi. Bởi lẽ, chính sức mạnh văn hóa mới tạo nên giá trị quốc gia bền vững. Giá trị của quốc gia được tạo dựng nên từ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Cả giá trị vật chất, cả giá trị tinh thần, xét đến cùng đều thuộc giá trị văn hóa. Đằng sau các giá trị vật chất cũng là các giá trị tinh thần của nền văn hóa ấy. Cũng chính văn hóa mới tạo nên giá trị trong chính sách quốc gia chứ không phải sức mạnh cứng như kinh tế, quân sự... Văn hóa không chỉ tạo nên giá trị trong chính sách của quốc gia mà còn tạo ra sức mạnh của chính sách quốc gia. Bản chất của sức mạnh mềm là thuyết phục, cảm hóa, hấp dẫn, lôi cuốn thay vì ép buộc, cưỡng bức. Do vậy, sự thuyết phục, cảm hóa, hấp dẫn, lôi cuốn bằng văn hóa là sự thuyết phục, cảm hóa, hấp dẫn, lôi cuốn bền chặt nhất. Trong điều kiện công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế có sự gia tăng giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc thì việc khẳng định sức mạnh, vị thế của một quốc gia, dân tộc bằng và thông qua sức mạnh mềm càng được đặt ra quan trọng. Văn hóa, trên thực tế đã trở thành nhân tố then chốt trong số những nhân tố tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia. Đặc biệt, trong thời đại thông tin toàn cầu như ngày nay, với các công cụ internet, mạng truyền thông.. thì vai trò nền tảng của văn hóa trong xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia càng rõ nét. Việt Nam là đất nước đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quân sự không phải mạnh so với nhiều quốc gia dân tộc, nhưng chúng ta có lợi thế về văn hóa. Chính các giá trị văn hóa Việt Nam như truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết, khoan dung, vị tha của văn hóa và con người Việt Nam đã, đang và sẽ còn là sức hấp dẫn đối với các dân tộc khác. Lịch sử đã chứng minh tinh thần hòa hiếu, lấy nhân nghĩa làm trọng, yêu hòa bình, cần cù chịu khó, yêu lao động, tự lực, tự cường của người Việt Nam đã trở thành sức mạnh văn hóa trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Đây là một trong những nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong điều kiện công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế thì những giá trị văn hóa Việt Nam như tinh thần hòa hiếu, lấy nhân nghĩa làm trọng, yêu hòa bình, cần cù chịu khó, yêu lao động, tự lực, tự cường đang trở thành những giá trị chung của nhân loại. Nói khác đi, những giá trị văn hóa Việt Nam có điểm tương đồng với các giá trị văn hóa của nhân loại. Vì có điểm tương đồng như vậy, nên văn hóa Việt Nam đang có sức hấp dẫn, lôi cuốn, cảm hóa nhiều dân tộc trên thế giới. Đó là sức mạnh mềm Việt Nam và sức mạnh mềm này được tạo dựng cơ bản từ các giá trị văn hóa Việt Nam.

2. Văn hóa Việt Nam tạo nên chất liệu cho sự hấp dẫn các dân tộc khác để tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam

Sự hấp dẫn của một nền văn hóa có thể bằng nhiều phương thức. Trước hết đó là sự hấp dẫn của các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Mặc dù, nằm trong vùng khí hậu, nhiệt đới, gió mùa, lắm bão, lũ, nhiều mưa rông, thời tiết cũng khắc nghiệt, nhưng Việt Nam là  đất nước  có nhiều phong cảnh và danh thắng tự nhiên hấp dẫn lòng người, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên hàng đầu của nhân loại như bãi đá cổ Sapa; Vịnh Hạ Long; động Phong Nha - Kẻ Bàng,  nhiều bãi biển đẹp như Non Nước, Lăng Cô, Nha Trang..; hệ thống sông, rạch, miệt vườn Nam Bộ độc đáo; có nhiều đảo đẹp như Cát bà, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc; những trảng cát trải dài ở Bình Thuận; v.v.. Chúng ta còn có một số di sản văn hóa vật thể như kiến trúc cố đô Huế, Tháp Chàm, di tích thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng Thành Thăng Long; .v.v.. Tất cả những di sản văn hóa vật thể này là chất liệu quý giá để làm nên hình ảnh đẹp về một Việt Nam với những vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vỹ, khác thường, chứa đựng nhiều sức lôi cuốn, hấp dẫn khách du lịch, tạo điều kiện để vừa tạo nên sức hấp dẫn văn hóa vật thể, vừa tạo nên sức hấp dẫn về giá trị của quốc gia và sức hấp dẫn trong chính sách của quốc gia. Nếu chúng ta biết khai thác, phát huy những giá trị văn hóa vật thể này thì sức mạnh văn hóa, sức mạnh của quốc gia, sức mạnh trong chính sách quốc gia sẽ được tăng cường, củng cố. Bởi lẽ, tự thân các giá trị văn hóa vật thể chỉ tạo ra khả năng lôi cuốn tiềm ẩn, tiềm tàng. Khả năng lôi cuốn, hấp dẫn, thu hút lòng người chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta biết phát huy, biết quảng bá, biết ra được những chính sách phù hợp. 

Các giá trị văn hóa tinh thần như bản thân nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, như nhã nhạc cung đình, không gian văn hóa cồng chiêng, rối nước, quan họ,v.v.. Đặc biệt những giá trị văn hóa tinh thần như lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc; lòng nhân ái, khoan dung, hiếu học, khát vọng hòa bình, yêu hòa bình; cần cù, lạc quan, khiêm tốn, giản dị, trung thực; tinh thần dũng cảm, bất khuất đã ăn sâu vào máu thịt con người Việt Nam qua các thế hệ và tạo nên sức mạnh Việt Nam  suốt qua nhiều thế kỷ. Cùng với các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống ấy là phẩm chất của con người Việt Nam yêu hòa bình, vị tha, khoan dung, đễ hòa nhập,v.v.. luôn là sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút mạnh mẽ sự cảm thông, chia sẻ, sự hợp tác,v.v.. của các dân tộc khác.

Văn hóa Việt Nam còn hấp dẫn, lôi cuốn các dân tộc khác bởi với văn hóa ẩm thực độc đáo, gắn liền với sản vật nông nghiệp nhiệt đới, gắn với văn hóa môi trường, thanh lịch, có hương vị và màu sắc riêng, có lợi cho sức khỏe, khác với văn hóa ẩm thực phương Đông và văn hóa ẩm thực phương Tây như món phở, nem rán cua bể, bún thang, bánh cuốn, bánh xèo Huế,…cây, cỏ nhiệt đới Việt Nam có nhiều nhiều vị thuốc nam rất quý có tác dụng chữa bệnh, bồi dưỡng cơ thể. Trên cơ sở ấy, người Việt Nam đã tạo ra những vị thuốc nam, đông y mang thương hiệu và nét riêng Việt Nam. Đây cũng là một sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu phục du khách nước ngoài. Nếu chúng ta phát huy được văn hóa ẩm thực và văn hóa đông y, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần phát huy được sức mạnh văn hóa này trong tăng thêm sức mạnh mềm Việt Nam.

        3.Văn hóa Việt Nam là phương thức thực hiện sức mạnh mềm Việt Nam

Bằng văn hóa, thông qua văn hóa thì việc thu phục, hấp dẫn, lôi cuốn, người khác, dân tộc khác mới hiệu quả và bền vững. Bởi lẽ, bằng văn hóa, thông qua văn hóa mới làm cho người khác, dân tộc khác cảm phục, quý mến. Từ cảm phục, quý mến họ mới tìm hiểu, trên cơ sở của sự hiểu biết về văn hóa của chúng ta kết hợp với sự cảm phục, quý mến ấy  họ mới tiếp nhận, cảm nhận nó, thưởng thức nó và dần dần mới chuyển hóa sự cảm nhận đó, hiểu biết đó thành văn hóa của chính họ. Khi ấy văn hóa đã thực hiện thành công chức năng cảm hóa, thu phục, lôi cuốn người khác, dân tộc khác. Nền  văn hóa Việt Nam của chúng ta vốn có được những giá trị tương đồng với các giá trị văn hóa nhân loại. Cho nên văn hóa Việt Nam càng có cơ sở, điều kiện để thực hiện chức năng cảm hóa, thu phục, lôi cuốn người khác, dân tộc khác. Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế thì cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa giữ vai trò quan trọng trong thực hiện sức mạnh mềm Việt Nam. Tất nhiên, giữa ngoại giáo chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa có mối liên hệ tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Hơn nữa, trong ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế cũng bao gồm những khía cạnh của ngoại giao văn hóa. Ngược lại, ngoại giao văn hóa cũng ham chứa, thể hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Đó văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[2]. Khi chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng sự bình đẳng và cùng có lợi của các quốc gia, dân tộc thì chúng ta đã thể hiện sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Việt Nam tôn trọng các nền văn hóa khác, tôn trọng các dân tộc khác, coi trọng sự bình đẳng cùng có lợi với các dân tộc khác và trong đối ngoại chúng ta là là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Phương châm này thể hiện đầy đủ giá trị văn hóa Việt Nam, sức mạnh mềm Việt Nam trong chinh sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong điều kiện công nghiệp hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, muốn cảm phục, thu hút, lôi cuốn người khác, dân tộc khác, trước hết chúng ta phải tôn trọng họ, tôn trọng sự bình đẳng cùng có lợi. Trong quan hệ hợp tác chính trị chúng ta thể hiện rõ là bạn bè chứ không phải kẻ thù. Trong hợp tác kinh tế chúng ta thể hiện là đối tác làm ăn tin cậy, không phải đối tượng của họ. Trong quan hệ quốc tế chúng ta thể hiện là thành viên có trách nhiệm. Với tinh thần là bạn, là đối tác làm ăn, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế đã thể hiện được sức mạnh trong văn hóa, sức mạnh của quốc gia và sức mạnh trong chính sách quốc gia. Đó chính là sức mạnh mềm Việt Nam. Cũng giống như tri thức, văn hóa không có tính độc quyền mà có tính lan tỏa và tính cộng hưởng. Văn hóa càng được truyền bá, sử dụng và đi theo thì giá trị của văn hóa càng tăng lên chứ không "hao mòn" đi như các loại hàng hóa hữu hình khác. Do vậy, chúng ta phải đẩy mạnh ngoại giao văn hóa. Đây là một phương thức quan trọng để hình thành, thực hiện sức mạnh văn hóa Việt Nam trong sức mạnh mềm Việt Nam.

 

4.Văn hóa Việt Nam đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung cho sức mạnh cứng của Việt Nam

Chúng ta đều rõ, trong mối quan hệ tương quan với sức mạnh cứng thì sức mạnh mềm đóng vai trò bổ sung, hỗ trợ, thâm chí đôi khi còn thay thế cho sức mạnh cứng. Đặc trưng của sức mạnh cứng là mang tính đột phá tức thì bằng sức mạnh kinh tế, quân sự,v.v.. Trong khi ấy, sức mạnh mềm lại lại mang đặc trưng lôi cuốn, hấp dẫn, thu phục, cảm hóa dựa trên tính đồng thuận giữa các bên. Trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các quốc gia đều có cơ hội thể hiện mình, đều có quyền lựa chọn con đường phát triển của mình thì sức mạnh mềm càng đóng vai trò quan trọng. Cùng với thời gian, sức mạnh cứng của một quốc gia có thể suy giảm tương đối nhưng sức mạnh mềm của nó vẫn có thể được duy trì lâu dài. Văn hóa không tồn tại trừu tượng, đâu đó, khó nắm bắt. Trái lại, văn hóa tồn tại qua giá trị văn hóa vật thể, giá trị văn hóa phi vật thể và qua chính con người của quốc gia, dân tộc đó. Sức lan tỏa của văn hóa với tư cách là sức mạnh mềm được thông qua các giá trị văn hóa vật thể, giá trị văn hóa tinh thần và chính con người của quốc gia, dân tộc này. Sức lan tỏa này phụ thuộc vào mức độ văn minh của các giá trị văn hóa và phẩm chất, nhân cách của con người - sản phẩm và chủ thể đại diện cho nền văn hóa ấy. Nếu sự tương đồng của các giá trị văn hóa và phẩm chất con người - sản phẩm và chủ thể đại diện cho nền văn hóa ấy với các giá trị văn hóa của các dân tộc khác càng cao thì sự lan tỏa của văn hóa với tư cách sức mạnh mềm càng mạnh, càng rộng và càng sâu. Tất nhiên, sức lan tỏa của sức mạnh văn hóa này không chỉ phụ thuộc vào phương tiện mà quan trọng hơn là các giá trị nhân văn, sự văn minh, trí tuệ, vị tha của nền văn hóa ấy. Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập như hiện nay, mỗi quốc gia, dân tộc đều có cơ hội để truyền bá, quảng cáo văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, cơ hội này cũng bao gồm cả thách thức, những vấn đề về  nguy cơ bị “đồng hóa”, bị hấp dẫn bởi các nền văn hóa khác. Trước bối cảnh ấy, các quốc gia, dân tộc ganh đua nhau quảng bá văn hóa của mình. Từ đó xuất hiện tình trạng “nhiễu văn hóa”. Chính vì vậy, Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa[3].

5. Văn hóa Việt Nam là cái nôi để xây dựng con người Việt Nam - chủ thể quyết định của sức mạnh mềm Việt Nam

Chúng ta đều rõ, con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời con người còn là đối tượng tiếp nhận, hưởng thụ những sản phẩm văn hóa và là sự kết tinh của văn hóa. Nói khác đi, con người sáng tạo ra văn hóa nhưng đồng thời quá trình đó cũng là quá trình văn hóa hóa con người. Văn hóa điều chỉnh ý thức, nhận thức, lý trí, tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ, lẽ sống, lối sống, hành vi, hoạt động của con người. Xuất phát từ những yêu cầu của xã hội, văn hóa thực hiện chức năng điều chỉnh, hoàn thiện con người, làm cho con người ngày càng văn hóa hơn. Văn hóa Việt Nam có vai trò bồi dưỡng những tư tưởng đúng đắn, tình cảm trong sáng, cao đẹp cho con người Việt Nam, loại bỏ những quan niệm sai lầm, cũ kỹ, lạc hậu, bảo thủ, những nhu cầu, ham muốn thấp hèn tồn tại trong mỗi người. Văn hóa Việt Nam góp phần nâng cao hiểu biết, hoàn thiện nhận thức của mỗi người Việt Nam trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, nghiệp vụ chuyên môn, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật,v.v.. Văn hóa Việt Nam bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, lối sống lành mạnh, tiên tiến, hướng con người Việt Nam vươn tới những giá trị Chân - Thiện -  Mỹ để không ngừng hoàn thiện bản  thân. Nhận thức sâu sắc vai trò của nhân tố con người – chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hoá, chủ thể của sức mạnh mềm Việt Nam, Đảng ta đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho văn hoá Việt Nam là xây dựng, phát triển con người Việt Nam mới. Đảng đã đề ra chủ trương gắn chiến lược phát triển văn hoá với thực hiện chiến lược phát triển con người: “Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người. Đây là khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta”[4]. Đồng thời, chúng ta cần thực hiện mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra: “Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự  cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[5] . Trên cơ sở đó, chúng ta chăm lo xây dựng con người Việt nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, có thế giới quan khoa học, hướng tới Chân – Thiện – Mỹ; nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ; đề cao trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia dình và xã hội; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn[6]; v.v.. Như vậy, chính văn hóa Việt Nam là cái nôi để xây dựng con người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu chủ thể tích cực của sức mạnh mềm Việt Nam. Không có con người Việt Nam dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam với những phẩm chất toàn diện như trên thì không thể có chủ thể tích cực của sức mạnh mềm Việt Nam. Sức mạnh mềm Việt Nam không tự nhiên mà có, đó là kết quả, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và các thế hệ với mỗi người Việt Nam chân chính. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là quan trọng, sự quản lý nhà nước là không thể thiếu, nhưng mỗi người Việt Nam là một chủ thể tích cực của sức mạnh mềm Việt Nam. Thông qua mỗi con người Việt Nam mà những giá trị văn hóa Việt Nam được củng cố, bồi đắp, phát triển. Hơn nữa, chính mỗi người Việt Nam sẽ là một nhân tố văn hóa quan trọng trong giao lưu, quảng bá văn hóa, trong thể hiện sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Thông qua tình cảm, niềm tin, ý chí, nghị lực, hành vi văn hóa mà mỗi người góp phần vào thu phục, cảm hóa, hấp dẫn, lôi cuốn các dân tộc khác tìm hiểu, cảm nhận, chia sẻ và sử dụng theo giá trị văn hóa Việt Nam.

6. Văn hóa Việt Nam góp phần tạo ra thế cho sức mạnh mềm Việt Nam

Chúng ta đều rõ, sức mạnh mềm chỉ có thể bổ sung, hỗ trợ sức mạnh cứng chứ không thể thay thế hoàn toàn, vĩnh viễn sức mạnh cứng. Hơn nữa, để sức mạnh mềm phát huy ưu thế phải có thời gian và dựa trên cơ sở hậu thuẫn, hỗ trợ bằng sức mạnh cứng. Sức mạnh cứng tạo ra lực, tuy sức mạnh mềm không tạo ra lực nhưng nó có thể tạo ra thế cho sức mạnh mềm, cho sức mạnh của một quốc gia. Chẳng hạn, trong các cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc, sức mạnh cứng của chúng ta rất hạn chế, nhưng sức mạnh mềm của chúng ta lại tạo ra thế rất mạnh. Đó là thế chính nghĩa, tính chính đáng của cuộc kháng chiến của chúng ta; đó còn là tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần dũng cảm, trí tuệ sáng tạo,…trong chiến tranh,v.v.. Trên cơ sở chính nghĩa, tính chính đáng của cuộc đấu tranh, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần dũng cảm, trí tuệ sáng tạo,v.v.. mà nhân dân ta tranh thủ được sự cảm thông, chia sẻ, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới và tập hợp, phát huy được sức mạnh trong nhân dân để tạo nên sức mạnh vĩ đại của dân tộc. Nhờ vậy mà mặc dù, sức mạnh cứng của chúng ta còn nhiều hạn chế so với sức mạnh cứng của giặc ngoại xâm nhưng chúng ta vẫn phát huy được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc tế để chiến thắng những kẻ thù mạnh về quân sự, kinh tế. Trong điều công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi tiềm lực kinh tế, khoa học – công nghệ của chúng ta còn khiêm tốn thì chúng ta khó mà dùng sức mạnh cứng để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngay được, cũng như thu phục, lôi cuốn các nước khác mà cần phát huy sức mạnh mềm để tạo ra thế mới cho sự phát triển. Đó là phát huy lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc; lòng nhân ái, khoan dung, hiếu học, khát vọng hòa bình, yêu hòa bình; cần cù, lạc quan, khiêm tốn, giản dị, trung thực; tinh thần dũng cảm, bất khuất trong giá trị văn hóa dân tộc. Nếu chúng ta phát huy được những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống này thì có nghĩa là chúng ta đã tạo ra một thế mới cho nước ta có cơ hội, điều kiện phát triển. Đây cũng chính là phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam để tạo ra thế mới cho chúng ta phát triển trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sức mạnh mềm của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng. Cái để tạo nên sức mạnh mềm của mỗi quốc gia là sức mạnh văn hóa quốc gia; giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó. Trong đó, văn hóa là là cốt lõi của sức mạnh mềm. Văn hóa Việt Nam có vai trò, vị trí rất quan trong trong xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam. Điều này thể hiện ở chỗ: Văn hóa Việt Nam là nền tảng của sức mạnh mềm Việt Nam; Tạo nên chất liệu cho sự hấp dẫn các dân tộc khác; là phương thức thực hiện sức mạnh mềm Việt Nam; đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung cho sức mạnh cứng của Việt Nam; là cái nôi để xây dựng con người Việt Nam - chủ thể quyết định của sức mạnh mềm Việt Nam; góp phần tạo ra thế cho sức mạnh mềm Việt Nam. Những vai trò này được phát huy đến đâu, phát huy như thế nào đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương chín khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững. Đồng thời thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, làm cho “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh[7]””.

 

GS,TS Trần Văn Phòng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh

 

 

 



[1] Joseph Samuel Nye: Bound to Lead: The Changing Nature of American Power, Basic books, NewYork, Reprint edition, 1991, p.154.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Văn phòng Trung ương Đảng; H;  tr.153.

[3] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Văn phòng Trung ương Đảng;  H; tr: 127-131.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr.11.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội; tr.114.

[6]  Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2014). Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội; tr.49-50.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Văn phòng Trung ương Đảng;  H; tr:126.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết