Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”: Tầm nhìn chiến lược, dự báo chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày phát hành: 17/12/2022 Lượt xem 1049

Bác Hồ thăm bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam. Ảnh tư liệu

 

Với tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự thiên tài cùng với những dự báo chính xác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta, đặc biệt là lực lượng phòng không-không quân, đánh bại âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972.

 Từ tầm nhìn chiến lược
Yếu tố quan trọng và quyết định lập nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" là do Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược trong chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng không-không quân vững mạnh. Đây chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò quyết địch đánh bại cuộc tập kích đường không của địch tháng 12/1972.


Ngay từ khi đất nước ta mới giành được độc lập năm 1945 và tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo từng bước xây dựng lực lượng phòng không-không quân trở thành lực lượng tác chiến chủ yếu với không quân địch. Theo đó, ngày 1/4/1953, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 - đơn vị tiền thân của Quân chủng Phòng không-Không quân được thành lập, đánh dấu một bước trưởng thành của quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại. Gần một năm sau đó, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 lần đầu tiên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay các loại của địch, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu".
Sau thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp, quân, dân ta lại đương đầu với quân xâm lược Mỹ - một đội quân xâm lược nhà nghề, có lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới. Do đó, ngay khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng và Bác Hồ đã rất chú trọng xây dựng và phát triển lực lượng phòng không-không quân. Từ một trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên, đến năm 1965, các binh chủng pháo phòng không, ra đa, không quân, tên lửa đã lần lượt ra đời.


Như vậy, cùng với lực lượng pháo cao xạ, ra đa, sự ra đời của lực lượng không quân, tên lửa đã làm cho hệ thống hỏa lực phòng không có sự thay đổi về chất tạo ra sự đột biến, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội phòng không-không quân. Các trận đánh của bộ đội phòng không-không quân đã nhanh chóng chuyển từ cách đánh độc lập của súng, pháo cao xạ, tiến lên đánh tập trung hiệp đồng quy mô lớn của các binh chủng không quân, tên lửa, cao xạ, ra đa. Cũng trong thời gian đó, Đảng ta, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng chú trọng xây dựng lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp trên các địa bàn trọng điểm tạo thành thế trận phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, liên hoàn, vững chắc.


 Đến những dự báo chính xác
Những năm 1960, trước âm mưu phá hoại miền Bắc ngày càng lộ rõ của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân ta tích cực củng cố lực lượng quốc phòng, ra sức chuẩn bị tiềm lực về mọi mặt, đồng thời nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi hoạt động khiêu khích và phá hoại của Mỹ. Đầu năm 1964, đến thăm bộ đội phòng không, Người căn dặn: “Các chú phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Phải quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta”. (1)


Nhờ dự báo sớm của Người về chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, quân, dân ta đã chủ động chuẩn bị, chủ động phòng ngừa. Vì thế, ngay trận đầu tiên đọ sức với không quân Mỹ trên vùng trời miền Bắc (ngày 5/8/1964), quân dân ta đã giành thắng lợi vang dội, bắn rơi 8 máy bay địch và bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống nhiều giặc lái.


Ngay sau trận chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Chớ vì thắng lợi mà tự mãn, chủ quan kinh địch. Chúng ta phải biết rằng, đế quốc Mỹ và tay sai chết thì chết, nết không chừa. Chúng còn nhiều âm mưu hung ác” (2). Thực tế lịch sử đã chứng minh, nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất chính xác. Từ năm 1965, đồng thời với việc đưa quân Mỹ và đồng minh ồ ạt vào miền Nam, Mỹ cho không quân leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, bắt đầu sử dụng máy bay chiến lược B-52 trên chiến trường Việt Nam.


Ngày 19/7/1965, Bác đến thăm đơn vị súng máy tự hành thuộc Trung đoàn Pháo PK 234 tại Sân bay Bạch Mai trước ngày lên đường chiến đấu bảo vệ các đơn vị tên lửa phòng không lần đầu xuất trận. Tại đây Người nói: “dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. (3)


Cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài (lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách phòng không-không quân), Người đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. (4)


 Và chỉ đạo sớm nghiên cứu về máy bay B-52
Trên cơ sở dự báo sớm và chính xác về chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta sớm xây dựng lực lượng, niềm tin và ý chí quyết thắng cho toàn dân, toàn quân. Đặc biệt đối với bộ đội phòng quân-không quân, Người quan tâm, chăm lo giáo dục, động viên, đồng thời đặt ra quyết tâm cao cho lực lượng này. Người chỉ thị bộ đội tên lửa và pháo cao xạ phải tích cực huấn luyện chiến thuật, làm chủ vũ khí, khí tài, bắn rơi máy bay địch ngay từ loạt đầu tiên.


Từ dự báo đế quốc Mỹ sẽ dùng máy bay chiến lược B-52 đánh phá miền Bắc, ngay từ năm 1962, Người đã nhắc nhở bộ đội phòng không phải sớm nghiên cứu về loại máy bay này. Với quan điểm muốn thắng địch thì phải hiểu địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chỉ thị cho bộ đội tên lửa: “muốn bắt cọp phải vào tận hang”. Tháng 8/1966, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Người, Quân chủng đã bí mật đưa lực lượng tên lửa và ra đa vào chiến trường Vĩnh Linh, trực tiếp tìm hiểu tính năng, nghiên cứu quy luật hoạt động, cách đánh phá của B-52, từ đó tìm ra cách đánh B-52 thích hợp.


Trên tuyến đầu Vĩnh Linh, ngày 17/9/1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng máy bay B-52, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 238) đã đánh liên tiếp hai trận, tiêu diệt 2 máy bay B-52. Đây là chiến công lớn và đặc biệt quan trọng, khẳng định tên lửa của ta có thể quật ngã “Siêu pháo đài bay”, thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đúng như dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 18/12/1972, Mỹ đã dùng B-52 để không kích Hà Nội. Nichxơn và giới quân sự Mỹ đã quá ảo tưởng về sức mạnh của pháo đài bay B-52 “bất khả chiến bại” mà không hề biết rằng Thăng Long địa linh - Hà Nội kiên cường và bất khất, là nơi đã chôn vùi biết bao mộng tưởng ngoại xâm. Và Mỹ cũng không phải là một ngoại lệ. Trong 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không ấy, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52, hàng chục giặc lái bị bắt.


Nhận định về Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", đồng chí Lê Đức Thọ từng nói: không có chiến thắng B-52 của các đồng chí (chiến sĩ phòng không-không quân) trên bầu trời Hà Nội, làm gì có thắng lợi ở Hội nghị Paris. Chính chiến thắng đó đã buộc Mỹ ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.


Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã qua đời - trước Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" hơn 3 năm, nhưng tầm nhìn chiến lược và những dự báo chính xác của Người đã góp phần quan trọng, to lớn làm nên chiến thắng vẻ vang này. Điều đó càng khẳng định vai trò quyết định của Người trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam./.


Minh Duyên (TTXVN)

 

(1): Hồ Chủ tịch với bộ đội Phòng không-Không quân, xuất bản 1975, tr.15
(2): Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, 2002, Hà Nội, tr.492.
(3): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 11, tr.476
(4): Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, 2002, Hà Nội, tr.506,507

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết